Tạp chí Sông Hương -
Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: GÃ KÉO CHUÔNG NHÀ THỜ
15:21 | 15/06/2017

THÁI NGỌC SAN

Mới nhìn qua, gã có vẻ hung dữ, một người làm người khác luôn luôn phải cảnh giác trước khi đến gần. Một vết sẹo chạy từ đỉnh trán bẻ quặt xuống khóe mắt phải như muốn kéo con mắt gã ra khỏi tròng.

Tuyển tập truyện ngắn  Sông   Hương  30 năm: GÃ KÉO CHUÔNG NHÀ THỜ
Minh họa: Bửu Chỉ

Đôi môi dày nứt nẻ, tím đen mở toang hoác giơ cả hàm răng vàng khè nhựa bẩn. Một chân gã bị quẹo, không phải do cố tật mà vì bị một miểng pháo xuyên qua xương đầu gối, làm gã đi đứng rất khó nhọc, từng bước bật nhún như chiếc lò xo. Tuy vậy, chỉ có vết sẹo mới làm người khác chú ý, còn cái chân, vì gã luôn ngồi một chỗ nên ít ai biết gã có tật; với lại, cái nghề gã đang làm cũng ít khi phải sử dụng đôi chân. Cũng thật buồn cười, một người như gã lại chọn làm cái nghề mà chỉ có phụ nữ mới có đủ đức tính cần thiết để làm: Chằm nón.

Không hẳn sự chọn lựa nghề nghiệp như vậy là do phản ứng tâm lý, một lối thích ứng trước cuộc đời mà gã buộc phải chấp nhận sau ngày giải phóng. Thực ra, cũng thật khó khăn cho gã, từ trước đến nay gã chẳng biết nghề ngỗng gì. Học hành mới được năm ba chữ, theo không nổi, bỏ ngang đi chơi lêu lổng. Đi chơi lêu lổng, chán, đầu quân đi lính. Đi lính, rồi đào ngũ, rồi lại đi lính cho đến khi bị hai miếng pháo ôm tấm thân tàn tật trở về. Hai năm trước giải phóng còn ít đồng lương phế binh, với lại gia đình gã cũng chưa đến nỗi nào phải lo toan từng bữa. Gã còn một đứa em trai là sĩ quan ngụy đã có vợ con ở Đà Nẵng. Thằng này làm quân nhu, nên hàng tháng đều có gởi tiền chu cấp cho mẹ gã. Ngoài ra, gã còn một đứa em gái đến nay đã quá tuổi lấy chồng nhưng chưa có chồng, ở nhà chằm nón. Mẹ gã đang gần đất xa trời. Trước dây, khi bố gã mới chết và anh em gã còn chưa thành người, bà còn buôn bán lặt vặt chợ chiều, chợ mai, Sau này, khi có tiền chu cấp của thằng con ở Đà Nẵng, bà bỏ tất cả, chỉ lo kinh nguyện ở nhà thờ. Bà là một con chiên ngoan đạo. Đến ngày giải phóng, cuộc sống gia đình gã đảo lộn như bị một đòn sấm sét. Thằng em gã biệt vô âm tín: có thể hắn và gia đình đã rữa thây ngoài đại dương; cũng có thể đang lưu lạc ở một bang nào đó trên nước Mỹ, thù ghét quê hương, hận lây cả gia đình, không thèm viết thư. Thế là, không biết tự lúc nào, gã mày mò học đứa em gái nghề chằm nón. Và giờ đây, gã nghiễm nhiên trở nên một thành viên lao động tự do của địa phương, một lao động, nếu gạt ra ngoài những định kiến và tiêu chuẩn xã hội này khác, có thể xem là mẫu mực, cần được biểu dương.

Gã tên là Hùng, nhưng từ khi gã bị tàn phế, dân trong địa phương thêm đằng sau một cái đuôi: quẹo. Hùng - quẹo. Còn người quen gã ở ngoài giáo xứ thì gọi gã là Hùng-nhà-thờ, vì gã sát nách nhà thờ, đối diện với nhà cha xứ. Suốt ngày, từ Hùng quẹo ngồi chằm nón, có thể thấy tất cả sinh hoạt trong nhà cha xứ, nếu cửa mở. Và, không hiểu sao, từ trước đến nay, khi bắt đầu chính thức chằm nón, gã chỉ ngồi một chỗ ấy. Gã kê một cái đòn thấp trước mái hiên, dựa lưng vô vách, đặt cái khung nón giữa hai vòng chân và chăm chỉ kéo từng mũi kim nhanh nhẹn cũng như bao nhiêu người khác. Trước kia, khi hai anh em chưa xảy ra xung đột lớn thì những công việc linh tinh khác như chải ủi lá, xây vành… đứa em gái gã làm giúp, nay một mình gã làm hết. Và, nếu cái chân gã không đau, có khi gã còn làm nhiều hơn đứa em gái gã. Về mùa mưa, gã ngồi trong nhà, nhưng cũng từ phía ấy ngay khung cửa sổ, có thể nhìn thấy nhà cha xứ. Không rõ vì cái tàn cây trứng cá trước mái hiên hay vì nhà cha xứ có cái gì hấp dẫn mà Hùng quẹo không chịu thay đổi hướng ngồi.

Nếu có một điều gì đó về gã mà bà con trong họ đạo không bằng lòng thì hẳn là điều này: Gã không còn đi nhà thờ nữa. Trong một gia đình vốn nổi tiếng là ngoan đạo, điều ấy thường gây ra những mối lộn xộn. Mẹ gã rủa gã là quỷ, còn đứa em gái thì coi thường anh ra mặt. Cha xứ trước, một vị linh mục già hơi lẩm cẩm nhưng đáng kính, thường ghé lại động viên khuyên năn gã. Những lúc ấy, Hùng quẹo chỉ nhăn răng khỉ ra dạ dạ cho qua rồi thôi. Vị linh mục già nói nhiều lần không được cũng nản. Ông bây giờ đã được chuyển về nhà hưu trí Tòa Tổng giám mục sống những ngày cuối cùng ở trần gian cát bụi, không biết ông còn nhớ để cầu nguyện cho gã hay không? Riêng đối với Hùng quẹo, thâm tâm gã rất thương vị linh mục già, một ông cụ từ tâm không có gì đáng chê trách. Nhưng gã không thể đi nhà thờ đọc kinh được nữa - Mất thì giờ, vô ích, gã thường nói cộc lốc với mẹ gã như thế. Có lẽ cũng đúng như thế thôi, theo cách nghĩ của Hùng quẹo, gã chẳng có gì để tin và cũng chẳng có gì để không tin. Trước đây vì gia đình có đạo nên gã đi nhà thờ đọc kinh theo thói quen. Lớn lên, những chìm nổi trong cuộc sống làm những thói quen cũ, thời tuổi nhỏ tưởng là thiên liêng ghê gớm, tự nhiên bay vèo không dấu vết. Gã không băn khoăn tiếc nuối, cũng chăng đấu tranh chọn lựa cái gì. Tự nhiên nó như thế.

Mọi thứ trong cuộc đời đều được sắp đặt đâu từ trước, như cái nhà thờ, nhà cha xứ, cây trứng cá ngày ngày đứng chặn ngang trước mặt gã. Gã không băn khoăn suy nghĩ về những gì quá xa xăm. Đôi khi quá cô độc, vết thương đau nhức, gã lăn lộn như con chó bị đánh. Gã ngồi vít thành cửa sổ, mồ hôi đổ nhễ nhại và con mắt kéo xếch lên trợn tròng. Những lúc ấy, gã thật dữ tợn. Nhưng những cơn vật vã ấy qua đi rất nhanh. Gã biết rằng cuộc đời gã đã được sắp đặt như thế nầy, có muốn thay cũng không được. Tuyệt nhiên, chưa một lần gã có ý muốn tự tử, ngay cả sau khi tỉnh dậy từ bệnh viện nhìn cái chân băng bột và khuôn mặt mình trong gương. Trong nỗi đau đớn tuyệt vọng, gã vẫn còn sống. Và thế là gã vẫn bám vào cuộc sống. Buổi sáng, gã thức dậy khi hồi chuông đầu tiên nhà thờ đổ. Trong khi mẹ và em gái gã lục đục đi lễ sớm, gã nằm thờ thẫn, có khi nhớ lung tung, có khi đầu óc trống rỗng như cái gáo dừa úp trên vại nước. Gã thường ôn lại mảng đời cũ những ở lính. Đối với gã, chỉ quãng đời ấy là đáng nhớ: nó đã để lại trong đời gã nhiều kỷ niệm, nhục nhã cũng có mà oanh liệt cũng có. Lần thứ nhất đầu quân, sau một thời gian bị hành nhục ở quân trường, gã bị ném ra một đơn vị đóng ở một tiền đồn biên giới. Cực khổ và cái chết đe dọa từng giờ làm gã sợ hãi không chịu đựng nỗi phải bỏ trốn. Nhưng về nhà một thời gian gã biết rằng không thể nào sống được yên ổn, gã lại đầu quân vào một sắc lính khác. Lần này thì gã đã có đủ kinh nghiệm, biết luồn lách những cực hình ở quân trường, và biết đủ trò phá phách trác táng sau những cuộc hành quân cực khổ, nguy hiểm. Rượu, gái… những thứ ấy, giờ đây nhớ lại làm cho gã cực khổ. Đôi khi gã cảm thấy ngạt thở. Cái thế giới vật chất đó đã bỏ rơi gã, kể từ khi mảnh pháo xéo qua mặt và găm vào đầu gối gã. Con gái, đàn bà quen biết và cả không quen biết ở trong họ đạo đã gạt phăng gã ra khỏi tầm nhìn của họ! Gã cũng chưa có được một nửa mối tình nào để mà ôm ấp hoài niệm. Nếu còn tin ở Chúa thì gã phải trách là Chúa quá bất công với gã. Bởi vậy, nhiều khi gã muốn nổi loạn, văng tục, phá phách, muốn đốt cả làng cả xóm… Nhưng gã không làm được. Bản chất gã vốn là một con người nhu ngược, một lẻ dễ bị khuất phục bởi hoàn cảnh. Chỉ có một lần duy nhất gã trở nên hung bạo như con thú dữ, đó là hôm đứa em gái gã dẫn lũ bạn bè nó về nhà chơi sau buổi lễ ngày chủ nhật. Hùng quẹo thấy chúng nó đứa nào cũng sồn sồn nói cười nhún nhảy trước mắt gã, làm gã ngứa ngáy khó chịu. Bỗng dưng, gã không thể xỏ nổi một đường kim trên khung nón. Gã bỗng thấy khát vọng điêu cuồng. Đột nhiên miệng gã mở ra - (sau nầy gã cũng không nhớ lúc đó gã đã nói những gì, hình như gã xỉa miệng vào hỏi một câu gì đó thật vô duyên). Đám con gái thình lình như bị xô dạt ra. Chúng in lặng trong một giây rồi bật lên những tiếng cười khúc khích. Cơn khát vọng mê muội trong Hùng quẹo bỗng biến thành một nỗi thù hằn khủng khiếp. Gã vùng dậy như một con hổ đói, ném phăng cả cái khung nón vào đám con gái. "Đồ lũ ngựa cái mất dạy! Cút đi! Cút đi!". Đám con gái sợ hãi bỏ chạy tan tác, còn Hùng quẹo thì bổ sấp trên thềm cửa thở hồng hộc như bị động kinh. Sau lần đó, không phải gã chỉ hối hận mà còn đâm ra sợ hãi cả chính bản thân mình, gã không dám nhìn thẳng vào bất kỳ phụ nữ nào đi qua trước mặt gã.

Căn nhà Hùng quẹo hình như được xây dựng lên một lần với cái nhà thờ, có từ thời ông cố gã. Đó là một trong những nhà thờ được xây dựng đầu tiên ở tỉnh, kiến trúc pha tạp nửa đình ta, nửa nhà tây. Nhà thờ từ trước đến nay chưa thay đổi, chỉ có quét vôi lại. Nhà Hùng quẹo chỉ còn cái nền cũ, còn mọi thứ khác đã thay qua đổi lại nhiều lần. Gia đình gã đạo gốc và họ đạo nầy là một xứ toàn tòng. Thời gian Hùng quẹo lớn lên, gã đã chứng kiến nhiều sự đổi thay, nhưng có một sự không hề thay đổi: đó là những hồi chuông kinh nguyện sớm chiều. Bây giờ đây, dù tín ngưỡng đã mất tiêu trong gã, nhưng mỗi lần nghe tiếng chuông rung, cả tâm hồn cằn cỗi và đầy thương tích của gã cũng như được đánh thức. Nhiều khi Hùng quẹo bỗng muốn la toáng lên cho tan những nỗi nhức nhối phiền muộn.

Giáo xứ nằm bên cửa ngõ thành phố, một vùng xôi đậu nửa thành thị nửa nông thôn. Trước giải phóng, một số ít giáo dân sống bằng nông nghiệp, có lẽ họ là những người duy nhất chưa bị cuốn vào những cơn lốc của thời thế. Đức tin vào thượng đế và sự gắn bó với đất đai quyện chặt làm một. Số còn lại dần dần lột bỏ gốc gác của mình, chuyển sang buôn bán làm các nghề khác, trong đó không ít người giàu có nhờ chiếu tranh. Và gần như gia đình nào cũng có người thân là sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, cảnh sát hoặc công chức của chế độ cũ. Bởi vậy có sự xáo trộn lớn trong nếp sống, trong tư tưởng và tình cảm của bà con giáo dân ở đây, khi giải phóng đến. Sự kiện đó như một cơn bão lớn ập tới bất ngờ, có người lâu lắm vẫn chưa hết bàng hoàng.

Cuộc sống trước mắt, trước hết, tự nó đặt ra cho người ta những câu hỏi phải trả lời, những công việc phải làm. Thế là, như một sự ngẫu nhiên, những tổ hợp thêu ren, xay xát… ra đời. Rồi hợp tác xã tiêu thụ, hợp tác xã nông nghiệp… Có những công việc mà trước đây chẳng bao giờ người ta nghĩ tới, có khi còn tưởng là kinh khủng ghê gớm, bây giờ bỗng nhiên trở thành bình thường, trở thành những vấn đề thiết yếu của đời sống, gắn bó như máu với thịt, hợp với quy luật tự nhiên và chắc chắn chẳng có gì gọi là trái với lời răn của thượng đế cả. Một số thói quen cũ bắt đầu chết đi và một số thói quen khác đang hình thành.

Gia đình Hùng quẹo cũng không thoát khỏi sự xáo trộn nhất thời nói trên. Ông cố gã là người địa phương, có lẽ theo đạo từ thời Tự Đức hoặc Minh Mạng, thuở các vị giáo sĩ dòng Tên mới đặt chân lên đất cố đô cũ truyền giáo. Thời ông nội gã, gia đình vẫn còn bám vào đất đai để sống. Đến thời ông bố gã thì đoạn tuyệt hẳn với nhà nông, mấy sào ruộng bán hết. Ông bố gã làm một viên chức quèn tại sở Công chánh, bị đau gan chết khi đứa em gái gã mới lên năm. Ba anh em gã, chỉ có thằng em kế là học hành được, cố gắng thi đỗ tú tài một, đi Thủ Đức trở thành sĩ quan. Gã và đứa em gái đầu óc tối mù học hành chẳng được; gã học tới đệ lục còn con em gái mới học đến lớp ba thì ở nhà. Bây giờ cũng may là gã vừa học được cái nghề chằm nón để kiếm sống qua ngày.

Tin ông Mỹ, một linh mục trẻ nổi tiếng, sẽ chuyển về thay vị linh mục già đã làm xôn xao trong giáo xứ. Sỡ dĩ như vậy vì ông Mỹ là một tác giả chính trong một vụ xuyên tạc nói xấu chính quyền cách mạng, bị câu lưu tạm giam hai tháng mới được thả ra. Trước khi bị giam giữ, ông Mỹ nắm một chức vụ khá quan trọng trong giáo hội. Ông được thả ra sau khi các vị có thẩm quyền trong giáo hội ở địa phương đứng ra bảo lãnh. Việc đưa ông Mỹ về nhận chức tại một giáo xứ nhỏ là một trong những điều kiện mà giáo hội địa phương đưa ra cam kết. Bởi vậy, đối với ông Mỹ, sự "cưỡng bách cư trú" nầy chắc chắn sẽ không lấy gì làm vui.

Hùng quẹo cũng sốt ruột. Gã không thích gì miệng lưỡng của em gái gã và đám bạn bè của nó đã tô vẽ chân dung ông Mỹ như một vị anh hùng trong các cuộc thánh chiến. Nhưng gã cũng tò mò muốn biết mặt mũi ngang dọc của nhân vật đám công khai chống chính quyền sẽ về đây làm người láng giềng của gã ra sao. Sự việc của ông Mỹ gã cũng đã nghe nói rồi, nghe đủ thứ nguồn dư luận.

Ông Mỹ về với một xe đồ đạc lỉnh kỉnh. Giáo xứ tiếp ông cũng khá nồng nhiệt, có đủ các vị chức sắc. Riêng nam nữ thanh niên thì khá đông, chúng xoắn xuýt quanh ông như muốn công kênh vị anh hùng của mình lên khỏi đầu để tung hô. Chỉ thiếu có hoa và pháo. Chiều hôm đó Hùng quẹo không làm việc, gã ngồi ở chỗ cũ và quan sát thật kỹ tất cả mọi diễn biến tại nhà cha xứ. Khi ông Mỹ vừa bước xuống xe, chỉ có ông từ kéo chuông ở cạnh nhà Hùng quẹo một bước "lạy cha" hai bước "lạy cha" rối rít và đám thanh niên ùa đến vây quanh, khiêng dọn đồ đạc. Ba vị trong hội đồng giáo xứ vẫn đứng trên thềm nhà. Ông Mỹ dong dỏng cao, mang một cái áo thung đen hơi cũ nhưng thẳng nếp, cổ có viền trắng. Mặt ông xương gảy, da bánh mật, khoảng trên ba mươi tuổi, trạc tuổi Hùng quẹo, nhưng khá đẹp trai. Chắc chắn ông Mỹ biết rằng tất cả mọi người đang tập trung chú ý đến mình nên mọi cử chỉ thái độ của ông đều tính toán vừa phải. Ông biết rẽ đám đông để tới bắt tay ba vị trong hội đồng giáo xứ trước. Nói chung, Hùng quẹo không phát hiện ra điểm gì đặc biệt ở nhân vật láng giềng nổi tiếng mới tới của mình. Gã chỉ khó chịu chút ít khi thấy đôi mắt ông Mỹ hơi láu liêng và ông nói cười hơi nhiều với đám thanh niên, trong đó có đứa em gái gã.

Cuộc sống trở lại với những ngày bình thường - Chuông nhà thờ, kinh lễ và mỗi người đều lo công việc làm ăn của mình như trước. Một số ít người có ý chờ đợi một "biến cố" nào đó xảy ra khi ông Mỹ về. Hùng quẹo vẫn sống cô độc với cái khung nón trên một chỗ ngồi bất di bất dịch. Càng về sau này, gã làm việc nhiều hơn, năng suất gần bằng hai người thợ giỏi. Trong danh sách khen thưởng phong trào quần chúng ở địa phương, tên Hùng quẹo đã được nhắc tới một lần, nhưng vì thái độ quá cách ly của gã, cuối cùng người ta phải gạt ra. Hùng quẹo bên ngoài tỏ ra chẳng quan tân tiếc nuối gì việc ấy, nhưng một đôi khi gã cũng cảm thấy bâng khuâng suy nghĩ. Và, giả dụ, người ta có phát bằng khen cho gã chắc chắn gã cũng không đủ can đảm để từ chối.

Thời vị linh mục già, nhà cha xứ thường vắng tanh, chỉ đông người những khi có lễ lạt. Ông sống bình lặng nhịp nhàng như chiếc kim đồng hồ. Những người tốt rất mực mến thương, kính phục ông cụ, còn kẻ xấu cũng chẳng dám làm điều chi xúc phạm đến ông. Vào những chiều thứ năm và thứ bảy, trước buổi cơm tối và kinh nguyện, ông có cái lệ đi thăm từng gia đình giáo dân. Tuần này xóm nầy tuần kia xóm kia, cứ thế đúng một tháng ông cụ đã đi hết cùng giáo xứ. Gặp nhà có chuyện vui ông ghé lại lâu hơn, còn bình thường chỉ năm ba phút hỏi thăm sức khỏe, tình hình làm ăn sinh sống rồi đi. Bởi vậy, giáo dân tiếp ông với tất cả tấm lòng của mình. Hồi ấy ít có chuyện lộn xộn trong giáo xứ. Chính quyền địa phương cũng rất mực tôn trọng ông cụ, thường hỏi ý kiên ông cụ trước khi muốn triển khai thực hiện một vân đề gì liên quan đến giáo dân. Còn giáo dân, sau một thời gian nghi ngại lo sợ cách mạng, đã bắt đầu làm quen vơi cuộc sống mới. Dầu cuộc sống ấy biết bao khó khăn nhưng họ hiểu được rằng ở đâu cũng thế, không chỉ riêng trong giáo xứ. Cái chính đối với bà con là việc lễ lạt kinh nguyện không ai cấm đoán như trước đây thường nghe nói. Tiếng chuông vẫn vang lên thánh thót sáng tối báo những giờ kinh lễ.

Thay đổi đầu tiên từ khi ông Mỹ về là nhà cha xứ thường xuyên rộn ràng khách khứa. Phần lớn là thanh niên, thanh nữ. Ông Mỹ chứng tỏ là một người có sức hấp dẫn đặc biệt, có khả năng tập hợp tuổi trẻ. Chỉ một thời gian ngắn, ông đã tổ chức một loạt lớp giáo lý, một số hội đoàn nửa công khai nửa bí mật mang những tên gọi rất kêu, và, bày ra thường xuyên những cuộc sinh hoạt đông đảo vào các ngày chủ nhật. Đặc biệt là đội "Thánh ca" của nhà thời tối nào cũng tập trung tại nhà ông hát xướng, có khi đông, có khi một hai người. Điều này đã làm cho không ít bà con lo ngại, thâm tâm nhiều giáo dân không bằng lòng, tuy vậy, không ai dám công khai phản đối. Dưới danh nghĩa các nhóm "suy niệm phúc âm" các tổ "tình thương"… ông đã tổ chức các buổi hành hương, du ngoạn, có khi lên núi, có khi xuống biển. Suốt ngày lúc nào cũng thấy ông tất bật, hình như ông bị cuốn hút vào những công việc nầy là chính, còn việc hành lễ kinh nguyện chỉ là thứ yếu, hoặc chỉ là những thủ tục phải làm lấy lệ cho xong.

Đứa em gái Hùng quẹo trước đây một ngày có thể chằm hai cái nón bây giờ có khi nửa cái làm không xong: nó còn bày ra may sắm, trưng diện cho những buổi pic-nic, cắm trại… Mặc dù hát rất dở và chẳng biết một dấu đô, rê, mi, fa nào, nhưng tối nào nó cũng có mặt trong đội "Thánh ca" của ông Mỹ.

Lúc đầu Hùng quẹo chẳng để tâm, nhưng dần dần vì ngày nào cũng chứng kiến cảnh rần rật tới lui tại nhà ông Mỹ làm cho gã nhức mắt, khó chịu. Nhất là ban đêm, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng cười như thể nhạo báng chọc tức gã. Ga đâm ra xoi mói ông láng giềng của mình. Mơ hồ, qua cách đi đứng nói năng của ông Mỹ, gây cho gã một vài ấn tượng đen tối, gã chưa định hình được nó như thế nào, nhưng gã có thể khẳng định đó là điều mà gã không thể chấp nhận được. Đức tin gã không còn nhưng gã cũng không có lý do gì để báng bổ nó. Ông Mỹ hiện ra trước mắt gã như một sự báng bổ, một sự quá trớn, sự tự kiêu, tự đại với những dục vọng thấp hèn không thể chấp nhận được đối với một bật tu hành chân chính. Mỗi ngày định kiến đó càng được nhân lên, trở thành một thứ tình cảm hằn học trong gã, nhiều khi quá khích. Ngược lại, ông Mỹ cũng chẳng thích gì gã chằm nón, một phần có lẽ do đứa em Hùng quẹo đã nói gì với ông, một phần do ngày nào ông cũng phải nhìn thấy gã với con mắt như chực khiêu khích. Ông thường rùng mình, có cảm tưởng như lúc nào gã chằm nói cũng sẵn sàng vồ chụp lấy ông để cắn xé. Trong cuộc đời làm linh mục của mình, có lẽ ông chưa từng gặp trường hợp con chiên nào như thế. Gã chằm nón như một bóng đen của địa ngục án ngữ trước mặt ông mỗi ngày, mỗi giờ.

Bởi vậy, một lần ông Mỹ muốn nói chuyện với Hùng quẹo. Ông đứng trên thềm nhà ngoắt gã sang:

- Này anh Hùng, sang tôi hỏi một tí.

Hùng quẹo làm như không nghe thấy - "Có muốn hỏi thì sang đây, làm như cha cả thiên hạ" - Gã lầm bầm.

Lúc bấy giờ nếu đứng gần có thể thấy da mặt ông Mỹ đổi màu. Ông lẩm bẩm điều gì đó không rõ rồi quay vào nhà đóng sầm cửa lại.

Hôm sau, sau buổi lễ sớm, ông Mỹ gọi mẹ Hùng quẹo sang nhà. Không biết ông Mỹ đã nói gì với bà trong cả tiếng đồng hồ, khiến bà già bước ra cửa khóc ấm ức. Vừa vào đến sân, bà đã đay nghiến Hùng quẹo:

- Mi là đứa vô nhân thất đức! Mi đa bêu rếu cả nhà chưa bưa chừ còn báng bổ cha xứ. Mi đi môi đi cho khuất, đồ cái thứ quỉ tha ma bắt.

Hùng quẹo ngồi yên. Gã đã quen tính khí của mẹ gã mỗi khi đụng tới chuyện nhà thờ. Gã không muốn trả lời, không muốn giải thích: mà nếu gã có giải thích thế nào thì mẹ gã cũng không bao giờ nghe gã. Đối với bà tất cả mọi thứ gì có liên quan đến đức tin, liên quan đến cha xứ, người đại diện của Chúa ở trần gian, đều bất khả xâm phạm. Bởi vậy, việc Hùng quẹo không chịu đi nhà thờ đối với và là cả một tai họa ghê gớm. Trong kinh thánh có kể câu chuyện Chúa Giê-su chữa bệnh cho một người bị quỷ ám, cho nên bà luôn luôn nghĩ rằng, chắc chắn có một con quỉ nào đó đã nhập vào con bà. Bà bị tổn thương, đau khổ nhưng lúc nào bà cũng không quên cầu nguyện cho gã. Hùng quẹo cũng thương mẹ, nhưng gã không chịu nổi tính khí và sự mù quáng của mẹ. Hai mẹ con trước đây thường gây gỗ là vì thế. Thực ra, gã cũng không nhớ đức tín của gã mất tự lúc nào. Hình như nó đã mất từ lúc gã đối dầu giữa cái sống và cái chết mà gã biết chắc chắn rằng sẽ không có thượng đế nào cứu được gã, và sẽ không có xứ sở thiêng đường nào ngoài cuộc sống mà gã rất sợ phải bị mất.

Từ đó quan hệ giữa ông Mỹ và Hùng quẹo trở nên căng thẳng thật sự. Trong một buổi giảng ở nhà thờ ngày chủ nhật, tuần lễ thánh, ông Mỹ đã nêu đích danh tên Hùng quẹo trong khi nói về việc Giu-đa bán Chúa. Hùng quẹo cũng không chịu thua, kể từ đấy, nếu có dịp, gã bắt đầu báng bổ ông Mỹ với tất cả từ ngữ mà gã có.

Rồi một hôm bỗng dưng có hai nguồn tin được tung ra cùng một lúc, mặc dù xuất xứ và mức độc có khác nhau. Một nguồn tin, có lẽ xuất phát từ những người bao bọc chung quanh ông Mỹ, nói rằng Hùng quẹo làm "cò mồi" cho công an rắp tâm hại linh mục quản xứ. Một nguồn khác, đúng hơn là dư luận, xì xào về quan hệ không đúng đắn giữa ông Mỹ và phụ nữ. Dư luận nầy có từ khi cô H. thêu ren ở cuối xóm, một giọng ca chính trong đội "Thánh ca" của nhà thờ bỗng nhiên bỏ việc đi đâu không biết. Gia đình thì bảo cô ta đi Đà Nẵng chữa bệnh. Đó chỉ là một cách nói thôi, ai cũng biết như thế. Từ khi ông Mỹ đến, cô ta là một trong những người tích cực nhất của đội "Thánh ca", không có tối nào vắng mặt tại nhà cha xứ. Khi nguồn dư luận đó đến tai Hùng quẹo, gã tuyên bố thẳng thừng với em gái gã: "Tao biết tỏng cái con H. nó đi mô…" Bình thường em gái gã đã đốp chát lại tay đôi với anh, nhưng lần này nó chỉ ngoe nguẩy bỏ đi, nói trổng: "Anh thì cái chi không biết".

Không biết mức độ xác thực của cái nguồn dư luận đó như thế nào, có điều, cả hai sự việc trên đều có những luận chứng khá bảo đảm. Về nguồn tin thứ nhất do việc thời gian gần đây anh công an xã thường xuyên ghé chỗ Hùng quẹo. Điều này, chẳng những không cải chính, Hùng quẹo còn tuyên bố bô bô: "Tao làm việc cho công ao đó, đứa nào làm gì!". Thực ra, vì quá tức giận, gã nói cho đã vậy thôi, chứ có làm việc hay không gã cũng không biết. Anh công an xã thời ông linh mục già ít khi đến giáo xứ, chỉ trừ những khi có việc liên quan đến an ninh, hộ khẩu, họp hành. Không hiểu sao, từ khi ông Mỹ về, anh đến luôn và chọn Hùng quẹo làm đối tượng để trò chuyện. Có lẽ một phần do chỗ gã gần nhà thờ. Riêng Hùng quẹo, lúc đầu gã vừa sợ, và giữ kẽ, không biết anh ta sẽ tra vấn gì mình. Hóa ra, mọi việc quá đỗi bình thường. Cái anh chàng mặt mày lạnh như tiền ấy, tưởng chỉ có mỗi công việc tìm cách bắt giữa người khác, nhưng qua tiếp xúc, Hùng quẹo thấy anh ta cũng chẳng có gì đáng cho Hùng quẹo khiếp sợ cả, trái lại còn vui tính nữa là khác. Bởi vậy, dù chưa định rõ mức độ tình cảm của mình như thế nào. Nhưng mỗi ngày gã càng cởi mở, ít giữ kẻ hơn trong tiếp xúc với anh ta. Và, quả thật, cũng có một đôi lần anh ta hỏi Hùng quẹo về sinh hoạt của ông Mỹ, nhưng chỉ hỏi như để cho biết vậy thôi, chứ không phát biểu ý kiến gì. Cũng có thể anh công ai giữ ý, nhưng điều đó cũng không đủ để kết luận là Hùng quẹo làm cò mồi. Hùng quẹo không tức giận vì dư luận cho gã làm "cò mồi", nhưng ga cay cú với kẻ đã tung ra nguồn tin đó, mà gã cho rằng chỉ có ông Mỹ chứ không là ai khác, vừa để khỏa lấp chuyện của mình, vừa để bêu rếu gã.

Riêng về dư luận đối với ông Mỹ thì không phải xuất phát từ Hùng quẹo. Có thể nói do bà O giúp việc ông Mỹ, hoặc là từ một người nào đó trong đội "Thánh ca". Dư luận này, mặc dù được ém nhẹm từ mọi phía, nó vẫn lan đi rất nhanh, vượt ra khỏi phạm vi giáo xứ. Nhưng dù đã có nhiều giáo dân bắt đầu không bằng lòng, phản đối ông Mỹ thì mọi người cũng không muốn kẻ chăn dắt linh hồn mình bị xúc phạm. Hình như đã có kiến nghị của hội đồng giáo xứ đề nghị giáo hội nên chuyển ông Mỹ đi một nơi khác.

Giữa lúc mọi việc còn đang nhập nhằng như thế thì, bỗng nhiên, cô gái mất tích đột ngột trở về. Rõ ràng sau gần hai tháng vắng nhà, cô ta giống như người vừa ốm dậy. Mặt mày xanh lét, chỉ có thân hình thì như có vẻ đẫy ra. Và, như thể không biết có chuyện gì xảy ra trong thời gian mình văn mặt, cô ta vẫn tìm đến nhà ông Mỹ ngay buổi chiều vừa trở lại. Ngoài ra, cô còn đến đấy cả những giờ mà chỉ có Hùng quẹo mới biết. Điều này làm cho gã chằm nón nẩy sinh một ý định, không phải để trả thù, cũng không phải do lòng ghen ghét, nhưng mà là để chứng minh một điều gì đó mà bản thân gã chưa phán quyết đầy đủ. Nhưng ý định đó thôi thúc gã mãnh liệt, làm cho gã run lên như sắp phải ra tòa phán xử cuối cùng. Hôm ấy, gã ngồi thu mình trong góc tối mái hiên nhà trong tư thế của người rình bắt kẻ trộm. Bấy giờ vào khoảng nửa đêm. Gã không biết gã ngồi như thế đã bao lâu, cho đến khi gã có cảm tưởng gã thở không nổi nữa thì bóng cô gái hiện ta trong hành lang nhà thờ. Như một con mèo, cô ta biến rất nhanh vào cửa hông nhà ông Mỹ. Hùng quẹo đứng bật dậy như chiếc lo xo làm vết thương đau nhức, suýt nữa bổ chúi về phía trước. Rồi gã phóng như điên đến nhà cha xứ. Nhưng đến trước cửa gã bỗng khựng lại và, như có một sức hút ma quái xô đẩy, gã vội nhảy lên hành lang nhà thờ, chạy đến chỗ tháp chuông. Khi hai bàn tay Hùng quẹo cầm được sợi giây thì không phải gã kéo nữa, mà là cả người gã đu theo những hồi chuông đổ dồn dập vang dội cả không trung, những hồi chuông như những tiếng kêu thất thanh, cầu cứu của thánh thần, đất trời, cây cỏ… trong bóng đêm dày đặc. Còn Hùng quẹo, gã không biết chuyện gì xảy ra sau đó, phút đầu gã chỉ có cảm giác là một nửa con người gã như và nát vụn tan tác ra muôn ngàn mảnh, còn một nửa con người kia như đang bay lơ lửng vào một thiêng đường trần gian nào đó…

Huế, 5/1983

T.N.S

(SH số tháng 2 - 1983)

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
'Ghi và Nhớ' (15/06/2017)