Tạp chí Sông Hương -
Khi lịch sử mang gương mặt phụ nữ
15:15 | 09/06/2017

Tiếp sau tập truyện “Đỉnh khói” quy tụ các truyện ngắn về chiến tranh và đời thường, Nguyễn Thị Kim Hòa tiếp tục diện kiến bạn đọc bằng tập truyện “Con chim phụng cuối cùng”. Tập sách gồm 9 truyện ngắn đều tập trung vào đề tài lịch sử với những nhân vật nữ ám ảnh.

Khi lịch sử mang gương mặt phụ nữ
Tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa và các diễn giả tại buổi ra mắt sách

Buổi ra mắt cuốn sách do Công ti Nhã Nam tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội tối 7/9/2017 quy tụ khá đông các nhà văn, các bạn viết của tác giả với những chia sẻ, những tâm sự, trao đổi về nghề. 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh trong vai trò diễn giả cho rằng, viết văn về lịch sử có 2 cách, một là người viết tái tạo lịch sử, hai là từ lịch sử mà hư cấu, sáng tạo, và Nguyễn Thị Kim Hòa nằm ở nhóm tác giả theo cách thứ hai, tức là viết theo kiểu “khi nhà sử học đặt dấu chấm hết thì nhà văn bắt đầu”, lịch sử chỉ là cảm hứng để tác giả nói những điều gan ruột của mình.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng có so sánh thú vị rằng, nhà văn nam viết về lịch sử thì thường hoành tráng, mênh mông với những câu chuyện lấp biển vá giời, trong một thời gian xuyên suốt hàng trăm năm, còn nhà văn nữ viết về lịch sử thì thường đi vào những góc khuất, góc tối bằng những câu chuyện nhỏ nhắn mà tinh tế. Cụ thể, Nguyễn Thị Kim Hòa trong tập “Con chim phụng cuối cùng” là những truyện không có cốt truyện, khó có thể kể rành mạch. Tác giả chủ trương đi vào tâm trạng nhân vật, từ đó khắc họa những khắc khoải giằng xé, mỗi truyện ngắn là một độc thoại nội tâm mạnh mẽ.

Tâm sự tại buổi ra mắt sách, Nguyễn Thị Kim Hòa nói rằng, viết về lịch sử chị thấy khó nhất là việc tạo dựng bối cảnh, tạo dựng không khí cho câu chuyện, làm sao để vừa chân thực nhưng lại phải hấp dẫn. Làm sao để hóa giải thân phận người phụ nữ trong giằng xé lịch sử, làm sao để bạn đọc biết cái kết mà vẫn theo từng câu từng chữ của truyện ngắn. 
Một điều nữa ở Nguyễn Thị Kim Hòa khi viết về lịch sử, đó là cùng một nhân vật lịch sử đã nhiều tác giả khai thác nhưng chị vẫn tìm được cách riêng khi tạo dựng thành nhân vật của mình. Như nhân vật Tuyên phi Đặng Thị Huệ đã xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm nhưng thường được khai thác theo hướng một người đàn bà khôn ngoan lọc lõi và độc ác, còn Kim Hòa viết về bà trong “Hương thôn dã” người đọc sẽ thấy một Đặng Thị Huệ khác với những mất mát, đổ vỡ bi thương khi ở đỉnh cao của sắc đẹp và quyền lực. “Hòa đã hóa thân vào nhân vật để cất lên tiếng thở dài ai oán”, Sương Nguyệt Minh khen ngợi. 

Mỗi nhân vật nữ của Kim Hòa là một ám ảnh. Nữ tướng Bùi Thị Xuân trong “Nắng quái Tây Nam Thành” cũng nhận được nhiều lời ngợi khen từ các nhà văn và bạn viết, chỉ qua một truyện ngắn nhưng thể hiện kiến văn sâu rộng cùng lượng kiến thức dồi dào về lịch sử của tác giả, điều rất quan trọng để nhà văn có thể đi xa trong nghiệp viết. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy nhận xét, “truyện của Hòa hay ở văn, đó là những nhân vật của hồn vía chứ không phải hành động”. 

 

Bìa sách Kim Hòa
Bìa tập truyện "Con chim phụng cuối cùng" của Nguyễn Thị Kim Hòa


Nói về việc chỉ viết về nhân vật nữ trong tập truyện lịch sử, Nguyễn Thị Kim Hòa cho biết: "Viết về phụ nữ vốn là đề tài tôi luôn tâm đắc trước giờ trong các sáng tác. Tôi muốn triển khai nó rốt ráo hơn ở một tập truyện, một bối cảnh mình đang tâm đắc. Đó chính là lịch sử. Hơn thế, tôi bị ám ảnh với những đau đớn, mỏng manh khi chạm vào những thân phận phụ nữ giữa vòng quay tàn nhẫn của bánh xe lịch sử. Muốn thay những phận người nhỏ nhoi, những kẻ bị lịch sử đóng đinh cất lên một tiếng kêu bi ai về số phận mình".

19047271 275067846297753 1870270549 o
Buổi ra mắt sách quy tụ nhiều bạn viết trong giới tại Hà Nội

Câu chuyện nỗ lực để trưởng thành và không lặp lại chính mình là câu chuyện của mỗi nhà văn, với Nguyễn Thị Kim Hòa cũng vậy. Nhà văn Phong Điệp, người theo dõi khá sát tình hình văn học trẻ nhìn nhận, trong vòng 5 năm trở lại đây Nguyễn Thị Kim Hòa đã có sự bứt phá đáng nể phục, từ tác giả viết cho tập san “áo trắng” chị đã có sự trưởng thành và độ chín trong văn chương, đạt được những giải thưởng văn học quan trọng dành cho giới viết chuyên nghiệp. Nhìn nhận nữ tác giả sau khi đoạt được những giải thưởng văn chương vẫn giữ được phong độ nhưng nhà văn Sương Nguyệt Minh vẫn có góp ý, nỗ lực đổi mới là cần thiết nhưng cũng chọn hướng đi để thành công. Dẫn lời Hoàng Ngọc Hiến, tác giả “Dị hương” nói: “Viết phải viết nội dung chứ nếu chỉ làm văn thôi thì sẽ khó đi đến đâu” như một lời dặn dò nữ tác giả trẻ. Tuy vậy, theo Sương Nguyệt Minh, giữ được phong độ như Kim Hòa giữa hai tập truyện cũng đã là một sự "dậm chân trên đỉnh".

Gần đây các tác giả trẻ tỏ ra hứng thú với đề tài lịch sử khá nhiều, có thể kể ra một số cái tên như Đinh Phương, Lê Vũ Trường Giang, Trần Thị Tú Ngọc, Nguyệt Chu… Lịch sử đã không còn là địa giới độc quyền của các tác giả lớn tuổi hay đai đẳng, mảnh đất ấy vẫn có sức hấp dẫn khiến nhiều tác giả trẻ muốn thử bút. Tuy nhiên, để tập hợp đủ một tập truyện về đề tài lịch sử thì chưa có tác giả nào làm được. Vì thế, sự nỗ lực của Nguyễn Thị Kim Hòa rất đáng ghi nhận. Chia sẻ về dự định sáng tác, nữ tác giả đến từ Ninh Thuận cho biết, chị đang ấp ủ một tiểu thuyết về vùng đất mình sinh sống, một tiểu thuyết phát triển từ chính truyện ngắn “Con chim phụng cuối cùng” được lấy tên cho tập sách ra mắt lần này. 

Theo THIỆN NGUYỄN - VNQĐ

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng