Tạp chí Sông Hương -
Sống lại không gian đình làng xưa
09:09 | 25/12/2017

Khi các hoạt động diễn xướng dân gian dần tách khỏi, đình làng dường như đánh mất một phần linh hồn, còn nghệ thuật truyền thống cũng thiếu khí vị. Theo NSƯT Đoàn Thanh Bình, những buổi diễn của Giáo phường Đình làng Việt một năm qua chính là hành trình để mỗi người được về lại ngày xưa, đắm mình trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Sống lại không gian đình làng xưa
Giáo phường Đình làng Việt biểu diễn ở đình So - Nguồn: Đình làng Việt

Của dân gian trả lại dân gian

- Một năm trước, cơ duyên gì khiến bà trở thành Quản giáp của Giáo phường Đình làng Việt?


“Nói đi cũng phải nói lại, giáo phường chỉ là một đơn vị rất nhỏ, không làm thay vai trò của Nhà nước, các đơn vị văn hóa được. Để di sản về lại với dân gian, chúng tôi chỉ đang cố sức bằng cái tâm, để cho người ta hiểu. Có hiểu thì mới thích. Đó là một cách mở lối cho nghệ thuật dân gian truyền thống”.

NSƯT Đoàn Thanh Bình

- Hoạt động của nhóm Đình làng Việt có một số bạn đưa nghệ thuật vào nhưng chỉ là đánh đôi khúc đàn, ngâm thơ… nhưng lần nào cũng thấy người dân hưởng ứng thích thú quá. Rồi một hôm, cả nhóm tới thăm đình Mỏ Nhài, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), khi nghỉ bên bãi đất ven suối, cạnh chợ và mở chiếu hát ngẫu hứng, bà con các bản kéo đến xem rất đông. Thế là nảy ra ý tưởng phải đưa nghệ thuật về lại dân gian. Tôi trở thành Quản giáp của Giáo phường như vậy.

- Ngôi đình Việt đẹp về kiến trúc, mỹ thuật nhưng linh hồn của đình là đời sống văn hóa cộng đồng. Các hoạt động diễn xướng dân gian có phải một phần hồn cốt ấy, thưa bà?

- Nó thực chất đã trở thành phong tục tập quán của làng quê xưa. Khi chúng tôi mở chiếu chèo sân đình mới thấy chính tại đình làng, chèo được về đúng không gian của nó và ngôi đình cũng sống động hẳn lên. “Cái gì của dân gian thì trả cho dân gian”, vì vậy, trở thành tuyên ngôn của Giáo phường đình làng Việt.

- Không biết tuyên ngôn ấy đã được đón nhận như thế nào?

- Lần nào đi diễn cũng rất đặc biệt. Như ở Thổ Hà (Bắc Giang), khán giả đông sát xung quanh, sau đình còn có một cây đa lớn, trẻ con trèo cả lên xem. Ngôi đình từ gác tam quan, từng vuông sân gạch đều rất đẹp, cộng thêm hoạt động diễn xướng trở thành không gian ấn tượng, không còn trầm lắng như trước nữa. Hay sau các buổi diễn ở đình làng, có người tâm sự 60 năm mới được xem một tiết mục “đích thực là hay”. Có những người xem chèo sân đình từ lúc còn là trẻ con, đến giờ tóc bạc da mồi mới được xem lần nữa. Chúng tôi nhớ một kỷ niệm ở đình Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội) có một cụ già lưng còng rồi, lúc đang diễn dở thì cụ đứng lên đi ra cổng. Ai cũng tưởng cụ bỏ về nhưng hóa ra cụ về lấy tiền quay lại tặng cho những cô Thị Màu, anh Nô của chiếu chèo sân đình…

Giáo phường Đình làng Việt biểu diễn ở đình So - Nguồn: Đình làng Việt

- Dường như với chất dân dã ấy, không gian đình làng đã xóa nhòa khoảng cách giữa khán giả và diễn viên?

- Là diễn viên chuyên nghiệp, tôi đi diễn có âm thanh, ánh sáng, sân khấu lung linh, nhưng quả thực nó không cho cảm giác thăng hoa như diễn ở đình làng. Trong sân khấu hộp, diễn viên và khán giả bị ngăn cách, còn không gian đình làng thì gần gũi, khán giả trở thành đối tượng thứ ba, những tràng cười nghiêng ngả cũng như tham gia vào vở diễn. Bởi vậy, về với sân đình, cứ như các cụ xưa, mượn ngay cảnh trí ấy mà thể hiện. Đi một vòng quanh chiếu đã chuyển từ không gian này sang không gian khác rồi, chẳng cần thuyết minh hay chuyển cảnh, người xem vẫn hiểu. Đó là sân khấu cách điệu, ước lệ đúng nghĩa của chèo.

“Dao năng mài thì sắc”

- Đưa nghệ thuật trở lại làm sống dậy di sản đình làng. Mong muốn vậy nhưng làm không dễ, thậm chí có thể đánh mất những gì thuộc về truyền thống…

- Thật khó xét đoán đầy đủ, song quả thực có nhiều lễ hội đưa chèo, quan họ… về nhưng chỉ mang hình thức trình diễn sân khấu. Mà như vậy thì không thể làm cho người ta hứng thú với nghệ thuật truyền thống được. Vấn đề lớn nhất bây giờ là làm thế nào mang tới cho công chúng thứ nghệ thuật đích thực, những gì chuẩn mực và có tính hấp dẫn.

- Nên giáo phường ngoài biểu diễn thì nhiệm vụ chính còn là truyền dạy?

- Đúng vậy. Giảng dạy trong Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, tôi thấy rằng sinh viên hơi thiệt thòi, không có môi trường thực hành đúng nghĩa. Ở trường số tiết học phải chia cho môn kiến thức cơ bản nên thời gian học chuyên ngành quá ít, càng khó có những chuyến đi thực tập với sự hướng dẫn, chỉ dạy tỉ mỉ. Mọi người vẫn nói các em ra trường cứ như… Cao Biền ấy, non lắm, gọi là nắm được cơ bản nhưng cái cơ bản ấy vẫn cứng cứng. Trong khi học nghệ thuật phải được cầm tay chỉ việc, dày công rèn luyện. Mục đích của giáo phường chủ yếu là để các em được trải nghiệm. Cùng nhóm Đình làng Việt đi điền dã một lần/tháng, các em trong giáo phường vừa được tham quan di sản, vừa cọ xát thực tế, tiếp xúc với giá trị chuẩn mực.

- Thành quả một năm nhìn lại ra sao, thưa bà?

- Tôi thấy cái được lớn nhất là chứng kiến các em trưởng thành, mình vất vả nhưng dù sao cũng có thành quả bù đắp. Nghệ thuật truyền thống biểu diễn đã khó, truyền dạy cho chân thực cũng nhọc nhằn không kém. Rất vui là nhiều em tham gia kỳ đầu, tới giờ rõ ràng thấy “lên tay”, phong cách nhuần nhuyễn hơn. Các trích đoạn không được học trong nhà trường thì các em được diễn thật, những điều về chèo cổ sân đình trước chỉ giảng lý thuyết thì giờ các em được hiểu từ thực tế. “Dao năng mài thì sắc” là thế.

- Phải hiểu về ông cha mình thì mới nắm bắt được tương lai và quá trình tìm hiểu chính là đang lấp đầy những khoảng trống trong hiện tại. Ý kiến này gợi cho bà suy nghĩ gì?

- Tôi cảm thấy điều ấy hơi mơ hồ và có vẻ xa vời quá! Thực chất, chúng tôi chỉ biết dạy và… hy vọng. Các em sau khi ra trường như cánh chim bay đi, ở ngoài tầm tay của mình rồi, trong khi nhu cầu cuộc sống, sự thay đổi của xã hội lại quá mạnh, ai biết trước điều gì. Bây giờ thú thật là chỉ biết làm sao khi còn ở giáo phường, các em hiểu nghệ thuật truyền thống đích thực và làm theo cách ông bà xưa đã làm. Rồi may các em có thể trở thành hạt giống gieo ra nơi khác, lớp nọ gối lớp kia.

- Xin cảm ơn bà!

Theo Lê Thư - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng