Tạp chí Sông Hương -
Kịch ngoại vào Việt Nam: Kịch phụ đề, dễ… phụ lòng
15:01 | 03/06/2009
"Người tốt Tứ Xuyên", "Romeo và Juliet", "Mười hai con giáp"... - liên tục những vở kịch ngoại được "nhập nguyên chiếc" vào VN đã giúp cho bảng kịch mục của sân khấu Việt trong 6 tháng đầu năm 2009 có thêm được vài đốm sáng lạ.
Kịch ngoại vào Việt Nam: Kịch phụ đề, dễ… phụ lòng
"Mười hai con giáp" (Nhà hát NT Thiếu nhi TQ) - vở kịch ngoại hiếm hoi bán được vé ở V.Nam.

Hơn thế, còn là những đốm sáng quý hiếm giữa thời buổi kinh tế khủng hoảng, chả dễ gì đón "đoàn vào, đoàn ra" và không ít đơn vị nghệ thuật ở VN đang gắng gượng hoạt động cầm chừng. Nhưng vấn đề là đốm sáng còn chịu đến (?), khi mà câu chuyện bán vé xem kịch phụ đề ở VN xem ra hãy còn là chuyện rất dễ bị phụ lòng.

Thu không đủ bù chi

Thực đơn (vốn không nhiều món) cho Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay của khán giả nhí Hà Nội xuất hiện một món lạ: Vở kịch “Mười hai con giáp” đến từ Nhà hát Nghệ thuật thiếu nhi Trung Quốc (CCAT).

Vở diễn quy tụ hơn 30 nghệ sĩ Trung Quốc, nhưng được dàn dựng bởi đạo diễn người Australia Perter Wilson – một cái tên nổi tiếng thế giới, vì ông chính là đạo diễn của lễ khai mạc Olympic Sydney 2000 và ASIAN Games Doha. Kết quả: 4 suất diễn tại NH Tuổi Trẻ hết vé, khiến những khán giả chậm chân đành tạm bằng lòng với “Ngôi nhà của bé” – thương hiệu “của nhà giồng được” của NH Tuổi Trẻ (năm nay lại tiếp tục kín ghế với 32 suất diễn chỉ trong vòng một tuần).

4 suất diễn hết vé tất nhiên không thắng được 32 suất diễn kín ghế về mặt doanh thu, nhưng rõ ràng, “Mười hai con giáp” đã không chỉ đủ sức làm lu mờ “Ngôi nhà của bé”, mà còn kịp khiến khán giả phải cảm động trước việc: Sao mà người ta có thể đổ công đổ của đến vậy cho một vở kịch thiếu nhi.

“Mười hai con giáp” là một “ca hiếm” bán được vé của kịch ngoại tại VN với giá vé không cao: 80.000 – 100.000 đồng Khác với “Mười hai con giáp”, “Người tốt Tứ Xuyên” lúc đầu đến VN cũng với ý định bán vé (dù chỉ để gây quỹ từ thiện), nhưng cuối cùng, do có sự tư vấn của Nhà hát (NH) Tuổi Trẻ (đơn vị tổ chức biểu diễn) đã quyết định mở cửa miễn phí trong suốt hành trình xuyên Việt.

Cất công mời TNT (nhà hát kịch danh tiếng của Anh) đến VN, cũng với một đầu kịch kinh điển (“Romeo và Juliet”), Cty tổ chức biểu diễn Lê Quý Dương lại không nghĩ thế, khi quyết định đưa ra giá vé gây sốc, ít ra là tại Hà Nội: 500.000 đồng.  Điều dễ đoán là đêm diễn khó mà kín ghế. Không bán được giá vé cao và kéo dài được số lượng suất diễn cũng đồng nghĩa với việc hạn chế doanh thu của vở.

Trong khi để mang được vở diễn này sang VN, cả hai bên đã cùng phải chung chi chừng 500 - 600 triệu đồng, trong đó riêng tiền chuyên chở 3,5 tấn đạo cụ và thiết bị bằng đường bộ từ Bắc Kinh đến Hà Nội đã mất gần 10 ngàn USD. Thu không đủ bù chi đó là một rào cản đáng kể khiến hành trình đến VN của các nhà hát đẳng cấp, thương hiệu lớn trên thế giới mỗi lúc một xa ngái hơn, nếu như không có được sự trợ giúp cần thiết của các nhà tài trợ hay sự bảo trợ của Nhà nước.

Lợi thì có lợi, nhưng răng… chưa màng

Nguyên do của sự tốn kém (lẽ ra không đáng có) nói trên cũng là vì điều kiện hạ tầng của NH Tuổi Trẻ (còn là nhà hát được liệt vào hạng tốt ở Hà Nội, vì vừa được đầu tư khá đồng bộ vào năm 2004) còn xa mới đủ sức đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của vở.

Ông Nhuận ngán ngẩm: “Mang tiếng là nhà tổ chức biểu diễn, thế mà cái duy nhất chúng ta có để “góp gạo thổi cơm chung” hầu như chỉ là cái xác rạp”. Cũng vì lý do này mà trong chuyến trở lại VN dự kiến vào tháng 7 tới, nghệ sĩ trình diễn bong bóng nổi tiếng thế giới Fan Yang và nhà tổ chức cũng sẽ phải chấp nhận một khoản chi tương tự.

Bằng nỗ lực tự thân, NH Tuổi Trẻ trong vài năm trở lại đây đã cố gắng chủ động mời một số nhà hát nằm trong danh sách đối tác, kết nghĩa của mình sang biểu diễn tại VN. Cái lợi thì ai cũng thấy rõ: Đưa được những vở diễn danh tiếng đến VN, tạo cơ hội học hỏi cho anh chị em làm nghề, mở rộng biên độ giao lưu trao đổi cập nhật cái mới, nâng cao nhận thức khán giả...

Nhưng để đưa được “lợi” về thì “răng” lắm khi lại chả đủ cho! Kinh phí, phương tiện kỹ thuật hạn chế – đã đành! Cái thiếu, cái yếu ở đây còn là vị thế, tiếng nói của sân khấu Việt hầu như còn quá mờ nhạt trên bản đồ sân khấu thế giới, khi mà cho mãi tận đến năm 2004, VN mới được chính thức kết nạp vào Hiệp hội Sân khấu thế giới (ITI).

Thêm vào đó, là trình độ thưởng thức của khán giả. “Khái niệm khán giả của nhà hát ở ta theo tôi dường như mới chỉ được hình thành trong khoảng mươi năm trở lại đây, còn trước đó, chủ yếu là khán giả của sân đình, sân bãi... Nên có lẽ còn cần thêm thời gian để hình thành một tầng lớp khán giả văn minh đích thực của nhà hát” – ông Nhuận nói.

Vất vả, khó khăn đến thế để mời khách vào nhà, vậy mà đến lượt khán giả nhà lại chưa hẳn đã nao nức mở lòng và sẵn sàng mở ví. Thậm chí, mở cửa miễn phí nhiều lúc khán giả còn chả thiết!

Đến nổi tiếng như “Romeo và Juliet” mà khán giả ngồi xem còn không ít vị phải ngáp dài vì không nuốt nổi món “kịch thơ” mà họ không quen, nhất là lại còn phải bỏ tiền trăm mua vé. “Lại phải cần thời gian để thay đổi thói quen thưởng thức!” - không ít nhà tổ chức có lòng với kịch ngoại chép miệng nghĩ.

                                                                                                                       Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng