Tạp chí Sông Hương -
Làng cổ Đường Lâm trước nguy cơ xóa sổ
15:50 | 08/06/2009
Năm 2006, làng Đường Lâm (xã Đường Lâm, TX Sơn Tây, HN) là ngôi làng cổ đầu tiên của Việt được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tiếng lành đồn xa, khách du lịch tìm đến với làng cổ đông dần lên. Đường Lâm, mảnh đất hai vua đã trở thành điểm đến của nhiều tour du lịch của khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, giờ đây di tích này đang đứng trước nguy cơ xóa sổ, do những bất cập trong việc quản lý, khai thác.
Làng cổ Đường Lâm trước nguy cơ xóa sổ
Nhà cổ đang dần biến mất thay bằng những ngôi nhà bê tông hiện đại.

Người dân không còn thiết tha giữ nếp nhà cổ

Nhắc đến làng cổ Đường Lâm, người ta sẽ dễ dàng liên tưởng tới những bức tường bằng đá ong xù xì, nâu trầm, màu thời gian... Thế nhưng nếu phải sống hàng ngày ở đây sẽ dễ dàng cảm nhận được sự bất tiện trong những căn nhà có mái quá thấp và không khí ẩm ướt vào những ngày mưa gió sụt sùi kiểu khí hậu đặc trưng vào mùa xuân của miền Bắc. Việc sống và sinh hoạt hàng ngày trong những ngôi nhà cổ được xây dựng bằng gạch đá ong có niên đại vài trăm năm tuổi này khiến người dân phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Mối lo lớn nhất là nhà bị sập, bà Hà Thị Vin, chủ nhân một ngôi nhà được xây bằng gạch đá ong cổ ngay gần đình làng Mông Phụ tâm sự. Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng, cả gia đình cũng đành thống nhất với phương án cho con cháu phá bỏ nhà cũ, xây mới.
 
Cũng cùng tâm trạng này, ông Nguyễn Ngọc Lê, chủ nhân của một ngôi nhà cổ có niên đại khoảng 300 năm cũng đang phải đối mặt với sự giằng xé giữa việc giữ nhà cổ hay xây mới. Ông Lê tâm sự: “Làng tôi nghèo nên mới giữ được những nếp nhà cổ này”. Song giờ đây, khi con cái các gia đình đã trưởng thành, nhiều đứa thành đạt, có kinh tế thì chúng không muốn bố mẹ phải sống trong những ngôi nhà cũ và luôn đe dọa sụp đổ bất cứ lúc nào. Chính vì lý do đó, nhiều gia đình khi có điều kiện kinh tế khá giả hơn đã quyết định phá bỏ nếp nhà xưa.

Ông cho biết, ngôi nhà của gia đình đã được nhiều đoàn chuyên gia về khảo sát, đo đạc, thu thập hồ sơ. Đến nay đã 8 năm ròng, việc tu bổ, nâng cấp vẫn chỉ là lời hứa. Nhà thì ngày một cũ hơn, dột thì không dột nhưng nát quá, người già sống ở đó không được. Hoàn thiện thủ tục giấy tờ để được cấp kinh phí tu bổ thì quá lâu, gia đình xin được sửa chữa cũng không được chấp nhận. Cứ dùng dằng thế đã 7 - 8 năm rồi, vì thế, tháng 5 vừa rồi, con cái ông đã quyết định sửa nhà. Một ngôi nhà cổ nữa lại sắp biến mất.

Tu bổ, tôn tạo rồi... đóng cửa không đón khách

Không chỉ dừng lại ở đó, giờ đây, người dân làng cổ nhiều người cũng không còn giữ được sự niềm nở, nhiệt tình vốn có của người làng như trước kia. Thậm chí, nhiều nhà còn đóng chặt cửa không tiếp khách, như nhà ông giáo Vĩnh, sau khi được sửa giờ cũng chẳng còn hứng thú với việc đón tiếp du khách, những người yêu mến, quan tâm đến những ngôi nhà đá ong của làng Việt cổ nữa.

Gia đình giáo Vĩnh được nhiều người cho là may mắn khi được chọn vào diện được tu bổ với kinh phí lên tới 200 triệu đồng. Thế nhưng, chẳng hiểu vướng mắc thế nào công trình đang tiến hành suôn sẻ thì bị đình lại, gạch ngói ngổn ngang. Ông Vĩnh đành lấy bạt phủ tạm lên cho đỡ xót. Rồi già nửa năm sau, công trình tu bổ cũng hoàn tất nhưng kể từ đó, cả hai vợ chồng ông cũng chẳng còn tâm trạng mở cửa đón khách nữa.

Tương tự như hoàn cảnh của nhà ông giáo Vĩnh, ở thôn Đông Sàng, nhà bà Vũ Thị Ấm cũng được chọn để tu bổ thí điểm. Bà kể, phải dây dưa tới hơn nửa năm mới lợp xong phần mái...

Bên cạnh đó, mỗi gia đình sở hữu các căn nhà cổ phải thường xuyên đón tiếp du khách, người thì hỏi han, chụp ảnh, đi vệ sinh... Chủ nhà phải bỏ công bỏ việc ra mà pha nước, mời bánh tiếp đón, thậm chí có nhiều hôm gia đình phải 2 - 3 giờ chiều mới được ăn cơm trưa… thế nhưng chỉ nhận được hỗ trợ từ ban quản lý di tích 70.000 đồng/tháng.

Nếu trước đây, khi chưa có chuyện thu phí vào làng thì vấn đề này chưa được quan tâm lắm. Song hơn một năm trở lại đây số tiền ít ỏi được ban quản lý hỗ trợ dường như tỷ lệ nghịch với số phí được thu là 15.000 đồng/lượt du khách khi đến làng cổ. Vì thế, tâm lý của những gia đình vẫn còn tiếp tục gìn giữ nếp nhà cổ cũng không còn nhiệt tình đón du khách như trước.

Cuộc sống của người dân Đường Lâm đang khá dần lên, nhu cầu cải tạo không gian sống cũng vì thế mà thay đổi. Nếu ngay từ lúc này, các cơ quan quản lý không có được giải pháp thích hợp với bài toán bảo tồn làng cổ, giải quyết mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát triển thì chẳng còn bao lâu nữa những hình ảnh đẹp về làng Việt cổ Đường Lâm chỉ còn tồn tại trong sách, ảnh và những thước phim tư liệu.

                                                                             Theo SGGP Online

Các bài mới
Các bài đã đăng