Tạp chí Sông Hương -
Khơi dậy tình yêu sử Việt
16:00 | 26/06/2017

5.000 bản in “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” được bán hết khi chưa chính thức ra mắt, có giấy phép tái bản 5.000 cuốn ngay trong ngày đầu phát hành online. Làm nên hiện tượng hiếm gặp đối với dòng sách lịch sử, theo tác giả PHAN TRẦN VIỆT DŨNG, sự khác biệt chính là cách kể lịch sử qua những câu chuyện, để nó không còn là con số khô khan mà như bản hùng ca đầy tự hào.

Khơi dậy tình yêu sử Việt

Góp nhặt “ngàn năm sương khói”

Không viết về lịch sử như cái vốn được thể hiện trong sách truyền thống, với Sử Việt - 12 khúc tráng ca, anh có cách tiếp cận như thế nào?

Chiều 25.6, tại BKHUP Co - Working, 17 Tạ Quang Bửu, Hà Nội, Sử Việt - 12 khúc tráng ca của tác giả Phan Trần Việt Dũng (Dũng Phan) đã chính thức ra mắt độc giả. Cuốn sách là sự kết hợp của những tư liệu lịch sử đã được kiểm chứng, xen kẽ với nhận định và đánh giá của người biên soạn. Ý tưởng cuốn sách bắt đầu từ những bài viết trên trang Fanpage The X File of history - kể chuyện lịch sử do Dũng Phan và cộng sự lập, thu hút rất đông độc giả trẻ.

- Tôi không biên niên như sách sử trước nay chỉ ghi chép diễn biến chứ không nói về nhân vật, câu chuyện. Dựa trên tài liệu sử học, kết hợp tư liệu đã được kiểm chứng, tôi viết lịch sử qua góc nhìn tập trung vào con người. Sách kể về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam thời phong kiến, với 6 nhân vật dựng nước, 6 nhân vật giữ nước, được chọn lọc theo tính chất quan trọng nhất, hùng tráng nhất trong lịch sử.

Nói theo cách nhìn lãng mạn, tôi giống như gã thanh niên đi góp nhặt các câu chuyện cũ ngàn năm sương khói thành các nốt nhạc mà viết nên 12 khúc ca. Tổng hòa thành một bản hùng ca lịch sử vừa dồn dập bi tráng, vừa trầm mặc hùng tráng. Trong đó, có khúc hoan ca về hoàng đế đầu tiên Đinh Tiên Hoàng; tiếng nhạc vút cao ca ngợi vua Lý Thái Tổ; lời an ca thịnh thế về vua Lê Thánh Tông; viên mãn khúc khải hoàn dòng họ Nguyễn… Nhưng cũng có những nỗi buồn dân tộc như khúc bi ai mất nước viết về Hồ Quý Ly… Tất cả, được kể bằng câu chuyện chứ không hề thống kê cái đã biết.

Tránh một dạng tài liệu chuyên khảo khô khan nhưng cũng chẳng phải viết tiểu thuyết dã sử. Thật khó kể câu chuyện lịch sử sao cho hấp dẫn?

- Có lẽ bởi thế mà tôi xin được đứng vào khoảng giữa vậy. Tức vừa đủ tư liệu chính sử để bạn hiểu và nhớ về lịch sử nước nhà, vừa đủ ly kỳ để đưa hồn xưa thấm đượm vào từng câu chuyện. Những điều ấy, sử Việt chưa đưa vào trong khi lại là cái khiến người ta bị thu hút. Nay tôi khơi lên nét mềm mại sau khí thế anh hùng, đặt ra hàng loạt câu hỏi về nghi án của lịch sử, phát hiện tính hấp dẫn và bài học từ tiền nhân… Chẳng hạn, đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao đến Ngô Quyền mới là người chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc chứ không phải những nhân vật trước đó? Giải đáp, tôi viết về dòng họ Khúc với 3 đời xây đắp nền móng chính quyền nước Nam riêng biệt, có nền kinh tế tự chủ và một đội quân bảo vệ Giao Châu hoàn toàn của người Việt. Từ đó mới có chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng. Thành công chỉ có được khi cái gốc vững vàng, ấy là bài học mà tiền nhân đã dạy, là câu chuyện lịch sử dẫn dắt nhìn về tương lai.

Ngọc sáng của tiền nhân

Để làm mới cách kể về lịch sử, nếu chỉ dựa vào tài liệu chính sử, theo anh đã đủ chưa?

- Tôi luôn ghi nhớ một điều: Tài liệu tham khảo phải là chính sử, nhưng quan trọng còn phải chạm tay vào lịch sử nữa. Tôi viết cuốn sách này khi đã đến Lam Kinh (Thanh Hóa), tới Ải Chi Lăng (Lạng Sơn), qua lăng Gia Long, Minh Mạng, đến Tây Sơn (Bình Định)… cùng rất nhiều di tích khác gắn với các anh hùng dân tộc. Xin kể lần đi thăm di tích vua Đinh - vua Lê (Ninh Bình), thấy đền vua Đinh Bộ Lĩnh ở trên núi cao còn của vua Lê Hoàn ở khuất sau lưng dưới núi. Bởi trước khi lên ngôi vua, Lê Đại Hành là cận thần của Đinh Bộ Lĩnh. Ý nghĩa ẩn trong đó, nếu không đến tận nơi, sẽ khó biết được. Hay ngọn núi trông giống con ngựa có yên cong xuống, được đặt tên Mã Yên là nơi thờ vua Đinh, như thể vua vẫn đang ngồi trên lưng ngựa để nhìn dân tộc. Ai sẽ kể cho ta chuyện đó nếu không đến tận nơi. Chạm tay vào mới cảm nhận được lịch sử ở đâu.

Có người từng nói, lịch sử toát ra một năng lượng mà nếu tìm tòi sẽ được đáp trả năng lượng đấy. Không biết, năng lượng mà anh tìm thấy khi thực hiện tác phẩm này là gì?

- Tôi cho rằng, lịch sử Việt Nam toàn là những viên ngọc, nhưng đa số đều là ngọc thô. Nó lẫn vào trong đá, mà đứng ngoài nhìn, ta chỉ thấy khô cằn. Tôi nhặt những viên ngọc ấy lên, mài giũa để nó sáng bừng lên khiến người ta yêu thích. Tôi không bao giờ nói rằng hãy đọc lịch sử đi rồi sẽ được đền đáp, quan trọng ở bản thân mình có lòng với nó. Mỗi dân tộc chỉ có thể bước đến tương lai trên đôi chân vững vàng của lịch sử. Tôi định nghĩa lịch sử là bài học của tiền nhân, đã là bài học thì đều tốt cho hiện tại và tương lai.

Về sức hút của Sử Việt - 12 khúc tráng ca, mà phần đông là độc giả trẻ, và câu chuyện lâu nay ta vẫn băn khoăn về sự thờ ơ của giới trẻ với lịch sử, anh lý giải như thế nào?

- Cách mà các bạn săn lùng tới mức sách hết ngay lập tức dù chưa ra khỏi nhà in, hay việc các bạn tâm sự với tôi về mong chờ được đọc cuốn sách… cho thấy giới trẻ vẫn rất yêu lịch sử. Vấn đề là phải khai thác đúng, trúng tâm lý của họ. Tôi nhận thấy, vấn đề không phải chính sử hay dã sử, tiểu thuyết lịch sử hay câu chuyện lịch sử, mà là yêu hay không yêu, hời hợt hay quan tâm. Sách giáo khoa, sách lịch sử truyền thống cung cấp nhiều dữ liệu, nhưng chưa làm cho người ta yêu.

Nhiệm vụ tôi đặt ra cho mình với cuốn sách này là khơi gợi niềm yêu thích đó, để lịch sử trở thành những câu chuyện dẫn dắt lớp trẻ đến với tình yêu và sự đam mê khám phá, biết yêu quê hương, yêu dân tộc hơn và nhìn vào các bậc tiền nhân mà xây dựng bản lĩnh Việt hôm nay.

Xin cảm ơn anh!

Theo Lê Thư - ĐBND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng