Nhà thơ Nguyễn Trung Thu sinh năm 1939 ở làng Kim Liên, Hà Nội, nhà có năm anh chị em, bố mẹ mất sớm, anh là con thứ tư còn cô em út bị mất lúc còn rất nhỏ khi gia đình tản cư ở Thanh Hóa nên sau này có bài thơ anh viết: “Cha mẹ mất sớm/ chị mười lăm tuổi/ tứ cố vô thân/ bơ vơ quê người/ chị khíu em vào chị”.
Thương em, các anh chị dồn sức cho em ăn học. Năm 1964, Nguyễn Trung Thu tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và anh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Cuộc chiến tranh gặc Mỹ xâm lược càng ngày càng ác liệt, trong đợt tổng động viên “Tất cả vì tiền tuyến”, ngày 6/9/1971 tại sân trường Đại học Tổng hợp cùng với hàng ngàn sinh viên và 60 giảng viên đại học có thầy giáo Nguyễn Trung Thu lên đường nhập ngũ. Ngồi trên ô tô anh còn nhớ mãi bàn tay nhỏ của đứa con gái đầu lòng mới hơn hai tuổi và người vợ trẻ vẫy trước lúc lên đường.
Ở đơn vị Thông tin anh trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường ác liệt Quảng Trị trong chiến dịch năm 1972, được sống bên cạnh các chiến sĩ đang cầm súng chiến đấu, anh nhận ra một điều: Bác Hồ luôn có mặt, luôn ở bên các chiến sĩ trên tuyến đầu công cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược. Bác thật sự là nguồn sức mạnh to lớn của chiến sĩ ta trong cuộc chiến đấu cứu nước giữa nơi đạn bom khốc liệt này.
Anh từng tâm sự: “Tôi viết bài thơ Đêm Trường Sơn nhớ Bác lúc tôi đang là anh binh nhì tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Đêm 6/6/1972, đã rất khuya, cảm thấy khó ngủ trong lán hầm ngột ngạt, tôi ôm võng ra mắc nằm bên suối. Đêm ấy, trăng vằng vặc sáng rực cả đại ngàn. Thốt nghĩ cảnh Trường Sơn lúc này y hệt cảnh rừng Việt Bắc năm nào hồi kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã miêu tả trong bài thơ Cảnh khuya... thế là tôi liền rút cây bút, dưới ánh trăng viết lên lòng bàn tay mấy câu thơ đầu tiên. Chỉ trong sáng hôm sau, bài thơ được hoàn thành không mấy chật vật và sau đó ít lâu, bài thơ được in trên báo Nhân dân". Năm 1974, nhạc sĩ Trần Chung phổ bài thơ thành ca khúc (Tạp chí Tuyên giáo tháng 5/2008).
Khi bài hát được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt
đã chiếm được cảm tình nồng nhiệt và lâu dài của các thính giả cho đến tận bây giờ.
Anh cũng dành cho những người thân trong gia đình nhiều bài thơ gần gũi mà sâu sắc. Người Chị (chữ “chị”, anh viết hoa) tần tảo nuôi em: "Mất mẹ mất cha/ Chị thương thân một/ Mất mẹ mất cha/ Chị thương em mười” (Đời em có Chị). Về người Anh: “Con đường Anh đi làm nuôi em/ đường rừng/ sớm tinh sương/in đầy dấu chân cọp”. Về cô em út thương mến: “Em gái ơi/anh mất em mất đến tận cùng / mộ em không còn anh chẳng thể chăm thăm”. Anh dành cả tập thơ viết về người vợ thân yêu gắn bó hơn bốn chục năm - Em hoặc không ai cả.
Năm ngoái được tin con gái đầu lòng - vừa mới hôm nào khi anh nhập ngũ, cô bé còn cứ khăng khăng nói “Bố Thu đi ô tô, chứ không phải đi bộ đội” - nay đã gần bốn chục tuổi đầu ở bên Đức bị đột quỵ, anh vội cùng vợ sang chăm sóc con. Cũng ở bên đó căn bệnh quái ác đã được phát hiện khi nó đã ở giai đoạn cuối!
Anh bình tĩnh chuẩn bị tập thơ cuối Thao thiết tiếng khuya biết bao thân thương và trăn trở, những bài thơ về lúc lâm chung chia xa vĩnh viễn về tình yêu thương. Anh nhớ lại Bên bạn phút lâm chung: “Giá luôn nghĩ về nhau/như phút cách biệt âm dương/ Đời đã có thêm bao ngày ấm áp”.
Bài thơ Dặn vợ là bài thơ hiếm trong nhưng bài thơ tình bởi cái tứ thơ khắc nghiệt và ân tình quá: “Em hỡi/ giờ đôi ta bên nhau/bất trắc biết đâu.../anh dặn em điều này/phút anh lâm chung/Nếu khoảnh khắc ấy em không bên anh/trái tim anh ngừng đập rồi/ anh trút hơi thở cuối cùng rồi/ mắt vẫn mở/ chỉ khi nào/ em-chính em/vuốt mắt/ (không cần làm phép gì/chả cần thấm rượu gì)/ mắt anh sẽ khép/Bởi hình ảnh cuối cùng/ là em/ là em/ mãi in trong mắt anh/nơi cõi vô hình/ anh ra đi/ thanh thản”.
Theo TT&VH |