Tạp chí Sông Hương -
Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: NIẾT BÀN BỐC CHÁY
09:52 | 11/08/2017

ĐOÀN LÊ

 

Cây lá héo rũ. Hơi nóng bốc rung rinh trên một mỏm lá xám. Cả hoang đảo say nắng ngất ngư tới tận khi mặt trời đỏ nẫu sắp rụng xuống gốc biển.

Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: NIẾT BÀN BỐC CHÁY
Minh họa: Phạm Đại

Lúc ấy ngọn gió đầu tiên trong ngày nổi dậy từ khơi xa, ùa vào đảo, trườn theo sườn núi bốc lên cao.

Cũng là lúc đạo sĩ rời hang đá, lần bước xuống núi. Ngọn gió táp vào ngài làn bụi nước ẩm ướt, nồng nồng, với chút mát mẻ xoa dịu. Nhưng ngài không nhận thấy điều đó. Làn da nâu sạm khô héo của ngài đã lâu rồi không còn cảm giác về sự nóng lạnh. Ngọn gió chỉ được một việc: làm bay phần phật những dải giẻ lươm bươm, chúng đeo dính trên tấm thân gần như lõa lồ của đạo sĩ.

Những dải giẻ rách ấy hơn hai chục năm trước vốn là cái áo cà sa gấm vàng thêu chỉ bạc, có đính một trăm hai mươi hạt bảo ngọc rực rỡ, tượng trưng một trăm hai mươi vì tinh tú. Chính tay nhà vua đã dâng tặng đạo sĩ tấm áo vô giá này lúc ngài bước chân xuống thuyền ra đi. Trong mười năm đầu, kể từ khi ngài vượt biển cả tới đây, những hạt bảo ngọc theo nhau rơi vãi đâu đó trên hoang đảo. Mười năm sau đến lượt những sợi chỉ bạc bung nốt. Tấm áo cà sa nhanh chóng biến thành những dải giẻ rách bạc phếch gió sương. Sở dĩ chúng còn đeo quấn lằng nhằng trên mình đạo sĩ chỉ vì ngài đã lãng quên chúng như lãng quên từ lâu tấm thân tứ đại của ngài.

Đạo sĩ thong thả bước. Gương mặt ngài trầm tĩnh, phảng phất niềm sung sướng thoát tục. Đôi mắt ngài đầy ân ưu, lấp lánh ánh sáng, giá quỷ dữ nhìn vào đó cũng phải mềm lòng quy phục. Và mái tóc dài lòa xòa xám xỉn tôn thêm dáng vẻ siêu phàm của một đấng chân nhân thiền sư.

Theo sau đạo sĩ chừng dăm bước là mươi con voọc đầu trắng, vài chú chồn nâu, chúng lồm cồm nhảy nhót giữa đám sơn dương. Bầy thú hỗn hợp ấy ào ào theo ngài như bị một mãnh lực khác thường cuốn hút. Những đôi mắt thú của chúng cũng mê man rực sáng giống hệt mắt đạo sĩ. Khác chăng ngài hướng vào cõi thiêng liêng hư ảo, còn chúng hướng vào ngài.

Ráng chiều đỏ lừ nhuốm cho cảnh tượng thêm phần kỳ dị ở nơi hoang đảo.

Con đường xuống biển phải qua một bãi đá lởm chởm. Hết bãi đá sẽ tới bờ cát trắng trải dài tít tắp, không hề gợn vết chân người. Ở giữa ranh giới bãi đá với bờ cát có cây du cổ thụ cao ngất, bóng trùm rợp một vùng, suốt đêm ngày rì rào gió. Dưới gốc du ấy đạo sĩ thường ngồi phổ thuyết, giáo hóa đệ tử, hoặc ngài tọa thiền nhập định.

Chiều nay cũng vậy, khi đạo sĩ vừa ngồi kiết già dưới gốc du, bầy đệ tử của ngài liền chen chúc nhau phủ phục trước mặt. Đạo sĩ đưa mắt âu yếm nhìn chúng. Từ lâu ngài cảm nhận rõ mỗi sinh vật nhỏ nhoi kia là mỗi duyên cớ cho người dồn trút thương yêu. Ngược lại, chúng cũng sống bằng niềm vui lẫn ước nguyện của vị chúa tể chúng. Giống như ngài ăn hoa quả do chúng hái lượm, còn chúng sống nhờ bầu nước ngài hứng từng giọt ngày đêm trên nhũ đá của động. Hay nói cách khác, ngài đã hòa với chúng, phân thân vào chúng, qua con đường tình yêu thuần phác chúng dâng hiến cho ngài.

Vậy mà chúng đâu biết ngài sắp rời bỏ chúng. Bỏ cả hoang đảo, trời xanh, biển biếc gốc du... Sẽ ra sao nếu mai đây ngài ra đi? Biển, núi chẳng mấy đổi thay, nhưng còn bầy muông thú yêu quý của ngài? Chúng trở lại mông muội như khi ngài chưa đặt chân lên hòn đảo này chăng?

- Hỡi các con, mấy bữa nay ta biết các con băn khoăn thấy ta chất củi khô trên đỉnh núi. Để làm gì ư? Ta chẳng giấu nữa. Giàn hỏa thiêu đó. Ta sắp vứt bỏ hình hài ô trọc để lên cõi Niết bàn tịch diệt. Đức Vô thượng Từ tôn há chẳng dạy rằng vòng luân hồi tử sinh, ly hợp, thảy đều là võng niệm đó sao? Nay nhân duyên phối hợp nên cái thân ảo hóa của ta đã hết, ta sẽ dứt bỏ nghiệp chướng, các con chớ lấy thế làm phiền muộn...

Tiếng ngài ngân nga, đầy sức ru rín mê hoặc. Tựa hồ nó mang theo một làn phấn nhẹ, thấm qua thính giác gây ngây ngất. Bởi khi ngài cất tiếng nói, cả đàn thú lìm lịm, gió bỗng lặng tờ, sóng biển đang dồn dập cũng dịu xuống. Chỉ nghe mơ hồ trên thinh không từng âm hưởng đang tan dần...

Đạo sĩ chợt ngừng lại. Một lát sau bầy đệ tử của ngài bừng tỉnh. Chẳng rõ bằng trực cảm bí ẩn nào chúng lĩnh hội được lời ngài: Ngài sắp vĩnh viễn rời bỏ chúng: Chúng liền cất tiếng kêu thê thảm. Lũ chồn nhảy dựng lên, thả rơi mình vật vã. Sơn dương đập sừng vào nhau giãy giụa. Những con voọc dứt từng túm lông rớm máu trên thân thể chúng. Thật khó tưởng tượng được cảnh cả bầy thú điên cuồng tự hủy diệt trong nỗi đau đớn man dại đột ngột.

Đôi mắt đạo sĩ rưng rưng cái tình của thú mà quá đỗi sâu sắc. Ngài vội cất tiếng tụng niệm:

- Nam mô Kim-cương bát-nhã ba-la-mật...

Bầy thú liền ngừng ngay lại. Thoạt đầu chúng nằm im lìm, chồng đống lên nhau thoi thóp. Dần dà tiếng tụng niệm thấm vào chúng từng giọt thần dược. Hơi thở chúng mỗi lúc một hiền hòa, những thân hình động đậy nhúc nhắc... Và kỳ lạ chưa, chỉ lát sau bầy thú đã hội sinh trong giọng mơn man tụng niệm của đạo sĩ. Từng con một nhỏm dậy, lặng tới bên ngài, áp mình vào những dải giẻ rách, hướng lên ngài ánh mắt đằm thắm dịu dàng, vẻ như đã hoàn toàn quên sự biến động vừa xảy đến tâm hồn chúng.

Truyền thuyết nhà Phật có chuyện đám ốc nhồi xúm lại đỡ một bộ kinh bị rơi xuống nước nên sau chúng được Phật độ. Năm trăm con dơi bị lửa thiêu chết vì do mê mải thụ pháp, sau chúng đều thành Bồ tát ngồi tòa sen. Mười ngàn con cá nghe kinh A-tỳ-đạt-ma, kiếp sau đều sinh vào ngôi thiên tử. Mới biết muôn loài chúng sinh đều có thể thành Phật.

Đạo sĩ băn khoăn rất nhiều cho đám đệ tử. Liệu chúng có dữ trọn thiện duyên, tu thành chính giác được không? Trước khi bước lên giàn hỏa thiêu chuyện đó sẽ không khỏi bận lòng ngài.

Trời thẫm tím và đêm xuống. Đêm cuối tháng không có trăng nhưng một thảm sao óng ánh đầy trời. Đầy trời những tia sao run rẩy xanh biêng biếc.

Nửa đêm về sáng tự nhiên có trận mưa sao. Chúng rớt xuống thành từng dải cháy rực.

Sau đó tất cả lặng ngắt. Đạo sĩ nhắm mắt chìm vào cõi đạo; bầy thú ngoan ngoãn phủ phục bên chân ngài. Tiếng sóng biển thật nhẹ xa vời...

Khoảng canh năm, đạo sĩ bỗng mở mắt bối rối. Ngài vừa cảm thấy một ánh sáng lạ xuất hiện đâu đó cứ khuấy động cái tâm an tại của ngài trong lúc thiền định. Điều đó thật phi lý. Ngài chưa một lần để tâm mình bấn loạn vào những giờ phút hành đạo thiêng liêng.

Mới hửng sáng. Cảnh vật chưa hoàn toàn thức giấc. Đằng chân trời tia mây hồng đầu tiên đang lan rộng thành những rẻ quạt.

Đạo sĩ đứng hẳn dậy, quay nhìn tứ phía. Ồ, kia rồi, nó kia, cái ánh sáng quái lạ tỏa ra từ một vật gì nằm khuất sau mũi đá lớn. Mũi đá nhô sát tận bờ biển bên trái. Vật lạ hẳn dị thường vì nó phát quang ngay cả khi chưa gặp ánh mặt trời. Có ngôi sao nào rớt xuống biển, trôi dạt vào bờ chăng?

Đạo sĩ bước nhanh về phía mũi đá.

Khoảng cách càng rút ngắn, đạo sĩ càng bị hút vào điểm phát quang. Ngài nhanh chóng vượt qua núi đá. Và ngài sững lại trước cảnh tượng đột ngột bày ra trước mắt. Nấp dưới mũi đá như dưới mái che, ba thân hình đàn bà xiêm áo gấm vóc rực rỡ, đang ôm nhau ngả dài trên nền hang. Mùi thơm son phấn ngan ngát tỏa lên. Cả ba người mê man trong giấc ngủ sâu thẳm. Ngỡ như ba tiên nga vừa qua cuộc chạy trốn mỏi mệt khỏi thượng giới.

Ánh sáng lạ phát ra từ bầu ngực phập phồng của nàng thiếu nữ trẻ nhất, nằm hơi tách riêng trong dáng điệu của tuổi thơ. Đạo sĩ nhận biết một viên ngọc quý trong túi lụa thêu, lồng vào sợi dây vàng đeo trên cổ thiếu nữ. Túi thêu lại được che trong lần xiêm the trắng, mắt phàm tục khó ai biết được. Nhưng với đạo sĩ ánh sáng viên ngọc lồ lộ, lấp lánh bảy sắc cầu vồng đến nhức nhối con mắt. Ngài không còn để ý tới ba người đàn bà, không băn khoăn về sự hiện diện của họ, ngài chỉ bị viên ngọc quý thu hút. Từng bước nhích dần như người mộng du, đạo sĩ tiến tới viên ngọc, đôi mắt mở không chớp. Bằng nhỡn quang của người quen phép thiên nhãn thông, nhìn suốt không gì trở ngại, đạo sĩ đọc được lai lịch viên ngọc trong quá khứ. Đó là viên ngọc ma-ni của sư tổ Thuyền Chân thuở xa xưa. Tương truyền sư tổ mang viên ngọc báu trong mình, nhảy vào một lòng khe sâu trên núi cao, hóa thân biến mất. Đã hàng ngàn đời nay, giờ viên ngọc xuất hiện trên cõi trần thế nhưng mấy ai nhận ra nó.

Đạo sĩ vẫn đăm đăm nhìn viên ngọc. Cho tới lúc làn vải the trắng trên ngực thiếu nữ âm ỉ cháy, tỏa lên làn khói lam nhẹ, rồi tới sợi dây vàng đứt rời, túi lụa thêu cũng bị ngọn lửa vô hình biến thành bụi trắng, tàn tro theo gió bay đi, cả một khoảng ngực hồng mơn mởn lộ ra cùng với viên bảo ngọc... Đạo sĩ sực tỉnh, vội đưa bàn tay che trước mặt, ngăn luồng tuệ nhãn. Ngài không ngờ trong lúc vô tình đã để lộ thần lực.

Người thiếu nữ vẫn ngủ ngon lành. Phép lạ không hề làm tổn thương đến da thịt nàng.

Đạo sĩ thong thả quay trở về. Ngài tư lự đi qua gốc du, qua bãi đá, lần theo con đường mòn lên núi. Bầy thú theo chân đạo sĩ tới cửa động, quanh quẩn một lát, uống nước trong cái bầu chứa, rồi chúng tản vào rừng cây, hang hốc như lệ thường.

Mặt trời chói lọi nhô lên khỏi mặt biển. Người thiếu nữ có viên ngọc ma-ni chợt tỉnh giấc. Sau những ngày đêm đầy kinh hoàng, khung cảnh bình yên buổi sớm mai bên bờ biển, cảm giác thoát nạn, đã tràn vào tâm hồn nàng một sức sống ngọt ngào.

- Mẫu hậu! Xin mẫu hậu cùng Vương phi hãy tỉnh dậy. Xin hãy tỉnh dậy mà xem điều kỳ diệu đã xảy ra...

Nàng kêu lên đánh thức hai người đàn bà. Nước mắt tràn xuống miệng cười, gương mặt xinh đẹp của nàng chẳng khác đóa huệ trắng ướt đẫm sương sớm...

Cần phải nói qua về tai biến xảy ra trong triều đình khi ấy. Hoãn quốc công đã ngầm liên kết với giặc ngoại xâm. Nhân dịp đức vua vừa rời kinh đô ngự giá xuống phương Nam hội kiến với vua láng giềng, Hoãn quốc công khởi binh, kết hợp với ngoại bang cướp ngôi. May thay có viên võ tướng họ Trương, người sắp trở thành phò mã của công chúa An Thường, chàng đã kịp cứu Dương hậu, Vương phi cùng công chúa xuống một con thuyền nhỏ chạy trốn.

Lênh đênh trên mặt biển hai ngày liền, cuối cùng đêm ấy họ giạt vào hoang đảo. Sau khi đã bàn bạc, an ủi ba người đàn bà, viên võ tướng họ Trương từ biệt họ. Chàng sẽ phải cầm binh hợp lực với đức vua kéo về kinh đô, không thể trì hoãn. Trước khi quay thuyền ra khơi, chàng trao cho công chúa An Thường một chiếc túi lụa nhỏ, đeo bằng sợi dây vàng, nói rằng:

- Công chúa ở lại cung dưỡng quốc mẫu, xin giữ gìn mình vàng. Chưa biết ngày nào là ngày hậu hội. Tôi có viên bảo ngọc tổ phụ truyền cho từ lúc mới sinh, vẫn giữ hơn tính mạng, tôi xin đưa công chúa làm của tin lúc tái ngộ. Nếu nhờ hồng phúc hoàng triều xã tắc qua khỏi cơn nghiêng ngửa, sẽ có thuyền ra nghênh rước.

Công chúa khóc mà nhận lấy. Liền đeo ngay vào cổ mình... Thuyền võ tướng họ Trương phút chốc mất hút.

Ba người đàn bà ôm nhau than khóc vật vã. Tới quá nửa đêm họ thiếp đi.

- Tâu mẫu hậu, con đang cố thoát khỏi những giấc mộng hãi hùng, bỗng nhiên con mơ màng thấy một vị đạo sĩ hiện ra trước mặt. Con những muốn kêu gọi cầu cứu ngài, nhưng không sao tỉnh được. Đạo sĩ cúi xuống gần con. Con định vùng dậy cho khỏi thất lễ mà chân tay nặng trĩu. Khi ngài xòe bàn tay ra, con bỗng chìm vào một niềm hân hoan yên tĩnh khó tả... Sau đó... cho đến lúc này... xin mẫu hậu tha tội cho con, không hiểu sao con thấy lòng con sung sướng khôn cùng.

Những giọt nước mắt, những lời nghẹn ngào niềm vui của An Thường khiến Dương hậu ngỡ nàng mê sảng. Bỗng Vương phi kêu lên.

- Kìa, công chúa!

Vương phi chỉ vào ngực áo bị cháy loang một mảng của An Thường. Ngạc nhiên nàng cũng đưa tay lên xem xét. Sau đó cả ba người đều kinh hoảng. Họ nhận thấy viên ngọc đã gắn chặt vào làn da mịn màng trên bầu ngực tròn của công chúa. Không còn túi lụa bọc ngoài, sợi dây vàng thì đứt rời từng đoạn, rơi dưới đất. Công chúa không tài nào dứt được viên ngọc ra. Nó giống hệt một nốt bẩm sinh ở thân thể nàng.

- Hẳn vì con một lòng nguyện ước sống chết cùng Trương tướng quân nên viên ngọc linh ứng thế. Nếu vậy con xin cảm tạ trời đất đã cho con ơn nhuần này. Vị đạo sĩ trong giấc mơ con là một Bồ tát hiển hiện tới ban phép lạ chăng?

Giọng công chúa nhỏ lại, nét mặt nàng trở nên rạng rỡ. Hoàng hậu trầm ngâm suy nghĩ. Bỗng nhiên bà kêu lên:

- Vị đạo sĩ? Hãy khoan... Có thể chính ngài đó?

Thuở Quốc vương mới từ tiềm đế lên ngôi, trời làm hạn hán ròng rã ba tháng. Cây cỏ, súc vật kiệt sức chết đầy đồng, dân tình kêu khóc ai oán. Vua xuống chiếu, hứa sẽ chia nửa vương quốc cho ai cứu được đất nước. Nhưng không người nào dám nhận. Đột nhiên có một vị đạo sĩ xin lập đàn cầu đảo, dâng lên chư Phật mười phương lời phát nguyện của mình. Ngài nguyện rằng: nếu trời thấu tình làm mưa, ngài sẽ xin xa lìa hẳn nơi trần tục, ra giữa biển khơi, trọn đời khổ hạnh.

Lời phát nguyện khiến mọi người xôn xao thương cảm. Quả nhiên hai hôm sau trời mưa như trút nước xuống.

Đến ngày đạo sĩ ra đi, dân chúng khắp nơi nô nức kéo nhau về kinh đô đưa tiễn vị thánh. Đầu trần, chân đất, một cây gậy trúc, ngài đi trước đám rước khổng lồ trong tiếng tụng niệm vang rền. Quốc vương, Hoàng hậu, cùng trăm quan đứng cả hai bên cửa Tây môn làm lễ tiễn biệt. Nhà vua khóc mà dâng lên đạo sĩ tấm áo cà sa gấm vàng, đính một trăm hai mươi hạt bảo ngọc. Đạo sĩ lạy tạ nhà vua, đọc một bài kệ rồi thung dung xuống thuyền, một mình ra chốn mịt mù biển cả.

Ít lâu sau ngư dân tâu lên Hoàng đế rằng có thấy đạo sĩ tu hành trên một hoang đảo rất nhỏ. Không thuyền bè nào bén mảng tới được nơi đó. Bốn bề nước xoáy thành một vành đai hiểm hóc. Đã có kẻ táo tợn muốn xáp gần hòn đảo nhưng sấm sét bỗng nổ xé tan con thuyền. Kẻ kia bám được vào mảnh ván, trôi nổi sống sót nhờ gặp một thuyền đánh cá vớt lên. Kể từ đó không ai dám lại gần, thậm chí không ai dám nhắc tới hòn đảo nữa...

Bàn bạc một chặp, Dương hậu, Vương phi cùng công chúa An Thường đều tin đây chính là nơi thánh địa ấy. Họ vội rập đầu lạy tạ. Hẳn trời Phật đã ra tay cứu sinh cho ba nhân mạng khốn khổ nên giúp họ cặp bờ bình yên. Họ được an ủi phần nào.

Với nơi ẩn nấp này, chắc chắn họ sống qua cơn binh lửa. Cảnh vật hoang đảo lại từa tựa những thắng cảnh họ thường du ngoạn, không có gì ác hiểm rình rập... Cả ba người lấy thế làm may mắn, vỗ về an ủi lẫn nhau, cố bình tĩnh lại. An Thường làm việc đó dễ hơn. Bởi nàng vừa tròn mười bảy. Tuổi trẻ cộng với tình yêu khiến người ta bay được qua tất cả những hố sâu của sự tuyệt vọng.

Lần theo đường mòn xuyên giữa bãi đá, ngả đường có dấu chân con người qua lại, họ đi tìm vị đạo sĩ. Quanh co mãi cuối cùng đường mòn đưa họ tới một động đá lớn. Dây leo xanh biếc rủ xuống. Hoa nở rực. Tiếng chim hót thánh thót. Rõ ra một chốn hành đạo của thần tiên. Ba người dùng dằng không dám bước chân vào, bảo nhau quỳ sụp xuống phiến đá ngoài cửa động. Họ chưa kịp cất tiếng cầu khấn đã nghe một âm thanh trầm bổng từ trong động vang vọng khiến họ giật mình.

- Hoàng hậu, vương phi cùng công chúa đừng quá lo lắng. Bần đạo đã biết những biến cố xảy ra cho vương triều. Kẻ tu hành tiếc không giúp gì được, thật đắc tội. Chỉ mong ba vị bình tâm, chờ qua cơn hiểm nạn. Bần đạo sẽ hết sức chu toàn.

Ba người đàn bà rập đầu xuống phiến đá, khóc mà lạy tạ.

- Bần đạo đã cho đệ tử dâng trái cây, nước uống ở nơi ba vị trú ẩn đêm qua. Thức nhật dụng trên đảo chỉ có thế, xin thứ lỗi. Tạm thời ba vị hãy về nghỉ ngơi, bần đạo chưa thể ra mắt.

Đạo sĩ không truyền bảo thêm điều gì nữa. Ba người đàn bà len lét lui xuống núi.

Về tới hang đá bên bờ biển quả nhiên đã thấy trái chín chất đầy, một bầu nước trong mát đặt đó. Họ mừng rỡ khôn xiết.

Sáng hôm sau những người đàn bà nóng ruột chờ gặp các đệ tử của đạo sĩ. Họ muốn hỏi han tìm hiểu đôi chút về ngài. Nhưng thay vì bóng dáng con người, họ kinh ngạc chỉ thấy một đàn voọc theo nhau đội quả, bưng nước xuống cho họ. Những con khỉ rất ranh mãnh, dè dặt. Chúng đặt hoa trái, nước uống trên những mỏm đá cách nơi trú ẩn của ba người không xa, rồi lặng lẽ biến mất. Công chúa An Thường liền ra lượm về, dâng lên Hoàng hậu cùng Vương phi.

Từ đó cuộc sống thành nếp. Mỗi ngày qua tuy họ rầu rĩ hơn, cầu nguyện nhiều hơn, nhưng đỡ khóc lóc hơn. Họ quen dần hoang đảo, quen dần đàn voọc. Riêng với đạo sĩ họ chỉ thấy ngài thấp thoáng từ xa. Bao giờ cũng vậy, không để họ kịp quỳ xuống cất tiếng lạy mừng, ngài đã lẩn tránh. Chưa một lần ngài cho phép những người đàn bà được tiếp kiến. Vì lòng tôn kính vị thánh tăng cao cả, ba người không dám tò mò tìm hiểu đời sống của ngài nữa.

Dù vậy than ôi họ không biết rằng đã làm đảo lộn một đời sống thánh thiện. Đạo sĩ về phía ngài, ngài chẳng còn dám đặt chân tới gốc du, chẳng dám đưa bầy đệ tử của ngài lang thang khắp nơi thuyết pháp như trước. Bỗng dưng sau hai chục năm sống thoải mái giữa hoang đảo, ngài lại thấy hổ ngươi vì sự trần trụi, lại nhận ra thân thể mình có những thứ cần phải che đậy. Tính e thẹn của một anh trai già đồng trinh nổi lên. Tu luyện đến nhường ấy, ngài vẫn là người đàn ông trước những người đàn bà. Tạo hóa thật bí ẩn!

Việc lên giàn hỏa thiêu cũng đành tạm gác. Đạo sĩ không thể bỏ mặc ba nhân mạng tội nghiệp cho hoàn cảnh. Bằng con mắt nhìn suốt ba cõi, ngài biết ngai vàng nhà Tống đã suy vong. Thân phận ba người đàn bà giờ phụ thuộc tất cả vào ngài. Nhưng ngài biết làm gì cho họ? Họ không thể sống cuộc sống tu hành khổ hạnh như ngài, trọn đời trên hoang đảo, cũng không thể thoát khỏi đây. Họ như những cành tầm gửi yếu đuối bất lực, chỉ biết than khóc! Đã bao ngày ngài loay hoay buồn bực tìm không ra giải pháp cất khỏi gánh nặng trách nhiệm. Phật đã dạy "cứu một người phúc đẳng hà sa...". Chưa cứu được họ, ngài không được phép bước chân lên cõi Niết bàn.

Nhưng nào đã hết phiền phức. Một hôm ma đưa lối quỷ dẫn đường, đạo sĩ tới một hồ nước kín đáo bên mạn núi phía Tây để tìm sự yên tĩnh khuây khỏa, tưởng rằng nơi ấy cách xa những người đàn bà nhất. Ngài ngờ đâu bước ngoặt khốn khó cho cuộc đời ngài đang rình rập ở đó.

Hồ nước trong vắt, soi lung linh từng viên cuội trắng dưới đáy, những nhánh rong non tơ và lẫn cả màu trời xanh bằn bặt trên cao. Khi đạo sĩ tới nơi, bầy đệ tử của ngài liền cao hứng ùa xuống bờ hồ nô rỡn. Một mình ngài thong thả dạo bước.

Mải nghĩ ngợi, đạo sĩ bỗng giật mình lúc đôi mắt ngài "vấp" phải tấm xiêm y rực rỡ đang được hong khô trên một phiến đá lớn. Cách đó chừng dăm bước, An Thường nằm mơ màng buồn rầu, đôi chân buông dưới mặt nước, thân thể rười rượi trắng ẩn trong bóng lá rợp mát. Đã đinh ninh hoang đảo chẳng có bóng người, nên mỗi khi tới đây tắm, nàng thường trút bỏ bộ xiêm y duy nhất để giặt phơi, chờ khô mặc lại. Đêm qua ngoài bờ biển gió đứng im, oi nồng, nàng trằn trọc thức suốt. Sáng nay trời nóng gắt, cái nắng cộng với nỗi bồn chồn khiến An Thường váng vất mệt mỏi. Sau lúc đầm mình trong làn nước hồ, nàng ngả người trên phiến đá, thấy dễ chịu lạ.

Đột nhiên An Thường cảm nhận một sự êm thiếp xâm chiếm, đẩy nàng vào giấc ngủ không cưỡng lại được. Nàng hoảng sợ thiếp đi với nỗi kinh dị trong lòng.

Giữa vùng ánh sáng tỏa dịu của viên ngọc ma-ni, đạo sĩ thấy nàng tinh khiết tráng lệ. Một tòa thánh đường ngời ngợi! Ngài đứng sững đó, bị mê hoặc choáng váng. Rồi đôi gối ngài khuỵu xuống, cả người run rẩy. Ngài quỳ trước phiến đá, như một tông đồ cuồng tín quỳ trước vị chúa mình vừa hiển hiện...

Bữa ấy An Thường vô cùng thắc mắc về giấc ngủ đột ngột kéo dài tới quá trưa của nàng. Nhưng khi tỉnh giấc, chung quanh nàng êm ả yên tĩnh khiến nàng hết mọi điều nghi ngại.

An Thường bản chất đằm thắm, mới lần đầu biết rung động. Cái lần đầu kỳ diệu dù ở công chúa hay cô gái tiện dân cũng đều nồng nàn như nhau. Nỗi lo lắng khắc khoải về tính mạng người tình khiến lòng nàng tựa có lửa đốt. Đã bao lần nàng một mình đánh liều lên núi tìm vị đạo sĩ, van xin ngài giúp nàng. Ngài có thể nhìn thấu ba cõi, thông tỏ mọi chuyện, hẳn ngài nói cho nàng biết đôi điều về số phận của họ. Nhưng lần nào cũng vậy, đi được nửa đường nàng lại sợ hãi rút lui.

Sang ngày thứ chín, An Thường không còn chịu đựng nổi nỗi đau đớn dày vò, nàng quyết định tìm tới động đá, cho dù có sao đi nữa.

Tuy vậy khi đặt chân lên phiến đá cửa động, nàng không khỏi ngập ngừng một chút. Chung quanh thật im lặng, không có cả tiếng chim. Đạo sĩ đi vắng chăng? Tính tò mò xui nàng bước đến qua tấm vách đá dựng đứng... An Thường đột ngột bị chìm vào một không gian lạnh lẽo, ánh sáng mờ mờ hư ảo. Sau một phút định thần, công chúa nhìn thấy đạo sĩ. Nói đúng hơn, nàng nhìn thấy cái lưng trần trụi gầy guộc màu sậm nâu, mái tóc dài màu tro xám của ngài mà thôi. Ngài không khác hình ảnh thoáng hiện trong giấc mơ đêm đầu tiên nàng lạc tới đây nên công chúa nhận ra ngay. Đạo sĩ ngồi kiết già, quay mặt vào vách đá, im phắc như chính ngài cũng hóa thành đá vậy. Lòng rung động bàng hoàng, công chúa sụp xuống vái lạy.

- Lạy đức thánh tăng, xin hãy tha cho con tội làm kinh động tới ngài ở chốn thiêng liêng. Ôi con biết trông cậy ai ngoài đức thánh tăng?

- Công chúa muốn biết tin tức của Trương tướng quân ư?

Tiếng nói trầm trầm u uẩn của đạo sĩ cất lên. Ngài không quay lại nên tiếng nói tưởng chừng như từ vách đá vọng ra.

- Vâng, lạy đức thánh tăng, con ngửa trông vào lượng hải hà...

- Nhưng ta không được phép tiết lộ thiên cơ, công chúa biết chứ?

- Hỡi trời đất, một điều nhỏ nhặt nhất về chàng cũng đủ cho con khỏi chết vì tuyệt vọng...

Công chúa chợt có ý nghĩ: nàng sẵn sàng quỳ tại nơi đây mà van xin tới tận lúc trút hơi thở cuối cùng, tới lúc thành một bộ xương khô mục. Công chúa bỗng thấy bủn rủn.

Sau một lát im lặng, đạo sĩ bảo công chúa như thể ngài đã đọc được ý nghĩ nàng muốn biết...

Đạo sĩ vẫn không hề quay lại. Nhưng tiếng nói ngài chưa dứt, công chúa An Thường đã chìm vào một giấc ngủ đột ngột. Mí mắt nàng nặng trĩu, cả vầng trán thanh tú cũng vậy. Nàng áp luôn khuôn mặt còn đượm vẻ ngạc nhiên vào nền đá, thiếp đi...

Không biết nàng đang ở nơi nào, An Thường nhìn rõ cảnh tượng xảy ra tại một nội phủ. Hoãn quốc công đội vương miện, ngồi giữa tiền sảnh mặt đằng đằng sát khí. Ngoài thềm, hai hàng quân sĩ gươm tuốt sáng lóe. Bỗng một người tù mình loang đầy thương tích bị điệu tới. Công chúa những muốn hét lên khi nhận ra võ tướng họ Trương. Chàng giận dữ chửi mắng quân địch hết lời, chỉ toan lao đầu vào cột đá, tỏ rõ khí tiết. Hoãn quốc công đập bàn thị uy. Theo lệnh quốc công, những tên thủ hạ kìm giữ từng cử động nhỏ của người tù, không cho chàng có cơ hội tự sát. Rồi sau vài lời dụ dỗ lẫn đe dọa Trương tướng quân, Hoãn quốc công truyền tống ngục...

Cửa ngục thất sập xuống. Trương tướng quân gượng đứng dậy giữa bốn bức tường âm u, vết thương trên đầu khiến chàng choáng váng. Chàng khẽ kêu một tiếng, ngã gục xuống lần nữa. Trước lúc mê man bất tỉnh, chàng thầm thì gọi: "An Thường!"

- Trương tướng quân...

An Thường muốn kêu to nhưng tiếng kêu ấy nghẹn lại, chỉ đủ cho nàng tỉnh giấc.

An Thường bàng hoàng không biết mình vừa mơ hay vừa trải qua những giây phút có thật. Khi đôi mắt hốt hoảng của nàng đã nhận ra động đá, nhận ra thân hình bất động của đạo sĩ phía trước mặt, nàng chợt hiểu tất cả. Nhờ pháp thuật huyền bí của đạo sĩ, An Thường đã tận mắt chứng kiến những sự cố đang xảy ra ở kinh đô.

Khiếp sợ lẫn đau đớn tuyệt vọng, nàng vùng dậy chạy lại xấp mình dưới chân đạo sĩ, nức nở.

- Trời ơi, lạy Đức vô thượng Từ tôn, nhân danh Người ngài hãy ra tay cứu mạng chàng. Hãy cứu chàng cho con. Con không thể sống được khi biết chàng đang quằn quại nơi ngục thất. Lạy thánh tăng toàn năng, chàng sẽ chết mất. Những vết thương rạch nát cả thân thể chàng...

Nàng nghẹn lời, hình dung nỗi đau đớn thể xác chàng đang chịu đựng. Nước mắt công chúa tuôn như mưa.

- Đi đi, công chúa hãy đi ngay khỏi đây!

Đang ngất ngư khóc lóc, An Thường giật bắn mình nghe tiếng quát nghiêm khắc, dữ dằn vang lên tựa sấm sét khiến cả động đá cũng rung chuyển. Luồng ớn lạnh bởi sự kính sợ làm tê buốt chân tay nàng. An Thường hãi hùng lùi dần, lùi dần ra cửa động.

- Hãy nhớ lấy, từ nay công chúa không nên tới đây, ta nghiêm cấm! Đi ngay đi!

Công chúa vụt bỏ chạy.

Cớ sao ngài trở nên giận dữ như vậy? An Thường không thể hiểu nổi. Cái nguyên nhân bí ẩn có lẽ chỉ ngài biết, nhưng chính đạo sĩ đang muốn che giấu, muốn tiêu diệt nó đi.

Từ buổi tới hồ nước bên mạn núi phía Tây, đạo sĩ như người mất thăng bằng. Đó là lần đầu tiên, phải, lần đầu tiên ngài thấy một người đàn bà đúng với ý nghĩa quyến rũ của hai chữ đó. Cái thân thể thanh xuân mềm mại lúc nào cũng chập chờn trước mắt ngài, nó làm u ám chân tâm thanh khiết. Đến nỗi ngài phải dắt bầy đệ tử sang mãi bên sườn Đông hòn đảo ngồi tọa thiền định tĩnh suốt một ngày ròng.

Thế nhưng vào lúc đạo sĩ lấy cái tịnh mà soi chiếu lại bản tâm năng quán, đạo sĩ bỗng cảm nhận một niềm hứng khởi trỗi dậy. Ngài mừng quá. Xưa nay những khi như vậy ngài thường thấy đức Bồ tát Quan Thế Âm hiển hiện cứu độ. Lòng tràn đầy ơn thiêng, ngài thầm niệm. "Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát...".

Quả nhiên trong không gian thoảng hương thơm, Bồ tát hiện ra trong áng mây lành. Bồ tát nhúng cành dương liễu vào bình cam lồ, khẽ rảy những hạt nước óng ánh ra bốn phía... Đạo sĩ nghe thấm mát da thịt, nghe mình hòa tan với cái nhân gian mung lung vô thường...

Đã hàng ngàn lần đạo sĩ sống với ảo cảnh đó. Ngài chưa bao giờ dám nghĩ rằng Bồ tát hiển hiện trong thế giới thiền tịnh của ngài thực ra cũng chỉ là võng niệm.

Nhưng đáng lẽ sau đó Bồ tát cưỡi mây ngũ sắc thung dung bay về Tây thiên và tà áo trắng muốt của Người phơ phất xa dần... Lần này lại không diễn ra như mọi bận. Đạo sĩ thấy... ngài thấy... kinh khủng chưa, Bồ tát mỉm cười tiến tới gần, gần sát đến độ đạo sĩ sợ chạm phải tà áo thiêng liêng của đức Phật, ở một độ gần đến thế, Bồ tát bỗng đột ngột vứt bỏ cành dương liễu với bình cam lồ, dang hai cánh tay mũm mỉm trắng nuốt, vẻ chờ đợi, mời mọc. Gió, ngọn gió nồng nàn mùi hương hoa huệ bỗng cuốn tung tà áo trắng mỏng tựa mây khói của Bồ tát, để lộ tấm thân hồng hào đầy đặn, một tấm thân đàn bà tuyệt tác...

Rú lên một tiếng, đạo sĩ choàng mở mắt ra. Tiếng rú của ngài khiến bầy thú đang lim dim phủ phục dưới chân ngài vùng chạy tao tác. Quá sợ hãi, chúng giẫm đạp lên nhau, chạy quẩn thành một vòng tròn. Vòng tròn mới đầu thật rộng rồi từng tý thu hẹp dần, cuối cùng chúng quây lại quanh ngài ở một khoảng cách xa gấp đôi lệ thường, giương cặp mắt tò mò nghi ngại hướng vào từng cử động của đạo sĩ.

Còn ngài, sau tiếng rú buột thốt, ngài ngồi ngẩn người tê tái. Rồi ngài trở về động, quay mặt vào vách núi đá sám hối năm ngày năm đêm liền.

Tới trưa ngày thứ sáu, công chúa An Thường tìm đến.

Thoạt đầu ngài mủi lòng thương hại cô thiếu nữ đang đau khổ vì tuyệt vọng ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của nàng. Dùng pháp thuật, ngài cho nàng hay những gì đang xảy ra tại kinh đô với người tình của nàng. Song sau đó ngài bỗng thấy thân thể rã rời, chân tâm bấn loạn. Ngài vô cùng ngạc nhiên. Chưa bao giờ ngài suy sụp tinh lực như thế khi phải dùng một chút pháp thuật tầm thường. Chao ơi, không nghi ngờ gì nữa, chính vì nàng, chính vì cái nghiệp chướng trắng trong yêu kiều kia, cái thứ có tên gọi là "đàn bà" nó khiến ngọn lửa tam muội trong ngài lụi tắt, phép thiêng trong ngài suy giảm.

Chuyện xa xưa có Độc giác Tiên nhân. Ngài do hươu sinh ra, hình hài người nhưng trên đầu còn lưu dấu tích một cái sừng hươu. Tiên nhân tu thiền định đã tới bậc đại giác, nhìn xa được ba đời, làu thông sáu phép. Xem vậy kể đã kỳ công tu luyện. Sau chỉ vì tiên nhân ở gần một am sư nữ, ngài mắc phải vòng tình lụy đến nỗi mất hết phép thiêng, đành phải hoàn tục.

Thật đáng kinh sợ giống ma quái ẩn náu trong đàn bà.

Nghĩ tới đó đạo sĩ liền nổi cơn thịnh nộ. Thịnh nộ cho cả Độc giác Tiên nhân lẫn cho ngài. Ngài quát lên, xua đuổi công chúa.

Sau lúc An thường sợ hãi bỏ chạy, đạo sĩ cũng rời khỏi động. Mùi phấn thơm, mùi da thịt đàn bà cứ lẩn quất giữa những nếp đá rêu phủ, khiến ngài đành phải chạy trốn.

Như lệ thường, khi đạo sĩ rời nơi ngài ở, các đệ tử đã chầu chực ngoài cửa động, sẵn sàng theo chân ngài. Hôm nay cũng vậy, ngài vừa xuất hiện chúng đã từ những vòm cây, ngách đá, ào ào tụ tập ngay thành một bầy. Nhưng quái chưa kìa, chúng không dám lại gần đạo sĩ. Mặt chúng lấm lét, sợ hãi vô cớ.

- Kìa các con, có điều gì con bối rối vậy?

Lấy làm lạ, đạo sĩ tiến về phía bầy đệ tử. Đáng lẽ chúng sẽ chạy tới quấn quýt vào chân, vào những dải áo ngài, nhưng hôm nay chúng lại lảng tránh.

- Ôi các con của ta!

Đạo sĩ giật mình bừng tỉnh cơn mê, với nỗi cay đắng. Cả đến bầy thú cũng biết người thầy toàn thiện toàn mỹ của chúng đã bị ma quỷ ám ảnh ư?

Biết bao tủi thẹn!

Bỏ ý định dắt bầy thú đi thuyết giáo, đạo sĩ lặng lẽ tới nơi ngài chất giàn hỏa thiêu. Dọc đường ngài bẻ thêm những cành khô, gùi theo trên lưng một bó lớn. Ngài quyết chí hoàn tất giàn hỏa thiêu sớm nhất để về cõi tịch diệt. Cõi ấy thật an toàn. Dù ngài nấn ná ở lại, ngài cũng không giúp gì cho ba người đàn bà, lại thêm nguy hiểm cho ngài. Lạy đức Vô thượng Từ tôn, để tránh khỏi cái họa như Độc giác tiên nhân con không có cách gì khác!

Đạo sĩ mải miết với công việc tới tận xế chiều. Giàn củi đã khá cao. Bữa đó nắng dịu hơn nhưng trời oi nồng, báo trước cơn giông bão.

Hơi mỏi mệt, đạo sĩ ngồi tựa mình bên giàn củi. Với giàn củi chất ngất này, có thể đủ thiêu cho ba người, ngài rất hài lòng. Chợt nhớ sáu hôm nay chưa hề dùng một trái cây, ngài bỗng nao nao thèm một chút vị ngọt mát của chúng. Thèm ghê gớm. A, giá ngài có thể trở về... Đống trái cây vẫn chất đầy bên cửa động... Nhưng ngài quyết không trở lại nơi đó nữa, nơi mùi son phấn đàn bà làm cho uế tạp. Ngài sẽ qua đêm tại mỏm núi này đọc kinh dọn mình tới sáng mai... Sáng mai cùng với ánh sáng bình minh, ngọn lửa do ngài nhóm lên sẽ bốc cao, ngài muốn như vậy.

- Lạy đức thánh tăng. Xin ngài cứ ra tay trừng phạt, nhưng ngài đừng xua đuổi con...

Đạo sĩ giật mình. Ngài không ngờ An Thường liều lĩnh lần mò tìm tới đây. Thì nàng còn làm gì khác được nữa? Xiêm áo nàng lấm bụi, đôi mắt rực lên ngọn lửa quyết liệt.

- Ngài đã ban phúc cho con một lần được tới ngục thất với chàng, vậy ngài nỡ nào không đưa con trở lại đó? Con nguyện chết cùng chàng, ngài hãy mở lượng nhân từ giúp cho con trọn đạo. Để chàng thấy con lấy máu hòa với máu chàng, lấy nỗi đau đớn của con hòa nỗi đau chàng đang chịu vì con.

Muốn những lời van nài thống thiết của mình thêm sức thuyết phục, nàng hé mở vạt áo cho lộ hạt ngọc ma-ni, nàng dằn lại tính e thẹn thiếu nữ bởi nàng đã sẵn sàng vượt qua tất cả để tới ước nguyện cuối cùng.

- Lạy thánh tăng, chẳng phải người đã ban phước cho viên ngọc này gắn bó với thân thể con hay sao? Vậy trời đất cùng thánh tăng đã chứng cho chúng con, đã biết con thuộc về chàng mãi mãi. Xin ngài đừng để chúng con phải chia lìa nhau lúc vĩnh quyết.

Thật tội nghiệp công chúa. Nàng cứ nghĩ trước mặt chỉ có con người thánh thiện siêu phàm, đâu có con người trần tục xấu xa khiến nàng phải dè dặt. Nhưng nàng quá lầm. Vào lúc ấy đạo sĩ không còn nhìn thấy ánh sáng rực rỡ của viên ngọc ma-ni ngài chỉ thấy trái ngực tròn đầy tinh khôi của nàng mà thôi.

Đạo sĩ thoáng một chút kháng cự, lùi lại, tựa mình vào giàn củi khô, giơ tay che mặt...

Ngỡ đạo sĩ tỏ dấu hiệu từ chối lời cầu khẩn An Thường hoảng hốt chạy tới níu bàn tay đạo sĩ đang giơ ra, tưới lên đó dòng nước mắt tầm tã với những cái hôn van xin của nàng:

- Ngài nỡ từ chối lời nguyện ước cuối cùng của những người sắp lìa đời hay sao? Ôi, hãy nghe con. Đã bao giờ ngài biết tới tình yêu, đã bao giờ ngài có một người đàn bà yêu ngài tha thiết như con yêu chàng chưa? Ngài ngỡ con sẽ sống thiếu chàng được ư? Ôi không phải như vậy...

- Công chúa hãy đi đi. Ta không thể giúp gì nàng. Nàng có nhìn thấy giàn hỏa thiêu đây không. Sáng sớm mai ta về cõi hư vô. Công chúa nên rời khỏi nơi này, đừng làm vướng bận ta nữa.

Nhìn giàn củi khô, An Thường thấy hết nguy cơ. Thất đảm nàng thét lên:

- Không, ngài không thể... Con van ngài. Sao ngài lại nghĩ tới chuyện khủng khiếp như thế? Con sẽ trông cậy vào đâu? Không, lạy đức thánh tăng, ngài không thể bỏ mặc những kẻ khốn khổ mà bước lên giàn hỏa được.

- An Thường, vậy nàng muốn ta phải làm gì?

Giọng ngài yếu đuối, giọng của một người đã nao núng.

An Thường nhận ra điều đó bằng trực cảm đàn bà của nàng. Gương mặt còn đầm đìa nước mắt bỗng bừng sáng nụ cười tươi tắn, chứa chan hàm ơn lẫn chút dịu dàng làm duyên.

- Cầu trời Phật chứng cho lòng từ thiện của thánh tăng. Con biết ngài đâu nỡ hắt hủi kẻ bất hạnh. Con sung sướng biết bao. Lát nữa đây con được thấy lại chàng, được giãi bày với chàng những lời yêu thương chưa kịp nói. Trước lúc chúng con nhắm mắt, tay trong tay, con sẽ kể cho chàng nghe về nỗi xúc động âm thầm khi chàng dâng cho trái táo chín trong vườn thượng uyển... Con sẽ làm cho chàng quên mọi vết thương đang rỉ máu để cùng con bay về cõi vĩnh hằng mà không cảm thấy đớn đau...

Nàng không nhớ từ lúc nào đã quỳ xuống trước đạo sĩ, ôm lấy hai gối ngài, kể lể muôn vàn lời lẽ thắm thiết từ trái tim nồng nàn và tin cậy của nàng.

Ngồi im lìm tựa vào giàn củi, đạo sĩ mệt mỏi nhắm mắt lại. Từ một vùng xa xôi của tiềm thức, ngài chợt nhớ đến tuổi thanh xuân, nhớ cánh tay mát rượi của cô gái nghèo quét lá vườn chùa... Một hôm cô gái đánh bạo ôm siết lấy vị sư ông trẻ tuổi, nhút nhát, vẫn thầm lén đưa mắt nhìn cô xao xuyến. Cây đại thụ trùm bóng tối, che chở giây phút biến động âm dương. Cô gái áp má vào cổ sư ông thổn thức. Đôi má rám nâu nắng gió sao thật mịn màng và trong bóng tối tỏa ra mùi lá hoắc hương...

Nghĩ tới đó, cảm xúc sống dậy mãnh liệt đến nỗi đạo sĩ bỗng gai gai người, ớn lạnh. Ngài vội định thần lại. Trong thoáng chốc ngài chợt hiểu ra. Duyên do bởi nàng công chúa với vòng tay mềm mại cứ áp mình vào đôi chân khẳng khiu của ngài đã làm thức dậy mọi nhạy cảm xúc giác... rồi mùi thịt da ngây ngất... khoảng ngực áo trễ tràng để lộ những gì vốn được giấu kín... tất cả đã làm tỉnh giấc đột ngột những ham muốn hoan lạc trần tục mà suốt một đời ngài cố công tiêu diệt... Hóa ra con quỷ xấu xa nhơ nhuốc vẫn sống trong ngài, hơn thế, nó đang chiến thắng tất cả những vị thánh tăng!

Bản chất con quỷ vốn có một sức mạnh ghê gớm. Sức mạnh nọ càng ghê gớm hơn khi nó bị kìm lại cả đời rồi bỗng bộc lộ trong một lần duy nhất. Bởi thế đạo sĩ đã quên cả bài niệm chú đức Quan âm, vị Bồ tát chuyên cứu khổ cứu nạn để trấn áp quỷ dữ. Ngài chịu quy phục nó hoàn toàn. Chả mấy chốc đầu óc ngài ngùn ngụt ngọn lửa u ám. Ngài chấp nhận buông thả với nỗi khoái cảm của một kẻ sổng tù. Chao ôi, ngài chưa được yêu người đàn bà nào trọn vẹn, chưa ai dâng hiến cho ngài cái quả ngọt tận cùng. Suốt đời ngài chỉ những diệt dục, nhưng dục ra sao ngài đâu đã biết tường tận? Giả dụ trước khi người ta từ bỏ nhân gian bước lên giàn hỏa thiêu có một lần được nếm cái quả ngọt tận cùng thì điều ấy cũng giống như ơn thiêng chứ sao?

- An Thường... An Thường... Hãy nghe ta nói đây... Ta đang là nô lệ của nàng... Hãy thương lấy ta... rồi ta sẽ làm tất cả vì nàng...

Với đôi tay run rẩy, đạo sĩ nâng An Thường dậy. Thoạt tiên chưa hiểu rõ, nàng vẫn ngước cặp mắt chứa chan hy vọng và gương mặt ngời ngợi hướng vào đạo sĩ. Nhưng dù mê muội trong đau khổ đến đâu, nàng cũng nhận ngay ra cái nhìn nóng bỏng thèm khát. Nàng giật mình lùi lại, hai tay khép chặt vạt áo, kinh hoàng ấp úng :

- Đức thánh tăng... Ngài...

Đạo sĩ tiến tới. Không một lời nào, nhưng thân thể ngài, sự đòi hỏi quyết liệt ở ngài đã phơi bày.

- A, đạo sĩ!

An Thường thét lên. Giờ đây nàng ý thức được cảnh ngộ mình. Trước mắt nàng không còn vị thánh tăng chí thiện, chí đức, chỉ có một lão già bẩn thỉu, ma quái, thân thể lõa lồ đầy dục vọng, trông thật ghê tởm.

- Dừng lại! Ta cấm người không được lại gần ta.

Đúng như phẩm cách các nàng công chúa kiêu hãnh với quyền lực, An Thường nổi giận thét lên dữ dội.

Nhưng đạo sĩ không còn nghe biết gì nữa. Ánh mắt của ngài đã trở nên mê dại, cuồng ngộ...

An Thường hoảng sợ, nàng bỏ chạy, đạo sĩ đuổi theo nàng. Cuộc đuổi bắt vòng vèo quanh giàn củi khô, giữa những tiếng thét thất thanh và ánh mặt trời đỏ tựa máu.

Vào lúc An Thường sắp kiệt sức, Dương Hậu cùng Vương Phi hướng theo tiếng kêu của nàng, tìm được tới. Cũng may hôm đó hai người thấy thái độ công chúa rất khác thường, họ để tâm theo rõi nàng. Nhưng vừa nhìn cảnh tượng cuộc đuổi bắt chút nữa họ cũng chết ngất. Rồi chưa kịp đứng vững họ đã bị chính đạo sĩ, hai mắt ngầu đỏ như con quỷ điên đại, đuổi theo. Họ đâu biết rằng trong con mắt ấy đạo sĩ nhìn cả ba người đàn bà áo xiêm lộng lẫy giống hệt ba cánh bướm chấp chới bay lượn. Ngài cần lựa con bướm nào gần nhất để chụp lấy.

Không hiểu vì sao rốt cuộc ba người đàn bà chạy túm lại với nhau ở mỏm đá chon von sát mép vực thẳm. Và đáng lẽ cả ba người hợp sức chống cự, họ lại chỉ ôm siết lấy nhau run như dẽ.

Bằng những bước chân chầm chậm, đạo sĩ tiến tới trước những cặp mắt khiếp sợ tột cùng...

Như một ảo ảnh đột ngột, cả ba người đàn bà dang tay cùng nhảy xuống vực thẳm. Họ lơ lửng giữa không gian, xiêm áo xòe rộng tựa những đóa hoa khổng lồ rung rinh, rồi tan biến trong chớp mắt.

- A...

Đạo sĩ rú lên một tiếng man dại...

Có cuốn sách ghi chú về sự tích Càn Hải từ ở Quỳnh Lưu, Nghệ An như sau: Khi Tống Độ Tông bị mất nước, Dương Thái Hậu cùng hai người con gái lên thuyền chạy ra biển tránh nạn. Truyền rằng thuyền đắm, xác trôi vào cửa Còn, được người ta chôn cất và lập đền thờ.

Không biết có phải họ đấy không. Nếu đúng thì những xác người giạt vào cửa Còn chỉ có Dương Hậu cùng Vương Phi. Bởi suốt đêm đó đạo sĩ đã lặn ngụp khắp vụng biển tìm vớt những người đàn bà. Song sóng biển quá lớn, cuốn họ ra ngoài khơi. Riêng một công chúa An Thường mắc vào hốc đá ngầm nên sáng hôm sau đạo sĩ tìm thấy.

Đúng khi mặt trời vừa hửng, đạo sĩ bồng xác người con gái đặt lên giàn hỏa thiêu. Lúc đó ngài đã không còn đủ sức nhóm lên ngọn lửa bằng phép thần thông, đạo sĩ dùng hai viên đá như thuở con người còn hoang sơ. Khi ngọn lửa bùng cháy rừng rực, ngài đăng đàn một mình cầu nguyện.

Khoảng hai giờ sau lửa cháy cao ngất trời. Đạo sĩ rời giàn hỏa thiêu tới mỏm đá chon von, nơi những người đàn bà đã nhảy xuống... và ngài nhảy xuống.

Vào giây phút rơi châng lâng, người đàn ông khốn khổ đó đinh ninh rằng: con đường lửa kia đưa người ta lên Niết Bàn còn con đường vực biển sẽ đưa thẳng xuống địa ngục.

Làng Lủ, tháng 4-1989

Đ.L

(SH số 40/1990)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng