Tạp chí Sông Hương -
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2017: Quyết tâm không ùn tắc tại lễ hội
08:55 | 29/03/2017

Năm Đinh Dậu - 2017, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng diễn ra trong 06 ngày, từ ngày 01 - 06/4/2017 (tức từ ngày 05 - 10/3 âm lịch) do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Bình, Bình Phước và Bến Tre. Các hoạt động đều có quy mô lớn hơn, nội dung phong phú, đa dạng và có nhiều nét mới.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2017: Quyết tâm không ùn tắc tại lễ hội
Các đoàn rước kiệu vào lễ tại Đền Hùng năm 2016. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN.

Phát huy thành công của công tác tổ chức lễ hội từ những năm trước, quan điểm chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ là tổ chức phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, thành kính và mang tính cộng đồng; phần Hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, văn minh, an toàn và tiết kiệm; tạo sự hài lòng cho nhân dân và du khách thập phương về dự hội.

Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu 2017 đưa ra quyết tâm phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu “5 không” tại Lễ hội, đó là: Không có người ăn xin, ăn mày; không ùn tắc giao thông; không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả dịch vụ mang tính “chặt chém”; không có những hành vi phản cảm trong lễ hội; không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội.

Năm nay, Ban Tổ chức đã bố trí đường truyền Internet tốc độ cao phục vụ Trung tâm báo chí và lắp các điểm phát wifi miễn phí phục vụ nhân dân, du khách tại Đền Hùng và thành phố Việt Trì. Công tác đảm bảo an ninh trật tự được tỉnh đặc biệt chú trọng. Các lực lượng công an, quân đội và bảo vệ của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng tập trung chỉ đạo lực lượng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giỗ Tổ. Số điện thoại đường dây nóng được công khai tại các bãi giữ xe và nhiều địa điểm xung quanh khu vực Đền Hùng để tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân và du khách.

Với phương châm tránh ùn tắc tại khu vực Công quán, các hoạt động của phần Lễ đều được điều chỉnh về thời gian.Theo đó, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân được tổ chức từ 6 giờ phút ngày 2/4/2017 (tức ngày 6/3 âm lịch), sớm hơn 30 phút so với năm 2016; Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ từ 8 giờ 15 phút ngày 2/4/2017, sớm hơn 45 phút so với năm 2016; Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm Đinh Dậu 2017 được tổ chức tại Đền Thượng vào hồi 6 giờ 30 phút ngày 6/4/2017 (tức ngày 10/3 âm lịch), sớm hơn 1 tiếng so với những năm trước.

Các địa phương nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương dâng hương theo nghi lễ truyền thống cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Thượng lúc 6 giờ 30 phút ngày 10/3 âm lịch, sớm hơn 1 ngày so với năm 2016. Rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven Di tích t ừ 7 giờ ngày 4/4/2017 (tức ngày 8/3 âm lịch).

Không gian Hội trong Lễ hội Đền Hùng năm nay tiếp tục được trải rộng từ Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì với rất nhiều hoạt động xuyên suốt Lễ hội, như: Lễ hội dân gian đường phố và chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu - 2017 được tổ chức tại Quảng trường Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương", kết thúc là màn bắn pháo hoa tầm thấp tại hồ Công viên Văn Lang.

Hội thi bơi Chải Việt Trì mở rộng trên hồ Công viên Văn Lang vào hồi 7h30 phút ngày 01/4 (tức 5/3 âm lịch); chương trình "Hát Xoan làng cổ" gắn với các điểm du lịch di sản văn hóa tại Miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức), Đinh Hùng Lô (xã Hùng Lô), Đình An Thái (xã Phượng Lâu); Trưng bày tư liệu về Di sản Hát Xoan tại Miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì); trưng bày tư liệu ảnh, hiện vật về "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xưa và nay", cổ vật văn lang, "Triển lãm ảnh đẹp du lịch và ảnh nghệ thuật về quê hương, con người Phú Thọ" tại bờ hồ Công viên Văn Lang; Biểu diễn múa rối nước; Hội trại văn hóa, trình diễn diễn xướng dân gian, biểu diễn văn nghệ quần chúng và trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, quảng bá du lịch; Liên hoan văn nghệ quần chúng, hát xoan, dân ca Phú Thọ; Hội thi gói nấu, nấu bánh chưng, giã bánh giầy.

Người dân và các nghệ nhân hát Xoan thăm quan gian trưng bày các tài liệu và hiện vật về hát Xoan Phú Thọ. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN.

 

Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khác được tổ chức như mọi năm nhưng đều có quy mô lớn hơn, nội dung phong phú, đa dạng và đổi mới hơn những năm trước. Lễ hội dân gian đường phố Việt Trì với sự tham gia của gần 2.000 người dân của 23 xã, phường (thành phố Việt Trì) và các huyện: Lâm Thao, Thanh Thủy, Đoan Hùng. Lễ rước kiệu về Đền Hùng còn có sự tham gia của xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại các hội trại văn hóa, du khách thập phương sẽ được tham quan những nét văn hóa đặc trưng của các địa phương; trình diễn dân ca các dân tộc; Hát Xoan, Ghẹo, diễn xướng dân gian và được thực hành các quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống của mỗi địa phương.

Cùng với đó, đồng bào cả nước thưởng thức làn điệu Hát Xoan Phú Thọ do các nghệ nhân kế cận thuộc các làng Xoan gốc biểu diễn. Đây là hoạt động minh chứng sức sống trường tồn của Hát Xoan trong cộng đồng, đồng thời cũng là một trong những yếu tố tích cực nhằm đưa Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời sẽ được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát chầu văn, múa rối nước…

Theo Kiều Hà - baotintuc

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng