Tạp chí Sông Hương -
Thiếu văn hóa khi thưởng thức nghệ thuật
14:28 | 09/05/2017

Cộng đồng mạng đang dấy lên làn sóng tranh luận về văn hóa thưởng thức nghệ thuật - giải trí của khán giả, khi gần đây liên tục nhiều nghệ sĩ bị ném đồ vật lên sân khấu trong lúc đang biểu diễn.

Thiếu văn hóa khi thưởng thức nghệ thuật
Nghệ sĩ Xuân Bắc bức xúc khi khán giả livestream vở diễn mới trong một sô hài tại Hà Nội - Ảnh: An An
“Xem nghệ sĩ không ra giống ôn gì hết”
 
Trong chương trình biểu diễn ở Bình Dương ngày 30.4 vừa qua, nghệ sĩ Trường Giang bị khán giả ném chai nước lên sân khấu khi đang diễn. Tuy nhiên, thay vì phản ứng gay gắt và không diễn nữa như lần ở Tây Ninh trước đây, Trường Giang bình tĩnh hơn và hài hước “phăng” câu phản hồi “Trời đất ơi nó xem nghệ sĩ không ra giống ôn gì hết”, rồi diễn tiếp.
Ngày 29.4, tại sân khấu ngoài trời ở Cần Thơ, ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng bị khán giả ném đồ về phía anh lúc đang biểu diễn. Khi anh cúi xuống nhặt thì biết đó là sổ tay nhỏ kèm cây bút. Ca sĩ Phương Thanh cũng lâm cảnh tương tự khi đang biểu diễn trong chương trình MTV Connection ở TP.HCM ngày 27.4. Tuy nhiên, việc ném chai này xảy ra sau màn trình diễn rất “máu lửa” của cô kèm câu giao lưu thường gặp “cho Chanh xin chai nước”. Khi ban tổ chức chưa kịp mang ra thì một khán giả “ném tặng” chai nước, rất may là “chị Chanh” đã kịp tránh.
 
Đến với các sân khấu ca nhạc, hài, nhiều khán giả cực kỳ bức xúc bởi ý thức của một vài người quá kém làm ảnh hưởng mọi người xung quanh. Trong một live show lớn tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM, khi khán giả đang say mê thả hồn vào những giai điệu ngọt ngào của ca khúc Riêng một góc trời thì âm thanh chát chúa của chuông điện thoại từ một khán giả vang lên phá tan cảm xúc của nhiều người. Chưa hết, lẽ ra phải tắt điện thoại, vị khán giả ấy vô tư nói chuyện như không hề có hàng trăm người quanh mình.
 
Đó là chưa kể khán giả ôm hoa lên tặng nghệ sĩ trong lúc họ đang diễn để rồi tạo sự lúng túng đến tội nghiệp cho người được tặng khi không biết để hoa ở đâu. Có người tặng hoa còn đứng lại chụp ảnh, ôm hôn, bắt tay nghệ sĩ. Rồi việc mang thức ăn, nước uống, vừa ăn uống vừa vô tư cười nói lúc chương trình đang diễn ra đến khi khán giả ra về để lại một… bãi chiến trường ngập rác. Trong một live show hài kịch diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị - Việt Xô (Hà Nội) gần đây, nghệ sĩ Xuân Bắc vì quá bức xúc đã phải lên tiếng sẵn sàng mời vài vị khán giả ra khỏi khán phòng nếu cứ tiếp tục quay hình đưa trực tiếp lên trang cá nhân.

Đến nhà hát để… ngủ

Đêm trình diễn của dàn nhạc đẳng cấp thế giới Berliner Symphoniker (Đức) tại Hà Nội, nhạc trưởng Lior Shambada đã nhiều lần nhíu mày khi nghe âm thanh phát ra từ máy ảnh, nhưng người chụp vẫn cứ say sưa. Vị nhạc trưởng phải dừng trong vài phút để nhắc nhở.
 
“Khi tôi biểu diễn trong khán phòng âm nhạc cổ điển tại Pháp và Đức, tuyệt đối không có bất kỳ ai sử dụng máy ảnh hay điện thoại”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ. Ông vẫn nhớ chuyện “cười ra nước mắt” trong một buổi trình diễn âm nhạc thính phòng. Khi khán giả chăm chú thưởng thức âm nhạc, thì bỗng có một tiếng ngáp rất to vang lên từ phía một khán giả lớn tuổi. “Chương trình phát vé mời, nên có thể con cái đã đưa vé cho cụ đi xem. Nhiều người có tâm lý muốn người thân ở xa khi lên Hà Nội thì đưa vào Nhà hát Lớn để biết, sẵn vào xem chương trình nhạc hàn lâm. Các cụ ở nông thôn thường không thích nghe nhạc phương Tây nên ngồi một chút là thấy không thoải mái. Nhiều người thậm chí còn vô tư ngủ luôn trong nhà hát”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nói. Cũng có khán giả từng “nếm mùi cay đắng” suốt chương trình ca nhạc khi ngồi cạnh một người đàn ông say rượu, đầy hơi men, lúc mơ lúc tỉnh rồi lèm bèm hỏi người phụ nữ đi cùng: “Bài gì vậy, còn mấy bài nữa”.
 
Vô tư xả rác, nói chuyện
 
Văn hóa xem phim thời gian gần đây trở thành vấn đề bàn tán và khiến những người có ý thức khi đến rạp phải than trời vì 1.001 hành vi hồn nhiên đến mức “khó đỡ” ở rạp. Trước khi chiếu phim, tất cả các rạp đều chạy những dòng chữ trên màn hình nhắc nhở hãy là người xem phim văn minh với những quy định nghiêm cấm rõ ràng, thế nhưng nhiều người vẫn ứng xử vô ý thức.
 
Không chỉ có thế, nhiều hành vi khiến người vào rạp ngán ngẩm như người ngồi cạnh tự thuyết minh, đọc to phụ đề suốt cả buổi chiếu vì con nhỏ kế bên không đọc kịp, giải thích điên loạn về một tình huống mà ai cũng hiểu, nói chuyện từ đầu đến cuối, nghe gọi điện thoại, để màn hình điện thoại sáng tối đa rồi thoải mái nhắn tin... Rất nhiều người tỏ ra bực mình, thậm chí là bất lực khi nhắc nhở nhưng bị người vô ý thức tỏ thái độ “hằn học”.
 
Nhiều nhà sản xuất của các phim Yêu, Gái già lắm chiêu, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Chạy đi rồi tính, Vòng eo 56, Lô tô, Em chưa 18... đã phải “méo mặt” vì phim vừa ra rạp đã bị khán giả phát livestream trên Facebook cá nhân hoặc quay lén tung lên YouTube.
 
Trước thực trạng trên, nghệ sĩ hài Anh Vũ bức xúc: “Khi chứng kiến đồng nghiệp, bạn bè mình bị ném chai, bị la ó đòi chấm dứt trước vở diễn, tôi cảm thấy xót xa và buồn kinh khủng. Tôi chỉ nói với những ai đã hành động vượt quá tầm kiểm soát thì hãy thương nghệ sĩ chúng tôi hơn. Đừng quay phim, livestream, đừng ném chai lọ, đừng bày tỏ thái quá sự yêu mến”.
 
Kyo York, ca sĩ người Mỹ đang hoạt động tại VN, đã viết trên trang cá nhân bức xúc: “Có mấy thím tám ở ngoài không đã, mua vé vô xem phim mà ngồi kể chuyện gia đình, chồng có bồ nhí, nói xấu đồng nghiệp, hàng xóm... Chưa đã thì quay qua nói xấu diễn viên là nhỏ này bơm ngực, nhỏ kia sửa mũi, thằng kia tẩy trắng da. Có người mua vé vào rạp để ngủ và ngáy hơi lớn. Trong rạp mà cũng có trộm vì tôi thấy nhiều người bị mất đồ hoài. Cực nhất là dẫn con nít vô rạp xem phim. Con nít vô tư la hét, khóc lóc, đạp ghế, bứt tóc người xem phim...”.
Nhìn ra xứ người
Trong những chuyến đi công tác nước ngoài, tôi có dịp thưởng thức một số chương trình văn nghệ phục vụ du khách và cư dân bản địa. Hai lần ấn tượng nhất phải kể đến là xem ballet tại nhà hát lừng danh Bolshoi ở thủ đô Moscow (Nga) và một vở nhạc kịch ngoài trời trên vịnh Sydney (Úc).
Trước khi bước vào khán phòng của nhà hát Bolshoi, người ta yêu cầu khán giả phải giao nộp điện thoại di động, mãn tuồng ra về sẽ trả lại. Làm điều này để đảm bảo rằng vở diễn sẽ không bị quấy rầy, khán giả “toàn tâm, toàn ý” thưởng thức nghệ thuật một cách trọn vẹn. Tuyệt nhiên không ai dám nói chuyện riêng. Nếu có khán giả nào quên giao nộp điện thoại thì họ cũng tự giác tắt nguồn cho đến khi ra về. Trong khán phòng của nhà hát Bolshoi, người ta quy định cấm quay phim, chụp hình. Nếu ai đó “lỡ” không biết quy định này thì khi chụp hình, phải chắc chắn rằng máy ảnh của bạn đã tắt chế độ flash và cả chế độ tiếng chập màn ảnh để tránh làm phiền những người xung quanh. Nhà hát Bolshoi còn có quy định trang phục của khán giả: nam mặc veston, nữ mặc váy hoặc complet.
Xem nhạc kịch ngoài trời trên vịnh Sydney có phần thoáng hơn nhưng phải tuân theo quy định: tắt điện thoại, không nói chuyện ồn ào, không đi đứng lung tung, không ngồi sai số ghế, không xả rác bừa bãi, không chụp hình có flash... Mặc dù khán giả là du khách tứ xứ nhưng tất cả đều ý thức chấp hành. “Tạp âm” duy nhất nghe được là tiếng gió hiu hiu trên vịnh Sydney. Kết thúc vở diễn, mọi người tự giác mang rác bỏ vào thùng trước khi ra về.
Đoàn Xuân Hải


Theo Thanh Niên - TN

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng