Tạp chí Sông Hương -
Yêu cầu dừng trùng tu kiểu "phá hoại" ở đền Gióng (Gia Lâm)
09:20 | 04/04/2017

Sở VHTT Hà Nội vừa đã có văn bản số 921/SVH&TT gửi UBND huyện Gia Lâm xung quanh việc các mảng chạm ở bậu cửa sổ di tích đền Phù Đổng, xã Phù Đổng bỗng dưng bị sơn đỏ chót, sai lệch nghiêm trọng so với nguyên gốc và kỹ thuật bảo tồn.

Yêu cầu dừng trùng tu kiểu "phá hoại" ở đền Gióng (Gia Lâm)
Mảng chạm cũ và mới- sau khi được sơn đỏ lòe loẹt (ảnh FB Đình Làng Việt)

Sở VHTT đã thành lập tổ kiểm tra hiện trạng. Tại thời điểm đoàn kiểm tra có mặt, đền Thượng đã hoàn thiện sơn thếp cột, vì kèo nhà tiền tế, hậu cung. Tại các chân cột, vị trí tiếp giáp các cấu kiện khác, hình thức sơn không đều, chưa kín mặt gỗ, nham nhở, không đảm bảo về mỹ thuật.

Hai bức chạm khắc, có niên đại từ thế kỷ XVII-XVIII ở hai bên bậu cửa và chấn song cửa sổ đã bị sơn đỏ, thếp vàng, không còn giữ được màu sắc như nguyên bản khi xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích. Tại chùa Kiến Sơ, việc tu bổ, tôn tạo hạng mục Tam quan đang đến phần lắp dựng khung kết cấu, hoành rui mái và xây tường, một số cột gỗ (tiếp giáp chân tảng) gia công thu nhỏ lại, toàn bộ số chân tảng được thay mới.

Trước đó, trên trang Facebook Đình Làng Việt, nhiều nhà nghiên cứu về đình làng đã hoảng hốt khi những mảng chạm ở đền Gióng- Gia Lâm bị sơn đỏ lòe loẹt. Việc sơn thếp dày mỏng loang lổ đã làm hỏng toàn bộ các nét chạm của mảng chạm độc bản rất quý có từ thế kỷ 17. Nhiều nhà nghiên cứu gọi việc trùng tu này là “tội ác”. Những nét chạm nổi phượng, mây lửa bị nhồi đầy sơn đỏ, hoàn toàn không còn sắc nét cũng như mảng khối. Không chỉ có mảng chạm, tất cả vách, cửa, lan can của di tích cũng bị sơn nham nhở. Suốt cả dãy hành lang đều bị nhuộm hoặc đỏ, hoặc hồng.

TS Nguyễn Minh Khang, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL, cho biết theo hồ sơ đã được địa phương thỏa thuận với Cục, không có hạng mục sơn thếp bộ khung và mảng chạm. “Bộ và Cục chỉ thỏa thuận cho phục hồi sơn thếp hệ khung. Phục hồi có nghĩa là phải đánh giá hiện trạng, trám vá và sơn vẽ theo mức độ xuống cấp. Việc này phải làm theo quy trình truyền thống và đáp ứng yêu cầu khoa học, nguyên tắc tu bổ".

Đáng chú ý, vệc sơn thếp hai bức chạm thế kỷ 17 - 18, hai bên bậu cửa và chấn song cửa sổ không được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt để thực hiện trong việc tu bổ này.

Dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền Phù Đổng do UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư được phê duyệt từ năm 2014 gồm các hạng mục: đình Hạ Mã; Cụm đền Thượng gồm (thủy đình, giếng gạch, kè ao sau đền); Chùa Kiến Sơ gồm (Tam quan, Kè ao); Cụm đền Hạ gồm (Nhà Mẫu, nhà Từ đền, kè ao trước đền); Miếu Ban gồm (Cổng miếu Ban, miếu Ban, kè ao miếu Ban); Sơn thếp (đền Thượng, Đền Hạ, Miếu Ban) và hạ tầng, hệ thống chiếu sáng trong và ngoài nhà, phòng cháy chữa cháy.

ảnh 2

Theo nhiều chuyên gia, việc trùng tu kiểu này sẽ phá hủy các mảng chạm và không có cách gì khôi phục được (ảnh FB Đỉnh Làng Việt)

Hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị UBND huyện Gia Lâm đề xuất biện pháp xử lý những nội dung không đảm bảo yêu cầu bảo quản cũng như tu bổ di tích. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng tu bổ của các gói thầu đang thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật của công trình; thực hiện việc nghiệm thu theo quy định tại Điều 15 Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kết quả kiểm tra, đề xuất của UBND huyện Gia Lâm gửi về Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để xem xét giải quyết theo quy định trước ngày 10-4-2017.

Cụm di tích đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số: 2383/QĐ-TTg ngày 9/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hiện do UBND huyện Gia Lâm quản lý trực tiếp theo phân cấp của UBND thành phố Hà Nội.

Theo Quỳnh Vân - ANTĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhớ Phương Lan (03/04/2017)