Tạp chí Sông Hương -
Ngẫu hứng nhạc khí dân tộc
09:14 | 12/07/2017

Trong không gian phòng thu của Trung tâm thể nghiệm âm nhạc Phù Sa Lab, sân khấu vừa đủ cho 20 - 30 nghệ sĩ, nghệ nhân trực tiếp biểu diễn, nghệ sĩ và khán giả chỉ cách nhau vài bước chân. Cùng với hiệu ứng ánh sáng, người xem có cảm giác đang được quây quần quanh bếp lửa nhà rông, lắng nghe các nghệ nhân, nghệ sĩ kể chuyện bằng âm nhạc của núi rừng Tây Nguyên.

Ngẫu hứng nhạc khí dân tộc
Đêm vô thức Tây Nguyên - Ảnh: Minh Phương

Hòa tấu ngẫu hứng

Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên có một nền văn hóa đặc sắc. Ngoài không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, thì cũng còn có nhiều nhạc khí độc đáo nguồn gốc từ tre nứa. Tham dự chương trình âm nhạc “Đêm vô thức Tây Nguyên” tại Hà Nội mới đây, người xem có thể thấy nét khác biệt của “dàn nhạc Tây Nguyên” so với các dàn nhạc khác.

Đầu tiên là trang phục của nghệ sĩ trình diễn, nhìn vào có thể nhận biết nghệ nhân hay nhạc công đó là người dân tộc Gia Rai, ÊĐê, Xơ Đăng hay Ba Na… Sự khác biệt về nhạc cụ và chất liệu âm nhạc cũng khá rõ ràng qua 10 tiểu phẩm như: Sắc, Thanh, Huyền, Sự, Ru, Biển, Gặp, Tích, Phiêu, Tụ, được thể hiện bằng âm thanh của cồng chiêng, đàn t’rưng, k’long put, đinh năm, đinh tăk tà... Ngoài những phần hòa tấu, còn có lời hát hoặc hòa giọng của ca sĩ và nghệ nhân hát nhạc dân tộc.

Không chỉ đa dạng về màu sắc âm nhạc, trang phục, dàn nhạc còn gồm nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, với lối chơi truyền thống và hiện đại đan xen. Là một trong những nghệ sĩ trẻ, Y Chel Niê mang theo 4 cây sáo. Đầu tiên là Đinh cờ lé, sáo 4 lỗ truyền thống của người ÊĐê, thứ hai là Đinh vút, phát triển từ cây sáo truyền thống nhưng thêm 2 lỗ, rồi sáo ki pắc (sừng trâu) và sáo gỗ. Còn nghệ sĩ ưu tú người Gia Rai Rơ Châm Tih mang đến đàn t’rink, đàn cơ ro, đàn dr’cut, Đinh lắc, Đinh Rớt... Các nhạc cụ hòa tấu một cách ngẫu hứng, mọi sự điều tiết đều dựa vào khả năng thẩm âm và kinh nghiệm của nghệ sĩ.

Bỏ qua định kiến

“Đêm vô thức Tây Nguyên” nằm trong dự án xây dựng dàn nhạc Đông Nam Á (SEA Sound), với ý tưởng kết hợp cồng chiêng và những nhạc khí có nguồn gốc bản địa, được chế tác chủ yếu từ tre nứa để xây dựng một dàn nhạc lớn mang màu sắc Đông Nam Á tại Việt Nam. Tham vọng lớn hơn, dàn nhạc có thể đại diện cho ASEAN để giao lưu âm nhạc với thế giới. Êkip thực hiện dự án SEA Sound đã đi đến các bản làng ở Tây Nguyên để mời các nghệ nhân M’nông, ÊĐê, Lạch, Xơ Đăng, Ba Na… cùng nghiên cứu nhạc khí, tổng hợp nhạc cụ dân tộc và tập luyện suốt tháng 6 vừa qua.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih chia sẻ: “Những nhạc cụ ở nhà mình vẫn chơi, tiết tấu vốn theo truyền thống, nhưng khi chơi với nhau mang lại những điều lớn lao hơn. Có thể cách chơi, nhạc cụ không khác, nhưng sự điều tiết để kết hợp với nhau khiến tác phẩm âm nhạc có sự độc đáo, khác lạ. Chẳng hạn, tôi đánh đàn t’rink với nghệ sĩ người Marốc, khi nhạc vang lên, cả 2 cùng điều chỉnh nhịp điệu, thế là chơi thôi”.

Theo nghệ sĩ Y Chel Niê, điều đặc biệt của dự án là sự kết hợp ngẫu hứng, mặc dù lúc đầu cũng gặp khó khăn do màu sắc các nhạc cụ khác nhau. Tuy nhiên, đây là cơ hội cọ xát và học hỏi thú vị. “Nếu ở cộng đồng, ít khi chơi các nhạc cụ cùng nhau, nên khi kết hợp thấy độc đáo lắm. Không những thế, giao lưu với các nghệ nhân lớn tuổi, mình còn hiểu hơn về nhạc cụ dân tộc. Sau đợt này, mình có thể phát triển nhạc cụ dân tộc mình khi kết hợp với các nhạc khí khác, như sáo ÊĐê và sáo Mông cũng là một thử nghiệm thú vị. Có thể nói, dự án kết hợp nhạc cụ truyền thống các dân tộc thực sự đang đi đúng hướng” - Y Chel Niê nói.

Để thực hiện mục tiêu dài hơi này, Phù Sa Lab đã trở thành một phòng thí nghiệm để các nghệ sĩ, nghệ nhân, thuộc các lứa tuổi và dân tộc khác nhau, gặp gỡ và giao lưu, tạo ra những tác phẩm âm nhạc độc đáo. Nói về dự án do mình khởi xướng, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý cho rằng: “Khi một cái mới ra đời sẽ có người khen - chê theo nhiều lý do. Nhưng với văn hóa nghệ thuật, phải đặt các định kiến bên ngoài. Ở đây, các nghệ sĩ chơi với nhau hoàn toàn cởi mở, không ai bắt ai làm theo ai, chia sẻ đam mê với nhau. Để rồi, khi kết hợp, không cần định hướng mà tự họ sẽ điều tiết cá tính âm nhạc của mình và cho ra tác phẩm chung. Mà đôi khi cũng chẳng cần điều tiết”.

Trước đó, vào cuối tháng 3 đã diễn ra đêm nhạc Đêm vô thức Tây Bắc, quy tụ nghệ nhân sử dụng nhạc khí các dân tộc Tày, Thái, Dao, Nùng, Mông, Lào ở miền núi phía Bắc. Các giai đoạn tiếp theo của dự án SEA Sound trong năm 2017 sẽ được triển khai theo quý, quy tụ các nghệ sĩ và nhạc cụ với âm sắc của khu vực miền Nam. Sau nhiều đợt thể nghiệm, dàn nhạc sẽ ra mắt hoàn chỉnh với nhạc khí của đông đủ các vùng miền Việt Nam trong buổi báo cáo dự kiến tổ chức vào tháng 12.2017 hoặc tháng 1.2018. Trong các năm sau, SEA Sound tiến tới mở rộng kết nối và kêu gọi sự tham gia của các nhạc sĩ, nhạc công, nghệ nhân từ các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Cẩm Vân - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng