Tạp chí Sông Hương -
Soi rọi các bậc thầy
09:23 | 02/08/2017

Maurizio Pollini (1942) chiến thắng tại Cuộc thi Piano quốc tế Frédéric Chopin khi mới 18 tuổi và từ đó trở thành một trong những nghệ sĩ piano vĩ đại nhất thuộc thế hệ của ông.

Soi rọi các bậc thầy
“Tôi đã ký bản hợp đồng trọn đời với Chopin.”

Nổi danh với tiếng đàn được trau chuốt đến độ chính xác và sắc nét một cách hoàn hảo, âm nhạc mà Pollini trình diễn bao quát từ những kiệt tác của Bach cho đến các tác phẩm đương đại táo bạo nhất. Trong bài phỏng vấn được thực hiện ở New York dưới đây, Pollini chia sẻ phương lối ông tìm hiểu về âm nhạc của Chopin, Bach, và Beethoven cũng như các nhà soạn nhạc hiện đại.

Tôi hình dung rằng mối quan hệ giữa nghệ sĩ với các nhà soạn nhạc thay đổi theo thời gian, vậy mối quan hệ của ông với âm nhạc của Chopin thay đổi ra sao từ năm ông đi thi giải Chopin tới giờ?

Tôi đi thi ở Warsaw đã từ lâu lắm rồi, vào những năm 1960. Đó là thời khắc quan trọng nhất mở đầu mối quan hệ của tôi với Chopin. Đó cũng là mở đầu mối quan hệ của tôi với Arthur Rubinstein, ông có mặt trong hội đồng giám khảo năm đó và đã rất tốt với tôi. Tôi đã được nghe ông chơi đàn, ông có mấy buổi hòa nhạc tuyệt vời ở đó. Từ đây mở đầu một tình bạn kéo dài nhiều năm trời. Tôi đã gặp ông khá thường xuyên tại Paris và khi ông tới Italy để trình diễn…. Nhưng mà anh đang hỏi tôi về mối quan hệ của tôi với [âm nhạc của] Chopin.

Bản hợp đồng với nhà soạn nhạc xuất chúng cho đàn piano này đã kéo dài cả đời tôi; tôi chưa bao giờ ngừng chơi Chopin. Ông ấy là một nhà soạn nhạc đặc biệt. Ông ấy viết nhạc cho đàn piano có lẽ giỏi hơn bất kỳ ai, sáng tạo ra độ âm vang phi thường cho nhạc cụ này… Theo thời gian, mối quan hệ của tôi với âm nhạc của Chopin ngày một trở nên gần gũi. Tôi trở nên nhiệt huyết hơn. Ông ấy là một phép màu.

Và trong thế kỷ này, đừng quên Robert Schumann, một nhà soạn nhạc cùng tầm cỡ với Chopin và cũng có nhiều tác phẩm không thường xuyên được biểu diễn. Giờ có lẽ là thời điểm phù hợp để đưa những tác phẩm đó đến với khán giả. Với Chopin, ta ít phải quảng bá tác phẩm của ông vì trên thực tế, rõ ràng là ông chỉ toàn viết ra tuyệt phẩm. Những tác phẩm được đánh số mà ông đã xuất bản, đều là tuyệt phẩm cả. Nhưng có những tuyệt phẩm mà Chopin đã bỏ mặc bởi ông quá nghiêm khắc với bản thân.

Ông thấy ở Schumann có điều gì đặc biệt?

Không nghi ngờ gì Schumann là một phép màu khác. Đáng ngạc nhiên là một trong những nghệ sĩ “hiểu” Chopin nhất… [nghệ sĩ piano, nhạc trưởng Alfred] Cortot lại nói ông đánh giá âm nhạc của Schumann cao hơn Chopin. Arthur Rubinstein cũng từng nói Schumann có lẽ còn vĩ đại hơn Chopin. Nói cho rõ là tôi không đồng tình. Nhưng tôi cho rằng Schumann, không nghi ngờ gì nữa, là một phép màu của thế kỷ 19 và khám phá các tác phẩm hiếm được trình diễn của ông là điều rất quan trọng.

Ông đã nhắc tới Rubinstein hai lần rồi. Ông học được gì từ ông ấy?

Tôi học hỏi từ ông ấy vì ông ấy là điển hình cho thấy nhạc Chopin nên được trình diễn thế nào. Tôi luôn coi Rubinstein là lý tưởng, cũng như Cortot, dù ông khác hẳn Rubinstein nhưng cũng hết sức thuyết phục và tuyệt vời. Tôi học hỏi từ Rubinstein bằng cách nghe ông chơi đàn chứ không phải qua trò chuyện. Tôi nhớ một bài học duy nhất, nếu có bài học nào ông từng chỉ cho tôi trong một phút, đó là khi ông đặt ngón tay lên vai tôi khi tôi tập luyện trong cuộc thi [Chopin] và nói: “Tôi chỉ chơi với sức nặng của cánh tay, và tôi chưa bao giờ mệt mỏi.” Ngón tay của ông ấy rất nặng! Đó là bài học rất ngắn về cách chơi đàn piano.

Ông ấy chỉ cho ông nên lấy năng lượng từ đâu?

Từ toàn bộ cơ thể. Hẳn nhiên, đôi vai không nên nhô cao.

Trong khoảng thời gian nghỉ không trình diễn sau Cuộc thi Chopin, khi ông tập trung mở rộng danh mục trình diễn, có lời đồn rằng ông đã rất vật vã do tính cầu toàn của mình. Có phải vậy không?

Không. Tôi chưa bao giờ đặt trọng tâm vào màn trình diễn không có lỗi mà thực tế tôi thấy rõ sự hạn chế của điều đó. Trình diễn không có lỗi chẳng có nghĩa lý gì. Tôi nỗ lực cả đời vì mục đích khác: thể hiện được cá tính của nhà soạn nhạc, cá tính của âm nhạc. Điều này luôn là mục tiêu quan trọng hơn, từ đó đến giờ: Cố gắng hiểu và diễn đạt ý đồ của nhà soạn nhạc.

Khoảng thời gian mở rộng danh mục biểu diễn này không chỉ giới hạn ở Beethoven và Schumann mà còn mở rộng ra Berio và Boulez, Nono và Stockhausen. Điều gì thu hút sự chú ý của ông đối với các nhà soạn nhạc hiện đại này?

Tôi đã được nghe màn trình diễn của các nhà soạn nhạc thuộc Trường phái Viên thứ hai. Tôi có bản thu Wozzeck với phần chỉ huy của Dimitri Mitropoulos và đã nghe nhiều nghệ sĩ khác nhau chơi thứ âm nhạc hiện đại này. Vậy nên, dần dần, tôi bắt đầu đưa một vài tác phẩm vào danh mục biểu diễn của mình: đầu tiên là Schoenberg, rồi Sonata thứ hai của Boulez, và tiếp theo vào những năm 1970 là Stockhausen, Manzoni. Tôi thích Berio nhưng đã không chơi nhạc của ông. Còn Nono, người bạn quan trọng của tôi, đã sáng tác cho tôi hai bản nhạc. Rốt cuộc, tôi không có nhiều bản thu các tác phẩm hiện đại hay đương đại, nhưng tôi muốn chỉ ra rằng mối quan hệ với âm nhạc hiện đại rất quan trọng đối với tôi.

Là nhà vô địch trong mảng âm nhạc hiện đại và đương đại, ông thấy có thể làm gì để khuyến khích việc trình diễn những tác phẩm này?

Tôi cho rằng mục tiêu của âm nhạc đương đại là mở rộng danh mục mỗi ngày: làm sao cho âm nhạc được viết ra ngày hôm nay trở nên dễ tiếp cận và được nhiều khán giả biết tới hơn. Đây đúng là tình huống độc đáo. Hai trăm năm trước, chỉ những tác phẩm đương đại được trình diễn. Còn ngày nay, thật nghịch lý vì gần như 95% các tác phẩm được trình diễn hằng ngày là những tác phẩm vĩ đại của một hay hai thế kỷ trước, mà chẳng có mấy chỗ cho các tác phẩm của ngày hôm nay. Rõ ràng là các thiên tài của quá khứ rất nổi tiếng và được ngưỡng mộ, và tôi nên là người cuối cùng phàn nàn vì điều đó, nhưng tôi cho rằng nên có sự nhìn nhận âm nhạc hiện nay một cách tương xứng. Thật tuyệt vời khi có rất nhiều nhà soạn nhạc trên thế giới viết nhạc theo các xu hướng tiên phong, ấy thế nhưng ít người trong số họ có cơ hội trình diễn hay thành công. Sự tồn tại của các nhà soạn nhạc này cho thấy nhu cầu thiết yếu về phát triển ngôn ngữ âm nhạc và mong muốn sáng tạo ra điều mới.

Ông từng nói chỉ có thể nhận xét về độ khó của một nhà soạn nhạc cụ thể, và rằng mỗi nhà soạn nhạc đặt ra những thách thức khác hẳn nhau. Vậy thì những ưu tiên đối với một tác phẩm cũng phải thay đổi? Hãy lấy thí dụ một bản Partita của Bach và một bản sonata của Beethoven. Có những ưu tiên khác nhau trong việc tiếp cận hai tác phẩm này không?

Hẳn là bạn nên bắt đầu với hiểu biết về ý đồ của Bach mà bạn nắm được qua việc trình diễn các tác phẩm của ông, và với hiểu biết chung về âm nhạc của ông chứ không chỉ cho đàn piano. Thí dụ, tôi đã học được rất nhiều về ý đồ của Bach qua việc phân tích các cantata [đại hợp xướng] của ông. Nhờ nghiên cứu, tôi thấy rất rõ ràng rằng, đối với Bach, ưu tiên tối thượng là thể hiện được ý nghĩa của lời ca mà ông viết nhạc dựa trên đó. Ngay cả nếu lời ca không văn vẻ lắm, thì ông vẫn muốn đến gần ý nghĩa của nó và dùng âm nhạc để thể hiện ý nghĩa đó. Tôi cho rằng có một sự thật quan trọng trong cuốn sách của Albert Schweitzer về J.S. Bach. Ông ấy chỉ ra phương diện này trong âm nhạc của Bach, có lẽ hơi cường điệu. Nhưng ông ấy đã lý giải quan điểm này một cách xuyên suốt và rõ ràng. Tôi thấy rằng mỗi bản cantata đều cố gắng diễn đạt nội dung trong phần lời và chẳng bản nào giống bản nào. Bởi vậy, âm nhạc của Bach vô cùng đa dạng về các đặc tính, rất lôi cuốn và phi thường.

Còn về Beethoven, anh biết đấy, có những bản nháp các tác phẩm [âm nhạc] của Beethoven. Có sách tập hợp các bản nháp này; ở nhà tôi có một cuốn. Beethoven viết ra tất cả các ý tưởng âm nhạc nảy sinh trong đầu ông ấy. Phải có đến cả nghìn nhạc đề, rất khó đọc, thế nhưng chúng ta có thể tìm thấy trên những trang giấy đó, được ông ghi chép trong vài năm. Anh có thể thấy một số nhạc đề của các tác phẩm được soạn trong quãng thời gian này của ông được nhắc đến ở đây. Rõ ràng là, với mỗi tác phẩm, Beethoven đã lựa chọn giữa cả nghìn ý tưởng nảy sinh trong đầu ông. Tôi cho rằng, ông ấy quyết định chỉ chọn những nhạc đề lạ thường nhất; đó là một lựa chọn khắt khe. Hình như Beethoven từng nói, nếu có ý tưởng tốt thì việc triển khai không quá quan trọng, quả là một nhận định nghịch lý. Đương nhiên Beethoven nắm rõ cách phát triển các ý nhạc. Nhưng tôi đã học được từ đây rằng mỗi nhạc đề của Beethoven đều phải truyền tải điều gì đó hết sức khác thường. Trong những tác phẩm cuối đời, có lẽ ông đã làm hơi khác một chút, bởi tôi đọc bản thảo của Giao hưởng Số 9 và thấy nó đã được viết lại khoảng ba hoặc bốn lần. Tức là quá trình triển khai đã được thực hiện nhiều lần.

Hãy nói về người khác nhé. Chopin thì sao?

Chopin là nhà soạn nhạc khác hẳn với Beethoven. Về Chopin, rất khó để nói quá trình khơi gợi cảm hứng sáng tác ra sao vì ông ấy rất bí ẩn. Điều chắc chắn là quá trình triển khai ý tưởng rất khổ cực vì Georges Sand từng kể rằng, nhà soạn nhạc đã chật vật với âm nhạc của mình và chưa bao giờ hài lòng. Cùng một hợp âm nhưng ông ấy có thể thử nhiều cách viết vào nhiều vị trí khác nhau trên phím đàn. Ví dụ, cuối bản Ballade thứ hai, cùng một hòa âm nhưng có bốn trình tự khác nhau trên đàn piano: hai phiên bản trong bản thảo, một phiên bản trong ấn bản ở Đức và phiên bản thứ tư trong ấn bản ở Pháp. Hẳn nhiên là Chopin đã chật vật để vươn tới sự hoàn hảo. Kết quả đã rõ, không nghi ngờ gì nữa. Những tuyệt phẩm của Chopin được đưa đến với ta trong trạng thái tuyệt đối hoàn hảo, không nốt nhạc nào thừa hay thiếu. Từng gạch nhịp được đặt xuống rất tinh tế và khéo léo. Chopin là một trong những nhà soạn nhạc khó chơi nhất bởi ta phải kết hợp khí chất thời Lãng mạn với tính cầu toàn chú tâm đến từng chi tiết. Hai điều này đi với nhau thực rất khó khăn.

Điều đó có ảnh hưởng gì đến cách ông chơi đàn piano không?

Như tôi đã kể với anh, tôi cố làm tốt hết sức với âm nhạc của mỗi nhà soạn nhạc. Hẳn nhiên với Chopin anh cũng phải làm như vậy. Ông ấy ghét sự thô thiển. Liszt nói trong cuốn sách của mình về Chopin [Cuộc đời của Chopin] rằng Chopin yêu thích Bach và Mozart và không háo hức với các nhà soạn nhạc đương thời, bao gồm cả Beethoven. Nhưng Liszt cũng nói rằng Chopin có vài điểm phê phán một số trang nhạc trong vở Don Giovanni (của Mozart) mà ông cho rằng là thô thiển. Nói vậy để giúp anh hiểu Chopin là người khó tính nhường nào.

Nguồn: Nê Mô - Tia Sáng
lược dịch theo: https://www.steinway.com/news/features/illuminating-the-masters?utm_source=Facebook&utm_medium=pollini

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng