Tạp chí Sông Hương -
Hài hòa lợi ích
08:01 | 24/03/2017

Dành 20 năm nghiên cứu, hướng dẫn trùng tu một số di sản văn hóa tại Việt Nam như khu phố cổ Hội An, nhà cổ ở Bắc Ninh hay làng cổ Đường Lâm (Hà Nội)…, GS.KTS EJIMA AKIYOSHI (Nhật Bản) cho rằng, việc bảo tồn cần dựa trên nguyện vọng của người dân - chủ thể di sản, và hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

Hài hòa lợi ích
GS.KTS Ejima Akiyoshi bên mô hình cổng làng Mông Phụ - Ảnh: Hồng Nhung

Vừa bảo tồn vừa làm du lịch

- Nhiều năm qua, việc bảo tồn di sản ở Việt Nam được quan tâm bởi cả thành tựu và bất cập. Tham gia trùng tu làng cổ Đường Lâm trong gần 10 năm, ông có thể cho biết di sản này gặp phải vấn đề gì?

- Năm 2007, khi bắt đầu điều tra, khảo sát Đường Lâm, nhiều ngôi nhà ở đây đã xuống cấp. Người dân muốn xây nhà mới hoặc sửa chữa theo phong cách hiện đại và làng cổ rơi vào tình trạng nguy kịch. Tuy nhiên, chính quyền quyết tâm giữ ngôi làng có giá trị tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ. May mắn là trong tương quan của các làng cổ miền Bắc, Đường Lâm vẫn giữ được giá trị tổng thể.
 

Chúng tôi tiến hành tu bổ và từng bước giúp người dân hiểu được ngôi nhà họ đang sinh sống có giá trị như thế nào. Nhiều nhà cổ khi được tu bổ đúng cách đã thể hiện được giá trị khác biệt, lượng du khách đến thăm đông hơn. Người dân bắt đầu nâng cao ý thức về ngôi nhà do cha ông để lại khi có thể kiếm sống bằng việc giữ gìn và bảo tồn di sản đó. Tuy vậy, vẫn có một số người không thỏa mãn khi phải sống trong khung cảnh làng cổ, đặc biệt với người chưa được hưởng lợi từ du lịch.

- Qua kinh nghiệm tại Nhật Bản và tham gia trùng tu một số di sản của Việt Nam, theo ông, nguyện vọng của người dân cần được xem xét như thế nào trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản?

- Trên thực tế, để bảo tồn một cách tốt nhất, nguyện vọng bảo tồn phải xuất phát từ người dân chứ không phải là sự áp đặt hay quyết định từ trên xuống. Chỉ khi người dân nhận thức được giá trị của nơi mình sống, cũng như hài hòa được lợi ích các bên trong bảo tồn thì quyết tâm của chính quyền, kỹ thuật của chuyên gia mới có thể phát huy.
Phố cổ Hội An được biết đến là mô hình khá thành công trong việc vừa tu bổ vừa thu hút khách du lịch. Ở đây cũng có giai đoạn người dân sợ hãi khi du khách gây ồn ào, phiền phức, ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ. Nhưng sau đó, tìm được nguồn sống bằng cách tiếp đón và cung cấp dịch vụ cho khách du lịch, người dân đã hứng khởi hơn với việc bảo tồn nơi mình ở. Với Đường Lâm, tôi hy vọng cũng sẽ trở thành mô hình như vậy.

Di sản sống phải có người sống

- Có thể thấy, việc người dân sống trong di sản thay đổi nhận thức, quyết tâm gìn giữ, sẽ quyết định tuổi thọ của di sản đó, thưa ông?

“Đường Lâm là một ví dụ thành công trong hợp tác bảo tồn di sản giữa Nhật Bản và Việt Nam. Sẽ còn có những dự án tiếp theo tại các địa phương khác, giới thiệu phương pháp bảo tồn của Nhật Bản nhưng lựa chọn kỹ thuật phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời tham gia đào tạo cán bộ về bảo tồn cho các bạn”.

Gs.Kts Ejima Akiyoshi

- Di sản sống như làng cổ Đường Lâm hay phố cổ Hội An, phải có người sống thì mới được duy trì. Bởi những nơi không có người sống thì kinh phí duy trì, bảo tồn sẽ rất lớn. Tuy nhiên, có nhược điểm là người dân sinh sống tại đó có nguyện vọng hiện đại hóa hoặc thay đổi để theo kịp điều kiện sống. Vì vậy, cần có chính sách phù hợp điều hòa tốt giữa nguyện vọng hiện đại hóa của người dân và công tác bảo tồn.

Bảo tồn di sản sống là vấn đề nhiều nước quan tâm. Ở Nhật Bản có trường hợp người dân không thể sinh sống trong ngôi nhà cổ và sẵn sàng rời đi nơi khác, tặng lại ngôi nhà cho chính quyền. Việc chính quyền tiếp quản những ngôi nhà này sẽ tốn rất nhiều kinh phí so với hỗ trợ người dân sống tại đó. Tuy nhiên, về nguyên tắc không thể ép buộc người dân là chủ sở hữu phải tiếp tục sống trong ngôi nhà đã quá xuống cấp. Đây là một bài toán khó mà Việt Nam cũng phải đối mặt. Khi người dân sống trong di sản thường xuyên phản đối việc bảo tồn thì sẽ tạo ra sự không đồng thuận, giá trị chung của di tích cũng bị ảnh hưởng nhiều.

- Kinh nghiệm của Nhật Bản trong giải quyết “bài toán khó” ông vừa nêu ở trên như thế nào?

- Nhật Bản cũng từng gặp nhiều thất bại trong bảo tồn di sản sống. Hiện nay, Nhật Bản có chính sách hỗ trợ cho một số di tích đã được chỉ định. Ngoài ra, chính quyền địa phương có thể có nhiều biện pháp để thu hút du lịch và tạo thêm nguồn thu cho người dân. Có thể thấy, đối với di tích tại các địa phương cần có sự kết hợp rất nhiều nguồn như hỗ trợ từ chính quyền hay sản xuất và bán các sản phầm… Tôi nghĩ rằng chính quyền địa phương có thể tìm được sự đồng thuận của người dân và chỉ cho họ cách kiếm sống từ di sản. Từ đó, hai bên cùng hợp tác, nâng cao đời sống kinh tế nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa, như vậy di sản đó được xem là bảo tồn thành công.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Hồng Nhung - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng