Tạp chí Sông Hương -
'Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 - 1954': Những trang viết tâm huyết
09:57 | 22/12/2017

Cảm nhận đầu tiên khi đọc “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 – 1954”, hồi ức - biên khảo của Lê Văn Ba (NXB Hội Nhà văn, 2017) là cuốn sách ngồn ngộn tư liệu và hấp dẫn. Lê Văn Ba có đủ điều kiện, hoàn cảnh và tư cách để làm việc này. Ông sống, sáng tác và hoạt động bí mật trong Hà Nội tạm chiếm, từng bị địch bắt và giam ở Nhà tù Hỏa Lò (hòa bình lập lại năm 1954 ông tròn 20 tuổi).

'Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 - 1954': Những trang viết tâm huyết
Bìa cuốn sách “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 - 1954”.

Cuốn sách hấp dẫn bởi nhiều tình tiết ly kỳ, nhiều góc khuất trong hoạt động, sáng tác của văn nghệ sĩ Hà Nội gần 70 năm trước được ông kể lại rạch ròi, thuyết phục, có những nhận xét xác đáng của người trong cuộc. Viết về văn học giai đoạn này, ít người có được điều kiện như Lê Văn Ba, bởi những nhân chứng lịch sử của giai đoạn này chỉ còn lại vài người – người trẻ nhất cũng đã ngoài 80 tuổi.

Nói hồi ức, biên khảo là cách nói khiêm tốn của Lê Văn Ba, nhưng thực ra “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 – 1954”, có dáng dấp của một cuốn lịch sử văn học. Bởi có đánh giá đội ngũ, đánh giá tác phẩm, có những nhận xét về thể loại, có bình giá về từng tác phẩm, tác giả và quan trọng hơn hết là tác giả đã giúp cho người đọc có được cái nhìn toàn cảnh về giai đoạn văn học này – một giai đoạn mà nhiều người vô tình hay hữu ý đã bỏ quên hoặc đánh giá một cách thiên lệch.

Ngoài phần mở đầu, phụ lục 1, phụ lục 2, cuốn sách có 2 chương chính “Nhận diện văn nghệ Hà Nội 1947 – 1954” và “Đỉnh cao văn nghệ Hà Nội những năm 1947 – 1954” tác giả vừa đánh giá văn nghệ Hà Nội những năm này trên bình diện hình thức tồn tại: văn nghệ công khai, hợp pháp; văn nghệ chống đối, bí mật; hồi ký, truyện ký về giai đoạn này viết sau năm 1954, vừa đánh giá chúng theo mốc thời gian: thời kỳ 1947 – 1950; thời kỳ 1950 – 1953; những tháng đầu 1954. Bài “Đội ngũ sáng tác, sống và viết trong những năm Hà Nội tạm chiếm” ở chương 1 đã khắc họa khá đầy đủ và xúc tích đóng góp to lớn của văn nghệ Hà Nội giai đoạn này.

Văn chương hợp pháp hay bí mật, văn nghệ sĩ là chiến sĩ hoạt động nội thành hay những văn nghệ sĩ có hoàn cảnh éo le tuyệt đại bộ phận đều yêu nước, ủng hộ kháng chiến, ghét quân xâm lược. Sau này có nhiều người bị đánh giá sai lệch, nghi ngờ, xét nét nhiều người phải bỏ bút, nhưng tấm lòng của họ với quê hương đất nước vẫn không thay đổi. Tác giả cuốn sách tỏ tấm lòng thông cảm và luôn đau đáu tìm cách giải oan, chiều tuyết cho họ.

Ông cũng công phu sưu tầm và lập danh sách nhà văn Hà Nội tạm chiếm năm 1954 di cư vào Sài Gòn, gồm 43 người; mỗi người đều có sơ lược tiểu sử, danh sách tác phẩm và những nhận xét cơ bản về tác giả. Ngay cả đối với những nhà văn này, Lê Văn Ba cũng có cái nhìn thể tất và quan trọng hơn là đánh giá chính xác vị trí của họ trong nền văn học nước nhà...

Chương 2 “Đỉnh cao văn nghệ Hà Nội những năm 1947 – 1954” chọn những tác phẩm theo ông là thành công nhất: Truyện ngắn hay nhất “Tiếng khóc” của Băng Hồ; “Đất” tiểu thuyết của Ngọc Giao, in đậm dấu ấn một thời; phóng sự đặc sắc “Phố Tràng Tiền” của Huy Linh; bút ký hay nhất “Món ngon Hà Nội” của Vũ Bằng; bức tranh đẹp nhất “Núi rừng Việt Bắc” của họa sư Nam Sơn; bài hát hay nhất “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương; những bức ảnh lịch sử vô giá “Hà Nội sau năm 1946” của Nguyễn Duy Kiên... Về nghệ thuật sân khấu, Lê Văn Ba chọn 3 tác phẩm: kịch thơ “Bến nước Ngũ Bồ” của Hoàng Công Khanh, vở cải lương “Người nữ tỳ Hai Bà Trưng” của Sĩ Tiến, kịch nói “Giao thừa” của Vũ Khắc Khoan…

Ở mỗi thể loại, tác giả đều có phần trình bày tình hình chung, thành tựu trong thời kỳ 1947 – 1954, sau đó giới thiệu tác giả, tác phẩm được ông đánh giá là có giá trị nhất trong giai đoạn này, trước khi in hoặc trích tác phẩm. Cần phải nói ngay, tác giả phải là người công tâm và rất có bản lĩnh mới có thể đưa ra được bản danh sách rõ ràng, rành mạch như vậy. Ông cũng tự đánh giá là ngoài lĩnh vực văn chương, các thể loại khác ông không đủ sức, đủ tài liệu để đánh giá và mong bạn đọc lượng thứ. Chúng ta hoàn toàn thông cảm và trân trọng thái độ này của ông.

Phần phụ lục 2- tuy là phụ lục nhưng rất quan trọng - tác giả đề cập tới cuộc tọa đàm “Nhận diện văn chương Hà Nội thời tạm chiếm 1947 – 1954” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu: Hữu Thỉnh, Dương Tuyết Lan, Vân Long, Thái Kế Toại, Lê Văn Ba, Vũ Quần Phương… đã có những phát biểu hết sức tâm huyết, đánh giá đúng những đóng góp của thời đoạn văn nghệ này của Hà Nội.

Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “… Chúng ta cần có cách nhìn mới đối với đội ngũ, phong trào đã từng cống hiến cách mạng, góp phần kháng chiến ngay trong lòng Hà Nội tạm chiếm. Cần trả lại vị trí của nó, đóng góp của nó, những thành tựu của nó. Đây là việc làm cần thiết, cấp bách của thế hệ chúng ta. Không nên trao gánh nặng cho thế hệ sau. Đây là sự công bằng của lịch sử”.

Chúng ta hiểu sự trân trọng của nhà thơ Hữu Thỉnh cũng như sự sốt ruột của ông, bởi những người “Viết trong Hà Nội những năm 1947 – 1954” ngày càng thưa vắng. Đến dự cuộc tọa đàm ngày 6/10/2016 chỉ có 3 người: Dương Tuyết Lan, Vân Long, Lê Văn Ba đều đã trên 80 tuổi (các anh Trần Chinh Vũ, Hồ My, Trần Hoàng Long không đến được vì sức khỏe kém; từ TP HCM Huy Linh gửi thư ra chúc mừng).

Cũng trong cuộc tọa đàm này nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, dự kiến trong năm 2017, Hội sẽ ra mắt tuyển tập hoặc toàn tập các tác phẩm văn học giai đoạn này. Nay đã là cuối tháng 12/2017, nhưng vẫn “bóng chim tăm cá”. Những khắc khoải của nhà văn Lê Văn Ba và một số ít cây bút đã cao tuổi từng sống và sáng tác trong giai đoạn này lại phải tiếp tục chờ đợi.

Theo Trần Bảo Hưng - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng