Tạp chí Sông Hương -
'Cha đẻ' nhóc Nicolas sống lại tuổi thơ qua truyện tranh
09:21 | 01/06/2009
Từ hơn nửa thế kỷ nay, họa sĩ Pháp Jean-Jacques Sempé vẽ minh họa cho các tạp chí Pháp như Paris Match, l’Express, New Yorker (Mỹ). Ông là cha đẻ của bộ 'Nhóc Nicolas'. Họa sĩ 76 tuổi này chia sẻ về bộ truyện thiếu nhi nổi tiếng.
'Cha đẻ' nhóc Nicolas sống lại tuổi thơ qua truyện tranh
Cha đẻ của bộ 'Nhóc Nicolas', họa sĩ truyện tranh Pháp Jean-Jacques Sempé.

- Nhóc Nicolas ra đời như thế nào?

- "Con muỗi" - một tờ báo của Bỉ, đã đề nghị tôi sáng tác một bức tranh hài hước miêu tả một cậu bé con. Tôi đặt tên cho nhân vật đó là Nicolas khi nhìn thấy một tờ quảng cáo rượu vang Nicolas. Mỗi tuần, tôi mang bức vẽ của mình đến hãng World Press để họ chuyển đến cho tạp chí này. Chính tại đó tôi đã gặp René Goscinny, người sống qua nhiều năm tại New York và gây cho tôi nhiều ấn tượng. Chúng tôi đã chuyện phiếm, và khi nhà xuất bản Dupuis đề nghị tôi chuyển thể Nicolas thành truyện tranh, tôi đã mời ông ấy viết kịch bản.

Chuyện đó kéo dài một thời gian, nhưng tôi chưa bao giờ thích làm truyện tranh: tôi không thoải mái với những ô nhỏ nhỏ. Tôi mơ đến những câu chuyện có minh họa. Tôi đem kể với René, và khi tờ Tây Chủ nhật liên lạc với chúng tôi, chúng tôi đã tạo ra Nhóc Nicolas.

- Bộ truyện là những chuyện kể về thời thơ ấu chăng?

- Nói là về một tuổi thơ mà chúng ta hằng mơ tưởng đến thì đúng hơn. Cả tôi và ông René đều không có tuổi thơ tuyệt diệu, và chúng tôi đã phải nhờ đến Nhóc Nicolas để được trải nghiệm điều đối lập này. Trong những câu chuyện này, khi một cậu nhóc nhận một cú đấm, chuyện chẳng hề quan trọng; trong khi nếu là đời thực, chuyện đó sẽ rất tồi tệ. Nếu các vị phụ huynh cãi nhau, chuyện này sẽ biến thành trò vui cho lũ trẻ - trong khi nếu là đời thực thì chuyện đó lại có thể khiến chúng ngao ngán.

"Nhóc Nicolas" (Le Petit Nicolas) là loạt truyện thiếu nhi do René Goscinny sáng tác và Jean-Jacques Sempé minh họa từ năm 1959 với nội dung kể của cậu bé Nicolas, về cuộc sống thường ngày, về bạn bè và gia đình. Các câu chuyện dí dỏm, hài hước nhưng cũng đậm chất nhân văn của Nhóc Nicolas đã giúp bộ truyện trở thành một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi của Pháp được biết đến rộng rãi nhất trên thế giới.

- Ông muốn nói đây là bộ truyện về tuổi thơ ấu của cả hai người?

- Tôi rất dài dòng về chủ đề này: trường học, những trại hè, bóng đá. René thì thổ lộ rất ít và không phân biệt giữa một quả bóng đá với một món đồ gỗ thời Louis XV. Rõ ràng là ông ấy đã sử dụng những ký ức của tôi: những trại hè, chuyện đó là từ tôi mà ra. Nhưng chính ông ấy đã sáng tạo ra tất cả những cái tên kỳ dị này: Rufus, Maixent, Agnan. Khi ông ấy dẫn dắt câu chuyện, không có gì thay đổi. Giữa chúng tôi, người này không bao giờ bình luận về công việc của người kia.

- Đây phải chăng cũng là một tập sử biên niên cho giai đoạn 1935 - 1974 của nước Pháp?

- Đó là điều sau này người ta nói với tôi, và nó khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Đối với tôi, giai đoạn này của nước Pháp chẳng lấy gì làm vẻ vang. Lúc bấy giờ tôi đang tìm đầu ra cho những bức tranh minh họa của mình, việc ấy rất khó khăn. Khi người ta nhìn thấy chúng, người ta ngỡ tôi vẽ ra chúng rất dễ dãi. Không hề, tôi là một người chỉ biết chúi mũi vào công việc. Đối với Nhóc Nicolas, tôi vẽ đi vẽ lại những bức tranh minh họa không ngừng nghỉ cho đến lúc buộc phải giao cho nhà xuất bản.

- Ông đã vẽ phỏng theo những địa điểm có thực?

- Ngôi trường, với mảnh sân chơi nhỏ lợp mái ngói, giống với một ngôi trường mà tôi từng biết: trường David-Johnston ở Bordeaux , nơi tôi có thời gian học tập. Sau này, tôi đã quay lại thăm: nó khiến tôi xúc động.

- Vào thời đó, những người soạn kịch bản cho truyện tranh rất ít được công nhận và khó nhận được tiền bản quyền. Vậy hợp đồng với Goscinny là như thế nào?

- Chúng tôi chia 50-50. Dự định của René là viết văn. Chúng tôi thường xuyên bàn về chuyện đó. Ông ấy không thực hiện nó, bởi người ta lúc nào cũng đề nghị ông ấy viết kịch bản. Tôi nghĩ là đó là điều tiếc nuối lớn nhất của ông ấy và nhất định ông sẽ thực hiện dự định của mình nếu còn sống. Ông ấy rất ngưỡng mộ Pierre Daninos, hay cây hài người Mỹ James Thurber.

Trong thập niên 70, chúng tôi đã quyết định tiếp tục làm Nhóc Nicolas. Chúng tôi đợi có một ý tưởng mới để làm một tập truyện tranh. Rốt cuộc, tôi đã nảy ra một ý: trường học đã trở nên hỗn tạp, chúng tôi muốn đề cập đến hiện trạng đó… đó là một ý hay. Tiếc thay, ông ấy đã qua đời trước. Những bản văn ngày nay được xuất bản thành sách đã được René viết trong suốt thời kỳ Nhóc Nicolas ngủ đông. Tôi đã phát hiện ra những văn bản đầy cảm xúc này để tiếp tục bộ sách.

- Ông đã lại bắt đầu vẽ "Nhóc Nicolas" sao bốn mươi năm ngắt quãng. Việc này tác động đến ông như thế nào?

- Đó là một việc kỳ dị, khó tin và nó khiến tôi phát hoảng quá chừng. Nhưng rốt cuộc, việc này lại khiến tôi thấy vui… và thấy kỳ lạ, bởi vì René không còn nữa và việc vẽ lại đã đưa tôi trở về thời ông ấy còn sống. Cùng lúc, cuốn sách này đặc biệt, lộng lẫy hơn những cuốn khác: nó ra mắt nhân dịp kỷ niệm, người ta đã tô thêm màu sắc. Tôi cũng vẽ Nhóc Nicolas lớn hơn trước. Vào thời đó, trẻ con thường mặc kiểu quần cụt. Đến tuổi 14, chúng sẽ chuyển sang mặc quần chẽn gối, rồi đến quần âu dài đến mắt cá: có một sự tiến triển tuần tự. Giờ thì bọn trẻ mặc quần âu ngay từ lúc còn bé tí.

                                                                                                                  Theo eVan

Các bài mới
Các bài đã đăng