Tạp chí Sông Hương -
Chữ tình là chữ khởi đầu trong giáo dục con cái
16:47 | 07/08/2017

(SHO) Được may mắn đọc tác phẩm Thư gửi con của tác giả Thái Kim Lan trong lần xuất bản thứ nhất, nay tôi lại được may mắn tham dự buổi giới thiệu tác phẩm vừa tái bản do HQCBM Tp HCM tổ chức tại Huế với sự hỗ trợ địa điểm của TTVHPG Liễu Quán, sự yểm trợ của GSTS Thái Kim Lan cùng nhiều thân hữu và các bà mẹ Huế...

Chữ tình là chữ khởi đầu trong giáo dục con cái

Buổi giới thiệu sách bắt đầu vào lúc 16 giờ ngày 28 tháng 7-2017.

Một cơn mưa bất chợt đổ xuống, mưa như trút nước, tưởng như buổi chiều và cả buổi giao lưu sẽ chìm vào cơn mưa không dứt. Thế nhưng các chị em và khách mời bằng mọi phương tiện đã đến đông hơn cả dự kiến. Những tà áo dài thướt tha lại có dịp khoe sắc cùng bạn bè nhiều trang lứa.

Bên ngoài hội trường, những mâm bánh hạt sen của chị Kim Lan và chị Ngọc Trinh tự làm cùng với trái cây, hoa và những chồng sách được sắp xếp thật đẹp mắt. Đây đó những bình sen tươi lớn nhỏ đem đến một cảm giác an lành và thanh khiết khi vừa bước chân lên hết bậc thềm.  

Trong hội trường, không gian như lắng đọng với hai dãy ghế ngồi lịch sự, tôi lại thấy hoa sen và sách. Rất nhiều sách xếp thật nghệ thuật trên một chiếc bàn dài trải khăn trắng, những bình sen tươi trang trí trên bàn sách và bục diễn giả nhìn thật trang trọng mà ấm áp, thân thiện, gần gũi biết chừng nào.


NS Tuấn Khanh phát biểu mở đầu cho buổi giới thiệu sách. Lời anh nói giản dị, nhẹ nhàng nhưng thật là súc tích. Có vẻ như anh rất thấu hiểu tâm tư và tình cảm mà tác giả TKL đã gửi gắm qua tác phẩm Thư gửi con. Anh nói nhiều nhưng tất cả cũng chỉ để nói lên cái điều tâm đắc của tác giả: "chữ tình là chữ khởi đầu trong giáo dục con cái". Đối với chị TKL, anh đã nhắc đến một từ chị nói mà anh rất ấn tượng khi đến nhà chị, đó là hai chữ "hơi người", vâng "hơi người", ngôi nhà cần có hơi người và con thì cần có hơi mẹ...


HQCBM Thanh Thúy lúc nào cũng mộc mạc, bình dị mà vững vàng, xốc nổi cũng đã phát biểu về mục đích của chương trình lần này tổ chức tại Huế. Không phải chờ đợi lâu, nhà văn TS Thái Kim Lan giản dị với chiếc áo dài lụa tơ tằm Mã Châu và nụ cười tỏa nắng đang nói về mục đích của chị khi viết Thư gửi con, chị muốn con gái luôn cảm thấy sự có mặt của chị bên cạnh con khi chị đã đi xa... Chị chia sẻ, người mẹ sinh con giữa lòng nước Đức là chị, đã nuôi con bằng sữa mẹ, cho con nằm nôi tre và ru con bằng những lời ru của bà và mẹ. Đó là những câu ca dao, những câu hò xứ Huế. Để rồi một ngày, khi mang con về thăm quê hương, con chị đã thốt lên : "Mẹ ơi cầu Trường Tiền... Mẹ ơi chùa Linh Mụ..." như em đã từng thân quen lắm, chị bỗng thấy hạnh phúc tràn ngập cả tâm hồn.


Đặc biệt trong buổi giao lưu hôm nay có sư cô Như Minh lên đọc tặng tác giả TKL, người phật tử đáng trân trọng của Phật giáo Huế hai bài thơ. Nhà văn Huế Huyền Sâm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Bs Phạm Đức Thành Dũng và một độc giả rất yêu mến văn của TKL đã tham gia phát biểu chân thành và sôi nổi về tác phẩm của chị. Bên cạnh đó là những lời ca ngọt ngào, truyền cảm của những người em mà cũng là những người bạn như Minh Hương, Hoàng Anh, Quỳnh Trang... làm cho buổi giới thiệu sách trở nên vô cùng dễ chịu, thoải mái, thân tình và cởi mở.

Mọi người đã ngồi nghe cho đến phút cuối, thành phố đã lên đèn, mưa đã tạnh, có lẽ ai cũng ra về với một tâm trạng thư thái và mong chờ đến sáng mai để được tiếp tục tham dự phần hai của chương trình.

Sáng ngày 29 tháng 7, tại TTVHPG Liễu Quán, chương trình giao lưu được tiếp nối với tiết mục "Dạo chơi với áo dài" của các em bé gái bé trai. Các bà mẹ, các bà nội ngoại có dịp được rộn ràng, hân hoan cùng con cháu, các em ngỡ ngàng và thích thú biết bao! Ôi nụ cười và ánh mắt trẻ thơ, các em đã làm nên một không gian sống động đáng yêu biết chừng nào! Chỉ tiếc là không đủ thời gian và không gian để sắp xếp cho các em một cuộc dạo chơi mang nhiều ý nghĩa hơn thế.


Tiếp tục chương trình, GSTS Thái Kim Lan, HQCBM Thanh Thúy và Bs Phạm Đức Thành Dũng đã lần lượt trình bày về lợi ích của việc cho con bú bằng sữa mẹ cùng những kinh nghiệm nuôi dạy con cái. BS Dũng đã có một bài nói về sữa mẹ rất sâu, rất hay. Sữa mẹ ngoài việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho con trẻ còn có những lợi ích nhiều hơn thế. Sữa mẹ giúp cho trẻ hoàn thiện cả thể xác lẫn tinh thần và tình cảm. Bú mẹ, trẻ được thụ hưởng hơi ấm của mẹ, cảm nhận được tình yêu thương của mẹ, mẹ và con hợp thành một tổng thể mạnh mẽ, có thể áp đảo được sự xâm nhập của những mầm bệnh, từ đó đẩy lùi được bệnh tật...

Ngoài ra chương trình còn có hai tiết mục hát ru mà ở Huế ngày xưa gọi là "hò ru em" của hai phụ nữ Huế. Hát ru cũng là một yếu tố cần thiết trong việc nuôi con trẻ. "Sữa nuôi phần xác, Hát nuôi phần hồn" đó là một phần trong chương trình của HQCBM mang đến Huế lần này.

Qua hai buổi giao lưu được tham dự thật ý nghĩa và bổ ích, tôi mong rằng sau này chúng ta sẽ tổ chức được nhiều buổi giao lưu như thế này để đời sống tinh thần và văn hóa được phong phú hơn, cuộc sống của mỗi chúng ta được vui tươi, lành mạnh hơn. Cũng mong rằng những người làm chương trình sẽ rút được kinh nghiệm trong lần tổ chức này để có thể thực hiện một chương trình ấn tượng hơn, nhất là đối với các em nhỏ.

Trịnh Thị Vui

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng