Tạp chí Sông Hương -
'Làm thơ để chết, làm nhạc để chơi'
08:51 | 21/08/2017

Không quá bất ngờ khi nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo báo tin ông sắp làm đêm thơ nhạc riêng vào 8-9 tới. Bởi từ lâu, nhiều sáng tác âm nhạc của ông đã đồng hành với mọi người, dù người đó sống trên quê hương hay đang ở ngoài biên cương Tổ quốc. Nhưng bất ngờ, là khi ông xác quyết: Chỉ làm một đêm. Đêm đầu tiên và duy nhất!

'Làm thơ để chết, làm nhạc để chơi'
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
1. Nguyễn Trọng Tạo được “thiên hạ” biết đến từ rất sớm với bài hát “Làng quan họ quê tôi” (phổ thơ Nguyễn Phan Hách). Ông lại còn thêm bài “Khúc hát sông quê”  (phổ thơ Lê Huy Mậu) nhiều người cũng thích. Thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng khiến người ta nhớ. Nhớ khúc “Đồng dao cho người lớn”: “Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/ Có con người sống mà như qua đời”… Và nhớ: “Em mười chín tuổi nghìn năm trước/ Sao đến bây giờ mới hai mươi/ Môi mềm ngực nõn vòng tay xiết/ Anh là đá tảng cũng tan thôi…” (Thiên thần). 
 
Tôi không rõ, khi “cân” Nguyễn Trọng Tạo giữa thơ và nhạc, sẽ nghiêng lệch bên nào. Chắc điều này phụ thuộc vào sự yêu thích của từng người. Nhưng rõ ràng, thơ và nhạc của Nguyễn Trọng Tạo đều có những dấu ấn riêng. Nó giúp ông đi riêng hay đi chung đều có cái thú vị. 
 
Nhưng với cá nhân ông, nhạc giúp ông có những chuyến đi xa, theo nghĩa đen. Để gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người. Có những chuyến đi ra ngoài biên cương Tổ quốc. Ở đó, ông được đón tiếp như một vị khách quý. “Có khi mình mang tiền đi để tiêu mà không phải tiêu đồng nào, lại còn được thêm mang về”, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo kể. Người Việt ở nước ngoài có những người quý mến ông như ruột thịt. Bảo ông cứ ở lại chơi, mọi thứ sẽ được lo liệu, kể cả việc gia hạn visa!
 
Và âm nhạc, cũng giúp ông sống khỏe hơn. Dù cho ông có quan niệm hơi khác: Làm báo để sống, làm thơ để chết, và làm nhạc để chơi. Nhưng sự thật, âm nhạc giúp cho ông có những thu nhập “khủng”, mà 2 thứ kia (báo, thơ) vẻ như không có. Đó là có lần, ông được trả “nhuận bút” tới 10 ngàn USD chỉ để viết một bài, mà bài đó, chính ông thừa nhận, không hay cho lắm! 
 
2. Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 tại Nghệ An. Năm nay, ông tròn 70 tuổi. Như thể để ghi lại dấu mốc này, ông làm đêm nhạc “Khúc hát sông quê”. Gặp nhau trong một buổi trưa Hà Nội lất phất mưa buồn, Nguyễn Trọng Tạo bảo, ông làm vì thích chứ không nhân bất cứ điều gì. Chưa làm đêm nhạc nào mà sắp hết đời rồi nên phải làm.
 
Khi làm, bạn bè xúi làm ở Nhà hát lớn Hà Nội. Thì ông làm ở Nhà hát lớn. Làm một đêm đầu tiên và duy nhất. Hỏi, đầu tiên thì đúng rồi, còn vì sao ông xác quyết là duy nhất? “Tôi nghĩ thế là đủ, và không muốn lạm dụng”, nhạc sĩ của “Làng quan họ quê tôi” nói, và kể thêm rằng: Ông từng nhận được nhiều lời mời làm đêm nhạc, nhưng đều từ chối. Thậm chí, có lời mời làm đêm thơ nhạc ở quê hương Nghệ An, ông cũng lắc đầu.
 
Bây giờ thì Nguyễn Trọng Tạo đang thực hiện “đêm thơ nhạc duy nhất”. Chắc là duy nhất do chính tay ông làm. Chứ sau này, người khác đứng ra làm, điều ấy thì ông không can dự.  
 
3. Đêm thơ nhạc “Khúc hát sông quê” sẽ diễn ra vào tối 8-9 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Lúc đầu, Nguyễn Trọng Tạo chỉ định đặt tên cho đêm nhạc là “Quê”. Nhưng bạn bè góp ý, ông sửa. “Tôi là người nhà quê, quê một cục”, nhạc sĩ “Khúc  hát sông quê” tự nhận, và hóm hỉnh: Có người từng hỏi tôi là nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ hay họa sĩ. Tôi trả lời tôi là “Nhà quê”! 
 

Trong đêm thơ nhạc “Khúc hát sông quê”, thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo sẽ trực tiếp lên sân khấu và đọc một số bài thơ của mình, đồng thời có những giao lưu với khán thính giả. Đêm thơ nhạc còn có sự đồng hành của 2 nhạc sĩ Phú Quang và Giáng Son. Riêng nhạc sĩ Phú Quang sẽ “biểu diễn không cần cátsê” bên cây đàn piano một sáng tác, vì đó là Nguyễn Trọng Tạo. Ngoài ra, các ca sĩ từng “ăn lộc” với sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng sẽ có mặt: ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn, Phạm Phương Thảo, Lê Anh Dũng, Phương Anh (Sao Mai), Ban nhạc Cỏ lạ, nhóm 5 Dòng Kẻ…


Trong đêm nhạc, công chúng sẽ có dịp đồng hành với sự nghiệp của nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Dù khởi nghiệp vớ thơ, và có ý tạo dựng tên tuổi ở thơ, nhưng cuối cùng, sự tài hoa đã cho thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo những tác phẩm âm nhạc mà nhiều người mong ước. Nhất là “Làng quan họ quê tôi”, và “Khúc hát sông quê”. Bên cạnh đó, nhiều ca khúc về các vùng miền đất nước của Nguyễn Trọng Tạo cũng được nhiều người yêu mến, như: “Đôi mắt đò ngang”, “Tình ca bên một dòng sông”, “Non nước Cao Bằng”... Ngoài ra, một mảng nữa trong đêm nhạc được đặt tên “Tình khúc bốn mùa”, với “Tình thu”, “Tình đông”, “Tình xuân” và  “Tình hạ”.

Có một thú vị nữa, là người làm thơ, nhưng Nguyễn Trọng Tạo không tự phổ thơ của mình. Ông chỉ chấp cánh cho những vần thơ của bạn bè thành những ca khúc đặc sắc. “Bởi vì khi tôi viết thơ, tự nó đã có một bản nhạc ở trong đầu rồi và tôi không còn có  cảm xúc âm nhạc mới được nữa. Trong khi đó, đọc một bài thơ của bạn bè, tôi lại dễ có cảm xúc âm nhạc hơn”, thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo lý giải.

Theo Hoàng Thu Phố - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng