Tạp chí Sông Hương -
Tranh cuộn, kịch Noh, bonsai và bản sắc Nhật Bản
08:13 | 24/03/2017

Cuối thế kỉ XIX, khi máy ảnh phương Tây bắt đầu du nhập sang các nước châu Á, ở Nhật Bản có trào lưu chụp ảnh chân dung. Đáng chú ý, bonsai là một trong những nghệ phẩm được các tầng lớp người Nhật chọn lựa để chụp cùng nhiều nhất.

Tranh cuộn, kịch Noh, bonsai và bản sắc Nhật Bản
Bức tranh cuộn Genji monogatari quốc bảo của Nhật Bản

Điều này một mặt cho thấy vào thời bấy giờ, bonsai là một nghệ phẩm rất phổ biến, mặt khác gợi một câu hỏi sâu hơn: Vì sao để biểu hiện hình ảnh ngưng đọng thời gian của mình trước ống kính máy ảnh, người Nhật lại chọn bonsai làm vật biểu trưng? Để trả lời câu hỏi này ta phải ngược dòng thời gian để thâu tóm vài nét chính của lịch sử bonsai ở Nhật Bản.

Bonsai cùng với Phật giáo Trung Quốc du nhập sang Nhật Bản từ rất sớm, khoảng đầu thời Kamakura (từ 1185). Bức tranh sớm nhất tìm thấy được có hình bonsai nằm trong bộ tranh cuộn Saigyo monogatari emaki về cuộc đời thiền sư Saigyo, niên đại 1195. Trong bức tranh này, bonsai được biểu hiện ở hai hình thức: trồng thành một nhóm như vườn cảnh và trồng trong chậu dài. Một số nhà chú giải cho rằng hình thức trồng trên chậu biểu hiện cho tầng lớp và đẳng cấp của sư Saigyo, một số khác cho rằng điều này biểu trưng cho ý niệm tìm về với thiên nhiên, một số khác nữa cho rằng vườn cảnh là một văn bản thiền. Nghĩa là khi chiêm ngắm nó, con người buông bỏ được quá khứ, thôi ám ảnh về tương lai, mà an trú trong khoảnh khắc hiện tại, tìm về với bản ngã đích thực.

Bức tranh thứ hai xuất hiện trong cuộn tranh Honen shonin eden (Honen nghiên cứu kinh Pháp hoa tam đại bộ), niên đại 1307. Thiền sư Honen (Pháp Nhiên) là người sáng lập dòng thiền Tịnh Độ Tông của Nhật Bản, dòng thiền quan niệm con người ai cũng có thể đến được cõi giải thoát bằng con đường niệm Phật. Trong bức tranh này vườn cảnh là trung tâm, ta không thấy bonsai trong chậu nào. Vườn cảnh là một nhóm cây vươn lên, thanh thoát, có những cây phong lá đỏ cạnh những cây tùng. Thưởng lãm nó, khoái cảm thẩm mĩ làm lây lan niềm vui sống bất tuyệt của thiên nhiên và đất trời, dẫn đưa tâm thức hành giả thoát ra ngoài cõi tục.

 

1
Trình diễn kịch Noh Nhật Bản - Ảnh: TL


Cũng vào thời kì này trong dân gian lưu truyền vở kịch Noh Hachi-no-ki (Cây trồng trong chậu). Vở kịch kể câu chuyện về vị thiền sư trên đường đi gặp cơn bão tuyết và ngỏ ý muốn trú lại nơi gia đình mà người chồng từng là gia nhân cho gia tộc Tokiyori. Người chồng có ý từ chối, nhưng người vợ nói với anh ta rằng kiếp trước họ sống vô đạo, nên bây giờ gia đình mới tan hoang thế này, nếu giờ họ còn như thế nữa, thì kiếp sau chắc chắn sẽ phải trả giá. Người chồng tỉnh ngộ và mời vị thiền sư ở lại, anh ta sẽ cắt ba bonsai trồng trong chậu của mình để sưởi lửa cho thiền sư. Vị thiền sư cản lại và khuyên anh nên giữ bonsai để có thể tìm niềm vui trong cuộc đời. Dù rất tiếc nuối, nhưng anh biết rằng cuộc đời mình như những bonsai trồng trong chậu này, phải được cắt lìa, giải thoát. Bão tuyết tan, trời bớt khắc nghiệt hơn và vị thiền sư lại lên đường…

Cốt truyện của vở kịch toát lên ý niệm về một bonsai cần được giải phóng khỏi không gian chật hẹp của nó, thể hiện sự khác nhau trong quan niệm về cuộc đời giữa Phật giáo và tầng lớp võ sĩ. Phật giáo chủ trương giải thoát con người khỏi cõi trần bó buộc, khác với tầng lớp võ sĩ phải gắn bó và trung thành với vị tướng quân của mình. Vở kịch kết thúc bằng hình ảnh bonsai cần được cắt bỏ, giải thoát, cho thấy sự thắng thế của quan niệm Phật giáo trong dân gian.
Tuy nhiên, như ta sẽ thấy, quan niệm về bonsai trồng trong chậu thu nhỏ dần trở thành chủ đạo trong lịch sử văn hóa Nhật Bản. Vì sao lại như thế?

Điều này trước hết có liên quan trực tiếp đến tầng lớp võ sĩ, sau này gọi là samurai. Tầng lớp võ sĩ là một trong những tầng lớp hùng mạnh và giàu truyền thống của Nhật Bản. Vào thời Tokugawa (1603-1868), tầng lớp võ sĩ trở thành tầng lớp chủ đạo. Trong truyền thống đào tạo võ sĩ, một võ sĩ hằng năm phải lên núi tuyển lựa những cây thông, tùng về trồng trong chậu gọi là yamatori, như là một biểu tượng cho sự kiên trì vượt qua gian khó. Tuy nhiên, điều làm cho việc trồng và chăm sóc bonsai trở thành truyền thống võ sĩ đạo chính là do bản chất của tinh thần kiếm đạo.

Trong kiếm đạo, do ảnh hưởng của tư tưởng thiền, kiếm sĩ phải buông bỏ hoàn toàn bản ngã của mình, không phải là người vung kiếm mà là thanh kiếm tự nó tìm đến nơi nó muốn. Buông bỏ bản ngã trong hành động là việc phải rèn tập vô cùng khó khăn, nghệ thuật bonsai cho người kiếm sĩ khả năng ấy. Người chơi bonsai phải quên thân mình, cảm nhận sự cảm nhận của cây, lắng nghe sự lắng nghe của cây, bonsai với người là một.

Bonsai đến đây mang biểu tượng với ý nghĩa kép: tinh thần nhẫn nại thầm lặng trường tồn như tự nhiên, và sự chuyển hóa bản ngã cá nhân. Hình ảnh biểu tượng kép này dần trở thành phổ biến trong quan niệm chơi bonsai từ thế kỉ XVIII, và định hình cho đến ngày nay.

Đó là lí do người Nhật cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX biểu hiện bản sắc của mình qua hình ảnh của bonsai. Đây có lẽ cũng là cốt tủy của tinh thần Nhật Bản, một tinh thần tự cường mạnh mẽ làm nên công cuộc phục sinh đất nước Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong cuộc ném bom nguyên tử ở Hiroshima, có một cây thông cảnh trắng sống sót trong cảnh đổ nát hoang tàn. Dòng họ Yamaki đã tặng nó cho bảo tàng bonsai quốc gia Mĩ. Bonsai ấy như là biểu tượng cho tinh thần quật cường vượt lên thảm họa của người Nhật.

Ngày nay bonsai Nhật Bản không chỉ là một nghệ thuật, mà còn là một lối sống hội tụ những tinh hoa trong văn hóa Nhật Bản: trở về với thiên nhiên, lắng đọng tâm hồn mình, với một tinh thần nhẫn nại và khiêm nhường để chiêm ngưỡng ý nghĩa đích thực của niềm vui sống.

Nguồn: An Thảo - VNQĐ

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng