Tạp chí Sông Hương -
Để “phố bảo tàng” trở thành điểm đến hấp dẫn
14:29 | 13/04/2017

Đường Lê Lợi dọc bờ nam sông Hương, đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân đang hình thành “phố bảo tàng”, trở thành điểm nhấn du lịch độc đáo của Huế.

Để “phố bảo tàng” trở thành điểm đến hấp dẫn
Triển lãm tranh được tổ chức bên trong Bảo tàng Văn hóa Huế

Đường Lê Lợi thành “phố bảo tàng”

Ngoài hai Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng đang hoạt động, trên trục đường này có Bảo tàng Văn hóa Huế cũng đang trong giai đoạn đầu tư nâng cấp, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ đang trong quá trình hoàn thiện. Trong thời gian ngắn nữa, Trung tâm Festival Huế (17 Lê Lợi) sẽ nhường lại vị trí đắc địa để phục vụ cho việc trưng bày, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật của Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, được chuyển từ số 1 Phan Bội Châu về.

Theo các chuyên gia văn hóa, những người hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng, việc hình thành phố bảo tàng trên tuyến đường đẹp Lê Lợi là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại đặt ra trong công tác quản lý, hoạt động.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin cho rằng, đường Lê Lợi là tuyến đường đẹp, có vị trí “xương sống” của kiến trúc đô thị Huế, vừa nằm cạnh sông Hương, vừa mở hướng kết nối các trục đường phía nam thành phố. Việc quy hoạch tuyến đường này trở thành đường văn hóa, nghệ thuật cũng như các hoạt động du lịch phục vụ nhu cầu của người dân, du khách là rất tốt.

Để tạo sự kết nối không gian, ngoài một số bảo tàng, nhà trưng bày hiện có, trong tương lai cần tính đến việc điều chỉnh công năng một số cơ quan hành chính trên đường Lê Lợi, như Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo thành nhà hát truyền thống, dịch vụ văn hóa nghệ thuật… Tương lai xa, khi có trung tâm hành chính mới, UBND tỉnh có thể trở thành một bảo tàng hoặc phục vụ cho một thiết chế văn hóa, du lịch, hay dịch vụ. Như vậy, góp phần tạo nên sự sinh động, hấp dẫn cho cả tuyến phố.

“Hầu hết các bảo tàng chỉ mở cửa vào giờ hành chính ban ngày, ban đêm sẽ đóng cửa và trở nên hoang vắng, buồn bã. Một phần ban đêm du khách thường hứng thú hơn với các hoạt động vui chơi, giải trí. Vậy chúng ta có thể linh động tổ chức hoạt động nghệ thuật, dịch vụ xen ghép vào không gian bảo tàng về đêm để thu hút du khách”, ông Hoa gợi ý thêm về hoạt động của các bảo tàng. Bên cạnh đó, cần chú trọng quảng bá hình ảnh tuyến phố một cách rộng rãi đến các đơn vị khách sạn, lữ hành.

Hoàn thiện ý tưởng

Mới đây, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Nhà Trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị. Dù hợp nhất nhưng không gian trưng bày tác phẩm của hai nghệ sĩ danh tiếng này vẫn được tách riêng, ở hai vị trí khác nhau và cùng nằm trên trục “phố bảo tàng”. Tuy nhiên vẫn chưa rõ thời gian di chuyển các tác phẩm nghệ thuật của Điềm Phùng Thị ra địa chỉ mới do đang chờ Trung tâm Festival Huế bàn giao, giải phóng mặt bằng. Sau đó, sẽ sửa chữa, cải tạo không gian xung quanh phù hợp cho mục đích, chức năng trưng bày tác phẩm nghệ thuật.

Theo bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, việc di chuyển các tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị ra “phố bảo tàng” chỉ còn là vấn đề thời gian. “Chủ trương đưa những tác phẩm của nhà điêu khắc nổi tiếng này ra trục phố Lê Lợi rất hợp lý, có nhiều điều kiện thuận lợi phát huy giá trị các tác phẩm đến gần hơn với công chúng”, bà Trai nói và cho hay, lâu nay do nằm ở vị trí không thuận lợi (số 1 Phan Bội Châu) nên các tác phẩm của Điềm Phùng Thị còn ít được du khách biết đến, việc quảng bá còn hạn chế.

Theo thống kê, năm 2016, không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật Lê Bá Đảng đón 15.000 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế.

Một trong những hạn chế là lâu nay, hai không gian trưng bày trên chỉ mở cửa vào giờ hành chính, ban đêm đóng cửa, trừ các dịp lễ hội, triển lãm nên chưa khai thác hết tối đa lợi thế. Để gỡ nút thắt này, bà Trai cho biết đang lên kế hoạch mở cửa hai không gian trưng bày về đêm và kêu gọi các đơn vị lữ hành đưa vào tour tham quan. Bà Trai cho rằng: “Một khi các không gian trưng bày ở tuyến đường này cùng mở cửa, bật đèn chiếu sáng về đêm sẽ hút khách cùng các hoạt động triển lãm, liên kết không gian phố đêm dọc bờ sông Hương để tuyến phố này trở thành điểm nhấn về đêm”.

Theo Phan Thành - TTH

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng