Tạp chí Sông Hương -
Mùi của những sợi khói lam chiều
08:14 | 13/06/2017

Nguyễn Quang Thiều tâm sự rằng, suốt cả tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê như ông, có một ngọn gió không bao giờ ngưng thổi, đó là ngọn gió của… đói rét.

Mùi của những sợi khói lam chiều

Những đứa trẻ đó phải ăn đủ thứ tìm thấy để lớn lên, như rau dại, quả rừng, côn trùng… 60 năm qua đi, bây giờ Nguyễn Quang Thiều đã trở thành “một ông già”, nhưng đứa trẻ của làng Chùa ngày ấy, vẫn còn in đậm trong mình ký ức về góc bếp của bà, của mẹ với những món ăn dân dã nhưng ngon đứt lưỡi, những sáng mùa đông sương phủ trắng cả cánh đồng rau khúc, những chiều hè ngụp lặn mò hến, cười vang cả một khúc sông…

…Và rồi, một phần của những góc bếp bình yên ấy đã được Nguyễn Quang Thiều tập hợp thành một cuốn sách nhỏ có tên gọi “Mùi của ký ức” với 18 câu chuyện là những món ăn của người làng Chùa quê ông - một ngôi làng cổ ven bờ sông Đáy.

Gian bếp bình yên của bà, của mẹ 

Cầm cuốn sách của Nguyễn Quang Thiều trên tay, lật dở vài trang lướt nhìn, tôi buột miệng hỏi: “Có phải anh viết về ẩm thực không?”. Nguyễn Quang Thiều lắc đầu phủ nhận... Ông viết sách với lý do duy nhất là vì nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ ngôi làng xưa, những món ăn đã nuôi ông khôn lớn. Để bây giờ, khi đã có chút danh, đến những nơi xa xôi, gặp vô vàn những bữa tiệc thịnh soạn, ông vẫn chưa nguôi nhung nhớ về ngôi làng, nơi chiều chiều, trong gian bếp, bà lẫn mẹ ông vẫn đêm ngày tần tảo, chắt chiu để cho mâm cơm được đủ đầy.

 Tôi - một người đọc. Dẫu đã được tác giả “định hướng” nhưng tôi vẫn nhất định soi chiếu “Mùi của ký ức” như một cuốn sách về ẩm thực. Một cuốn sách viết về những món ăn đặc biệt nhất mà tôi đã từng đọc. 

Chẳng phải điều gì lạ lẫm đâu mà đó là sự thật, rằng bên trong những ngôi làng cổ luôn ẩn chứa rất nhiều bí mật, những bí quyết đời này rỉ tai đời sau, các thế hệ cứ nối tiếp nhau mà trân trọng gìn giữ, trong đó cả công thức nấu những món ăn, mà chỉ cần bước qua cổng làng thôi, là vĩnh viễn chẳng bao giờ gặp lại ở trên đời này. Làng Chùa cũng không phải là ngoại lệ.

Làng Chùa của Nguyễn Quang Thiều nằm kề bên dòng sông Đáy có món gỏi cua, người làng gọi là gỏi “Lý Trưởng” - nghĩa là món gỏi đứng đầu, quyền uy nhất trong tất cả những món gỏi còn lại như gỏi cá mè, cá diếc, tép đỏ… Tất nhiên, theo lời kể của tác giả thì để làm thành công món gỏi, để thưởng thức món gỏi thì ngay từ khi chuẩn bị nguyên liệu đã là một nghi thức. Những lá, những quả vốn là thứ có sẵn trong vườn nhà từ khế chua, lá nghệ, củ chuối, vừng đen… chẳng thể thiếu bất cứ thứ gì. Công thức món gỏi quyền uy này nhiều người đã học, đã thử nhưng khi mang nó đi khỏi làng thì đều bất thành, vì lẽ không thể làm tròn trịa được một hương vị khi ăn “thơm từ trong miệng mình thơm ra”.

Nguyễn Quang Thiều bầy ra trước mắt người đọc vô số những món ăn dân dã nhưng, để tìm được đủ những rau, gia vị mà bắt chước, mà học lỏm thì quả là một lời thách đố. Bây giờ, chẳng phải chợ nào cũng bán cá mè ta, lại tìm đâu ra củ chuối để mà làm món cá om, muốn kho cá mà cũng chẳng thể tìm được một bụi cúc tần, dù xưa mọc đầy bờ dậu...

ảnh 2

Sự vô cảm sẽ giết chết những gì thuộc về vẻ đẹp

“Mùi của ký ức” gợi cho người đọc nhiều liên tưởng, đôi khi là cả sự ám ảnh. Tôi cứ hình dung về một cánh đồng rau khúc với mơ hồ sương đọng, chờ đông sang bừng nở. Hình dung về một đứa trẻ lên 5 lũn cũn theo bà ra đồng hái rau rồi dưới cái lạnh lẽo của mùa đông miền Bắc, ngồi trong gian bếp ấm sực hít hà chiếc bánh với những hạt gạo nếp trắng tinh beo béo và thơm thơm.

Tôi một đứa trẻ lớn lên ở thành phố, chưa một lần biết mặt lá khúc, nhưng vẫn còn ký ức vẹn nguyên về những buổi chiều đông, cứ tầm giờ ấy, có ông già chở chõ bánh khúc đi ngang qua phố, thế nào bà ngoại tôi cũng vẫy lại, thế nào cũng mua cho tôi một chiếc bánh nhỏ chấm với vừng. Bây giờ, bà tôi đã già, thi thoảng mua biếu lại bà chiếc bánh của ký ức xưa ấy, lần nào bà tôi ăn cũng lắc đầu, toàn lá su hào, làm gì còn lá khúc!

Những cánh đồng ngoại thành Hà Nội đã mất đi, những ngọn rau dại như lá khúc cũng chẳng còn vì thuốc bảo vệ thực vật. Con cua, con cá, con hến… cũng cùng chung số phận. Bây giờ chỉ còn toàn nhà là nhà, những con đường vài làn xe chạy, tiện nghi nhưng lạnh lùng. Phải vậy chăng nên nhiều người sinh ra hoài cổ.

Có một dạo, ở Hà Nội rộ lên trào lưu trở về quá khứ. Người ta thi nhau đến những quán ăn được bài trí theo phong cách bao cấp, bát đĩa ở đó được đập mẻ có chủ  ý, cố để cũ kỹ. Tất cả những món ăn thuở Hà Nội còn bươn chải nghèo đói đó được tính với giá cắt cổ. Tôi dăm lần ăn ở những quán ăn đó và dĩ nhiên hiển hiện một chữ… tệ. Có phải người ta trả tiền để tìm lại ký ức hay không? Tôi đem thắc mắc hỏi Nguyễn Quang Thiều, ông giải thích, có những món ăn xưa ngày nay người ta vẫn nấu nhưng chỉ nấu với cách làm toán 1 + 1 = 2.

Nghĩa là họ chỉ thực hiện nó dựa trên một công thức thô thiển mà không hề mang trong đó cảm xúc. Chính vậy mà cùng một món ăn thì người nấu ngon và người nấu không ngon. Sự vô cảm sẽ giết chết tất cả những cái gì thuộc về vẻ đẹp. Bởi lẽ, để tìm lại ký ức và để cho ký ức đó sống lại thì con đường duy nhất chỉ có thể là… cảm xúc. 

Rồi Nguyễn Quang Thiều lạc quan: “Những gì đã thuộc về “cái đẹp” thì không bao giờ mất đi cũng như những món ăn ngon sẽ mãi là món ăn ngon. Nhưng “cái đẹp” nói chung và những món ăn ngon nói riêng tồn tại hay biến mất lại phụ thuộc vào việc con người còn biết hưởng thụ nó nữa hay không. Thực tế trong cuộc sống có không ít những điều đẹp đẽ đã và đang biến mất. Cuộc sống gấp gáp và thực dụng đã giết chết quá nhiều những vẻ đẹp ấy.

Nhưng rồi, những món ăn dân dã của bà, của mẹ vẫn được nấu trong ngôi nhà của chúng tôi. Bởi đó thực sự là những món ăn ngon và nó chứa đựng trong đó cả một lịch sử và ký ức ấm áp và xúc động. Nó làm cho ta được thưởng thức hương vị của ẩm thực và làm cho ta được sống trong cảm xúc đẹp và ý nghĩa. Khi tôi nấu một món ăn dân dã xưa là lúc những điều thiêng liêng và ấm áp lại trở về với tôi một lần nữa. Và như vậy, tôi đã được sống…”.

Theo Quỳnh Vân - ANTĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng