Tuy biết rõ tình trạng của Bảo Phúc nhưng tin anh từ trần vẫn khiến bạn bè, anh em văn nghệ bàng hoàng. Anh ra đi khi tài năng đang ở độ chín muồi, nhiều dự án âm nhạc còn dang dở... Riêng với người viết bài, vẫn nợ anh một lần đến thăm nhà, vì chúng tôi chỉ ở cách nhau khoảng trăm mét, trong con hẻm Bùi Đình Túy (Bình Thạnh, TP.HCM). Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn giáp mặt khi chạy xe trong hẻm, chỉ kịp giơ tay lên chào hỏi. Một tối dịp Tết Kỷ Sửu vừa rồi, anh gọi điện rủ tôi đến nhà chơi, bởi có một số ca sĩ đang đến thăm. Bận việc, tôi khất anh dịp khác... Khi được hung tin, đang đi công tác, tôi tức tốc chạy xe máy vượt quãng đường 100 cây số, đến nhà anh thì người con rể cho biết anh đã được chuyển thẳng từ bệnh viện về chùa Vĩnh Nghiêm...
Tôi quen Bảo Phúc đã hơn mười năm, khi đoàn làm phim Những nẻo đường phù sa ra mắt ở NVH Thanh niên (TP.HCM) mà anh là người viết ca khúc chính. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe và thực sự bái phục giọng hát của “ca sĩ” Bảo Phúc... Bắt chuyện, hóa ra chúng tôi sinh cùng tháng, cùng năm (nhạc sĩ Bảo Phúc sinh ngày 30.10.1958) nên dễ thân thiết. Phúc mời tôi đến dự những đêm nhạc Flamenco ở Cà phê Bụi rồi sau đó là những chuyến phiêu du trên sông nước Cửu Long. Có lần chiếc ghe chở chúng tôi bị rác quấn chặt chân vịt, hết nhúc nhích nổi, tài công phải bỏ lái nhảy xuống sông gỡ rác. Bảo Phúc nhảy vào cầm lái. Khi người tài công gỡ rác xong, vừa bơi ra xa thì Bảo Phúc nhấn ga và chiếc ghe... bay một cú mười mét! Cả chục người trên ghe, mặt xanh như tàu lá, may mà ghe hạ cánh an toàn. Bảo Phúc thì cười hăng hắc...
Linh cữu nhạc sĩ Bảo Phúc quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ viếng bắt đầu lúc 9 giờ ngày 1.6.2009. Lễ động quan lúc 8 giờ ngày 3.6.2009 sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
|
Có lần tôi tháp tùng tour Du lịch với người nổi tiếng (gồm nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đạo diễn Quang Đại và nhạc sĩ Bảo Phúc) thăm đảo Long Sơn (Tiền Giang), khu du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ)... Chuyến đi có cả vợ con của Bảo Phúc. Anh thầm thì với tôi: “Mình có mấy dịp làm vui cho vợ con đâu!”. Anh còn bộc lộ sự biết ơn với vợ khi cùng nhau trải qua một đoạn đời đầy khó khăn tìm sinh kế. Chính chị là người chia đôi khoản tiền mua sữa của con để thuốc thang cho cha chồng, khi ông cụ mất chị lại quyết định bán đôi nhẫn cưới để có tiền mua quan tài...
Khó ai tin được Bảo Phúc từng có khoảng đời cơ cực phải phụ mẹ bán chè, rồi bán báo, bởi anh là truyền nhân của phả hệ Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh... Ông nội anh là Tuyên Hóa Vương (em thứ ba của vua Thành Thái), cha của anh là Vĩnh Phan - một nhạc sĩ cự phách trong giới âm nhạc dân tộc của những thập niên 1950, 1960. Mẹ Bảo Phúc - nghệ sĩ Bích Liễu cũng nổi danh không kém trong dòng nhạc cung đình Huế. Thế nên chúng ta không lạ khi Bảo Phúc và người anh - nhạc sĩ Bảo Chấn, thừa hưởng gien nghệ sĩ của song thân và đều nổi tiếng trong âm nhạc.
Bảo Phúc từng học trường Quốc gia Âm nhạc Huế rồi Nhạc viện TP.HCM. Tốt nghiệp năm 1983, anh công tác tại Viện Nghiên cứu âm nhạc và múa, Đoàn ca múa nhạc Bông Sen, Đoàn ca nhạc nhẹ Tháng Tám trước khi bước sang vào lĩnh vực thu âm (1986). Năm 1990, Bảo Phúc viết nhạc phim đầu tay Ngôi sao cô đơn và nhanh chóng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Sức làm việc của Bảo Phúc thật đáng nể, có lúc anh viết nhạc cho cùng lúc 4 bộ phim (mỗi bộ 30 - 40 tập). Anh có thể ngồi suốt 12 tiếng trong phòng thu, mỗi tháng hòa âm cho 40 ca khúc...
Trong những dịp Hội quán Hội Ngộ (Khu du lịch Bình Quới) tổ chức tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, năm nào Bảo Phúc cũng tham gia và vừa đệm piano vừa hát Tiến thoái lưỡng nan. Tôi hỏi lý do, Bảo Phúc cho biết Tiến thoái lưỡng nan là ca khúc cuối cùng của Trịnh Công Sơn mà anh đã phối (nhạc Trịnh có khoảng 600 bài thì Bảo Phúc phối khoảng 400), và sinh thời Trịnh Công Sơn rất thích kiểu phối âm đầy ngẫu hứng của Bảo Phúc. Lại nhớ, một sáng mùa xuân của mười năm trước, trong sân Hội Âm nhạc TP.HCM, Bảo Phúc và nhà thơ Nguyễn Liên Châu đã hết sức phiêu linh với ca khúc Kẻ rong chơi cuối thế kỷ (thơ Nguyễn Liên Châu, nhạc Bảo Phúc)...
Giờ đây, Bảo Phúc, kẻ rong chơi của những Gót hồng, Trên những nẻo đường phù sa đã bỏ cây đàn lại sau lưng, bước vào miền miên viễn...
Tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Bảo Phúc: Bay đi cô đơn, Có nụ hồng bỗng gọi tên anh, Có những dòng sông không trở về, Cõi hoa, Cõi tình, Dòng sông không trở lại, Gót hồng, Kẻ rong chơi cuối thế kỷ, Mưa trong mắt em, Nụ hồng lẻ loi, Ngày xưa tiếng vĩ cầm, Ngẫu hứng ru con, Nhịp tim của đá, Những nẻo đường phù sa, Tình mãi xanh, Đêm xa người, Để gió đưa vào lãng quên, Điệu buồn ngàn năm, Khi đời có em, Một thoáng Sài Gòn, Bây giờ em ở đâu, Góc phố chiều cô đơn, Nỗi buồn mực tím...
|
Theo TNO |