Tạp chí Sông Hương -
Khoảng lặng sân khấu Chèo
15:47 | 14/08/2017

Công chúng ít biết đến tên ông, đơn giản bởi ông là người không thích khoa trương. Nhưng với giới chuyên môn, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Kiều được kính trọng bởi đã đào tạo ra nhiều nghệ sĩ tên tuổi của nước nhà. Cây đại thụ của nghệ thuật sân khấu Chèo vừa mới rời cõi tạm ngày 10/8 để lại một khoảng lặng khó lấp đầy của sân khấu chèo.

Khoảng lặng sân khấu Chèo
NGND Hoàng Kiều.
Nói nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, NGND Hoàng Kiều là cây đại thụ bởi bằng tài năng, tâm huyết và những cống hiến của mình, ông có vùng phủ bóng nhất định và ảnh hưởng lớn đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống ở nhiều lĩnh vực khác nhau: sáng tác âm nhạc, viết kịch bản, nghiên cứu lý luận và đào tạo. 
 
Ông tên thật là Tạ Khắc Kế, sinh ra và lớn lên tại Dốc Lã, xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1950-1953 ông được đi tu nghiệp âm nhạc tại Vũ Hán (Trung Quốc). Dù vừa phải đáp ứng được vốn ngôn ngữ tiếng Trung vừa phải tiếp thu chuyên môn nhưng ông luôn đảm bảo được kết quả học tập tốt nhất. Khi về nước, công tác tại  Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương, tiếp xúc với các nghệ nhân, ông dần dần thấm đẫm thứ nghệ thuật truyền thống của dân tộc và mê đắm với chèo. Đây cũng là lúc lĩnh hội được nhiều kiến thức từ các nghệ nhân dân gian nên trong ông hình thành quyết tâm theo đuổi nghệ thuật chèo tới cùng.
 
Những năm sau đó, ông trải qua nhiều chức vụ khác nhau như Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh kiêm Chủ nhiệm Khoa Kịch hát dân tộc cho đến khi nghỉ hưu (1989). Dù bận làm công tác quản lí nhưng ông chưa bao giờ ngơi nghỉ việc sáng tác, nghiên cứu cũng như truyền dạy nghề cho các thế hệ sau. 
 
Với những kiến thức thu nhận, chắt lọc và phát triển được, ông chỉ đào tạo, giảng dạy cũng đã là một việc làm hết sức cao quý. Nhưng bản thân ông cũng là một nghệ sĩ mẫu mực, nỗ lực sáng tạo không ngừng để làm gương. Trong gia tài tác phẩm của mình, ông sáng tác nhạc cho hơn 20 vở chèo, trong đó có nhiều vở đạt đến trình độ mẫu mực của nghệ thuật Chèo như “Súy Vân”, “Từ Thức gặp tiên”, “Phan trần”...  Phần âm nhạc của vở “Súy Vân” cho đến nay vẫn được giới chèo công nhận như một giá trị thuộc về nghệ thuật chèo truyền thống. 
 
Hoàng Kiều quan niệm trong chèo “hát thế nào thì múa thế ấy” nên ông cũng chú trọng cả sáng tác múa chèo. Tại Đại hội văn công toàn quốc cuối năm 1954, điệu múa “Vui sản xuất” do ông biên đạo và dàn dựng đã đoạt giải nhì. Điệu múa Trống ngũ lôi mà ông, cụ Năm Ngũ và cụ Hoàng Châu sáng tác được tặng giải ba. Cũng thời gian này, ông được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba. Tên tuổi của ông còn được biết đến qua tác phẩm khí nhạc “Dòng sông hồng” (1963) và một số tác phẩm nhạc múa như “Vui sản xuất” (1954), “Trống ngũ lôi” (1950). Ngoài âm nhạc, ông còn là tác giả kịch bản của nhiều vở chèo và cải lương như “Thiên kim tình hận”, “Nữ tú tài”, “Khát vọng ngông cuồng”.
 
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, NGND Hoàng Kiều còn được biết đến với tư cách là một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận và phê bình sân khấu. Các công trình nghiên cứu của ông đã để lại dấu ấn lớn trong sự phát triển của nghệ thuật Chèo cũng như nghệ thuật Sân khấu và âm nhạc truyền thống như: “Sử dụng làn điệu chèo”, “Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền”, “Tìm hiểu các làn điệu chèo cổ”...
 
Ông còn được coi là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh nói chung và ngành Kịch hát Dân tộc nói riêng với các công trình phục vụ giảng dạy của ông như “Giáo trình cho lớp trung cấp và đại học”, “Sáng tác chỉ huy dàn nhạc từ 1985 đến nay”, “Kỹ thuật biểu diễn chèo cho diễn viên”, “Cách lồng điệu trong chèo cổ”...
 
Đây chính là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên kịch hát dân tộc và vì thế, nhiều nghệ sĩ tên tuổi của nước nhà như nhạc sĩ Hạnh Nhân (một bậc thầy, một nhạc sĩ viết nhạc Chèo uy tín bậc nhất trong giai đoạn hiện nay), NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thúy Ngần, NSƯT Đỗ Quốc Hưng (giọng bass số một hiện nay của nền nghệ thuật ca hát Thính phòng - Opera Việt Nam đương đại)… đều là học trò của ông.
 

Với những đóng góp hết mình, tâm huyết cho nghệ thuật sân khấu nói chung và Chèo nói riêng, NGND Hoàng Kiều đã được các thành tựu và giải thưởng nổi bật sau: Huy chương Vàng giải Âm nhạc vở Chèo Súy Vân trong Hội diễn toàn quốc sân khấu Chèo năm 1962. Âm nhạc các vở như: “Máu chúng ta đã chảy”, “Cô hàng rau”, “Dòng sông Hồng”; Huy chương Vàng vở “Nữ tú tài” tại Hội diễn toàn quốc sân khấu Chèo năm 1985; Giải 3 Hội Nhạc sĩ Việt Nam với sách nghiên cứu “Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền” năm 2003. Ông đã viết nhiều cuốn sách: “Tìm hiểu các làn điệu Chèo cổ”, “Tìm hiểu sân khấu Chèo”, “Lịch sử sân khấu Chèo và phát triển”… 


Điều ít người biết nữa, NGND Hoàng Kiều còn có một “học trò” nổi tiếng trong âm nhạc đương đại Việt Nam. Đó chính là nhạc sĩ Giáng Son, con gái út của ông với nghệ sĩ chèo Bích Ngọc. Sinh trưởng trong gia đình thấm đẫm nghệ thuật dân tộc như vậy, ngay từ bé Giáng Son đã muốn học chèo và trở thành diễn viên chèo chuyên nghiệp. Nhưng được bố định hướng cho học Piano và sáng tác nhạc, Giáng Son đã cho thấy sự lựa chọn của cha mình hoàn toàn đúng. 
 
Dù không thực hiện được ước mơ thuở thơ bé nhưng có lẽ chính vì “gia đình chèo” đã trở thành nền tảng để tâm hồn Giáng Son vẫn đậm chất dân gian truyền thống, những sáng tác của chị dù trữ tình hay hiện đại thì luôn phảng phất thứ chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam. Đó là những gì mà cây đại thụ Hoàng Kiều để lại và tin chắc rằng, từ bóng râm của cây đại thụ ấy, rất nhiều những cây khác đã, đang và sẽ vươn lên mạnh mẽ, cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật nước nhà.

Theo Quỳnh Trân - ĐĐK
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng