Tạp chí Sông Hương -
Sao không công khai danh mục ca khúc cấm?
14:33 | 13/04/2017

Băn khoăn quanh việc 5 ca khúc sáng tác trước 1975 bị cấm lưu hành còn chưa có hồi kết, thì vừa mới đây dư luận lại thêm một lần ngạc nhiên đến… không tin nổi vì ca khúc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lâu nay chưa được cấp phép phổ biến. Sự ngạc nhiên ấy hoàn toàn có cơ sở bởi ca khúc này hiện đang được sử dụng trong chương trình SGK môn Âm nhạc lớp 9 - bậc THCS. Và khi dư luận ồn ào thì ca khúc lại được cấp phép biểu diễn.

Sao không công khai danh mục ca khúc cấm?
Bản nhạc gốc “Cánh thiệp đầu xuân” - nhạc sĩ Minh Kỳ tại VCPMC

Chưa khi nào chuyện cấm lưu hành ca khúc lại thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận như thời gian vừa qua. Sau 5 ca khúc sáng tác trước 1975, bao gồm “Con đường xưa em đi”, “Rừng xưa”, “Cánh thiệp đầu xuân”, “Chuyện buồn ngày xuân, “Đừng gọi anh bằng chú” bị Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) yêu cầu dừng phổ biến/ lưu hành để đối chiếu với bản gốc, lại tiếp đến vụ việc ca khúc “Màu hoa đỏ” (nhạc Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu) cũng bị Sở VHTTDL Tiền Giang tạm dừng lưu hành vì hình ảnh minh họa kèm bài hát chưa phù hợp… Song tất thảy những lý do mà cơ quan quản lý đưa ra cho đến thời điểm này đều khiến công chúng không thỏa mãn.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi phân tích về việc cấm lưu hành ca khúc có nhấn mạnh rằng: cần phải xem lại năng lực cán bộ làm công tác quản lý văn hóa hiện nay. Theo ông, văn bản mang ý chí cá nhân, thể hiện trình độ, nhận thức của cán bộ; thể hiện những lỗ hổng về văn hóa, lỗ hổng trong nhận thức về văn hóa - nghệ thuật. Thật may, nhờ sự vào cuộc ráo riết của truyền thông, vụ việc ca khúc “Màu hoa đỏ” sau đó đã sớm được giải quyết.

Cùng với đó, ngay trong sáng 12/4, Cục NTBD cũng đã kịp thời cấp giấy phép phổ biến trên toàn quốc tác phẩm “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ họ Trịnh. Nhưng điều đáng nói là 3 ca khúc còn lại gồm “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, “Ca dao mẹ”, “Đêm thấy ta là thác đổ” dự kiến biểu diễn trong chương trình “Nối vòng tay lớn” sẽ vào đêm 21/4 tới do trường Đại học Y - Dược Huế tổ chức thì không được cấp phép.

Theo lý giải của người đứng đầu Cục NTBD: vì nhà tổ chức chương trình chỉ xin cấp phép một ca khúc “Nối vòng tay lớn”. Hơn nữa, từ xưa đến nay chưa có cá nhân hoặc đơn vị nào đứng ra xin cấp phép phổ biến 4 bài hát nói trên, nên Cục chưa có cơ sở để cấp phép. Vụ việc này đã thêm một lần minh chứng cho việc tồn tại cơ chế xin – cho trong cấp phép biểu diễn ca khúc đã kéo dài bấy lâu nay.

Viện dẫn những văn bản hành chính để lý giải cho việc quản lý ca khúc, những sáng tác đã đi vào lòng nhiều thế hệ công chúng, đã tạo được dấu ấn trong đời sống âm nhạc là không thuyết phục. (Giờ đây trong thế giới phẳng, có nhiều kênh và nhiều cách để người yêu nhạc khai thác các ca khúc họ yêu thích).

Vì thế đây cũng có thể coi là một rào cản hành chính đối với sáng tác và thưởng thức nghệ thuật. Trong khi với sản phẩm văn hóa đặc thù có thể có những cách quản lý khác mà vẫn đạt hiệu quả. Đó là việc cho phép người ta làm những điều gì mà luật pháp không cấm và ngược lại.

Theo đó, có thể thay những văn bản hành chính, thay cơ chế xin - cho trong quản lý biểu diễn nghệ thuật hiện nay bằng cách nhà quản lý nên công khai danh mục những bài hát không (hoặc chưa) được phép phổ biến/biểu diễn. Như vậy, những ca khúc không có trong danh mục bị cấm đương nhiên sẽ được phép biểu diễn, phổ biến, sử dụng… 

Ấy là chưa kể, hơn 1 tháng trước, trong văn bản cấm lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước 1975, Cục NTBD có đưa lý do để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu với bản nhạc gốc. Tính đến ngày 12/4 thì cả 5 ca khúc ấy đã được Trung tâm Bảo về Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tìm thấy bản gốc để đối chiếu. Tất cả các nhạc sĩ  đều có hợp đồng ủy quyền khai thác tác phẩm âm nhạc với VCPMC.

Một vấn đề cũng được đặt ra: nếu Cục NTBD quyết tâm tìm hồ sơ gốc để đối chiếu và cấp phép trở lại cho 5 ca khúc bị cấm phổ biến nói trên, chuyện sẽ rất đơn giản và không mất nhiều thời gian. Đằng này, bản gốc của ca khúc chỉ được tìm thấy khi có sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan truyền thông. Hay nói chính xác là các cơ quan truyền thông đã tìm thấy bản gốc của những ca khúc ấy đang được lưu giữ tại VCPMC.

Do đó, một câu hỏi lớn nhất được đặt ra là đã có bản gốc rồi, chừng nào 5 ca khúc trước 1975 được cấp phép trở lại? Thực tế đời sống âm nhạc hiện nay, không chỉ ca khúc “Con đường xưa em đi” mà nhiều ca khúc khác cũng đang đối diện với tình trạng có nhiều dị bản, rõ thấy nhất là ca sĩ có thể hát sai lời. Nếu đối chiếu với qui định hành chính hiện hành, việc xử lý sẽ là không xuể. Lẽ nào lại là giải pháp cấm?.      

Rõ ràng chuyện quản lý ca khúc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại trở nên vô cùng khó hiểu. Ông Vương Duy Biên- Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cũng đã có ý kiến ngay sau khi có sự việc cấm lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước 1975. Rằng những bài hát đã được cấp phép phổ biến, đã tồn tại nhiều năm thì vẫn nên để lưu hành bình thường.

Nếu có sai sót về mặt kỹ thuật như sửa lời hay tên tác giả thì NTBD chỉ cần điều chỉnh cho đúng, chứ không phải là cấm lưu hành; Rằng không nên suy diễn thành vấn đề chính trị… Vậy mà đã nhiều tuần trôi qua, sự việc về 5 ca khúc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân gây  bất bình trong dư luận.

Theo Vi Cầm - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng