Tạp chí Sông Hương -
Nhà thơ Thanh Tùng đã đi hết những ngày đắm say
08:38 | 14/09/2017

Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả của những bài thơ nổi tiếng như Thời hoa đỏ, Hà Nội ngày trở về, Mùa thu giấu em… đã từ trần vào tối 12-9 sau gần một năm chữa trị căn bệnh ung thư dạ dày, hưởng thọ 83 tuổi.

Nhà thơ Thanh Tùng đã đi hết những ngày đắm say
Nhà thơ Thanh Tùng
Ông tên thật là Doãn Tùng, sinh ngày 7-11-1935 tại Nam Định, tuy nhiên ông dành phần lớn tuổi thanh xuân sinh sống tại TP Hải Phòng và các sáng tác chính của ông cũng bắt nguồn trong thời gian này.
 
Thanh Tùng từng làm nhiều nghề, từ khuân vác trên bến cảng Hải Phòng đến làm công nhân đóng tàu, đi bán sách dạo và thậm chí có một thời gian là nghề áp tải xe chở hàng từ Hải Phòng đi Hà Nội.
 
Thanh Tùng sáng tác không nhiều nhưng các tác phẩm của ông hầu hết đều ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc, thơ của ông được đánh giá không chỉ giàu chất thơ mà còn đậm cả tính nhạc, chính vì vậy nhiều bài thơ của ông sau khi phổ nhạc đã càng trở nên nổi tiếng như trường hợp tác phẩm Thời hoa đỏ do nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, hay như hai tác phẩm Hà Nội ngày trở vềMùa thu giấu em được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc.
 
Ca khúc Hà Nội ngày trở về đã được xem là một trong những ca khúc trữ tình hay nhất về Hà Nội, câu hát: “Vội vã trở về/Vội vã ra đi” trong bài hát được những người con Hà Nội nhắc đến nhiều nhất khi nhắc đến những ca khúc viết về Hà Nội. 
 
Năm 1995, nhà thơ Thanh Tùng chuyển vào sinh sống và làm việc tại TPHCM. Tại đây, ông tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm như Trường ca Phương Nam, xuất bản một số tập thơ như Thời hoa đỏ (năm 2001), Khúc hát quê xa (2004), Cái ngày xưa ấy (2004), Thuyền đời (2006)…
 
Năm 1997, nhà thơ Thanh Tùng là đại diện Việt Nam sang Hy Lạp đọc thơ với đại biểu các nước. Cảm xúc về chuyến đi này, ông có viết mấy câu thơ: Tôi đã ở ngoài vòng tay Tổ quốc/ Bây giờ tôi phải là tất cả/ Từ ngọn cỏ dại quê hương đến máu những anh hùng/ Như người thủy thủ sắp ra khơi, kiểm tra lại phần nước ngọt/ Tôi hát thầm bài Tiến quân ca.
Tuy nổi tiếng nhưng nhà thơ Thanh Tùng lại có cuộc sống khá giản dị, tương đối vất vả.
 
Nhận xét về ông, các bạn thơ đều cho rằng ông là một nhà thơ thuần túy sống vì thơ. Ông mạnh mẽ trong cuộc sống, từng dùng nắm đấm để mưu sinh (lời của nhà thơ Trần Nhuận Minh) khi làm vệ sĩ áp tải hàng trên quốc lộ 5 từ Hải Phòng về Hà Nội. Thế nhưng với thơ, ông lại ngọt ngào với những câu thơ để đời: Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa chạm vai gầy áo mẹ… (Hà Nội ngày trở về); Anh đâu buồn mà chỉ tiếc, em không đi hết những ngày đắm say… (Thời hoa đỏ).
 
Về cá nhân, như chính ông từng tự nhận là không thể ghét được ai, thương cả kẻ thù của mình. Có lẽ vì vậy, dù nhiều vất vả cả trong tình yêu lẫn cuộc sống, dù câu thơ mang nhiều nét u buồn xót xa nhưng chưa bao giờ thơ ông mang chất bi lụy, chán chường mà ngược lại, những dòng thơ ông luôn chất chứa niềm tin vào cuộc sống.

Lễ nhập quan diễn ra lúc 8 giờ sáng 13-9, tại nhà riêng ở quận 3. Lễ viếng bắt đầu từ 12 giờ ngày 14-9, tại Nhà tang lễ TPHCM (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ truy điệu và di quan lúc 12 giờ ngày 16-9 sau đó sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Chánh Phú Hòa, Bến Cát, Bình Dương. Đây là nơi mà sinh thời, ông có nguyện vọng được an nghỉ để gần với các bạn văn thơ đã khuất.

Theo Tường Vân - SGGP
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng