Tạp chí Sông Hương -
Lê Thừa Tiến- họa sĩ của thời mở cửa
15:09 | 07/04/2017

Vừa qua, Lê Thừa Tiến là họa sĩ Huế duy nhất được chọn tham gia triển lãm “Mở cửa mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) tổ chức tại Hà Nội năm 2016.

Lê Thừa Tiến- họa sĩ của thời mở cửa
Họa sĩ Lê Thừa Tiến

Trong những năm đổi mới và hội nhập của mỹ thuật Việt Nam, nhiều họa sĩ Huế với các độ tuổi khác nhau đã góp phần tích cực trong sáng tạo nghệ thuật giai đoạn 1986 – 2016, như họa sĩ Vĩnh Phối, Trương Bé, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận,  Phạm Đại, Dương Đình Sang, Nguyễn Duy Linh, Hồ Sỹ Ngọc, Lê Thừa Tiến, Trần Hữu Nhật, Phan Hải Bằng, Lê Văn Nhường, Võ Xuân Huy, Phạm Trinh, Nguyễn Thị Huệ, Tô Trần Bích Thúy, Nguyễn Tuấn… Nhưng tại triển lãm “Mở cửa mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp Ảnh và Triển lãm tổ chức vừa qua, chỉ có một người Huế duy nhất là Lê Thừa Tiến trong số 49 họa sĩ toàn quốc được chọn tham gia triển lãm “đình đám” này.

Đây là một trong những điều vinh dự lớn cho họa sĩ Lê Thừa Tiến, anh đã mang lại một luồng sinh khí mới cho đời sống mỹ thuật ở Huế và góp phần khẳng định dấu ấn trong sáng tạo nghệ thuật thời kỳ đổi mới với những cái nhìn đã khác xưa, tư duy hình tượng khác lạ những vẫn giữ được năng lực sáng tạo, tố chất mạnh mẽ, khát khao sáng tạo ẩn dấu tiềm tàng bên trong của mình.

“Chắp tay sen”

Việc chỉ có một họa sĩ Huế duy nhất là Lê Thừa Tiến tại triển lãm được xem là sự kiện văn hóa nổi bật ở Việt Nam tháng 12/2016 cho thấy sự lựa chọn khá khắt khe của các giám tuyển (curator). 

Lê Thừa Tiến sinh năm 1964, sinh năm 1964 tại Huế, nguyên quán Mỹ Xuyên, Phong Điền, tốt nghiệp cử nhân mỹ thuật tại Đại học Mỹ thuật Huế, rồi làm giảng viên tại Khoa Hội họa của trường. Từ năm 1995 – 1996, anh tu nghiệp trên đại học tại Học Viện Mỹ thuật Hoàng gia (Rijksakademie van Beeldende Kunsten) Amsterdam, Hà Lan. Năm 2008 – 2009, tốt nghiệp thạc sĩ Mỹ thuật, Trường Nghệ thuật và Thiết kế (Arts & Design UNSW), Đại học New South Wales, Sydney, Úc. Sau khi về nước, anh chọn cho mình con đường riêng là nghệ sĩ tự do, từ đó anh sáng tạo và tìm kiếm những cơ hội triển lãm, giao lưu quốc tế và tạo dựng thị trường tranh của mình. Đó là một sự “táo bạo”, một sự “mở” khác mà anh lựa chọn với bao khó khăn phía trước.

“Việt Nam cuộc chiến tranh hóa thạch”

Bóng đổ - tác phẩm sắp đặt

Khi còn là giảng viên của Khoa Hội họa, nhiều sinh viên rất hâm mộ và thích cách dạy đòi hỏi tố chất sáng tạo cao cũng như phải có tư duy mẫn cảm trong nghệ thuật mà anh khởi xướng. Anh dạy sinh viên muốn trở thành họa sĩ thì phải học và nắm thật vững vàng kỹ năng tạo hình hàn lâm, nhưng không vì vậy mà quá cứng nhắc, trói mình vào những bài học kinh điển mà phải có tinh thần sáng tạo. Trong thời gian này, Lê Thừa Tiến bằng nhiệt huyết và đam mê nghệ thuật của mình, đã giới thiệu cho công chúng nghệ thuật về nghệ thuật Sắp đặt, vốn lúc này vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Họa sĩ Lê Thừa Tiến tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật tại Huế, trong đó có những tác phẩm sắp đặt đầy ấn tượng được dựng lên trong các kỳ Festival tại Huế. Công chúng vẫn nhắc đến những sáng tác của anh như tác phẩm “Đông về” rất gần với Quốc họa (chất liệu lụa – 50 x 110, sáng tác năm 1989, anh vẽ  một đàn kiến di chuyển theo đường sóng và chạy dài ở trục dọc của tranh, những con kiến bé nhỏ, mong manh nhưng đầy sức mạnh ý chí tồn tại trong sa mạc mênh mông của kiếp đời. Tác phẩm thực sự là ẩn dụ về bao gian lao trên cõi trần của những kiếp người và sự tha hóa của tự nhiên. Hay tác phẩm sắp đặt “Ánh trăng” có tiết diện trưng bày 140m2 tại Festival Huế 2002 đầy ấn tượng với màu tím Huế xao động hiện ra qua những hình sắc nổi chan hòa ánh sáng trong trẻo... Festival Huế 2002 còn có tác phẩm “Hoa cỏ” với 7.000 chiếc chong chóng bằng giấy cắm trên bãi cỏ xanh, gợi lên những nỗi niềm và sự nghĩ suy về cuộc sống đầy năng động.

Họa sĩ Lê Thừa Tiến đã có các triển lãm tại Mỹ (1997, 1998, 2007), Úc (2006, 2009), Campuchia (2011), Pháp (1992, 1997, 2012), Hà Lan (1995, 1997, 2004, 2013), Đức (1998), Thái Lan (1998, 2014), Venezuela (2001), Nhật Bản (2013, 2016), Myanmar (2013)… và một số giải thưởng nổi bật: 1997/1998: Freeman Asian Artists Award, VSC, Vermont, Hoa Kỳ; 2011: Heinrich Boell Foundation Grant; 2015 & 1997: Vermont Studio Center Fellowship, cùng nhiều triển lãm ở Việt Nam…

Lê Thừa Tiến còn được công chúng yêu nghệ thuật biết đến với vai trò là một nhịp nối trong các hoạt động nghệ thuật giữa người họa sĩ với công chúng, với một số tổ chức văn hóa nước ngoài mà anh có cơ hội sáng tạo, triển lãm, giao lưu nghệ thuật. Như “Gạo và Đất” (chất liệu tổng hợp), “Bóng đổ” – 1998 vừa là sắp đặt, vừa là một tác phẩm tương tác sinh động của anh. Nhưng đến “Việt Nam cuộc chiến tranh hóa thạch” được trưng bày ở Mỹ năm 1998 và tại Đức 1999 thì sự ám ảnh chiến tranh, cách nhìn về cuộc chiến, về hậu chiến đã rất mới mẻ. Riêng tác phẩm “Chúng ta từ đâu đến” trưng bày tại Nhật Bản năm 2003 đã gây xúc động mạnh bởi lối trình diễn nghệ thuật đầy mới lạ mà lay động của anh, sự ám thị không gian, thời gian và sức mạnh dân tộc tính trong nghệ thuật. Năm 2009 tại Sydney (Úc), Lê Thừa Tiến trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Casula Powerhouse 2 tác phẩm “Chắp tay sen” và “Nụ cười của Phật” làm bằng (giấy bồi) và gốm Raku (Nhật Bản). Đó cũng là cách nhìn nhận đầy nội tâm của anh về khát vọng đoàn viên của dân tộc sau những tháng năm chiến tranh bi thương, mất mát và ẩn dấu tinh tế, hướng về bình an, hạnh phúc thấm đượm dấu ấn Phật giáo – mà Huế là một trong nơi thẩm đẫm tinh thần này.

Thay lời kết, xin trích đánh giá của TS Suzanne Lecht, Giám đốc nghệ thuật, Gallery Art Vietnam: “Lê Thừa Tiến là một nghệ sĩ với cuộc đời và tác phẩm thấm đẫm ký ức xuyên suốt những sáng tạo của ông; phong phú về chất liệu lẫn loại hình; từ hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, đến các dự án nghệ thuật cộng đồng; tất cả đều thể hiện một chiều sâu tâm linh; một vẻ đẹp thuần khiết, thánh thiện. Các tác phẩm sơn mài gần đây nhất của ông, mở ra những khoảng không sâu thẳm, trống rỗng và đơn sắc, như đánh thức lại niềm hoài nhớ về những phế tích cổ xưa, tưởng chừng đã mãi mãi bị lãng quên trong dòng chảy của lịch sử và thời gian. …Đó là không khí thiền định khi ta suy tư và cảm nhận về cái uy nghiêm của thời gian trước những gì còn sót lại”.

Nguồn: TS Phan Thanh Bình - TTH

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng