Tạp chí Sông Hương -
MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC ĐIỀU HÀNH TỔ CHỨC CÔNG TRONG TIẾN TRÌNH ĐẦY MẠNH CẢI CÁCH NỀN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
09:59 | 15/09/2017

LÊ CHÍ QUỐC MINH (*)

Khi nói đến Tổ chức, thường được hiểu là một tập hợp từ hai người trở lên phối hợp với nhau để đạt được mục tiêu chung của tổ chức; là sự liên kết con người, cùng nhau thực hiện mục tiêu chung nào đó dựa trên các nguyên tắc nhất định. Từ cách hiểu này, có thể khái quát tổ chức là một tập hợp có tính hệ thống, các thành phần của tổ chức được liên kết với nhau theo một nguyên tắc nhất định.

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC ĐIỀU HÀNH TỔ CHỨC CÔNG TRONG TIẾN TRÌNH ĐẦY MẠNH CẢI CÁCH NỀN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

Đồng chí Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tại buổi Lễ khánh thành tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh 



Các mối liên kết này sẽ quyết định tính chất của tổ chức. Thực tế cho thấy, mỗi tổ chức đều hoạt động theo một mục tiêu gắn với một lĩnh vực hoặc một số lĩnh vực nhất định. Do vậy, mục tiêu của tổ chức sẽ định hướng hoạt động của nó. Đồng thời, tổ chức nào cũng có thiết chế của mình để làm cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của nó và trong quá trình vận hành của tổ chức hướng tới mục tiêu luôn chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có những yếu tố chính, yếu tố phụ, khách quan và chủ quan, tồn tại và đan xen lẫn nhau.

Mặt khác, nghiên cứu về tổ chức, gồm có: tổ chức công, tổ chức tư và tổ chức chính trị-xã hội và nếu tiếp cận vấn đề với giác độ hành chính, có thể hiểu tổ chức công là nơi tổ chức hoạt động công vụ, là bộ phận cấu thành nên khu vực công hoạt động theo luật định, có trụ sở công, công sản để hoạt động, có quyền lực công, có pháp nhân và được thiết lập để kiểm soát các công việc quản lý hành chính trên các mặt đời sống xã hội.

Đồng thời, khi nói điều hành có thể hiểu nó liên quan đến kế hoạch và mục tiêu hoạt động đã được xác định, với các nguồn lực hiện có và tiềm năng, với các giá trị từ quá khứ và sức mạnh của chúng trong hiện tại của tổ chức, với các cơ hội bên trong và bên ngoài tổ chức.

Như vậy, điều hành tổ chức công chính là quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành mục tiêu chung của tổ chức công, là sự lựa chọn cách giải quyếtcông việc nhằm đạt tới hiệu quả cao nhất hay nói một cách khác điều hành tổ chức công là việc thực hiện một trong những chức năng cơ bản của ngư¬ời quản lý nhằm hướng mọi nỗ lực của tập thể để đạt đư¬ợc mục tiêu đã định.

Như đã đề cập ở trên, tổ chức công trong thời đại hiện nay nó có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với Việt Nam chúng ta hiện nay, nói đến tổ chức công là nói đến một bộ phận quan trọng cấu thành khu vực công, sử dụng quyền lực nhà nước để quản lý và duy trì các thiết chế xã hội.

Nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương và chính sách về cải cách hành chính, xác định cải cách hành chính là khâu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới để phát triển đất nước, theo đó, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp, khoa học và hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày một nâng cao nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Tuy nhiên, nền hành chính của nhà nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và yếu kém, chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế, chưa theo kịp tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Hệ thống thể chế, nhất là thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, vướng mắc; chức năng, nhiệm vụ của không ít cơ quan hành chính chưa đủ rõ, còn trùng lặp, chưa bao quát hết các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Cơ cấu tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chưa phù hợp với quản lý đa ngành đa lĩnh vực; chất lượng đội ngũ cán bộ công chức chưa bắt kịp với sự phát triển của thời đại; tình trạng quan liêu tham nhũng lãng phí vẫn còn; quản lý tài chính còn nhiều bất cập, …. Những hạn chế, yếu kém trong bộ máy hành chính hiện nay, thực sự là nhân tố kìm hãm sự phát triển nhanh và bền vững của nước ta và đây cũng chính là những thách thức trong điều hành tổ chức công.

Do đó, việc đổi mới phương thức điều hành tổ chức công đối với tình hình hiện nay là một nhu cầu cấp thiết, có tính thời đại, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, điều này được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Đảng ta xác định: “Hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo bước chuyển mạnh về cải cách hành chính”, theo đó ngày 08 tháng 11 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành cính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xác định trọng tâm cải cách hành chính trong giai đoạn 10 năm tới là: Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Như đã phân tích ở trên, trong quá trình vận hành hướng tới mục tiêu, tổ chức công luôn chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt trong điều kiện đang thực hiện đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, sự đổi mới phương thức điều hành tổ chức công luôn chịu sự tác động của việc cải cách hành chính và ngược lại, sự đổi mới của phương thức điều hành tổ chức công và cải cách nền hành chính có sự tác động, quan hệ hữu cơ lẫn nhau, bởi vì mục tiêu cuối cùng của đổi mới hay cải cách đều hướng đến sự hiệu quả và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đổi mới phương thức điều hành tổ chức công và cải cách hành chính hiện này chính là: đội ngũ cán bộ, công chức (con người), chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành, mục tiêu hoạt động của tổ chức, môi trường tác động đến hoạt động (chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý, tự nhiên, …), phương thức lãnh đạo, cơ chế vận hành, quy mô của tổ chức, hệ thống cơ cấu tổ chức của bộ máy và điều kiện vật chất, …

Có thể khẳng định, có nhiều mối quan hệ ảnh hưởng đến đổi mới phương thức điều hành tổ chức công và cải cách hành hiện nay một cách trực tiếp và gián tiếp. Mối quan hệ này được thể hiện qua các khía cạnh sau:

Như đã đề cập, có nhiều yếu tố tác động nhưng trong đó quan trọng hàng đầu là mục tiêu cần hướng đến. Mục tiêu này chi phối mọi hoạt động của tổ chức, đồng thời điều chỉnh mọi phương thức hoạt động của tổ chức, nhằm mục đích sau cùng là đạt được mục tiêu đó. Không một tổ chức nào có thể duy trì hoạt động nếu lãnh đạo không đề ra các mục tiêu cho tổ chức hướng đến. Mục tiêu quá tầm thường hoặc mục tiêu quá cao không thể với tới được đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến tổ chức nói chung và thái độ cũng như sự quyết tâm của các thành viên trong tổ chức. Do đó, việc đạt được mục tiêu đã là khó khăn. Nhưng việc đề ra mục tiêu phù hợp với tổ chức còn khó khăn hơn. Lãnh đạo cơ quan cần có kỹ năng suy nghĩ để định hướng và đưa ra phương hướng cho tổ chức. Kỹ năng này giúp người lãnh đạo xác định mục tiêu rõ ràng, đồng thời nhìn và lắng nghe tương lai để nhận ra khi nào cần phải thay đổi, làm thế nào để hoàn thành điều đó và làm thế nào để kiểm soát nó. Khi đặt ra mục tiêu cho tổ chức, chúng ta cần lưu ý:

- Mục tiêu đó nên thực tế và khả thi. Điều này là rất quan trọng. Bởi nếu ta đặt ra mục tiêu quá cao, xa rời thực tế thì đương nhiên việc thực hiện là không thể, mà còn gây ra tốn kém, lãng phí các nguồn lực của tổ chức, chưa nói đến việc ảnh hưởng tâm lý và tinh thần làm việc của các thành viên trong tổ chức.

- Người lãnh đạo tổ chức nên đề ra những mục tiêu có khả năng cải thiện mọi mặt của tổ chức, từ cái nhỏ đến cái lớn, từ cái đơn giản đến cái phức tạp, từ vấn đề đạo đức đến vấn đề tài chính của tổ chức. Điều này có nghĩa là mục tiêu được đề ra sẽ tác động lên mọi mặt của tổ chức, thay đổi toàn diện tổ chức.

- Nhà lãnh đạo nên đặt ra loại mục tiêu để mọi thành viên trong tổ chức đều có thể tham gia vào quá trình thực hiện mục tiêu đó. Có như thế mới có thể huy động được nguồn lực của toàn tổ chức, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu một cách có hiệu quả.

- Từ mục tiêu được đề ra, nhà lãnh đạo có thể tạo ra được một chương trình phát triển nhằm đạt được mỗi mục tiêu. Mục tiêu được đặt ra có thể là mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn, có thể là mục tiêu trước mắt hoặc lâu dài, có thể là mục tiêu định tính hoặc định lượng. Dù là mục tiêu gì, thì việc đặt ra mục tiêu cũng là đặt ra thêm khó khăn cho cả tổ chức. Tuy nhiên, nó cũng làm tăng thêm thử thách cho cả tổ chức và mọi thành viên trong tổ chức đó. Đồng thời, quá trình thực hiện mục tiêu cũng tạo cho các cá nhân trong tổ chức thể hiện năng lực, trình độ của mình, thể hiện sự nỗ lực của mình để đạt được mục tiêu. Mục tiêu có thể khó nhưng nếu khả thi, nó sẽ thúc đẩy các thành viên trong tổ chức nỗ lực nhiều hơn, phấn đấu nhiều hơn để đạt cho được mục tiêu đó.

Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức sẽ quyết định tính đơn giản hay phức tạp, cũng như sẽ quy định quy mô của tổ chức đó. Với chức năng, nhiệm vụ đơn giản, thì một tổ chức chỉ cần số lượng nhân sự vừa phải, và mức kinh phí cho tổ chức đó cũng không nhiều như những tổ chức khác, đồng thời mối quan hệ công việc giữa các bộ phận, cá nhân trong tổ chức cũng đơn giản hơn.

Ngược lại, nếu thẩm quyền, trách nhiệm của một tổ chức lớn, thì tổ chức đó phải làm nhiều việc hơn, do đó nó cần số nhân viên nhiều hơn, nguồn kinh phí lớn hơn và mối quan hệ công việc giữa các bộ phận trong tổ chức cũng phức tạp hơn. Đứng ở góc độ này, chúng ta thấy rằng yếu tố con người ở đây đóng một vai trò rất quan trọng.

Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của một tổ chức đều được thực hiện thông qua con người. Việc thực hiện này tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người. Con người có thể làm sai lệch chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của một tổ chức, nhưng cũng chính con người thực hiện những điều đó một cách tốt đẹp và hiệu quả nếu họ được trang bị năng lực, trình độ chuyên môn tốt đồng thời họ có đạo đức nghề nghiệp.

Cho nên, khi tính đến các yếu tố ảnh hưởng, chúng ta không thể bỏ qua nguồn nhân lực (đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức). Muốn có một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, cần có đầy đủ nguồn nhân lực để bổ nhiệm vào các vị trí cần thiết trong một tổ chức. Đồng thời, tại các vị trí đó, công việc muốn đạt hiệu quả cao thì yêu cầu đối với người nắm giữ vị trí là năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức. Ngày nay, trong các tổ chức nói riêng và cả bộ máy hành chính nhà nước nói chung, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đang là một vấn đề cấp bách và cần thiết vì nguồn nhân lực là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển tổ chức. Tuy nhiên, dù là đào tạo, bồi dưỡng, hay tuyển dụng nhân lực đều phải xuất phát từ mục tiêu và nhu cầu của tổ chức để tránh sự lãng phí mà không mang lại hiệu quả cho tổ chức.

Mặt khác, yếu tố con người còn quyết định đến quy mô tổ chức. Quy mô của một tổ chức ở đây được hiểu là số nhân sự trong một tổ chức. Với một quy mô lớn, đông đúc nhân sự thì cơ cấu của tổ chức đó phải được tính toán khéo léo, đảm bảo các vị trí trong tổ chức phù hợp, khoa học. Một bộ máy nhân sự đông người phải được tính toán, sắp xếp có khoa học, và hoạt động theo những nguyên tắc nhất định, đảm bảo sự vận hành thông suốt, đạt hiệu quả cao nhằm mục đích cuối cùng là đạt mục tiêu chung của tổ chức. Quy mô của tổ chức có thể lớn, nhưng cần thiết phải rõ ràng, khoa học. Hơn nữa, quy mô càng lớn càng cần nhiều công chức, do đó tổ chức sẽ có nhu cầu rất lớn về nguồn vốn, tài chính. Vấn đề cơ cấu lúc này càng phức tạp hơn. Sự tính toán, phân chia thẩm quyền tài chính cho từng bộ phận, từng vị trí trong tổ chức cần phải được thực hiện chặt chẽ và khoa học hơn nữa, đảm bảo cho cả bộ máy vận hành tốt.

Với một quy mô tổ chức lớn, trình độ của người lãnh đạo tổ chức và các thành viên trong tổ chức cũng đòi hỏi ở những cấp độ cao hơn. Quy mô tổ chức lớn chứng tỏ mục tiêu của tổ chức cũng ngang tầm với quy mô đó. Vì thế, người lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức cần có tầm nhìn rộng hơn, xa hơn, dự báo được những tiềm năng cũng như nguy cơ có thể xảy ra cho tổ chức để từ đó có những biện pháp đối phó thích hợp. Bên cạnh đó, để thực hiện được những mục tiêu lớn, ngoài sự lãnh đạo của cấp trên, còn cần có sự tham gia của tập thể các thành viên trong tổ chức. Do đó, những thành viên này phải là những người năng động, có chuyên môn, tay nghề cao và có tinh thần lao động tốt.

Một mối quan hệ nữa đó là, hệ thống trang thiết bị, hệ thống thông tin và việc áp dụng công nghệ hiện đại. Xã hội ngày càng phát triển, khoa học ngày càng phát triển. Quá trình lao động của con người, cả lao động tay chân và lao động trí óc, đều cần có sự giúp đỡ của máy móc, của khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả của hoạt động. Hơn nữa, xã hội hiện đại là xã hội của thông tin. Chúng ta đang sống trong thời kỳ bùng nổ thông tin. Do đó, khi tính toán đến cơ cấu của một tổ chức, chúng ta không thể quên hai yếu tố khoa học kỹ thuật và thông tin. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc trang thiết bị hiện đại vào cơ cấu tổ chức, cũng như sự áp dụng hệ thống thông tin trong hoạt động của tổ chức, trong mối quan hệ công việc giữa các bộ phận, các cá nhân giúp tăng cường hiệu quả cuả hoạt động, nâng cao chất lượng của công việc và đẩy nhanh quá trình đạt được mục tiêu.

Đồng thời, mức độ chuyên môn hóa công việc cũng ảnh hưởng đến đổi mới phương thức điều hành tổ chức và cải cách hành chính hiện nay. Bởi vì, chuyên môn hóa công việc, đó là sự phân chia các nhiệm vụ thành những đầu việc riêng lẽ, mang tính chuyên môn, tập trung, do từng cá nhân chuyên trách thực hiện và báo cáo với cấp trên. Từ mức độ chuyên môn hóa sẽ dẫn đến việc tổ chức các bộ phận chức năng. Các bộ phận này bao gồm các nhóm các công việc gần nhau, có quan hệ vơi nhau. Việc tổ chức như thế đảm bảo cho bộ máy vận hành một cách khoa học và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kiểm tra, kiểm soát. Mối quan hệ công việc giữa các bộ phận chức năng cần có sự báo cáo, ai phải báo cáo cho ai, giảm thiểu tầng nấc trong hệ thống, để đảm bảo cho hoạt động của tổ chức được thực hiện đúng thời gian và có hiệu quả. Từ đây hình thành nên hệ thống chỉ huy, điều khiển. Hệ thống này sẽ chịu trách nhiệm nhận các báo cáo từ các bộ phận, các cá nhân, sau đó phân tích và đưa ra các giải pháp mở rộng quy mô hoạt động, cũng như giải quyết các vấn đề nảy sinh trong tổ chức.

Cuối cùng, nhà quản lý sẽ đưa ra các hình thức, nghi thức, cụ thể là những quy tắc, điều lệ, quy chế, nội quy. Những quy tắc này là những nguyên tắc chung cho hoạt động của tổ chức mà mọi thành viên trong tổ chức đều phái tuân theo, đảm bảo cho hoạt động của tổ chức được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất. Những quy tắc này cũng là thước đo cho sự công bằng trong tổ chức. Mọi thành viên trong tổ chức đều bình đẳng trước các quy tắc này. Nó đảm bảo cho tổ chức vận hành thông suốt, khoa học và có hiệu quả. Do đó, việc sắp xếp hệ thống cơ cấu tổ chức bộ máy đặc biệt quan trọng đối với các nhà lãnh đạo. Trong quá trình thực hiện, họ cần phải tính đến mọi nhân tố, mọi khả năng có thể ảnh hưởng đến tổ chức để từ đó đưa ra những giải pháp thích hợp, nhằm mục đích cuối cùng là đạt được mục tiêu chung của tổ chức.

Tóm lại, ngoài các quan hệ trên còn một số quan hệ khác làm ảnh hưởng đến đổi mới phương thức điều hành tổ chức công và cải cách hành chính hiện nay, như là chính trị, kinh tế, xã hội, pháp lý, tự nhiên… gọi là các yếu tố bên ngoài, các yếu tố này đóng vai trò thông qua sự tác động của nó lên tổ chức, lên cơ cấu tổ chức của bộ máy, hay nói cách khác nó tác động ngay lên chính các yếu tố bên trong thì lúc đó nó được xem là môi trường. Thật vậy, để một tổ chức đạt được mục tiêu chung-mục đích cuối cùng, trước hết cần phải có môi trường ổn định, qua đó tạo thành những tác nhân tích cực kích thích, tạo điều kiện cho yếu tố khác trong tổ chức phát triển, hoạt động có hiệu quả hơn. Cùng với các mối quan hệ ảnh hưởng đã phân tích ở trên, mối quan hệ môi trường đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đổi mới phương thức điều hành tổ chức công và cải cách hành chính hiện nay.

L.C.Q.M


…………………………………………….

(*) Th.S - Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tỉnh Thừa Thiên Huế












 

Các bài mới
Các bài đã đăng