Tạp chí Sông Hương -
60 triệu cho việc sử dụng "Thiên Thai" trong phim Đừng đốt?
14:38 | 01/06/2009
Theo tính toán của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, tiền tác quyền 1 phút 30 giây nhạc (không lời) tác phẩm Thiên Thai của cố nhạc sĩ Văn Cao sử dụng trong phim Đừng đốt lên đến 60 triệu đồng.
60 triệu cho việc sử dụng
Cảnh trong phim "Đừng dốt"

Tuy nhiên, sự phức tạp  chưa hẳn là số tiền nhuận bút này mà hệ lụy của việc quên ghi  tên tác giả và tác phẩm trên genericque phim sẽ khiến ngành điện ảnh phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ để bổ sung, sửa chữa phần genericque theo yêu cầu của phía gia đình cố nhạc sĩ.

Hãng phim Hội Điện ảnh nói gì?

Tại công văn số 589/CV-H ĐA gửi Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ VH,TT&DL, Cục Điện ảnh và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, Hãng phim Hội Điện ảnh đã giải trình  “sự cố” sử dụng 1 phút 30 giây giai điệu  (không lời) nhạc phẩm Thiên  Thai của cố nhạc sĩ Văn Cao trong phim Đừng đốt nhưng không ghi tên nhạc sĩ và tác phẩm trong phần tiêu đề phim, như sau: “Việc sử dụng nhạc phẩm này (trong cảnh bà mẹ của nhân vật Đặng Thùy Trâm tập dưỡng sinh cùng các cụ cao tuổi) do đạo diễn phim quyết định vào phút  chót trong khi thực hiện phần hậu kỳ phim tại Thái Lan và không báo về Hãng  để xin phép gia đình, cũng không kịp ghi tên  nhạc sĩ Văn Cao và tác phẩm...”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc Hãng phim nói: “Khi phát hiện sự cố này, chúng tôi vô cùng lo lắng và đã nghĩ đến khả năng xấu - có thể phải đối diện với một vụ kiện vi phạm bản quyền. Theo đề nghị của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Hãng phim đã làm công văn xin lỗi gửi gia đình cố nhạc sĩ. Sau khi xem Đừng đốt, bà Nghiêm Thuý Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao đã gọi điện thoại cho tôi. Bà bảo bộ phim rất xúc động và  xin  số điện thoại của NSND Đặng Nhật Minh để chúc mừng đạo diễn. Việc quên không ghi tên tác giả và tác phẩm Thiên Thai trong tiêu đề phim là sự cố đáng tiếc nhưng gia đình bà không đặt nặng vấn đề này. Toàn bộ tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao, gia đình bà đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN thu tác quyền, nên Hãng phim cần thỏa thuận với Trung tâm để biết mức nhuận bút phải trả. Số tiền này, dù nhiều hay ít, gia đình bà cũng không tiêu mà sẽ tặng lại cho đoàn phim, hoặc tặng cho Trung tâm Nghệ thuật tình thương của nghệ sĩ Tường Vy (dạy nhạc cho những trẻ em bị khiếm thị). Quyết định của bà Nghiêm Thúy Băng khiến tôi rất bất ngờ và cảm động. Vì muốn nối dài ý nghĩa của bộ phim, tôi và bà Băng đã thống nhất sẽ  chuyển số tiền nhuận bút 1 phút 30 giây giai điệu nhạc Thiên Thai trong phim Đừng đốt vào Quỹ từ thiện của Trung tâm Nghệ thuật tình thương”.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN: Số tiền phải trả là 60 triệu

Để biết số tiền phải trả cho hơn 1 phút nhạc đã sử dụng trong phim, đơn vị sản xuất Đừng đốt đã làm việc với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN và được biết số tiền phải trả là 60 triệu đồng (gần bằng tiền nhuận bút trả cho kịch bản phim). Theo lý giải của luật sư, người của Trung tâm thì 60 triệu là số tiền phải trả cho 3 giai đoạn: sử dụng vào phim; khi phim phát hành trong nước và khi phim phát hành ở nước ngoài. Nếu nhuận bút không được thanh toán, phía Trung tâm sẽ có công văn đề nghị “ách” không cho Đừng đốt tham gia LHP ASEAN sắp tới cũng như việc phát hành ra nước ngoài mà Cục Điện ảnh đã giao cho Công ty BHD thực hiện.  Với cách lý giải này,  đơn vị sản xuất chỉ nhận trả nhuận bút 1 giai đoạn sử dụng nhạc vào phim, tương ứng với 1.800.000 đồng theo đúng barem mà phía Trung tâm đưa ra. Số tiền còn lại (58.200.000 đồng) sẽ thuộc trách nhiệm của đơn vị phát hành – Fafilm VN, đơn vị được Cục Điện ảnh giao trách nhiệm phát hành phim Đừng đốt và Công ty BHD- nếu phim phát hành ở nước ngoài và tham gia các LHP quốc tế (?).

Chuyện chưa kết thúc

Những diễn biến trên còn chưa ngã ngũ thì ngày 18.5.2009, bà Nghiêm Thúy Băng và trưởng nam Văn Thao đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã gửi thư tới Bộ VH,TT&DL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Điện ảnh và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN. Trong thư, kiến nghị các cơ quan chức năng yêu cầu Hãng phim Hội Điện ảnh: “1. Bổ sung tên tác phẩm và tác giả trên phần title của phim Đừng đốt vào bản gốc để lưu và in phát hành bổ sung cho những đợt trình chiếu sau này. Còn những bản phim đã và đang trình chiếu không thể sửa được thì Hãng phim phải có lời cải chính, xin lỗi khán giả trên các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình...  2. Gia đình chúng tôi ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN toàn quyền đứng ra làm việc với Hãng phim Hội Điện ảnh cùng các cơ quan chức năng khác về mặt thủ tục hành chính liên quan đến pháp luật và việc thanh toán tác quyền của tác phẩm. 3. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN tổ chức một cuộc gặp gỡ công khai giữa gia đình tác giả cùng đại diện Hãng phim Hội Điện ảnh và đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH,TT&DL, Cục Điện ảnh để giải quyết sự việc này cho thấu tình đạt lý”.

Nói về diễn biến này, bà Ngát cho biết: “Sau cuộc nói chuyện với bà Nghiêm Thúy Băng, tôi không nghĩ sự việc lại diễn biến phức tạp thế. Tuy nhiên, vì đoàn phim có lỗi nên đơn vị sản xuất sẽ cố gắng hết sức khắc phục  thiếu sót trong giới hạn của mình. Chúng tôi đã gửi công văn giải trình đến các cơ quan chức năng; công văn xin lỗi lần 2 đến gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao, trong đó khẳng định  sẽ sửa trên bản Negative phim để bổ sung tên nhạc sĩ Văn Cao và tác phẩm Thiên  thai trong phần tiêu đề phim, cũng như sẽ thực hiện đầy đủ  nghĩa vụ về bản quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong  giai đoạn sản xuất theo luật định”.

Như vậy, chuyện “tác quyền” Thiên Thai sẽ chưa kết thúc. Bởi, nếu đơn vị sản xuất trả đủ tác quyền giai đoạn sản xuất (1,8 triệu) và sửa bản Negative thì  vẫn còn 58.200.000 đồng tác quyền của 2 giai đoạn sử dụng phim chưa ngã ngũ? Liệu  Fafilm và Công ty BHD có chịu chi số tiền này? Rồi tất cả những bản phim đã phát hành trong đợt phim kỷ niệm những ngày lễ lớn từ ngày 29.4 - 20.5.2009, nếu tiếp tục phát hành cũng sẽ phải sửa. Theo những người thạo việc, thì việc sửa và in tráng lại phần tiêu đề của bản Negative không tốn lắm (khoảng vài chục triệu). Phức tạp ở chỗ không thể thực hiện trong nước mà phải đưa sang Thái Lan làm cho đồng bộ với toàn phim. Và việc chỉnh sửa này cũng phải thực hiện đồng loạt ở hàng chục bản phim đã phát hành... Về sự việc này nhiều ý kiến lấy làm tiếc khi cho rằng, nếu đạo diễn phim thông báo cho đơn vị sản xuất biết quyết định của mình để đơn vị sản xuất xin phép và thỏa thuận hợp đồng ngay từ đầu, rất có thể số tiền nhuận bút  hơn 1 phút nhạc sẽ không quá lớn như thế và Nhà nước chắc sẽ không phải chi thêm khoản tiền phát sinh để khắc phục thiếu sót. Bởi lẽ, chúng ta tôn trọng bản quyền nhưng trên cơ sở tình hình thực tế của VN và cân đối với các lĩnh vực nghệ thuật khác, cũng như mặt bằng chung về nhuận bút trả cho các thành phần tham gia phim (nhất là với mục đích và ý nghĩa cụ thể của bộ phim này). Bởi với cách yêu cầu thanh toán tác quyền như đã nêu thì một tác giả văn học có tác phẩm được chuyển thể thành phim cũng sẽ đòi tác quyền 3 giai đoạn sử dụng: chuyển thể thành kịch bản và dựng phim; phim phát hành trong nước; phim phát hành ra nước ngoài... Và nếu vậy, liệu có ai dám sử dụng các tác phẩm văn học để chuyển thể, cũng như các tác phẩm âm nhạc. Chắc rằng sẽ nhiều người chọn phương án sáng tác mới  cho đỡ phức tạp.

  sao thì sự cố cũng đã xảy ra. Dư luận hy vọng các bên sẽ có sự thống nhất trong khắc phục thiếu sót để một bộ phim có ý nghĩa như Đừng đốt nhanh chóng được phổ biến rộng rãi đến người xem trong và ngoài nước và để dư luận không hiểu sai ý nghĩa và tấm lòng của nghệ sĩ.

                                                                                                                      Theo VH

Các bài mới
Các bài đã đăng