Tạp chí Sông Hương -
Nan giải quản lý vi phạm bản quyền
09:13 | 02/08/2017

Bản quyền, quyền tác giả, thẩm định thật giả đối với tác phẩm nghệ thuật… lại là vấn đề nóng trong dư luận những ngày qua.

Nan giải quản lý vi phạm bản quyền
Bức tranh “Trừu tượng” của họa sĩ Thành Chương được gắn tên tác giả Tạ Tỵ tại triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu trở về”.

Quy định còn lỏng lẻo

Ở Việt Nam, những vụ việc vi phạm bản quyền, sao chép tác phẩm hội họa mà không có thỏa thuận với tác giả bản gốc đã trở nên cũ rích. Tuy nhiên, việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như trường hợp “tranh thật, tên giả” xảy ra tại triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu trở về” thì lại mới về quy mô công khai. Và Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM phải tổ chức hội đồng đánh giá lại các tác phẩm tham gia triển lãm.

Ở nhiều nước, tranh chép được quản lý rất chặt chẽ. Họa sĩ vẽ tranh gốc ký thỏa thuận với phòng tranh, đồng ý cho nhân bản bức tranh và được hưởng phần trăm trên số tranh nhân bản bán được. Trong khi đó, việc quản lý tranh chép ở nước ta vẫn còn lỏng lẻo, việc chép tranh, nhân bản tranh dẫn đến thực tế tranh thật - tranh giả lẫn lộn.

Hơn thế, việc thẩm định, xác định tranh thật - tranh giả vẫn rất khó khăn vì Việt Nam chưa có một hội đồng thẩm định uy tín. Các nhà thẩm định dựa nhiều vào cảm tính và kinh nghiệm cá nhân, còn nhà sưu tập cũng không biết phải chứng minh như thế nào ngoài việc đưa ra những hồ sơ chứng thực của người bán. Trong khi thực tế, ngay cả những hồ sơ chứng thực của người bán cũng không được đảm bảo.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, cho biết, không cấm tranh chép nhưng tranh sao chép cần tuân thủ các nguyên tắc: không được đúng khuôn khổ của bản gốc (hoặc phải bé đi, hoặc phải to hơn). Phải ghi tên người chép dưới chữ ký của tác giả gốc. Với các tác phẩm của tác giả đã qua đời quá 50 năm, hết hạn bảo hộ bản quyền, thì được tự do chép. Khi chép phải có thỏa thuận với tác giả bản gốc hoặc người sở hữu.

Ông Thành nói thêm, nếu phát hiện tranh chép vi phạm bản quyền thì họa sĩ hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc cần báo thanh tra văn hóa, công an phường, quản lý thị trường… để giữ nguyên tang chứng, có thể xử lý theo Nghị định 158 của Chính phủ tùy theo mức độ vi phạm. Tuy nhiên, Nghị định 158/2013/NĐ-CP ký ngày 12/11/2013 vẫn chưa thấy quy định riêng trong việc xử lý đối với trường hợp vi phạm quy định về nhân bản (sao chép), tàng trữ tác phẩm mỹ thuật bị sao chép. 

Dự thảo vẫn chưa bắt kịp cuộc sống

Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra ngày 26/7 tại Hà Nội có nhiều ý kiến cho rằng, “Việt Nam vi phạm bản quyền như hít thở không khí” và hi vọng Nghị định sẽ kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền trong nước. Tuy nhiên, ngay trong hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra không ít điểm thiếu sót của Nghị định sẽ làm khó cho các nhà quản lý cũng như các bên liên quan.

Góp ý tại Hội thảo, PGS TS Trần Văn Hải - Trưởng Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học KHXH&NV cho rằng, nhiều điều tại Dự thảo Nghị định còn thiếu sót, gây khó khăn cho các đơn vị quản lý cũng như đơn vị thực hành. Điển hình như điều 12 về tác phẩm điện ảnh khi định nghĩa phim là tác phẩm điện ảnh bao gồm phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình là thu hẹp nội hàm khái niệm phim.

Còn khoản 4 điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tác giả có quyền bảo vệ toàn vẹn tác phẩm không cho phép người khác sửa chữa, xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ một hình thức nào, gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả” nhưng lại chưa được giải thích trong dự thảo Nghị định. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm bởi thể nào là “không phương hại đến uy tín và danh dự tác giả”.

PGS Hải cũng lấy ví dụ trường hợp nhạc sĩ Dương Thụ viết thêm lời Việt cho 8 bản nhạc không lời tại đĩa hát “Chat với Mozart” từng gây xôn xao dư luận, và đặt giả thuyết đây là trường hợp vi phạm quyền tác giả hay trường hợp làm tác phẩm phái sinh?

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ khái niệm “trích dẫn hợp lý tác phẩm” tại điều 24. Bởi quy định về trích dẫn hợp lý này đã châm ngòi cho rất nhiều vụ tranh chấp bản quyền. Vấn đề đặt ra ở đây là “Thế nào là trích dẫn hợp lý”? Một bản chép sao y bản chính có phải là trích dẫn không?, làm sao để xác định được mưc độ “hợp lý” của các bản chép… Với hơn 20 tham luận tại hội thảo, đã có không ít những chỗ “lỏng” của luật được nêu lên cho các nhà làm luật.

Theo luật sư Lê Quang Vy: “Luật Sở hữu trí tuệ quy định, mọi hành vi sao chép không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả đều là hành vi xâm phạm bản quyền (trừ trường hợp sao chép để sử dụng cho mục đích học tập, hay nghiên cứu của riêng mình). Chủ sở hữu được khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hành vi xâm phạm quyền tác giả có quy mô thương mại đều có thể bị xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Khi phát hiện có hành vi xâm phạm, tác giả vẫn được quyền khởi kiện, nhưng đơn khởi kiện phải chứng minh tác phẩm đó là của mình”.

Rõ ràng, với các quy định của luật pháp còn “lỏng” như hiện nay, việc quản lý bản quyền, quyền tác giả, thẩm định thật giả đối với tác phẩm nghệ thuật… hiện nay vẫn còn là một vấn đề nan giải.

Theo Vũ Thanh - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng