Tạp chí Sông Hương -
Người lính chiến năm xưa trong "Huyền ảo trăng"
15:06 | 21/09/2017

Tôi đã đọc hết gần 230 trang, gồm 11 truyện của tập truyện ngắn mang tên Huyền ảo trăng, mà nhà văn Châu La Việt tặng tôi trong những ngày tham gia Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến trang cách mạng vào giữa cuối tháng Tám ở Nha Trang, vẫn còn thơm mùi mực in.

Người lính chiến năm xưa trong "Huyền ảo trăng"

Thú thực, có những truyện tôi đọc vài lần vì thấy có những điều đáng để lưu tâm, như Huyền ảo trăng, Học sinh trường huyện hay Con trai người ca sĩ, dù đấy là những câu chuyện rất đỗi đời thường của người lính trong những năm tháng cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ở cả hai miền Nam - Bắc mà tôi và Châu La Việt đều là những người trong cuộc. Ông là lính pháo phòng không 37 ly, ở các Binh trạm 11 và 13 vùng Thượng Lào. Còn tôi cũng vậy. Chỉ khác là tôi ở các Binh trạm 32 và 34, Nam Lào. Vậy là tôi với ông có nhiều điều để hiểu về nhau và cùng chia sẻ.
 
Riêng vẻ bên ngoài hôm nay, khi cả hai chúng tôi đều đã rời cuộc chiến cách đây hơn 40 năm về trước và đã ở vào tuổi ngoại lục tuần cả rồi, thì hình như tôi và Châu La Việt chả ăn nhập gì nhau. Ông ta có vóc người hầm hố, thô ráp, cao, đậm, đầu cạo trọc, bụng phệ, nói chuyện oang oang và say sưa, thượng vàng hạ cám đúng theo phong cách lính chiến. Còn tôi thì ngược lại hoàn toàn...

Nhưng điều thú vị bất ngờ nhất sau khi tôi đọc xong tập truyện, ẩn chứa bên trong cái vẻ hung hổ, thô ráp ấy lại là hình bóng của người lính trẻ Châu La Việt khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi, hiền lành, nhu mì, dễ thương và cũng không kém phần tinh nghịch, giàu mộng mơ theo cách mà chúng ta thường thấy ở những cậu ấm cô chiêu Hà thành trong các tác phẩm văn chương lãng mạn thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, năm 1945.
 
Tôi cho rằng tất cả những người lính trong tập truyện này như Hiếu, Luân, Ngân, Toán, Quân, Thắng, Thy, Huân,... đâu đó đều mang bóng dáng cậu con trai của hai nhân vật nổi tiếng trong làng nghệ thuật nước nhà là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và NSƯT Tân Nhân. Chả thế mà Luân, trước khi bàn giao chức vụ tiểu đội trưởng cho Hiếu để đi nhận nhiệm vụ mới, từng nói: “Cậu là con một nghệ sĩ cả nước yêu quí, cậu sẽ biết sống thế nào để giữ gìn tiếng hát cho mẹ cậu, vì đó là tài sản chung của cả đất nước. Hãy nhớ mỗi thành tích, mỗi chiến công của cậu sẽ làm tiếng hát của mẹ hay hơn, bay xa hơn em nhé...” (Con trai người ca sĩ, tr 78).
 
Trước đấy, chính Hiếu cũng đã từng nói với đồng đội rằng: “... người lính chúng ta đi chiến đấu không phải chỉ có lý tưởng, chúng ta đi được ra chiến trường còn vì danh dự gia đình, vì tình thương cha mẹ và bạn bè gái trai, chúng ta ciến đấu dũng cảm vì những cặp mắt người thương trong theo, chúng ta có những câu thơ, câu hát mà vịn vào đấy mới có thể đi đến đích cuối cùng chiến thắng” (Con trai người ca sĩ, tr 75).
 
Vẫn biết là vậy, nhưng người lính có tên Hiếu trong truyện này phân biệt với những người khác là ở chỗ anh xuất thân từ phố thị, có học, có nhận thức và có ý thức về vai trò trách nhiệm đối với truyền thống gia đình của mình. Đấy đích thị là sự hóa thân của tác giả ở ngoài đời vào tác phẩm và được Châu La Việt viết khá công phu, cẩn trọng, dài tới 52 trang (từ tr 37 - 89), nên có thể coi đây là một tự truyện hơn là truyện ngắn. Trong số 11 truyện ngắn của tập sách tôi thích nhất hai truyện là Học sinh trường huyện Huyền ảo trăng.
 
Học sinh trường huyện xoay quanh câu chuyện về cô Thắm, người thấp bé, nhẹ cân tính khí lầm lì, ít nói vì cô mang trong mình một “nghi án” bố cô vào Nam theo Mỹ - Ngụy do dân làng cứ truyền vào tai nhau như thế từ bao giờ, mà chính Thắm là người trong cuộc cũng không hề hay biết. Điều ấy là nguyên nhân sâu xa khiến Thắm ngày càng ngại tiếp xúc với mọi người hơn. Đến mức, đùng một cái cô học trò bé bỏng ấy đã tự khai nâng tuổi mình lên khi tuổi đời cô mới có 15, để xung phong lên đường ra mặt trận những mong “lập công chuộc tội” và cũng là cách chạy trốn an toàn nhất khỏi búa rìu dư luận thời bấy giờ.
 
Nếu đúng như nhiều người nói, chiến tranh là quãng thời gian bất bình thường trong tiến trình lịch sử bình thường của nhân loại, thì trong quãng thời gian bất thường ấy, cái gì cũng có thể xảy ra. Sự đố kỵ của người đời đối với cô học trò trường huyện tên Thắm vì thế mà trở nên chuyện thường tình xảy ra lúc bấy giờ. Rồi bỗng nhiên một hôm trên đường làm nhiệm vụ nơi chiến trường trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Thắm vô tình nhận ra bố mình cũng là chuyện không lấy gì làm chúng ta quá ngạc nhiên.
 
Chiến tranh là thế đấy, là cái bất bình thường khi Thắm không thể ngờ được rằng người sĩ quan quân đội mà mình đang phục vụ lại chính là cha đẻ của mình ngay giữa chiến trường, chốn bom rơi đạn nổ. “Đến lúc này thì không cần hỏi han gì thêm nữa, và cũng không kìm được nữa, người sĩ quan dang tay ôm chầm lấy Thắm, xiết chặt: Con... bố Quân của con đây, khi bố đi mẹ con còn mang thai con trong bụng, anh Quang mới biết đi lẫm chẫm... Hai mươi năm rồi, bây giờ bố mới biết mặt con, mới được gặp con” (Học sinh trường huyện, tr. 34).
 
Và thế là “nghi án” bố đi Nam theo địch của Thắm đã được làm sáng tỏ, đem lại cho cô, gia đình và họ hàng niềm vui khôn tả. Nhưng có lẽ đáng nói hơn là nghệ thuật “gói vấn đề” trong câu chuyện của Châu La Việt kín đáo và nhuần nhuyễn, không dao to, búa lớn, không để lộ ý đồ. Đây thực sự là cách viết khôn ngoan của một người có nghề.
 
Huyền ảo trăng là câu chuyện mang đầy tính nhân văn của người lính. Thông qua câu chuyện kể về những tân binh trong quãng thời gian huấn luyện ở miền Bắc, trước khi vào chiến trường chiến đấu của hai người lính có tên là Huân và Toán. Chuyện về những ngày đóng quân ở những vùng quê hết Cao Bằng đến Phú Thọ, Ninh Bình, làm việc này việc khác, gặp người nọ, người kia,... tất cả họ đều hồn nhiên và vô tư, được sống những tháng ngày đẹp nhất của tuổi trẻ trong đoàn quân chiến đấu bảo vệ xóm làng, quê hương, đất nước và những người thân yêu, ruột thịt.
 
Nhưng có lẽ còn đáng trân trọng hơn, khi người lính biết chia sẻ nỗi khát thèm rất đàn bà của Hạnh, một người chị lớn tuổi hơn, có hai con và chồng hy sinh cách thời điểm Toán và Ngân đến nhà chị đóng quân chưa quá lâu. Đấy là vào một đêm trăng sáng như cái đêm Hạnh tiễn chồng ra mặt trận để rồi vĩnh viễn không bao giờ gặp lại. Hạnh cứ ngồi dưới ánh trăng mùa đông lạnh giá thế mà ngắm nhìn, mà mong đợi mà nhớ thương, mà khóc chồng.
 
Không thể để chị chủ ngồi ngoài rét thế mãi, Toán dậy dỗ Hạnh nín và khuyên chị vào đắp chung chăn cho đỡ rét. Lúc đầu chị cảm thấy ái ngái vì khoảng cách lứa tuổi và giới tính không dễ gì cho phép chị có thể chấp nhận điều ấy được ngay. Nhưng rồi Toán cứ động viên, dỗ dành mãi. Việc gì đến, ắt đến. Âu đấy cũng do hoàn cảnh xô đẩy và lòng người quá thương nhau.
 
Hạnh nhìn những chú bộ đội này, càng nhớ và thương chồng mình hơn. Toán thương cho người vợ trẻ góa bụa chốn quê nghèo. Thế rồi: “Tôi mạnh dạn cúi xuống hôn lên ngực trần của chị, người đàn bà cô đơn bật lên âm thanh của hạnh phúc, chị thều thòa gọi tên tôi trong khắc khoải mênh mông và kéo đầu tôi dúi vào bầu ngực tràn trề của mình, tôi cũng nhiệt tình hưởng ứng và “yêu chị say mê”” (Huyền ảo trăng, tr 107 - 108).
 
Người lính không chỉ biết chiến đấu anh dũng nơi chiến tuyến chống quân thù bảo vệ cuộc sống bình yên cho xóm làng, quê hương, đất nước, mà còn biết làm cho những người phụ nữ ở hậu phương hạnh phúc, thỏa mãn nhu cầu tình cảm là một hành động hết sức nhân văn của Toán nói riêng và của nhiều người lính chúng ta nói chung. Bởi lẽ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của cả dân tộc ta cách đấy hơn 40 năm về trước, đâu chỉ có những người lính biết hy sinh nơi chiến trường, mà còn có cả những người phụ nữ chịu thiệt hòi, hy sinh tình cảm của mình ở chốn hậu phương.
 
Trong văn chương, theo tôi, có lẽ nhà thơ Hữu Loan là người thấu hiểu nhất sự hy sinh, mất mát ấy của người phụ nữ ở hậu phương thời chiến chinh, khi ông hạ bút viết những dòng thơ khóc người vợ trẻ rất đỗi yêu thương, thế này: “Lấy chồng thời chiến chinh/ Mấy người đi trở lại/ Nhỡ khi mình không về/ thì thương/ người vợ chờ/ bé bỏng chiều quê... / Nhưng không chết/ người trai khói lửa/ Mà chết/ người gái nhỏ hậu phương...” (Màu tím hoa sim - Hữu Loan). Đấy, chiến tranh là thế đấy. Hôm nay thế hệ trẻ chúng ta được sống trong hòa bình, dựng xây quê hương đất nước càng phải biết trân quí hơn những gì mà cha ông chúng ta đã đổ máu, hy sinh trước đây.  
 
 Văn của Châu La Việt dễ đọc, dễ hiểu, chân chất hồn nhiên như tâm hồn người lính chiến năm nao, nên rất gần gũi với những người lính hôm nay đang ngày đêm canh giữa sự bình yêu cho đất trời Tổ quốc Việt Nam ngàn đời yêu dấu. 
 
Hà Nội, 1h 20’ sáng ngày 18/9/2017
Nguồn: Đỗ Ngọc Yên – VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng