Tạp chí Sông Hương -
Đấu giá nghệ thuật: Ba biến dạng đáng ngại
15:01 | 22/09/2017

Hoạt động đấu giá nghệ thuật ở Việt Nam mới đang ở buổi bình minh. Buổi đấu giá nghệ thuật chính thức đầu tiên được tổ chức cách đây chưa đầy hai năm bởi Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt tại Hà Nội hồi tháng 5/2016.

Đấu giá nghệ thuật: Ba biến dạng đáng ngại
Bức “Phố cũ” của Bùi Xuân Phái được đấu giá ngày 21/7/2017 tại nhà đấu giá Chọn bị tranh luận về tính thật giả. Nguồn: thethaovanhoa.vn

Trên lý thuyết, với bản chất công khai và minh bạch, lại được bảo đảm bởi các quy định về pháp lý, đấu giá là một kênh lý tưởng cho cả người mua và người bán các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng thực tế lại cho thấy một số biến dạng đáng lo ngại của hoạt động mới mẻ này.

Cuối tháng 12/2016, tôi nhận lời làm giám tuyển cho một buổi đấu giá của Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt. Được mời làm giám tuyển cho một phiên đấu giá có nghĩa khi bức tranh có người mua, mình phải nói câu cuối cùng, khẳng định tác phẩm đấu giá là tác phẩm gốc. Phiên đấu giá đó có bức tranh bột màu “Dưới hầm trú ẩn” của họa sĩ Bùi Xuân Phái, vẽ vợ và các con ông, khi đó đang sống ở phố Thuốc Bắc, do không đi sơ tán nên phải đào nền nhà làm hầm trú ẩn. Bức tranh được vẽ ngay trong tháng 12/1972 khốc liệt. Nhưng đó là những thông tin do nhà đấu giá đưa ra. Vì nhận lời làm giám tuyển, tôi buộc phải tìm hiểu thêm lai lịch bức tranh. Tôi đã tìm gặp chủ sở hữu bức tranh thì được ông khẳng định mua bức tranh trực tiếp từ gia đình họa sĩ. Nhưng đó cũng chỉ là thông tin từ chủ sở hữu, tôi chỉ có thể tin một phần, như chỉ có thể tin một phần thông tin mà nhà đấu giá đưa ra. Như mọi người biết, tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái bị làm giả, bị chép rất nhiều, nên tôi phải trực tiếp gặp gia đình họa sĩ tìm hiểu thêm. Tôi được con dâu họa sĩ kể, chỗ nền nhà có phần gạch lát không đồng nhất chính là do sau khi kết thúc chiến tranh, hầm trú ẩn đã được lấp đi và lát gạch mới, và bức tranh đúng là được bán cho người mang tranh đến đấu giá. Đó là câu chuyện về công việc của giám tuyển, đi đến tận cùng là phải như vậy.

Trên lý thuyết, bán đấu giá tạo ra môi trường chính xác về chất lượng và giá cả. Nếu bạn đến gallery mua một bức tranh thì việc mua bán dễ bị thao túng bởi một vài cá nhân vì diễn ra trong môi trường riêng tư và hạn hẹp, do đó có khả năng bạn bị mua bức tranh với giá cao hơn giá trị thực. Còn ở một phiên đấu giá thì đó là ván bài ngửa, giá sẽ chính xác hơn. Chưa kể, hoạt động đấu giá đã có hành lang pháp lý rõ ràng, hoạt động của nhà đấu giá phải được cấp phép bởi Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp tùy theo quy mô, đấu giá viên cũng phải được cấp chứng chỉ. Với sự công khai và minh bạch, lại được bảo đảm bằng pháp lý như vậy, hoạt động đấu giá tạo thêm một kênh rất hữu ích cho cả người mua và người bán các tác phẩm nghệ thuật - người bán tìm được người trả giá tốt nhất, còn người mua tìm được tác phẩm được bảo chứng về chất lượng.

Nhưng đó là trên lý thuyết, còn thực tế, tôi nhận thấy các phiên đấu giá đang có những biến dạng đáng lo ngại vì cả những lý do chủ quan và khách quan:

1/ Mượn đấu giá tác phẩm để “đấu giá” bản thân

Tôi xin dẫn ra trường hợp sau. Tại phiên đấu giá đầu tiên của nhà đấu giá Lạc Việt, tôi tư vấn chọn cặp chóe Tứ Linh của nghệ nhân Bát Tràng Phạm Anh Đạo làm tác phẩm đinh - các phiên đấu giá theo tôi đều nên có chủ đề và tác phẩm đinh. Đây là cặp chóe độc bản cao 2,5m, nặng 500kg, được làm hoàn toàn bằng tay theo kỹ thuật vuốt gốm cổ truyền, phục hồi tinh thần gốm Bát Tràng thế kỷ 19, đắp nổi, men rạn hạt ngô. Sau nhiều vòng đấu, giá cặp chóe từ mức khởi điểm là 900 triệu đã được ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, thông qua đại diện, chốt ở giá 6 tỷ 50 triệu đồng1. Nhưng sau đó, ông đã từ chối mua cặp chóe mà ông đấu giá thành công. Ông chỉ mất 50 triệu đồng đặt cọc nhưng cái mất của phiên đấu giá lần đầu được tổ chức ở Việt Nam còn lớn hơn thế nhiều, nó giống như dội một gáo nước lạnh cho những người mới bước chân vào hoạt động tổ chức đấu giá nghệ thuật. Dùng một buổi đấu giá trang trọng ở khách sạn 5 sao, có sự tham gia của đông đảo cơ quan truyền thông để đánh bóng tên tuổi mình, tôi cho là hành vi thật khó chấp nhận. Nhà đấu giá Lý Thị ở Sài Gòn cũng đã bị khách trúng đấu giá “bỏ của chạy lấy người” trong phiên đấu giá đầu tiên của mình hồi tháng 12/20162.

2/ Giá giả, nhà sưu tập giả

Ở một phía khác, lại có hiện tượng nhà tổ chức cài người thân tham gia đấu giá để đẩy giá tranh lên (giá giả) hoặc mua giả để tự đánh bóng mình. Những trường hợp này rất khó chứng minh nhưng người trong nghề thì ai cũng biết. Chiêu thức lừa đảo nữa khá phổ biến là tạo dựng ra người sở hữu tranh gửi tham gia đấu giá với cam kết đây là những bức tranh trong sưu tập cá nhân cũng như cam kết họ là chủ sở hữu hợp pháp, điều hiển nhiên là không có gì bảo đảm rằng các bức tranh được đấu giá từ những sưu tập đó là thật.

3/ Tranh giả, tranh nhái, tranh không rõ lai lịch

Như tôi đã nói ở trên, đấu giá là hình thức mua bán tác phẩm nghệ thuật có sự bảo đảm về chất lượng, nhưng đó là với điều kiện nhà đấu giá thuê được những giám tuyển có năng lực chuyên môn. Nhưng vì chưa làm được điều này, nên chúng ta lại phải chứng kiến một biến dạng khác ở những phiên đấu giá, đó là sự xuất hiện công khai của những tác phẩm giả, những tác phẩm nguồn gốc mập mờ. Tôi xin dẫn ra trường hợp của Chọn Auction House, nhà đấu giá có nhiều phiên gặp sự cố. Ví dụ: Bức “Phố cũ” của Bùi Xuân Phái bị tranh luận về tính thật giả3; sự cố với tranh của Nguyễn Mai Thu, tên khác là M.Thu (tác phẩm được đem đấu giá nhưng thông tin năm sinh, năm mất, giới tính, quê quán, quốc tịch của họa sĩ đều bỏ trống, dẫn đến những đồn thổi hư hư thực thực quanh bức tranh); sự cố với tranh của Nguyễn Văn Tỵ (dựa vào một nguồn tham khảo không chắc chắn là cuốn sách của họa sĩ Nguyễn Dung để chứng minh nguồn gốc bức tranh, nhưng sau đó, chị Bình Minh, con gái họa sĩ, khẳng định tác phẩm được đấu giá không phải tác phẩm của cha mình)… Có thể Chọn đã dựa vào một hội đồng giám tuyển chưa chuẩn chăng? Điều này khó nói chính xác vì Chọn không muốn công khai danh tính Hội đồng thẩm định của họ.
 

Bức tranh “Rồng thức tỉnh” có giá khởi điểm 9.600 USD cuối cùng đã không được trả giá tại phiên đấu giá ngày 27/8/2017 do trước đó, con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ khẳng định cha mình không có bức tranh nào như thế này. Nguồn: thethaovanhoa.vn


Cuối cùng, tôi muốn nói riêng về trường hợp gây tranh cãi của một tác phẩm đã được đấu giá thành công tại nhà đấu giá Chọn ở phiên đầu tiên, đó là tác phẩm “Cô gái thỏ” của họa sĩ Nguyễn Phan Bách, bị cho là “nhái” tranh của một họa sĩ nước ngoài4. Tôi xin kể câu chuyện, hè vừa rồi, tôi đi Mỹ và có đến thăm Bảo tàng Broad, Los Angeles. Tại đây, tôi được xem một số tác phẩm của Roy Lichtenstein (1923- 1997) mà ông lấy cảm hứng từ nguyên tác của Pablo Picasso, có điều thông tin về việc lấy cảm hứng từ đâu luôn được minh bạch trên tiêu đề các bức tranh. Roy không phải là người đầu tiên có sáng kiến này mà đây đã là một truyền thống trong hội họa thế giới, coi các tác phẩm của người khác là đề tài để kể lại bằng ngôn ngữ hội họa của mình, phong cách nghệ thuật của mình. Tôi cho rằng, nếu Bách công khai thông tin “mượn đề tài” thì anh đã không phải chịu tiếng oan ấy. Trường hợp này là một minh chứng cho thấy thị trường nghệ thuật nói chung, hoạt động đấu giá nói riêng, đòi hỏi tính minh bạch đến mức khắt khe, bởi đây chính là yếu tố quan trọng nhất giúp nó tạo dựng uy tín.

Nói tóm lại, đang có hiện tượng lợi dụng một hoạt động có bản chất minh bạch để làm chuyện không minh bạch ở các phiên đấu giá nghệ thuật. Điều này là vô cùng tệ hại khi mà hoạt động đấu giá nghệ thuật còn đang ở buổi bình minh, người mua rất cần lòng tin vào người bán, và người bán cũng kỳ vọng vào sự chân thành của người mua. Đổ lỗi cho ai thì cũng là việc dễ dàng hơn tìm ra cách khắc phục. Kể từ sau phiên đấu giá nghệ thuật đầu tiên của nhà đấu giá Lạc Việt, chúng ta đã có thêm các phiên đấu giá định kỳ (thường là hằng tháng) của Lý Thị, Chọn, Công ty Cá Sấu Việt Nam, và sẽ còn nhiều nhà đấu giá nữa ra đời. Luật đấu giá trực tiếp đã có, sắp tới sẽ có luật đấu giá qua mạng. Nhưng luật muốn hiệu quả thì luôn phải đi đôi với ý thức tuân thủ luật pháp của nhà tổ chức đấu giá, người đưa tác phẩm tham gia đấu giá, và người mua tác phẩm, bởi vậy mới nói yếu tố con người quyết định trên hết. Chế tài xử phạt nặng và nghiêm cũng có tác dụng, nhưng sẽ không giải quyết được rốt ráo các vấn đề nảy sinh, nếu những người tham gia thị trường đấu giá sẵn lòng trục lợi từ sự thiếu đàng hoàng, minh bạch, bất chấp việc nhân cách, phẩm giá và lòng tự trọng của họ có thể bị hủy hoại.

Nguồn: Lê Thiết Cương - Tia Sáng

----------
1 http://danviet.vn/van-hoa/doi-choe-duoc-dau-gia-hon-6-ty-bat-ngo-bi-khach-mua-tu-choi-685710.html
2 http://thanhnien.vn/van-hoa/hoa-si-doi-tranh-sau-dau-gia-vi-dau-nen-noi-832906.html
3 http://anninhthudo.vn/giai-tri/xon-xao-that-gia-phien-dau-gia-buc-tranh-pho-cu-cua-bui-xuan-phai/735588.antd
4 http://thanhnien.vn/van-hoa/nan-dao-y-tuong-trong-my-thuat-viet-872694.html

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng