Tạp chí Sông Hương -
Nghe nhạc không thụ động
15:28 | 01/11/2017

Không phải ai sinh ra cũng đã có thẩm mỹ âm nhạc mà nó được hình thành gắn với không gian sống, điều kiện thụ hưởng. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, hiện nay ở Việt Nam hầu hết các chương trình nghệ thuật chỉ trình diễn một vài thể loại nhạc, bó hẹp sự lựa chọn của khán giả. Nếu mọi người tự mở rộng, bỏ qua rào cản để thử nghiệm nhiều thể loại nhạc khác nhau, sẽ phát hiện ra nhiều thứ mới mẻ, thú vị.

Nghe nhạc không thụ động
Tự do lựa chọn âm nhạc sẽ đem lại những cảm xúc thú vị

Tự do lựa chọn

Nghe nhạc là cách nới rộng biên độ tưởng tượng của mỗi người để có thể trải nghiệm nhiều hơn. Hiện nay, đa số mọi người nghe nhạc một cách thụ động, nhiều khi làm giảm sự thú vị. Đặc biệt, người Việt đang ở trạng thái nghe lời là chính, không quan tâm đến dòng nhạc không lời, giao hưởng hay jazz, vì cho rằng đó là nhạc bác học. Thực tế không phải chỉ những người làm trong lĩnh vực này và hiểu về âm nhạc mới có thể nghe các thể loại nhạc đó. Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: “Cần xóa bỏ mặc cảm này, bởi điều cần thiết là sự tưởng tượng mang lại cảm xúc. Không nên nghe nhạc một cách thụ động theo kiểu ca sĩ này đang nổi tiếng thì chọn nghe, hoặc nhạc sĩ được truyền thông nhắc đến nhiều mới tìm mua sản phẩm của họ”. 

Nếu bỏ qua mặc cảm về sự hiểu biết, ca từ và tự cảm nhận bằng cảm xúc, sẽ nhận thấy nhiều điều thú vị âm nhạc đem lại. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, khi nghe nhạc và tưởng tượng được, chắc chắn sẽ tìm thấy sự chia sẻ, đồng cảm, giúp con người có cuộc sống tinh thần phong phú hơn. Những âm thanh tác động đến cảm xúc. Như tiếng đàn piano mang đến âm sắc khiến người nghe cảm thấy có sự lãng mạn, bay bổng hay đượm buồn. Nhạc giao hưởng đưa đến cảm giác được thưởng thức sự cộng hưởng, tạo khí thế để bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả...

Bằng cách thưởng thức và tưởng tượng, những bản nhạc có chất lượng âm thanh tốt sẽ đưa lại cảm xúc tốt cho tinh thần. “Việc nghe nhạc chất lượng giống như sử dụng hàng hiệu đem lại đẳng cấp. Đặc biệt nghe hòa tấu nên lựa chọn nhạc nước ngoài, không phải sính ngoại hay chê nhạc Việt Nam, mà bởi chúng ta chưa có thị trường nên không có người đầu tư, nhạc hòa tấu của Việt Nam chưa đạt chất lượng” nhạc sĩ Quốc Trung gợi ý.

Hiện nay, để tìm kiếm nhạc giao hưởng, cổ điển, hòa tấu… rất dễ dàng. Nhưng muốn xây dựng thẩm mỹ nghe nhạc, trước tiên phải được làm quen, tiếp xúc từ sớm, theo cách nhẹ nhàng, tự nhiên, thoải mái nhất, nhưng cũng phải phù hợp nhất. Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, nhạc cổ điển, giao hưởng, chỉ nghe tại nhà hát mới có thể thưởng thức một cách trọn vẹn. Thời đại phát triển hiện nay, việc nghe nhạc tại nhà hát với chất lượng âm thanh đỉnh cao không khó. Cũng cần chú ý cho trẻ nhỏ tiếp xúc sớm với thể loại nhạc không lời để kích thích sự cảm thụ và tự nhận biết theo cách riêng về âm sắc của từng loại nhạc cụ. “Tôi không đề cao nhạc không lời và kỳ thị nhạc xưa hay dòng nhạc khác, mà tôi muốn để người nghe có nhiều quyền được lựa chọn hơn”, nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Âm nhạc là bạn

Âm nhạc tồn tại song hành với đời sống của con người. Từ khi chào đời, ai cũng được làm quen với âm nhạc qua lời ru của mẹ hay khi từ biệt cuộc đời cũng được tiễn đưa bằng những giai điệu. Vì thế, âm nhạc có thể xem như một người bạn. Người bạn đó như thế nào lại tùy thuộc với mỗi người. “Đa số mọi người hay mặc định bạn là người phải đưa ra những lời ve vuốt, đặc biệt phụ nữ thường bị chi phối bởi cảm tính, sẽ nghĩ rằng bạn là phải có sự ủng hộ. Nhưng thực ra, điều đầu tiên cần ở một người bạn đó là được tin tưởng và lắng nghe. Âm nhạc cũng vậy”, nhạc sĩ Quốc Trung ví von.

Truyền thống nghệ thuật của Việt Nam luôn cho rằng, nhạc nghĩa là phải hát, nhạc thường để mua vui, thời phong kiến chỉ dành cho vua quan. Điều này khác với phương Tây, nhạc là chơi đàn, nhạc mang lại sự vui vẻ, nhạc để nhảy múa. Nhạc Việt Nam hầu hết chỉ để hát nên gần 90% có lời. Điều này không phải không hay nhưng vì thế lại dùng câu chuyện để đưa người nghe đến với âm nhạc chứ không phải dùng chính âm nhạc đó để người nghe được tự do tưởng tượng.

Âm nhạc có hai yếu tố, nốt nhạc và âm thanh. Không cần quá chú ý đến nốt nhạc, hòa âm, người nghe chỉ cần âm thanh tác động đến não và dùng trí tưởng tượng để nghe và cảm nhận. Thực tế, trẻ con chưa được học hay biết về nhạc lý nhưng khi được nghe bản nhạc yêu thích, chúng có thể ngồi tập trung… Nói như thế để thấy rằng âm nhạc tác động đến não bằng âm thanh mà chưa cần các yếu tố khác. “Nhiều khi mọi người có thói quen đến với âm nhạc theo cách phải chiều chuộng mình. Đến với bạn mà bắt bạn phải theo ý mình sẽ rất dễ mất bạn”, nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Theo Hồng Nhung - ĐBND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng