Tạp chí Sông Hương -
Ca trù - để trống làng nào làng nấy đánh
00:47 | 07/06/2009
Không đợi đến hội nghị tổng kết công tác kiểm kê bảo tồn di sản văn hóa ca trù hôm qua (4.6), người ta mới biết ca trù đã mất mát nhiều. Nhưng phục dựng ca trù bằng… “các kiểu” sẽ khiến nó còn mất nữa. Mà lần mất này là sự đa bản sắc trong ca trù vốn xuất phát từ ngẫu hứng riêng của từng dị bản- cầm bằng mất hết…
Ca trù - để trống làng nào làng nấy đánh
Ảnh minh họa- Một buổi biểu diễn ca trù của Trung tâm văn hóa Ca trù Thăng Long - Ảnh: TNO

Học nhạc từ nhỏ ở Nhạc viện Hà Nội, rồi nhiều năm bôn ba cùng các nghệ nhân, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kể lại: “Lúc ấy, tôi chợt nhận thấy, nhạc dân tộc là điều gì đó khác hẳn với bài bản ở trường. Không thể đồ rê mi được, cách ngẫu hứng trên một lòng bản khiến mỗi lần nghệ nhân tấu nhạc hay cất giọng lên là một lần tác phẩm có một dị bản mới. Không thể đồ rê mi, nghĩa là không thể giao hưởng hóa nhạc dân tộc được. Do đó, cũng không thể truyền ca trù theo lối Tây phương hóa được”.

Nhưng đó lại chính là lỗi mà Cục nghệ thuật biểu diễn đã mắc phải cách đây sáu năm, khi mở lớp dạy ca trù. Khi ấy, học viên được học hát của cụ Khuê, nghệ nhân ở CLB Thái Hà và học trống của cụ Mùi cũng của CLB Thái Hà. Học để cùng đàn, cùng trống, cùng ca cùng lúc từng bài mà dân nghiên cứu vẫn gọi đùa là “ca trù hợp tác xã’. Phó giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Nghi Xuân kể lại: “Kết thúc tập huấn, khi trở về ai cũng kêu sao tự dưng o này o kia đi học hát không giống ở nhà”. Thì ra, học viên đã hát kiểu “Thái Hà”. Trong khi ấy, đất Nghi Xuân vốn lừng danh với phong cách ca trù Cổ Đạm.

Chủ nhiệm CLB ca trù Việt Trì, ông Điền Ngọc Phách cũng đau nỗi đau tương tự. Giọng ông vụt căng lên rồi lại xẹp xuống: “Buồn là chắc chắn chứ. Khi chúng tôi muốn khôi phục ca trù, tìm đến cụ Đang, một trong những tổ nghề ở Việt Trì thì cụ ốm yếu, không còn hát nổi nữa. Mà hát ca trù chỗ chúng tôi ngày xưa, lúc bấy gọi là hát nhà tơ, xuân thu nhị kỳ rồi hội hè đình đám đều có hát cả”.

Cứ khăng khăng học cho được đúng nguyên phong cách cụ Đang, phong cách Việt Trì thì vĩnh viễn không còn ca trù để nghe. Việt Trì đành phục dựng ca trù bằng cách… học của nhà khác. Bây giờ, CLB cũng đông hơn, số người hát được cũng đã từ không đi đến có. Nhưng ông Phách nửa cay đắng nửa tự hào: “Mấy đứa trẻ đều bị ảnh hưởng. Cái Hồng Nhung hát đúng theo phong cách Thái Hà. Vì chúng tôi dùng đĩa Thái Hà để huấn luyện”.

Mới đây nhất, trong cuộc kiểm kê bảo tồn di sản văn hóa ca trù 2008, nhiều nghệ nhân đã bức xúc khi được yêu cầu hát 6 làn điệu: Bắc phản, Tỳ bà, Thét nhạc, Hát nói, Nhịp ba cung bắc, Gửi thư. Một nghiên cứu viên của viện Âm nhạc cho biết tư liệu Hán Nôm chép rằng chỉ những người hát đủ 6 làn điệu này trước kia mới được coi là đào nương (?). Chưa rõ văn bản Hán Nôm này xuất xứ từ đâu, và cho dù đây là 6 điệu hát đòi hỏi kỹ thuật cao thì việc đưa những điệu hát này làm chuẩn khiến việc đánh giá trở nên phi khoa học.

GS Tô Ngọc Thanh bức xúc: “Đấy là lối tư duy không chấp nhận được. Làm sao có thể lấy Thái Hà làm mẫu cho ca trù cả nước? Trống làng nào làng nấy đánh, thánh làng nào làng nấy thờ cơ mà. Đến UNESCO còn có công ước bảo vệ sự đa dạng văn hóa nữa là...”.

Cũng chính vì chuyện “trống làng, thánh làng” này mà theo ông Thanh, để bảo tồn ca trù có thể có những du di nhất định. Được hỏi về ý tưởng của Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, chủ nhiệm CLB ca trù và hát thơ Lạc Việt, ông Thanh nói: “Ca trù và hát thơ ẩm thực truyền thống là mô hình thích hợp với tính cách khi vui dễ có chút nhậu của miền . Nếu tính cách họ thế thì cứ để có chút nhậu vào lấy hứng thì cũng không sao. Miễn là ca trù vẫn được tiếp tục bảo tồn”.

Mà bảo tồn sao cho bản sắc từng “môn phái” ca trù được giữ trọn, ai cũng nhất trí, bên cạnh các nhà chuyên môn; nói gì cũng nhất định phải có tiền đầu tư. Nhất là đầu tư để các nghệ nhân có lương, để có thể truyền nghề và trước tiên, để sống mà làm nghề. Về vai trò nhà nước, trong vấn đề này, ông Trần Chiến Thắng, thứ trưởng bộ Văn hoá thể thao và du lịch trả lời phóng viên bên lề hội nghị: “Chắc còn phải trông vào xã hội hóa”.

                                                                                                                      Theo SGTT

Các bài mới
Các bài đã đăng