Tạp chí Sông Hương -
Biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh
15:21 | 09/06/2017

Việt Nam có nguồn lực văn hóa dồi dào, với các di sản vật thể và phi vật thể đa dạng. Nếu có chính sách hợp lý, chúng ta có thể đưa văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển hài hòa và bền vững.

Biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh
Festival Huế đã trở thành thương hiệu quốc tế - Nguồn: ITN

Văn hóa “hóa” kinh tế

Văn hóa vốn thường được coi là hoạt động phi sản xuất, phi kinh tế và lợi nhuận, nhưng theo PGS.TS. Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, văn hóa là hoạt động sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị, công trình lưu giữ từ đời này sang đời khác, làm giàu đẹp thêm cuộc sống của con người. Văn hóa xuất hiện trong xã hội không chỉ mang tính chất tinh thần, không vụ lợi, mà còn có tính kinh tế, hàng hóa, tính thương mại dưới những hoạt động kinh doanh đa diện và phức tạp. Với thực tiễn sinh động của sự phát triển và hoạt động văn hóa cho thấy, hoàn toàn có khả năng làm kinh tế một cách có văn hóa, tức là văn hóa “hóa” lĩnh vực kinh tế và làm kinh tế trong lĩnh vực văn hóa; đưa văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển hài hòa và bền vững.

Thực tế, Nhà nước ta luôn coi trọng sự phát triển văn hóa, và đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển văn hóa gắn với kinh tế. Văn hóa ngày càng phát huy giá trị, mang lại hiệu quả to lớn. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Đinh Hài nhận định: Di sản văn hóa, qua bảo tồn và phát huy, đã có tác động hữu ích vào đời sống thực tế. Trong những năm qua, di sản văn hóa góp phần thu hút khách du lịch tới Quảng Nam. Năm 2016, tỉnh đón trên 4 triệu khách, trong đó 50% là khách quốc tế, đem lại lợi ích phát triển kinh tế địa phương. Điều đó cho thấy, di sản văn hóa không chỉ là bộ phận quan trọng của quá khứ để lại, mà còn là nhân tố tích cực phát triển kinh tế, du lịch. Hay tại di tích Bà Chúa Xứ, Núi Sam, An Giang, mỗi năm bình quân thu 75 - 80 tỷ đồng, nguồn kinh phí này được sử dụng để bảo tồn di tích, nâng cấp cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương của huyện Châu Đốc và tỉnh An Giang...

Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, các chính sách văn hóa đã tạo chuyển biến tích cực, tác động lại việc lưu giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể: Các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được đầu tư, nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi; hệ thống di tích lịch sử văn hóa từ Trung ương đến cơ sở được tôn tạo, chống xuống cấp; hoạt động lễ hội được tổ chức sôi động, đặc biệt là các lễ hội có quy mô quốc tế (Festival Huế, Festival cồng chiêng Tây Nguyên...) góp phần giữ gìn bản sắc và tăng cường hội nhập.

Tập trung vào con người

Tuy nhiên, nguồn lực văn hóa Việt Nam chưa đem lại hiệu quả to lớn như tiềm năng. PGS.TS. Nguyễn Văn Cương cho rằng: Mức đầu tư ngân sách cho văn hóa nói chung còn thấp, chưa tương xứng với phát triển kinh tế và ít hiệu quả. Bên cạnh đó, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ làm công tác văn hóa bất hợp lý; chủ trương xã hội hóa văn hóa chưa phát huy được hiệu quả cao. Mặt khác, do chưa thấy hết vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế và xã hội, nhiều địa phương ít quan tâm nên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa còn hạn chế trên một số mặt...

“So với lĩnh vực kinh tế - xã hội, số chính sách liên quan đến văn hóa ít về số lượng, hiệu quả thấp, một số chính sách không đi vào cuộc sống. Đặc biệt, số lượng chính sách văn hóa về miền núi phía Bắc và vùng dân tộc thiểu số nhiều bất cập, thiếu tính đặc thù, khó thực thi trong thực tiễn” - TS. Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Lào Cai nhận xét và nêu ví dụ: Định mức phân bổ chi sự nghiệp văn hóa, thông tin chủ yếu căn cứ vào tiêu chí dân số nên không phù hợp với vùng cao. Bởi diện tích các xã vùng cao lớn nhưng dân số ít, nhiều xã diện tích bằng cả một huyện của đồng bằng nhưng dân số chỉ bằng 1/10 của một xã đồng bằng. Tính theo tiêu chí này, nhiều xã vùng cao mỗi năm chỉ có 5 - 7 triệu đồng chi cho hoạt động văn hóa, thông tin. Số tiền này không đủ tổ chức một giải thi đấu thể thao trong dịp Tết Nguyên đán... Bên cạnh đó, tỷ lệ ngân sách chi cho hoạt động văn hóa ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc chỉ chiếm dưới 1% tổng chi thường xuyên của tỉnh.

Theo các nhà nghiên cứu, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, coi đây là giải pháp tiền đề biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh, tạo động lực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; đặc biệt là những cơ chế, chính sách đặc thù như: Chính sách kinh tế trong văn hóa (gồm chính sách thuế, giá, đầu tư, hình thành các quỹ hỗ trợ...); chính sách sử dụng, đãi ngộ văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp; chính sách khuyến khích sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật... “Cần ưu tiên cho các chính sách và giải pháp mang tính cầu nối giữa kinh tế và văn hóa tập trung vào con người và vì con người để hạn chế tác động tiêu cực từ phát triển kinh tế đến văn hóa, nhân lên ảnh hưởng tích cực, rút ngắn khoảng cách về thụ hưởng văn hóa, để văn hóa tự tin phát triển cùng kinh tế” - PGS.TS. Nguyễn Văn Cương góp ý.

Theo Ngọc Phương - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng