Tạp chí Sông Hương -
Việc xếp hạng không thích hợp với văn hóa phi vật thể
08:47 | 03/06/2009
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 2-6, các đại biểu quan tâm nhiều đến các quy định về di sản văn hóa phi vật thể.
Việc xếp hạng không thích hợp với văn hóa phi vật thể
Không thể xếp hạng với văn hóa phi vật thể, trong đó có quan họ Bắc Ninh - Ảnh: VNN

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà  - Gia Lai cho rằng, Chương III, Luật di sản văn hóa dành 11 điều quy định về vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhưng các quy định vẫn còn chung chung, chưa cụ thể nên chưa phát huy được tác dụng như mong muốn trong thực tiễn. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang bị mai một, mất đi vĩnh viễn cùng với người nắm giữ và trình diện nó.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương  - Ninh Thuận cũng nhất trí, quy định bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể chưa được cụ thể từ cách tiếp cận quy định về di sản văn hóa phi vật thể đến quy định cách tổ chức  bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

“Trên thực tế ta thấy  nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang có xu hướng bị mai một, thất truyền, thậm chí ngôn ngữ dân tộc cũng đang có xu hướng bị pha tạp và coi nhẹ rất đáng tiếc, đồng thời các nghệ nhân dân gian giữ bí quyết và truyền bá văn hóa dân tộc cũng chưa được đề cao và tạo điều kiện phát huy một cách đúng mức. Trong dự thảo luật sửa đổi lần này, tôi cũng thấy chưa được đề cập vấn đề này”, bà Hương nói.

Đánh giá Luật di sản văn hóa sửa đổi lần này có rất nhiều tiến bộ hơn so với Luật di sản văn hóa hiện hành nhưng đại biểu Nguyễn Thị Vân  - Hà Tĩnh cho rằng, dự thảo luật lần này chưa đề cập đến một số vấn đề như: tiêu chí để xếp hạng công bằng, công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh; quy trình xếp hạng, công nhận di sản phi vật thể các cấp; việc xác định yếu tố gốc của di sản văn hóa phi vật thể và việc thành lập Hội đồng di sản văn hóa quốc gia.

“Điều 4, có một số nội dung sai, nhận thức không đúng và không đầy đủ nội dung và khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể, về nội hàm của khái niệm văn hóa phi vật thể đã nêu ra cả chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và cả trang phục truyền thống. Nếu coi văn hóa phi vật thể thì chỉ có thể là những kinh nghiệm, những suy nghĩ trong đầu các nhà văn các nghệ sỹ khi chưa tạo thành các tác phẩm mà thôi”, đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Dũng - Đắc Lắk.

Đại biểu Dũng cho biết, theo Công ước 2003 về di sản văn hóa phi vật thể mà nước ta đã tham gia, thì nội dung văn hóa phi vật thể thể hiện ở các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu. Trong đó, ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội, tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ, nghề thủ công truyền thống. Vì vậy Điều 4, không nên “sáng tác” thêm các khái niệm không phải văn hóa phi vật thể.

Bàn về  bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, đại biểu Nguyễn Hội (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, các di sản văn hóa phi vật thể như nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, cồng chiêng Tây Nguyên hay các vũ điệu dân tộc... có giá trị rất cao của một di sản vì ở đấy có một tình cảm trí tuệ rất văn hóa và rất lịch sử của dân tộc Việt. Vì vậy, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể là bảo vệ và phát huy linh hồn văn hóa của Tổ quốc Việt Nam, linh hồn của trí tuệ thực nghiệm, tự chủ và nhân văn. Linh hồn và giá trị ấy không phải chỉ có mặt ở ngôn ngữ, thuần phong mỹ tục, văn chương truyền khẩu, nghệ thuật dân gian, bí quyết nghề truyền thống, lễ hội..., mà còn có mặt trong một lĩnh vực rộng lớn hơn của dòng văn chương bác học. Đây là nội dung rộng lớn của di sản văn hóa phi vật thể, đòi hỏi một công trình thống kê, kiểm kê công phu và lâu dài mà riêng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch khó có thể một mình đảm đương.

Đại biểu Bùi Thị Hoà  - Đắk Nông đề nghị Quốc hội cần quan tâm, xem xét để bổ sung các quy định cụ thể tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể, luật cần quy định tiêu chí để nhận diện di sản văn hóa phi vật thể theo hướng tham khảo khái niệm di sản văn hóa phi vật thể mà Tổ chức văn hóa, giáo dục khoa học của Liên hiệp quốc công bố trong công ước năm 2003. Cần quy định việc xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở để xây dựng kế hoạch bảo tồn, giữ gìn và phát huy.

“Điều 18 sửa đổi chỉ quy định tiêu chí xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là không đầy đủ. Về thủ tục xếp hạng, trình tự và thẩm quyền xếp hạng cũng cần quy định rõ đối với từng loại hình, không nên quy định như Khoản 2 trong trường hợp di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục, mà sau đó xác định không đủ tiêu chuẩn để đưa ra khỏi danh mục di sản văn hóa quốc gia. Tôi nghĩ rằng nếu quy định tiêu chí này rõ ràng, thẩm định một cách khoa học và nghiêm túc thì sẽ không xảy ra tình trạng này”, bà Hòa nói.

Cũng liên quan đến các di sản văn hóa phi vật thể, đại biểu Dương Trung Quốc  - Đồng Nai lại đề cập đến một khía cạnh khác: vấn đề ứng xử đối với di sản.

“Chúng ta đã đặt chương văn hóa phi vật thể lên trên cả chương văn hóa vật thể, thể hiện được ứng xử của chúng ta đối với một lĩnh vực vừa mới mẻ nhưng vô cùng quan trọng. Và điều quan trọng nhất là nó đang đứng trước nguy cơ bị mất mát rất nhiều.  Có lẽ cũng chính vì đặc thù riêng của văn hóa phi vật thể như tên gọi của nó, cho nên ứng xử của chúng ta cũng khác với văn hóa vật thể. Những ý kiến cho rằng cần xếp hạng như văn hóa vật thể, rõ ràng điều đó không thích hợp với văn hóa phi vật thể. Bởi vì việc xếp hạng để phân loại giá trị hơn, giá trị kém, nó sẽ rất nhạy cảm đối với những lĩnh vực liên quan đến dân tộc, đến tôn giáo...”, ông Quốc nói.

Ông Quốc cũng nêu ra một số nội dung quan trọng mà bộ luật này chưa đề cập tới, trong đó có việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy di sản với phát triển, việc thiếu thông tin về tình hình bảo tồn di tích.

Làm rõ thêm xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết  - Lạng Sơn cho biết, Công ước năm 2003 của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể không xếp hạng các di sản, vì xếp hạng di sản rất khó.

“Ví dụ, hát quan họ Bắc Ninh thì chúng ta xếp là di sản quốc gia. Vậy thì hát si, hát lượn ở Lạng Sơn chúng ta có xếp là quốc gia không hay chỉ là cấp tỉnh. Nếu bây giờ mình xếp hạng như thế thì nó sẽ tạo ra những bất bình đẳng giữa các cộng đồng”, ông nói.

Vì lẽ này, trong dự thảo luật chỉ định quy định là khi nào lập đầy đủ hồ sơ di sản, hồ sơ khoa học thì lúc đó sẽ đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia đúng như theo quy định của Công ước năm 2003. 

                                                                                                                 Theo HNMO

Các bài mới
Các bài đã đăng