Tạp chí Sông Hương -
Trăm mùa thu vàng
09:28 | 20/11/2017

Vào lúc 20h ngày 23/11, tại phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, sẽ diễn ra đêm nhạc “Trăm mùa thu vàng” vinh danh NSND - nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên.

Trăm mùa thu vàng
NSND, NGND Thái Thị Liên.

1. Nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên năm nay sắp bước vào tuổi tròn trăm (bà sinh 4/8/1918), nhưng hàng ngày vẫn dành thời gian chơi piano. Sau một thời gian dài sống ở nước ngoài, 4 năm trước, bà đã về sống ở Hà Nội. Theo NSND Trung Kiên- con rể của nghệ sĩ Thái Thị Liên, hàng ngày ngoài tập đàn 2 tiếng, bà vẫn tranh thủ dạy con cháu học đàn. Đó là cách để bà rèn luyện trí óc. Đặc biệt, đến nay bà vẫn có thể dịch tài liệu vì biết 5 thứ tiếng: Pháp, Anh, Tiệp Khắc, Nhật Bản, Nga, đặc biệt giỏi tiếng Pháp. Thi thoảng bà vẫn đi xem hòa nhạc…

Đêm nhạc “Trăm mùa thu vàng”, nói như TS Lê Anh Tuấn- giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, thể hiện sự tri ân, tình cảm của những thế hệ học trò của Học viện với nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Liên đã có công lao, đóng góp cho sự phát triển của Học viện nói riêng và ngành âm nhạc Việt Nam nói chung.

Cùng với các nhạc sĩ Tạ Phước, Lê Yên, Tô Vũ, Vũ Tuấn Đức, Doãn Mẫn, Lều Thọ Hợp, nghệ sĩ Thái Thị Liên có công sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và là Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Piano, trong suốt 20 năm gắn bó kể cả trong những năm tháng chiến tranh, khó khăn thiếu thốn nơi sơ tán. NSND Thái Thị Liên đã biên soạn chương trình, giáo trình, bồi dưỡng, huấn luyện những giảng viên đầu tiên, trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ giảng viên, nghệ sĩ piano. Nhiều người trong đó đã trở thành những nghệ sĩ, nhạc sĩ nhà giáo nổi tiếng như: Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Phương Chi, Tuyết Minh, Trần Thu Hà, Đỗ Hồng Quân... Trong số đó, nổi bật nhất là Đặng Thái Sơn- người châu Á đầu tiên giành giải nhất Cuộc thi Piano quốc tế Chopin.

Đêm nhạc có kết cấu 2 phần là “Nghệ sĩ Thái Thị Liên và các thế hệ học trò” và “Quà tặng mẹ tặng thầy”. Trong đêm nhạc, Nhà giáo nhân dân (NGND) Thái Thị Liên sẽ biểu diễn mở màn và sau đó sẽ là chuỗi nhạc mục do thế hệ con cháu, học sinh của bà trình diễn. Trong đó có con gái - GS. NSND Trần Thu Hà, cháu ngoại Thu Nga, học sinh Tuyết Minh, Kim Dung (những thế hệ đầu tiên được NSND, NGND Thái Thị Liên đào tạo chơi piano 4 tay). Riêng với con trai- NSND Đặng Thái Sơn, bà đặt riêng 2 tác phẩm “Jeux d’eau” và “Alborada del Gracioso” (Ravel).

Ngoài ra, trong chương trình, NSND Đặng Thái Sơn sẽ có 2 phần trình diễn vừa độc đáo và ý nghĩa với bản Polonaise Son thứ- tác phẩm đầu tay của Chopin và cũng là bài học “vỡ lòng” của NSND Đặng Thái Sơn và bản Polonaise Mi giáng trưởng hùng tráng, gợi nhớ đến Concours Chopin 1980.


Nghệ sĩ Thái Thị Liên và con trai- NSND Đặng Thái Sơn.

2. Là cây đại thụ của các nghệ sĩ đàn piano, cuộc đời NSND, NGND Thái Thị Liên như một tấm gương trong hoạt động đào tạo và biểu diễn. Bên cạnh sự nghiệp đào tạo, bà đã có những hoạt động biểu diễn không ngừng nghỉ. Bà là người đầu tiên biểu diễn chương trình recital từ cuối những năm 50 ở Hà Nội, tham gia các chương trình hòa tấu với các chuyên gia Liên Xô cũ như GS Khodjaev và Fedoshenko tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Hải Phòng… Năm 1959 bà đã cùng với ca sĩ Minh Đỗ ghi âm tại Tiệp Khắc đĩa nhạc đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể nói, nghệ sĩ Thái Thị Liên là một trong những nữ danh cầm đầu tiên của Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình trí thức thượng lưu ở Sài Gòn, nghệ sĩ - nhà giáo Thái Thị Liên học đàn piano từ năm 4 tuổi tại trường dòng và tiểu học dành cho con em người Pháp trong vòng 7 năm. Năm 11 tuổi, khi theo học trường Trung học nữ sinh Pháp, bà đã học đàn chuyên nghiệp với bà giáo Armande Caron. Năm 16 tuổi, bà có buổi biểu diễn ra mắt công chúng tại tại tòa thị chính Sài Gòn. Năm 1946, bà sang Pháp dự định học âm nhạc nhưng do biến động lịch sử, bà đã từ Paris sang Praha năm 1948 theo học ngành biểu diễn piano tại Nhạc viện Praha, và tốt nghiệp năm 1951. Cuối năm 1951, bà theo chồng về Việt Bắc tham gia kháng chiến và công tác tại Đoàn văn công Trung ương…

Với tình yêu cây dương cầm, bà đã truyền lại cho những thế hệ học trò của mình. Trong đó, những người con của nghệ sĩ Thái Thị Liên đều rất thành đạt. GS.NGND Trần Thu Hà - nguyên giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - và KTS.TS Trần Thanh Bình là con của nghệ sĩ Thái Thị Liên với nhà cách mạng Trần Ngọc Danh. Sau khi ông Trần Ngọc Danh qua đời, bà kết hôn với nhạc sĩ - thi sĩ Đặng Đình Hưng, sinh ra nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.    

Tại đêm nhạc “Trăm mùa thu vàng”, công chúng sẽ được thưởng thức tiếng đàn của nghệ sĩ Thái Thị Liên ở tuổi 100. Đây là đêm nhạc tôn vinh người nghệ sĩ, nhà giáo mẫu mực có những đóng góp cho âm nhạc Việt Nam- một cốt cách nghệ sĩ, một cuộc đời tận hiến cho âm nhạc và một di sản gồm các thế hệ học trò ưu tú.


Theo Huyền Lê - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng