Tạp chí Sông Hương -
Nghĩ gì sau vụ việc học sinh tố giáo viên sai phạm
08:52 | 27/04/2017

Thời gian qua, vụ việc nữ sinh Phương Anh, học sinh trường THPT Phan Bội Châu (TP. Vinh, Nghệ An) tố cáo giám thị chép bài đưa cho thí sinh trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nghĩ gì sau vụ việc học sinh tố giáo viên sai phạm
Ảnh: internet (chỉ mang tính minh họa)

Sau khi đăng tải trên Facebook, trạng thái của em được nhiều người chia sẻ, ủng hộ. Báo chí liên tục đưa tin và Sở GD & ĐT Nghệ An đã vào cuộc ngay để làm rõ vụ việc. Có lẽ không cần thiết phải nhắc lại chi tiết những gì đã diễn ra cũng như kết quả vụ việc ở đây. Điều chúng tôi muốn bàn đến là sự việc này vì sao gây được sự chú ý mạnh mẽ đến vậy và liệu nó có thể dẫn đến hậu quả gì sau này?

Chắc chắn đây không phải là lần đầu tiên có học sinh tố giác sai phạm của giáo viên trên phạm vi cả nước. Trước đây cũng đã có những vụ việc khác được báo chí thông tin (dù rất ít) như học sinh tố cáo giáo viên ép học thêm tại Hà Tĩnh. Điều khác là trong các vụ việc trước đây học sinh phản ánhkhi đã ra trường, tố cáo bằng cách gửi đơn thư hoặc thông qua phụ huynh. Trong khi đó, trường hợp của Phương Anh là mạnh mẽ lên tiếng ngay sau buổi thi và đăng tải trên Facebook. Sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay đã  giúp cho em nhanh chóng thực hiện được mong muốn của mình và khiến các bên liên quan phải nhanh chóng vào cuộc giải quyết. Thử nghĩ: Nếu Phương Anh không đăng tải trên Facebook mà gửi đơn thư như trước đây thì liệu câu chuyện có được xử lý kịp thời? Liệu từ trước tới nay có bao nhiêu đơn từ học sinh tố giác sai phạm của giáo viên mà chúng ta không biết hoặc chưa được giải quyết đến nơi đến chốn? Một lần nữa vụ việc này cho ta thấy sức mạnh và khả năng chi phối ghê gớm của mạng xã hội trong đời sống hiện nay. 

Vụ việc nhanh chóng được chú ý ngoài nhờ khả năng lan tỏa của mạng xã hội còn bởi vì nó đã đánh vào nhức nhối của ngành giáo dục bao lâu nay. Bệnh thành tích, gian lận thi cử đã trở thành căn bệnh trầm kha mà bao năm qua chưa thể xử lý triệt để. Không ít người từng chứng kiến, từng nghe con cái mình kể lại, từng bức xúc nhưng vẫn đành im lặng vì một số lí do nào đó. Nay hành động của Phương Anh đã giúp họ giải tỏa phần nào, khơi lại niềm tin và hy vọng có thể mang đến sự trong sạch cho ngành giáo dục. Giờ đây tiếng nói của học sinh đã được lắng nghe, tôn trọng. Các học sinh từ đây nếu phát hiện sai phạm trong nhà trường có thể tự tin lên tiếng hơn.

Sự trung thực, thẳng thắn và dũng cảm của nữ sinh này thực sự đáng khen ngợi. Chúng ta cần có một thế hệ trẻ như thế. Một thế hệ trẻ dám lên tiếng vì công bằng, vì những giá trị thực chất. Tuy nhiên, xin hãy một phút bình tâm, tách ra khỏi đám đông đang không ngừng tung hô, ca ngợi , cổ vũ để suy nghĩ thật kỹ về những gì sự việc này có thể mang lại trong tương lai.

Sau khi trạng thái của nữ sinh được đăng tải, báo chí liên tục cập nhật và ca ngợi. Sự vào cuộc quá nhiều của báo chí cùng với dư luận cũng khiến cho nữ sinh này cảm thấy bị áp lực. Bằng chứng là khi chúng tôi liên hệ phỏng vấn, em đã từ chối và cho biết cả gia đình thống nhất không trả lời thêm bất kỳ báo chí nào. Thực ra, sự việc thì đã rõ, chúng tôi không muốn hỏi thêm chi tiết mà chỉ muốn biết: “Nếu giám thị đó là giáo viên trường em đang học thì em có viết tố cáo như vậy hay không?” “Liệu nếu đó là một giáo viên trong chính trường em đang theo học thì áp lực em phải chịu đựng sau tố giác có lớn hơn gấp nhiều lần?”

Tố giác sai phạm của giáo viên, tìm lại sự công bằng và đảm bảo quyền lợi của học sinh là điều cần được tôn trọng. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ tiếp tục tung hô quá mức như hiện nay, e rằng sẽ phát sinh những điều không hay sau này. Không phải tất cả học sinh trong nhà trường đều là trò ngoan, giỏi, trung thực như em Phương Anh. Còn đó không ít trường hợp học sinh cá biệt, luôn tìm cách gây rối, chống đối lại thầy, cô. Liệu sự thành công đến mức không ngờ của một trạng thái trên Facebook có khiến cho những học sinh như thế tìm cách gây sức ép, thậm chí vu khống, bôi nhọ giáo viên trên các trang mạng xã hội? Như vậy, điều quan trọng cần nhấn mạnh là phải có sự vào cuộc, điều tra kịp thời, công bằng, minh bạch của các cơ quan chức năng đối với các sai phạm.

Bao lâu nay, văn hóa trong học đường đã xuống cấp một cách nghiêm trọng, đáng buồn. Ngày càng ít đi những hình ảnh đẹp của tình thầy trò. Chính bởi thế, tôi không mong muốn rồi đây sẽ nhìn thấy một môi trường mà ở đó giáo viên và học sinh căng thẳng, thậm chí sợ hãi, dè chừng lẫn nhau. Chúng ta cần xây dựng một môi trường mà ở đó quan hệ thầy trò được xây dựng dựa trên sự tôn trọng, cảm thông, sẻ chia, có tôn ti thứ bậc rõ ràng. Rèn cho học sinh sự trung thực, thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh là rất cần thiết nhưng dạy cho các em biết yêu thương, biết tôn trọng và không hơn thua cũng quan trọng vô cùng.

Theo Trang Đoan - VHNA

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng