Sáng ngày 16/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Hội thảo khoa học “ Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn – Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị”.
Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam, với gần 400 năm tồn tại (1558-1945), các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã để lại cho dân tộc những di sản văn hỏa vô cùng phong phú và mang giá trị đặc biệt. Huế là thủ phủ của các chúa Nguyễn và là kinh đô của vương triều Nguyễn nên đã thừa hưởng được nhiều di sản văn hóa quan trọng. Trong những năm qua, cùng với sự đổi mới và phát triển của đất nước, sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn đã đạt được nhiều thành quả to lớn, góp phần quan trọng xây dựng cố đô Huế trở thành một trung tâm văn hóa du lịch của đất nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Hội thảo “Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn - Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy” được tổ chức là hoạt động nhằm mục đích tổng kết quá trình nghiên cứu, đánh giá về các di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn trên các phương diện: Giá trị di sản, quá trình nghiên cứu, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, từ đó xây dựng một chiến lược toàn diện về bảo tồn bền vững, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa do triều Nguyễn để lại.
Hội thảo đã lựa chọn 55 bài tham luận trong số 70 bài của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý trong và ngoài nước. Các tham luận đều là những bài viết công phu, thể hiện tâm huyết và tri thức sâu rộng của các tác giả trên nhiều lĩnh vực. Các bài tham luận được chia làm ba nội dung chính: Triều Nguyễn với các di sản văn hóa cung đình; Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa cung đình tại Cố đô huế; Một số định hướng chiến luộc cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của cố đô Huế.
Phát biểu tại Hội thảo, chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh: Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa - nghệ thuật tầm quốc gia và quốc tế năm 2016 của Thừa Thiên Huế, Hội thảo diễn ra trong thời điểm chúng ta đang rất vui mừng và tự hào về cố đô Huế vừa trở thành nơi hội tụ của 5 di sản với 3 loại hình khác nhau là: Di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu. Do vậy, việc tổ chức Hội thảo lần này sẽ giúp các nhà quản lý và chuyên môn có cơ hội nhìn nhận, đánh giá về những vấn đề liên quan đến công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn trong những thập niên gần đây. Qua Hội thảo, sẽ giúp cho chính quyền, các ban ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế mà trực tiếp là đơn vị quản lý nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ các giá trị của di sản, làm cơ sở cho việc xây dựng, banh hành các chính sách, chiến lược mới để bảo tồn, gìn giữ và phát huy tài nguyên văn hóa phong phú và độc đáo của cố đô Huế.
Đồng thời, chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý và tất cả quý vị đại biểu với tâm huyết của mình về các di sản của vùng đất cố đô Huế sẽ đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhàm bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, giúp Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam.
PA