Tạp chí Sông Hương -
Ra mắt sách “Nước Nga - Hành trình tới tương lai”
09:21 | 07/11/2017

Nhiệt hứng của niềm tin

Chính luận nhưng không khô khan, câu từ nhạy bén mà đầy cuốn hút, cảm xúc bay bổng song không hề mâu thuẫn với độ sâu sắc của tư duy. Bằng cách ấy, tác giả - nhà báo Hồ Quang Lợi đã nối dài mạch nhận thức cho người đọc về Cách mạng Tháng Mười, về nước Nga. Suy tư theo từng trang viết, mỗi người sẽ có thêm góc nhìn, sự yêu quý, lòng tin và mong muốn những điều tốt đẹp.

Ra mắt sách “Nước Nga - Hành trình tới tương lai”
Nhà báo Hồ Quang Lợi giao lưu với độc giả trong buổi ra mắt sách Nước Nga - Hành trình tới tương lai - Ảnh: Thái Minh

Dấu ấn thăng trầm

Nước Nga trong tâm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam là quê hương của Lênin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân thế giới, quê hương của một nền văn hóa lớn với những đại thụ trong các lĩnh vực văn chương, nghệ thuật. Nước Nga cũng đã khắc vào dòng chảy lịch sử những dấu ấn vĩ đại thế kỷ XX. Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười nổ ra làm rung chuyển thế giới, nhà nước Xã hội Chủ nghĩa đầu tiên xuất hiện, Liên bang các nước Xã hội Chủ nghĩa ra đời. Đến giữa thế kỷ, Liên Xô cùng các nước đồng minh đánh bại Chủ nghĩa phát xít, hình thành hệ thống thế giới mới.

Nhưng trong các trang viết của mình, nhà báo Hồ Quang Lợi đề cập nhiều về những vấn đề nóng bỏng diễn ra ở Nga từ thời khắc Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Từng trang trong “Nước Nga - Hành trình đi tới tương lai” cho người đọc hình dung sinh động về con đường gập ghềnh, đầy trắc trở, chông gai mà đất nước này phải trải qua. Các bài viết được kết nối thành chủ đề, sắp xếp lần lượt từ “Vận đổi, sao dời”, “Hỗn mang” sau cú sốc, “Đứng dậy và đi tới” đến “Nước Nga và thế cuộc toàn cầu”. Từng chương đoạn hô ứng nhau giống như một cuốn phim sống động bằng ngôn từ. Hình ảnh nước Nga được tái hiện trong những diễn biến đầy bão lửa cùng tâm trạng hồi hộp, căng thẳng của biết bao người chứng kiến “đêm trước” cuộc chính biến dữ dội trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX; trong những thử thách, cam go dưới thời V. Putin ở vào thế cờ quốc tế vô cùng phức tạp…

Ngọn gió thời đại từ Cách mạng Tháng Mười thổi suốt chiều dài của thế kỷ XX sang những năm đầu của thế kỷ XXI, mang theo khát vọng cháy bỏng của nhiều dân tộc về một thế giới hòa bình, hợp tác, bình đẳng, công bằng, phồn vinh và hạnh phúc. Đây cũng là điều thôi thúc nhà báo Hồ Quang Lợi cầm bút, với tình yêu sâu sắc và hướng tới những điều tốt đẹp. Giọng điệu văn phong chính luận nhưng người đọc vẫn cảm nhận được dòng cảm xúc mạnh mẽ, hài hòa giữa cái sắc sảo, mạch lạc của trí tuệ với sự tin tưởng ở trái tim.

Nhà văn Bùi Việt Thắng đánh giá: “Cuốn sách được viết từ nhiệt hứng tương lai với sự cảm thấu, tức hướng cái nhìn về phía trước chứ không phải quá vãng. Viết theo sự hướng dẫn của nhiệt hứng tương lai không phải vị lai mà dựa trên cái nhìn biện chứng từng đường đi nước bước của nước Nga. Ấy là điều thể hiện tư duy của nhà báo, thể hiện trải nghiệm văn hóa cao, sâu, rộng, dày và lan tỏa”.

Tình yêu và tin tưởng

Tại buổi ra mắt sách Nước Nga - Hành trình đi tới tương lai ngày 2.11, TS. Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhớ lại thời điểm cuộc chính biến ở Liên Xô tháng 8.1991 trở thành đề tài nóng hổi trên các mặt báo. Trong một cuộc nói chuyện với nhà báo Hồ Quang Lợi, ông hỏi: Tại sao không thấy báo Quân đội Nhân dân bình luận về sự kiện này? Nhà báo Hồ Quang Lợi bấy giờ đang là Phó Tổng biên tập của báo trả lời: Sự thật tôi không có đầy đủ thông tin nên không bình luận. “Quả thực có những bài bình luận sau đấy ta thấy rằng hơi vội vàng. Câu chuyện ấy để thấy sự cẩn trọng của người làm bình luận quốc tế, không đủ thông tin thì không viết. Đấy cũng là bài học ý nghĩa về mặt đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo nói chung”, TS. Trần Bá Dung nói.

64 bài viết trong cuốn sách, vì vậy, là kết quả của đạo đức người làm báo, của tư duy chính luận và tinh thần trách nhiệm trước thời cuộc. Nhưng với nhà báo Hồ Quang Lợi, đó còn là kết tinh của tình yêu và sự trân quý: “Tôi không được học ở Liên Xô trước đây, cũng không từng làm việc ở Nga, không nói được tiếng Nga, nhưng lại viết về nước Nga. Viết để biết rằng người Việt Nam đang hướng về nước Nga, bằng tình yêu và cả sự tin tưởng”. Tròn 100 năm kể từ Cách mạng Tháng Mười, gần 30 năm kể từ những biến động có tính đảo lộn ở Nga, những dư âm dường như vẫn còn đó. Nhưng tình cảm hướng về nước Nga không thuần cảm xúc mà đó còn là ý thức chính trị sâu sắc.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết, gần 500 trang sách là một phần trong số rất nhiều bài viết về nước Nga của ông. Những suy tư, nhìn nhận, phân tích và đánh giá ấy đi tìm giải đáp thỏa đáng cho mỗi người rằng điều gì đã diễn ra ở Liên Xô, con đường nước Nga đang đi hôm nay như thế nào… Các sự kiện “vô tiền khoáng hậu” trong dòng chảy lịch sử chính là bài học lịch sử, bài học về niềm tin và ý chí. Một ngày thức dậy không còn Liên Xô là điều thế giới không chuẩn bị, những con người sống trên mảnh đất ấy lại càng không. Nhưng nước Nga không chìm đắm trong bi kịch. Đứng dậy và đi lên, câu chuyện của nước Nga đang tiếp tục. Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng: “Giữa Việt Nam bây giờ và nước Nga xa xôi từ 100 năm trước có sự kết nối lịch sử, văn hóa và giờ đây lại gặp nhau ở cảm xúc thời đại, ở sự tin tưởng, ý chí hướng về tương lai. Điều đó cao quý, thiêng liêng vô cùng”.

Theo Lê Thư - ĐBND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng