Tạp chí Sông Hương -
Quản lý lễ hội dân gian: Gian nan tìm quy chế chuẩn
09:28 | 11/09/2017

Trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, lễ hội nói chung và lễ hội dân gian nói riêng là những sản phẩm tinh thần đặc biệt, đáp ứng nhu cầu văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, bên cạnh những hiệu quả, những năm qua việc tổ chức và hoạt động lễ hội bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập.

Quản lý lễ hội dân gian: Gian nan tìm quy chế chuẩn
Quản lý lễ hội dân gian vẫn còn thiếu những chế tài xử phạt để giảm những bất cập.

Hiểu đúng về lễ hội dân gian 

Theo số liệu thống kê của Bộ VHTT&DL, hiện cả nước có 7.966 lễ hội các loại. Trong đó, lễ hội dân gian có 7.039 (chiếm 88,36%,). Số liệu thống kê này cho thấy, lễ hội nói chung và đặc biệt là lễ hội dân gian nói riêng, là  bộ phận  hết  sức quan trọng  của  kho  tàng  di  sản  văn hóa Việt Nam.

Ở Việt Nam đã và đang xuất hiện xu hướng nâng cấp lễ hội từ làng, xã lên tầm cao hơn thành cấp khu vực và cấp quốc gia, “thành cái gọi là festival”. Việc áp đặt suy nghĩ chủ quan, đưa các yếu tố hiện đại không phù hợp vào nội dung của lễ hội dân gian, sự can thiệp quá sâu và cụ thể của các cấp chính quyền vào lễ hội… dẫn đến hiện tượng đáng cảnh báo là làm đơn điệu hóa, trần tục hóa và thương mại hóa lễ hội…

Do tác động của những mặt trái của kinh tế thị trường, đang có xu hướng nhiều nơi chỉ coi nặng lợi ích kinh tế, không quan tâm đến những giá trị văn hoá dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng, là lợi ích nhóm nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hoá các loại hình hoạt động dịch vụ, làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội.

Trong bối cảnh chuyển đổi từ kinh tế tiểu nông sang khai thác dịch vụ du lịch, đã và đang nảy sinh không ít tồn tại và bất cập. Đã có không ít những người tham gia cung cấp các dịch vụ văn hóa du lịch mang tư tưởng chụp giật, mùa vụ để trục lợi như chở đò tại chùa Hương, bán các tờ giấy in ấn tại các lễ hội, bán thịt trâu trong các dịp tổ chức chọi trâu với giá trên trời, đeo bám, chặt chém du khách tại các  trung tâm văn hóa du lịch và thậm chí tại ngay khu trung tâm thủ đô Hà Nội.

Những năm qua, khi đời sống vật chất của hầu hết người dân đã được nâng cao,việc tham gia các lễ hội và các hoạt động du lịch đã trở thành nhu cầu thường xuyên của đông đảo các tầng lớp nhân dân, kể cả những người chưa thực sự dư dật. Tuy nhiên nếp sống, lối sống tùy tiện trong sinh hoạt hàng ngày của số đông du khách như vứt rác, phóng uế bừa bãi, chen lấn, xô đẩy, ít có sự nhường nhịn, tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng chủ yếu theo tập quán và tâm lý đám đông.

Đồng thời, do thiếu hiểu biết về những nội dung cơ bản của tín ngưỡng và lễ hội như đối tượng thờ phụng, cách thức thực hành tín ngưỡng nên đã và đang có những hành vi cướp đồ thờ lấy may, rải tiền lẻ tại các nơi thờ tự và thậm chí nhét tiền vào tay, vào khe các tượng Phật. Mặt khác số đông du khách còn trực tiếp và gián tiếp tiếp tay cho những hành vi  bất chính như trốn vé, trả tiền cho các loại hàng hóa, dịch vụ cao gấp nhiều lần   so với giá trị thực của chúng.

Tại một số nơi, chủ trương xã hội hóa hoạt động trong lễ hội là khuyến khích người dân, các nhà doanh nghiệp tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lễ hội. Nhưng, trong thực tế, có những “mạnh thường quân” bỏ tiền của tài trợ cho lễ hội chỉ với mục đích nhằm “đánh bóng” tên tuổi của mình, điều ấy đồng nghĩa với việc lễ hội truyền thống trở thành nơi phô trương, hình thức hoặc bị biến dạng, không giữ được bản sắc vốn có của nó.

Tìm hướng đi hiệu quả

Trên thực tế, những vấn đề quản lý và tổ chức lễ hội đã được quy định trong một số điều của Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL và Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Đơn cử, năm 2016, Bộ VHTT&DL lại đã có văn bản gửi UBND một số tỉnh không cho phép tổ chức lễ hội chọi trâu, nếu đó không phải là lễ hội truyền thống trên địa bàn. Tuy nhiên, những đề nghị này đã không được nghiêm túc thực hiện và thậm chí, còn có không ít những ý kiến phản đối việc quy định cấp phép lễ hội, bởi lo ngại thủ tục hành chính rườm rà, tạo ra những giấy phép con…

Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi ủng hộ đề xuất của Bộ VHTT&DL gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cần có một Nghị định riêng quy định giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm nội dung lễ hội phù hợp với truyền thống, thực sự trở thành nét sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng cao, có sự hấp dẫn và có giá trị về giáo dục, tâm linh lành mạnh. Đồng thời, không cho phép phục dựng tràn lan các lễ hội nói chung, đặc biệt là các hội chọi trâu không gắn với truyền thống nói riêng.

Cần thẳng thắn thừa nhận, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lễ hội chưa theo kịp tình hình thực tiễn, chậm xây dựng và điều chỉnh những quy định của nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các văn bản chưa nghiêm. Trong đó, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, sử dụng các nguồn thu từ công đức và dịch vụ chưa đúng mục đích, minh bạch, chưa tương xứng với nguồn kinh phí cung tiến và công đức của du khách, chưa theo kịp tình hình thực tiễn, là một trong những vấn đề tiêu cực phát sinh nhưng chưa có chế tài cụ thể để xử lý.

Tại những lễ hội có tục hiến sinh, các nghi thức sát sinh được tập trung đặc tả còn những tập quán truyền thống của cộng đồng trong việc bình chọn người mua, chăm sóc, nuôi dưỡng vật hiến sinh với trách nhiệm và tình cảm của cả cộng đồng thì dường như không được nhắc tới.

Chính vì vậy, một số hành vi bị coi là bạo lực, đặc biệt là những nghi lễ hiến sinh của các lễ hội truyền thống này thu hút sự quan tâm mô tả và bị coi là những hiện tượng phi văn hóa, thiếu lành mạnh cần được lên án và bài trừ. Rõ ràng, những hiện tượng nói trên thể hiện trên thực tế về nhu cầu cấp bách cần đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở Việt Nam hiện nay.

Theo Minh Quân - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Giữ lửa chèo (06/09/2017)