Tạp chí Sông Hương -
VĂN HÓA TỔ CHỨC VÀ VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA TRONG TỔ CHỨC CÔNG
16:51 | 13/09/2017

LÊ CHÍ QUỐC MINH  (*)

Văn hóa tổ chức là sự pha trộn riêng biệt của các giá trị, niềm tin, trông đợi và chuẩn mực được hình thành và duy trì trong tổ chức, phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội, tạo nên một dấu ấn riêng biệt, giúp phân biệt tổ chức này với tổ chức khác.

VĂN HÓA TỔ CHỨC VÀ VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA TRONG TỔ CHỨC CÔNG

Đồng chí Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi Lễ khánh thành tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh - Ảnh: L.C.Q.M



Văn hóa tổ chức công không phải là một khái niệm trừu tượng, mà được thể hiện một cách rõ nét trong các yếu tố cấu thành của tổ chức công, bao gồm các yếu tố bên trong (con người, thể chế, tài chính, văn hóa tổ chức, thông tin, mục tiêu tổ chức, cơ cấu tổ chức) và các yếu tố bên ngoài (môi trường chính trị, kinh tế-xã hội, pháp lý, tự nhiên, xu thế vận động của thế giới, …), cũng chính từ các yếu tố này cấu thành văn hóa tổ chức công.

Như trên đã đề cập, văn hóa tổ chức công bao gồm những giá trị, chuẩn mực, niềm tin, sự trông đợi,… Mặt khác, khi nói đến giá trị văn hóa là nói đến Chân–Thiện–Mỹ và Chân-Thiện-Mỹ trong văn hóa tổ chức công sẽ quy định hành vi ứng xử của con người trong tổ chức công đó.

Những giá trị của văn hóa có tác dụng điều chỉnh hành vi của con người và tổ chức xã hội theo một quy chuẩn nhất định và quy chuẩn ấy luôn được nhiều người ủng hộ. Vì vậy, với tư cách là một sản phẩm độc đáo của trình độ xã hội loài người, văn hóa tổ chức công có những tác động nhất định và thể hiện vai trò quan trọng của mình trên nhiều phương diện khác nhau của đời sống xã hội.

Khi nói đến các yếu tố thành văn hóa tổ chức công, trước hết là yếu tố cá nhân (con người). Yếu tố cá nhân là những con người cá nhân, là những cán bộ, công chức. Mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong tổ chức công sẽ tạo ra văn hóa và bản sắc riêng có. Đó là toàn bộ tri thức, kinh nghiệm tích lũy vào mỗi cá nhân, biểu hiện ở hệ thống quan niệm và hành xử của cá nhân ấy trong đời sống thực tiễn. Văn hóa cá nhân biểu hiện như là đơn vị của văn hóa toàn bộ. Trong thực tế, sự hoạt động của tổ chức công luôn có sự định hướng của các giá trị văn hóa tổ chức. Các giá trị cốt lõi của văn hóa tổ chức liên quan đến nhận thức về thế giới, bản thân, đối tác, về cái đẹp; quan niệm về nền công vụ, quan niệm về cách ứng xử cấp trên với cấp dưới, quan niệm về sự công bằng về tinh thần phục vụ… trở thành các giá trị hữu hình và vô hình.

Đặc biệt là giá trị vô hình, là những yếu tố thuộc về tinh thần như: chuẩn mực, đạo đức, lối sống, cái đẹp, niềm tin, …, tất cả đều hướng tới giá trị chung là Chân-Thiện-Mỹ. Ở góc độ cá nhân, văn hóa tổ chức công có vai trò định hướng các giá trị. Để các thành viên trong tổ chức công nhận thức và hành động theo chuẩn mực của tổ chức công. Lúc đó, văn hóa tổ chức công sẽ tạo ra các giá trị hay hệ giá trị để định hướng cho con người hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó, giá trị văn hóa tổ chức công tích cực sẽ tạo ra môi trường an toàn, thuận lợi trong công tác, giúp hình thành nhân cách, trải nghiệm kiến thức kỹ năng làm việc và đặc biệt là các kỹ năng “phục vụ”. Các giá trị đó còn là sự tự trọng, tôn trọng, là các giá trị đạo đức, niềm tin, hướng tới phục vụ, ý thức trách nhiệm với bản thân với nghề nghiệp và với xã hội, là cơ sở hình thành chuẩn mực đạo đức trong tổ chức công.

Mặt khác, trên cơ sở định hướng các giá trị được cho là tốt đẹp, là chuẩn mực ấy, nền văn hóa tổ chức công đã vô hình chung điều khiển tình cảm, ý chí, hành vi, cách ứng xử của mỗi thành viên vào một chuẩn mực nhất định, thống nhất hành động chung của một hệ thống tổ chức. Khi nói đến giá trị đạo đức ở tổ chức công là nói đến cái đúng, cái tốt, cái đẹp và phân biệt với cái xấu, cái ác, vì đạo đức luôn luôn gắn với cái Chân - Thiện - Mỹ và cái Chân - Thiện - Mỹ là thước đo cho chuẩn mực đạo đức. Vì vậy, ở phương diện cá nhân, người cán bộ, công chức phải là người có tài, có đức và theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là phẩm chất “vừa hồng, vừa chuyên”; cũng đúng như Người đã từng dạy “có tài mà không có đức là đồ vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Do đó, các giá trị đạo đức là yếu tố trở thành thước đo cho chuẩn mực của văn hóa tổ chức công. Thực tế, đạo đức mang phương thức kết hợp sự thuyết phục và sự thực hiện các yêu cầu của mình, nó được cụ thể hóa thành nội quy, quy định, quy chế của các tổ chức công, quy định về những điều được làm và không được làm. Chính vì vậy, một cách có ý thức, mỗi thành viên, cá nhân trong tổ chức công phải tiếp thu những giá trị, chuẩn mực của văn hóa tổ chức công để có cách ứng xử của riêng mình. Và có thể, ở một mức độ nào đó, một cách vô thức con người bị dòng chảy của văn hóa tổ chức công cuốn theo. Có sự khác nhau trong cách ứng xử văn hóa của tổ chức này với tổ chức khác, nên chỉ cần tiếp xúc với một nhân viên của một tổ chức nào đó, ta sẽ thấy được đặc trưng của văn hóa của tổ chức ấy. Các giá trị văn hóa, chuẩn mực văn hóa được hình thành, phát huy và duy trì sẽ tạo được một nếp văn hóa, giúp các thành viên trong tổ chức hành động tận tụy vì mục đích, mục tiêu chung của tổ chức và cũng sẽ hạn chế được những thành viên không có ý thức xây dựng cho mục tiêu chung của tổ chức, hoặc gây ảnh hưởng tích cực đến những thành viên nhưng chưa thực sự đóng góp tích cực cho tổ chức.

Đồng thời, văn hóa tổ chức công không chỉ tác động đến yếu tố cá nhân mà còn tác động đến toàn bộ hoạt động của tổ chức đó, đến cơ cấu của tổ chức đó một cách sinh động, phong phú. Bởi vì hoạt động quản lý là hoạt động điều hành thống nhất dựa trên những quy tắc chung và mang tính bắt buộc. Trong khi đó, trong một tổ chức bao giờ cũng bao gồm những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần. Những giá trị văn hóa đó trong các tổ chức công trở thành những chuẩn mực, thói quen, truyền thống, muốn quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, thành viên với thành viên, với tổ chức công dân… những giá trị văn hóa đó sẽ định hướng và điều khiển hành vi của con người. Cho nên, văn hóa tổ chức công tạo ra khối thống nhất giữa các thành viên trong tổ chức với nhau, các tập thể với nhau để tạo nên sức mạnh tập thể đạt mục tiêu chung của tổ chức. Hơn nữa, mỗi một tổ chức công hoạt động ở một lĩnh vực nhất định, nhưng bao giờ các tổ chức ấy cũng cùng hướng đến mục tiêu chung của toàn bộ hệ thống và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, văn hóa tổ chức công được coi như “chất xúc tác” để khuyến khích, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, tạo nên bầu không khí tổ chức thuận lợi, hợp tác, liên kết tổ chức hành chính tạo nên sự đồng thuận cao.

Văn hóa tổ chức công còn được thể hiện trong quan hệ dọc và quan hệ ngang. Vì vậy, mỗi một mô hình tổ chức lại có một đặc trưng văn hóa nhất định và thực hiện một nhiệm vụ nhất định của văn hóa tổ chức công. Khi văn hóa tổ chức công là nền tảng tư tưởng, tinh thần của xã hội, định hướng mục tiêu phương hướng của tổ chức đạt hiệu quả, chính là lúc phản ánh chất lượng định hướng giá trị của nền văn hóa tổ chức công đối với tổ chức đó. Nếu giá trị văn hóa tích cực sẽ tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức, tạo bầu không khí cởi mở, tác động đến hiệu quả hoạt động của tổ chức thì ngược lại nó sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội.

Văn hóa tổ chức công là một bộ phận của văn hóa truyền thống dân tộc, là một dòng chảy của văn hóa dân tộc, mang bản sắc văn hóa dân tộc, cốt cách dân tộc... Nó không ngừng bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với thời gian, các giá trị văn hóa truyền thống ấy được phát huy trong nền văn hóa hành chính hiện đại và tạo nên bản sắc văn hóa trong tổ chức công. Từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức công gắn kết với nhau, có trách nhiệm với vị trí công việc đảm nhiệm, cùng nhau thực hiện mục tiêu chung của hệ thống. Sự gắn kết và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức công là nhờ vẻ đẹp, giá trị của văn hóa truyền thống tạo nên sự đoàn kết giữa chặt chẽ giữa các cá nhân với tập thể với nhân dân sẽ là nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ấy. Một mặt, văn hóa tổ chức công là một bộ phận cấu thành văn hóa dân tộc, đồng thời văn hóa tổ chức công lại góp phần làm phong phú giá trị của văn hóa dân tộc. Nền văn hóa tổ chức công là một phần văn hóa của của một quốc gia, dân tộc, bởi vậy nó có đặc trưng riêng, thông qua đó để phân biệt nền văn hóa tổ chức công của quốc gia này khác với nền văn hóa tổ chức công của quốc gia khác.

Có thể nói, văn hóa tổ chức công có tác động to lớn đối với đời sống con người. Do đó, cần phải xây dựng và phát triển một nền văn hóa tổ chức công vững mạnh.

Từ đó, chúng ta có thể khẳng định văn hóa có vai trò quan trọng trong tổ chức công và được thể hiện qua các khía cạnh sau:

- Văn hóa tổ chức tạo nên niềm tin, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.

- Văn hóa phản ánh các quan hệ trong tổ chức công.

- Văn hóa, cụ thể hóa những giá trị được coi trong tổ chức, được thể hiện qua lòng trung thành, sự say mê công việc, …

- Văn hóa tác động đến nhận thức, suy nghĩ, hành động của các cá nhân trong tổ chức đó.

- Văn hóa tạo nên dấu ấn của tổ chức, qua đó phân biệt tổ chức này với tổ chức khác.

- Văn hóa phản ánh uy tín và năng lực của đội ngũ quản lý trong tổ chức; ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành và sự phát triển bền vững của tổ chức.

Qua các khía cạnh trên cho thấy, văn hoá có tác dụng nâng cao sự cam kết tổ chức và làm tăng tính kiên định trong hành vi của người lao động. Những điều này rõ ràng đem đến lợi ích đích thực cho tổ chức. Theo quan điểm của người lao động, văn hoá có giá trị vì nó làm giảm đáng kể sự mơ hồ. Nó chỉ cho nhân viên mọi thứ được tiến hành như thế nào và cái gì là quan trọng.

Ngược lại, văn hoá cũng có thể là một gánh nặng khi những giá trị chung của tổ chức không phù hợp. Tình hình này hay xảy ra nhất khi môi trường của tổ chức rất năng động. Khi môi trường tổ chức đang trải qua một sự thay đổi nhanh chóng, văn hoá vốn có của tổ chức có thể hầu như không còn phù hợp nữa. Tính kiên định trong hành vi là một tài sản đối với tổ chức trong một môi trường ổn định. Tuy nhiên nó cũng có thể là một gánh nặng cho tổ chức và cản trở khả năng thích ứng của tổ chức với những thay đổi trong môi trường. Hơn nữa, văn hoá cũng có thể gây cản trở đối với sự thay đổi, sự đa dạng của nguồn lực con người trong tổ chức. Bản thân mỗi người lao động có một hệ thống giá trị và niềm tin riêng của họ. Khi làm việc trong môi trương có nền văn hoá mạnh, họ cần phải tuân thủ theo những quy phạm và hệ thống giá trị chung của tổ chức. Như vậy những mặt mạnh hay những ưu thế của từng người lao động sẽ phần nào bị hạn chế, do đó cần phải có những hoạt động văn hoá tinh thần thì người lao động trong tổ chức mới phát triển một cách toàn diện được.

Tóm lại, thắng lợi của mỗi tổ chức công không chỉ là mục tiêu kinh tế, chính trị hay xã hội, … mà trước hết và hơn hết đó là văn hóa tổ chức công. Con người tác động đến việc hình thành văn hóa tổ chức công thì đồng thời văn hóa tổ chức công với những giá trị bền vững của nó sẽ tác động trở lại đối với việc hoàn thiện nhân cách, phẩm chất, năng lực của mỗi cá nhân tồn tại trong nó. Vì vậy, để xây dựng văn hóa tổ chức công thì cần tiến hành đổi mới phương thức điều hành tổ chức công. Cần phải đặt vấn đề này một cách nghiêm túc và từ thực tế với một ý thức sâu sắc và hành động khẩn trương, cùng với đó là hiện đại hóa văn hóa tổ chức công cũng là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng một nền văn hóa tổ chức công theo hướng văn minh. Song, bên cạnh đó cần kế thừa những kinh nghiệm, thành tựu bổ ích từ việc tổ chức, vận hành bộ máy tổ chức công trong quá khứ, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa tổ chức công của các quốc gia tiến bộ trên thế giới, kết hợp giá trị văn hóa của dân tộc để xây dựng một nền văn hóa, tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

L.C.Q.M

 

………………………………..

(*) Th.S - Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tỉnh Thừa Thiên Huế










 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng