Tạp chí Sông Hương -
Những người hùng thầm lặng
14:59 | 17/11/2017

42 năm đã trôi qua sau ngày giải phóng, vẫn còn đó một đơn vị - đội Cận vệ A6. Người còn, người mất nhưng tinh thần, sự cống hiến và hy sinh của họ vẫn luôn được khắc ghi.

Những người hùng thầm lặng
Hình ảnh xúc động tại buổi ra mắt Đội Cận vệ A6 anh hùng
Những thước phim tìm về quá khứ

Quá trình thực hiện bộ phim được khởi động từ tháng 8-2011, bắt đầu từ ý tưởng của ông Phạm Văn Hùng (Ba Hùng), người trong biệt đội A6, nguyên là thư ký của đồng chí Võ Văn Kiệt. Sau khi nhận được cuốn kỷ yếu A6 Đội cận vệ anh hùng, biên kịch Lê Văn Duy đã triển khai kịch bản và được Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM giao cho Hội Điện ảnh TPHCM thực hiện. Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM làm đạo diễn.

Có trong tay nhiều tư liệu quý về đội cận vệ năm xưa nhưng ê kíp thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, hành trình ấy chưa khi nào ngơi nghỉ. Suốt hơn 1 năm qua, cả ê kíp đã nỗ lực rất nhiều để có thể hoàn thành phim vào đúng dịp đặc biệt kỷ niệm 77 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 – 23-11-2017), 95 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Có những nhân chứng lịch sử mà ngày đầu tiên bấm máy họ vẫn còn, nhưng hôm nay đã mãi mãi đi xa. Thêm một điều khiến chúng tôi cảm thấy có lỗi, đó là những thước phim đã không thể nêu đủ tên, hình ảnh của các thành viên của đội cận vệ A6 anh hùng”, bà Dương Cẩm Thúy chia sẻ. 

Theo kế hoạch, ban đầu phim dự định thực hiện với thời lượng 3 tập, nhưng trong quá trình sản xuất, với những tư liệu quý và những câu chuyện xúc động, ê kíp quyết định nâng lên thành 5 tập (từ 31 - 35 phút/tập) bao gồm: Chúng tôi là chiến sĩ cận vệ, Những câu chuyện kể..., Tiến lên toàn thắng ắt về ta, Nghĩa tình đồng đội, Không thể nào quên... Theo bà Dương Cẩm Thúy, quá trình ghi hình cho bộ phim trải dài trên nhiều tỉnh thành của cả nước từ quê hương Vĩnh Long của đồng chí Võ Văn Kiệt cho đến Cà Mau, Long An, Tây Ninh, các tỉnh Tây Nguyên... Một điều may mắn cho ê kíp thực hiện, đó là chính những chứng nhân lịch sử xưa vừa là diễn viên đồng thời cũng là cố vấn cho dự án. “Bộ phim không chỉ ghi nhận tương đối đầy đủ những cán bộ, chiến sĩ từng là thành viên của Đội Cận vệ A6 mà còn là bài học giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”. 
 
Cuộc hội ngộ bùi ngùi
 
Buổi ra mắt bộ phim tài liệu Đội Cận vệ A6 anh hùng có lẽ đặc biệt hơn tất thảy bởi những gì diễn ra đong đầy cảm xúc. Những thước phim đã hoàn thành sau cả một chặng đường dài nỗ lực. Trong ngày hội ngộ, dù người còn người mất nhưng những câu chuyện xưa đã được chính người trong cuộc kể lại bằng niềm tự hào, sự rưng rưng. Tất cả đã gọi Anh Sáu - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người anh, người chú, người cha tinh thần của họ.  
 
Đôi tai không còn nghe rõ, trí nhớ đã bớt đi phần nào sự minh mẫn nhưng ở tuổi gần 90, cụ Nguyễn Thị Hữu (Sáu Trung) - Anh hùng Lực lượng vũ trang duy nhất còn sống sót của Đội Cận vệ A6 vẫn nhớ như in những ngày tháng làm giao liên cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từng bị địch bắt giam 4 năm, bị tra tấn dưới nhiều hình thức nhưng người chiến sĩ Sáu Trung vẫn nhất quyết không khai địa bàn hoạt động của đội. Trong ký ức của những người đồng đội, sau khi trốn thoát khỏi nhà tù, được nghe lại câu chuyện về bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng chí  đã vô cùng xúc động bởi đã được thủ trưởng tin tưởng tuyệt đối về lòng trung thành. Hiện nay, dù chỉ sống một mình tại quận 10, TPHCM nhưng cụ vẫn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng.   
 
Đó còn là câu chuyện xúc động của đồng chí Huỳnh Văn Cang, thư ký cho cố Thủ tướng khi kể lại tường tận những năm tháng cận kề bên Người với tâm trạng rưng rưng. Ông chia sẻ: “Tôi rất vui vì cuốn phim về Đội Cận vệ A6 đã hoàn thành. Xem rất hay, cảm động và có nhiều cảnh dàn dựng giỏi”. 
 
Đó còn là câu chuyện của Đại tá Phạm Thanh Dân (Ba Dân), người trực tiếp mổ cho cố Thủ tướng khi bị thương và nhớ như in câu nói của người “Mày mổ vậy tao chịu được”. Cũng không thể không nhắc đến câu chuyện của ông Hứa Minh Thuân (Cà Mau), người được phân công phụ trách thông tin, cũng là người trực tiếp cắt tóc cho cố Thủ tướng. 
 
Giây phút xúc động và lắng đọng nhất đó là khi các thành viên của Đội Cận vệ A6 cùng ê kíp thực hiện bộ phim cất vang lời ca của ca khúc Đội Cận vệ A6 anh hùng (sáng tác Nguyễn Đức Trung). “Tự hào chiến sĩ đội cận vệ A6 anh hùng. Đất nước vui thống nhất đồng đội giờ thiếu vắng bao người? Thời gian tóc sương hai màu phai nắng chiều. Cùng vang khúc ca anh hùng trong trái tim”. 
 
Đội Cận vệ A6 anh hùng sẽ được phát sóng trên Đài Truyền hình TPHCM và các đài địa phương Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang từ ngày 19 đến 23-11.
 
Đội Cận vệ A6 anh hùng là bộ phim tài liệu nói về một đơn vị là lực lượng an ninh chuyên trách bảo vệ, phục vụ và chăm sóc đồng chí Võ Văn Kiệt, với các nhiệm vụ khác nhau trong kháng chiến chống Mỹ. Đơn vị cũng trực tiếp tham gia chiến đấu, chống càn, đặc biệt trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Đội đã có nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đơn vị cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Đội bảo vệ sau này được đồng chí Võ Văn Kiệt đặt tên là Đội Cận vệ A6 (tên gọi thân mật Anh Sáu của cố thủ tướng). Trong hơn 100 thành viên của đội thì 38 người đã mãi mãi yên nghỉ.

Theo VĂN TUẤN - SGGP

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng