Tạp chí Sông Hương -
Tự biết mình
09:13 | 19/04/2017

Cơ quan nọ mời một tiến sĩ đến nói chuyện với cán bộ, công chức, viên chức nhằm góp phần nâng cao nghiêp vụ. Đó là người nổi tiếng trong một lĩnh vực, được rất nhiều nơi mời lên lớp, diễn thuyết.

Tự biết mình

Một cán bộ cấp trên cũng được mời dự buổi tập huấn này để chứng kiến, ghi nhận. Sau thủ tục giới thiệu của người đứng đầu cơ quan sở tại, những tưởng vị tiến sĩ kia sẽ làm việc ngay, nhưng người cán bộ “cấp trên” đã cất lời: - Trước khi tiến sĩ… nói chuyện, tôi xin được có đôi lời với các đồng chí…

Ông tự giới thiệu về bản thân mình, rồi dặn dò mọi người hết ý nghĩa, mục đích đến những yêu cầu cần đạt được sau buổi tập huấn mà những ý này đã được vị thủ trưởng cơ quan xác định với mọi người ngay từ đầu. Chưa hết, ông còn nói vào nội dung bài giảng của vị tiến sĩ, cứ như làm thay ông. 15, 20 rồi 30 phút trôi qua mà ông vẫn dông dài, cốt để mọi người biết vai trò của mình ở cơ quan cấp trên. Sau đó, ông xin lỗi mọi người vì phải dự một cuộc họp khác nên không thể có mặt đến hết buổi.

Thế là buổi lên lớp của vị tiến sĩ kia bị mất đi nửa tiếng, bởi giờ kết thúc vào buổi trưa không thể kéo dài thêm. Ai cũng tiếc vì nội dung bài nói chuyện bổ ích và thiết thực.

Những chuyện như trên không hiếm gặp. Không ít người muốn người khác biết đến mình, đến vai trò của mình, nên cứ có cơ hội là tự nói về bản thân mà không quan tâm lúc đó mình đang ở đâu, xung quanh là những ai và mình là gì ở đó. Điều này dẫn đến những biểu hiện “lố”. Người cán bộ ở cơ quan cấp trên không có nghĩa là cấp trên của mọi người tham dự sự kiện đó và không nên lạm dụng thời gian của vị khách mời chính.

Trong cuộc sống, ta luôn bắt gặp nhiều người cứ có dịp là nói nhiều và thường rất hay nhắc đến cái “tôi” (Tôi thế này, tôi thế nọ, tôi cho rằng, tôi đã từng…). Họ ít nói đến người khác, ít chịu ghi nhận người khác. Càng hiếm thấy họ đề cao, tán thưởng ai. Cứ như họ là số 1, trên tất cả, là trung tâm của vũ trụ vậy. Trong khi có nhiều người thực sự tài giỏi, được kính trọng thì họ lại không cần phải tự quảng cáo. Vậy nên ông cha ta mới có câu: “Thùng rỗng kêu to” hay “Hữu xạ tự nhiên hương”. Hay nhà thơ Thanh Hải có những câu thơ thật hay đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thành bài hát: “Ta làm con chim hót/ Ta làm một nhành hoa/ Một nốt trầm xao xuyến/ Tan biến trong hòa ca…” (Mùa xuân nho nhỏ).

Nguồn: TS Nguyễn Đình San - ĐBND

 


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng