Tạp chí Sông Hương -
Sau ánh đèn, ô cửa…
09:34 | 04/04/2017

Những tòa nhà tráng lệ, trung tâm mua sắm sầm uất và các công trình đầy hứa hẹn tương lai… đã vẽ nên bức tranh về một thành phố vội vã chuyển mình. Nhưng còn có một Hà Nội dung dị, đời thường hơn. Chính những khía cạnh khác nhau ấy đã tạo nên nét riêng cho Hà Nội.

Sau ánh đèn, ô cửa…
Một thành phố đáng sống là khiến những lối sống khác nhau được bén rễ - Nguồn: ITN

Những nông dân trong phố

“Dù chỉ cách vài bước chân từ con đường chính xe cộ đi lại như mắc cửi, trò chuyện với cụ khiến tôi cảm thấy như mình vừa về một làng quê Việt Nam chính gốc, nơi cả những người xa lạ cũng được tiếp đón nồng hậu. Và bên chén nước chè xanh, những câu chuyện rổn rảng không chút ngần ngại hay dò xét như người ta thường thấy ở giữa lòng đô thị” - Aaron Vansintjan, nghiên cứu sinh tại Trường Đại học London chia sẻ về quá trình nghiên cứu Hà Nội. Trong 6 tháng, Aaron đã đi khắp các con phố và có khám phá thú vị về ảnh hưởng đô thị hóa lên cuộc sống của người dân. Không gian trống bị thu hẹp, thay thế bằng nhà bê tông, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch... Dù vậy, nhiều người vẫn tiếp tục sử dụng theo cách truyền thống: Mua thực phẩm của gánh hàng rong hay tự trồng rau, hoa, cây cảnh… Vì thế, nhiều khu phố Hà Nội có không gian pha lẫn truyền thống và hiện đại. 

Nhưng đằng sau hình ảnh hàng rong hay ban công đầy hoa, vườn rau tươi xanh… là câu chuyện về thân phận những con người ở thành phố. Đó là chuyện của những nông dân - giờ là công dân của một Hà Nội mở rộng, đã bán hết đất ruộng nhưng vẫn muốn tiếp tục làm nông bằng cách tận dụng những công trình xây dựng dang dở. Như ở Tây Hồ, một cặp vợ chồng già đã sống cả đời trong ngôi nhà tạm bợ dựng trên nền bãi tập kết rác khổng lồ, tự tạo khoảnh vườn nhỏ để trồng rau sạch phục vụ khách nước ngoài. Hay ở Nhật Tân, sau khi khu đô thị Ciputra mọc lên, người dân duy trì nghề của ông cha bằng cách chuyển địa điểm trồng đào sang bãi sông Hồng, nơi trước đây là khu vực trồng rau, còn rau lại trồng trong các thùng xốp…

“Ở Tây Hồ, Nhật Tân, Trung Hòa Nhân Chính, Linh Đàm… cũng có thể là bất cứ nơi nào của Hà Nội, họ là những nông dân trong phố, gọi đô thị mình đang sống là làng. Họ không có nhiều lựa chọn về cách sống trong một thành phố mà buộc phải tự tạo ra, theo cách của riêng mình” - Aaron Vansintjan nói.

Sự “ngạc nhiên bền vững”

 “Câu chuyện vỉa hè vẫn đang gây xôn xao dư luận, khi chính quyền can thiệp để làm cho ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng lại đụng chạm đến rất nhiều vấn đề trong thành phố… Chúng ta không chặn sự phát triển mà chọn lấy cách làm tốt. Hãy nhìn nhận thành phố là của chung mọi người. Thay vì cứ băn khoăn thành phố phải thế nào mới đáng sống, thì cần suy ngẫm ngược lại xem chúng ta có thể làm gì để thành phố này tốt hơn”.

Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, PGS.TS. Phạm Thúy Loan

Việc trồng rau, mua bán hàng rong… là cách người dân đô thị tạo ra môi trường sống thân thuộc hơn, thực phẩm khi ấy trở thành phương tiện tham gia và xây dựng đời sống cộng đồng. Theo Aaron, “nó là quà tặng để cải thiện mối quan hệ với hàng xóm, biểu tượng của làng quê, gợi nhớ về giá trị truyền thống Việt Nam từ sâu thẳm mỗi người. Bởi vậy, mọi yếu tố đang hiện hữu trong đô thị Hà Nội, tuy không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng vẫn có giá trị riêng”.

Dưới góc độ quy hoạch kiến trúc, KTS Hoàng Thúc Hào gọi những giá trị này là sự “ngạc nhiên bền vững” của Hà Nội. “Mặc dù so với trước đây, cân bằng sinh thái đã bị đô thị hóa tác động ghê gớm, nhưng Hà Nội vẫn đẹp bởi những sắc thái riêng do lối sống đa dạng của các nhóm người khác nhau tạo thành”. Đồng tình với quan điểm này, Aaron cho biết: “Những người dân yếu thế, câu chuyện của họ ít được kể, họ không được tham gia nhiều vào quá trình quy hoạch nhưng biết cách khiến cuộc sống trở nên đáng yêu bằng đời sống công cộng phong phú. Ở các thành phố khác, như London (Anh), Ottawa (Canada), Bruxelles (Bỉ)… sẽ khó bắt chuyện cởi mở với người lạ, cũng đừng mong tìm thấy hàng rong như trên phố Hà Nội. Giá trị đó khiến ta thấy nơi đây gần gũi như mình luôn thuộc về”.

Mọi lối sống được bén rễ

Theo Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, PGS.TS. Phạm Thúy Loan, giá trị sống của một thành phố cần được xác định dựa trên khía cạnh tôn trọng và bảo đảm cách sống của các cộng đồng khác biệt. “Quy hoạch không nên làm ảnh hưởng đến quyền dù chỉ một nhóm cộng đồng. Khi thành phố phát triển, các không gian bị ăn bởi những công trình, cái còn lại chính là sự gắn kết con người trong xã hội. Không gian công cộng, sân chơi cho trẻ em, những thùng xốp trồng cây tạm bợ… tưởng đơn giản nhưng ý nghĩa hơn ta tưởng”, PGS.TS. Phạm Thúy Loan nói.

KTS Hoàng Thúc Hào nhận định, nơi chốn lý tưởng không thể chỉ đáp ứng chất lượng sống cho một nhóm cộng đồng, mà dành cho mọi người. Phát triển một thành phố phải dựa trên nhiều góc độ, cho phép các nhóm cộng đồng cùng thích ứng. “Sẽ luôn có mâu thuẫn nhưng cần để mọi người có cơ hội lên tiếng, nhất là những người đang ít có tiếng nói trong thành phố”. Từ kinh nghiệm nghiên cứu nhiều thành phố khác nhau, theo Aaron Vansintjan, đối với thành phố biến chuyển ngày càng mạnh mẽ như Hà Nội, với sự tích hợp đa dạng văn hóa, lối sống, việc lắng nghe tiếng nói của các nhóm cộng đồng càng trở nên quan trọng. “Một thành phố đáng sống là khiến những lối sống khác nhau được bén rễ, và điều đặc biệt là nó dành cho mọi người”.

Nguồn: Lê Thư - ĐBND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng