Tạp chí Sông Hương -
Giải thưởng thiết kế “American Graphic Design Award 2017” thuộc về Trúc Chỉ - San Hậu
14:26 | 27/12/2017

Đặng Thị Bích Ngọc (23 tuổi, quê Quảng Ngãi), cựu sinh viên ngành Thiết kế Đồ hoạ, khoa Kiến trúc Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng vừa đoạt giải “American Graphic Design Award 2017” ở hạng mục Student design (sinh viên thiết kế). do tạp chí Graphic Design USA (Mỹ) khởi xướng. Tác phẩm của Bích Ngọc là bộ 4 poster về vở tuồng cổ San Hậu trên chất liệu Trúc Chỉ. Vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc thăng hoa sau khi thắng giải, Bích Ngọc đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về giải thưởng, về Trúc Chỉ.

Giải thưởng thiết kế “American Graphic Design Award 2017” thuộc về Trúc Chỉ - San Hậu
Bộ 4 poster về vở tuồng cổ San Hậu trên chất liệu Trúc Chỉ

* Xin chào và chúc mừng Bích Ngọc về giải thưởng “American Graphic Design Award 2017”. Vượt qua gần 10.000 tác phẩm tại cuộc thi do tạp chí Graphic Design USA (Mỹ) tổ chức. Bạn có thể chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải?

Đặng Thị Bích Ngọc (ĐTBN): Vâng, mấy hôm nay em rất vui. Đây là một cuộc thi được tổ chức quy mô lớn, quy tụ hàng ngàn tác phẩm dự thi, thật vinh dự và tự hào khi tác phẩm của em đạt được thành quả ở ngay trên nước Mỹ. Em tin rằng tiếng nói về nghệ thuật Tuồng và nghệ thuật Trúc Chỉ đã được giới chuyên nghiệp thiết kế ghi nhận. Giải thưởng này là kết quả của sự nỗ lực nghiêm túc về thiết kế của em, sự dẫn dắt định hướng của những người thầy, những bậc tiền bối đi trước, cũng là lời cảm ơn chân thành, là món quà dành tặng đến các thầy, cô, gia đình và bạn bè vì những tình cảm họ đã dành cho em lâu nay.

Chân dung cô gái trẻ Đặng Thị Bích Ngọc


* Để đạt giải cao chắc chắn tác phẩm của bạn không chỉ ở chất liệu mới lạ mà còn mang ta nghĩa về mặt nội dung. Bạn có thể nói rõ hơn về tác phẩm của mình?

ĐTBN: Tác phẩm của em khai thác về nghệ thuật nhạc kịch cổ truyền là hát bội, hay quen gọi là Tuồng, cụ thể là giới thiệu tuyến nhân vật chính trong tác phẩm Tuồng kinh điển của dân tộc là San Hậu, gồm: Khương Linh Tá - dũng tướng, bộc trực; Tạ Ôn Đình - phản Tề, dữ dằn; Phàn Định Công - lão tướng, trung can, nghĩa khí, và Phàn Diệm - con trai tướng Phàn, là một tướng trẻ, phong cách cổ quái, phi thường. Loại hình nghệ thuật được này có đặc trưng của điệu hát, lối diễn xuất, và đặc biệt, là hóa trang khuôn mặt, theo tính cách của nhân vật. Ngôn ngữ Đồ họa trong mặt nạ Tuồng rất cao. Em mong rằng những đặc trưng độc đáo của nghệ thuật Việt Nam cần được giữ gìn và quảng bá.

* Lý do vì sao bạn lựa chọn cách thực hiện tác phẩm bằng nghệ thuật trúc chỉ để tham gia dự thi thay vì trên chất liệu khác?

ĐTBN: Tác phẩm của em là sự kết hợp giữa 2 loại hình nghệ thuật: nghệ thuật truyền thống là Tuồng và nghệ thuật tiếp biến từ truyền thống là Trúc Chỉ. Hai loại hình nghệ thuật tuy tách biệt nhưng chúng lại có những tiếng nói chung.

Thứ nhất, về ý nghĩa nghệ thuật, ca kịch cổ truyền đã có từ rất lâu đời, và vẫn đang được bảo tồn, phát huy. Việc thể hiện được sự hiện diện của nghệ thuật Tuồng trong bối cảnh hiện đại với mong muốn giúp những con người hiện đại có thể tìm về nét văn hóa sinh hoạt truyền thống của dân tộc Việt, tìm về cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống mà em chọn Poster làm phương thức để quảng bá. Đây cũng là ý niệm ban đầu khi Trúc chỉ được tạo ra, khi khai thác sử dụng những chất liệu địa phương: tre, mía, rơm, bèo… kết hợp nghề giấy thủ công truyền thống cùng kỹ thuật hiện đại tạo nên một tiếp biến từ truyền thống trong bối cảnh hiện đại.

Thứ hai, về hình thức, Tuồng là một loại hình nghệ thuật sân khấu, nơi những người nghệ sĩ sống với đam mê của mình dưới ánh đèn, và trúc chỉ cũng vậy, những ánh sáng xuyên qua các tác phẩm Trúc Chỉ đã thổi hồn vào đó, tạo nên một giá trị, một linh hồn sống động.

Việc kết hợp 2 loại hình nghệ thuật này, vừa là sự đồng điệu trong ý nghĩa, hình thức, vừa tôn vinh lên vẻ đẹp của nghệ thuật Việt. Chính là lấy nghệ thuật tiếp biến truyền thống để tôn vinh nghệ thuật truyền thống.

Trước đó, các chất liệu và hình thức em nghiên cứu và thể nghiệm đều thất bại, hoặc không hài lòng, cho đến khi em gặp được, và thể nghiệm trên chất liệu Trúc Chỉ. Đó là lí do em đã chọn làm cho bộ bài tốt nghiệp. Bài em chuyển hướng và đi dự thi là phát triển hoàn thiện chất liệu đã thực hiện từ bài tốt nghiệp đã nói.

Giải thưởng “American Graphic Design Award 2017” do tạp chí Graphic Design USA (Mỹ) trao tặng cho Bích Ngọc

 

* Từ ý tưởng cho đến khi bắt tay thực hiện đề tài, chắc hẳn bạn sẽ có rất nhiều trở ngại, khó khăn?

ĐTBN: Đây là một đề tài truyền thống, mà bản thân em lại là một người trẻ, nên hơn hết khi bắt đầu vào tìm hiểu đề tài không tránh khỏi những thiếu sót hay chưa thông suốt. Em nhận ra rằng cần phải phân tích kỹ, hiểu và thấm nghệ thuật ca kịch cổ mới có thể diễn đạt chúng một cách tốt nhất. Khi bắt tay vào làm việc, em cũng đã từng đi chệch hướng đến 2 lần; phải có những định hướng cụ thể từng bước để  tránh những sai lầm không đáng có. Nhờ có những người thầy là những người đã có tuổi đời, kinh nghiệm sống với nghệ thuật, đã giúp em hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống, định hướng bước đường đi của em trở nên rõ ràng hơn.

Chịu áp lực về đề tài truyền thống, đòi hỏi phương thức thể hiện phải hiệu quả; em biết được ở Huế có Trúc chỉ, khi đó đối với em khá là mơ hồ, vì chỉ biết thông qua internet. Em chạy xe máy đến Huế, tìm hiểu về sự ra đời và ý nghĩa của Trúc Chỉ học cách tạo nên một tác phẩm. Trúc Chỉ đã cho em nhiều trải nghiệm đáng nhớ về một vẻ đẹp được tiếp biến truyền thống trên mảnh đất Cố đô.

* Những người giúp đỡ bạn trong việc định hướng, thực hiện tác phẩm bộ poster liên hoàn vở tuồng cổ San Hậu gồm những ai?

ĐTBN: Tác phẩm đạt được giải thưởng như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân em, là những người thầy hướng dẫn, cố vấn, động viên khích lệ em trên chặng đường này. Em xin gửi lời cảm ơn đến thầy Trần Thanh Bình, từ trường ĐH Nghệ thuật Huế, giảng viên hướng dẫn bộ Đồ án Tốt nghiệp, là người đã dẫn đường chỉ lối cặn kẽ cho em tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống và Trúc Chỉ; thầy Phan Hải Bằng, người khai sinh ra nghệ thuật Trúc Chỉ tại Huế, đã chỉ dẫn và hỗ trợ em rất nhiều trong hành trình thực hiện, thể hiện bộ tác phẩm poster tại đây; Thầy Nguyễn Tri Phương Đông, từ Mỹ, qua mạng internet, đã trực tiếp cố vấn, định hướng, động viên và hướng dẫn cho bộ tác phẩm của em tham dự các cuộc thi quốc tế.

Em cũng xin cảm ơn sự quan tâm, và hỗ trợ của các thầy cô trong bộ môn đồ hoạ, trong Khoa Kiến Trúc, Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng, cùng gia đình và bạn bè - những người đã luôn khích lệ và động viên trong những lúc em gặp khó khăn suốt 5 năm học vừa qua.

Bích Ngọc nhận giải thưởng Trúc Chỉ tại Huế trong triển lãm “Hành trình Trúc Chỉ” lần thứ nhất vừa qua

* Từ thành công ban đầu này, bạn muốn gửi gắm điều gì đến với những người trẻ hiện nay?

ĐTBN: Thành công ban đầu của em có xuất phát điểm từ nghệ thuật truyền thống, điển hình là Tuồng, tuy nhiên đó mới chỉ là khai thác một khía cạnh nhỏ của loại hình nghệ thuật này, bên cạnh đó, nghệ thuật dân tộc vẫn còn nhiều nét đẹp cần được lưu giữ và khám phá.  Em mong muốn các bạn trẻ hiện nay bên cạnh tạo ra những giá trị thẩm mỹ và sản phẩm ứng dụng hiện đại có thể cùng em giữ gìn, tiếp nối và lan tỏa những giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc đi sâu hơn, xa hơn và rộng hơn.

* Sau khi đạt giải, dự định tương lai của bạn là gì?

ĐTBN: Ngay lúc này, khi mới ra trường được 6 tháng, kinh nghiệm làm việc và kiến thức tổng hợp của em đến lúc này vẫn còn ít ỏi, nên em dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục học tập và thiếp thu kinh nghiệm kiến thức, kỹ năng làm việc ở xung quanh em. Và sẽ tìm hiểu, khám phá thêm về những nghệ thuật, văn hóa tiêu biểu dân tộc, cũng như những nghệ thuật, văn hóa mang tính đặc trưng địa phương để có thể lưu trữ bằng tinh thần hiện đại, em sẽ tìm kiếm thêm cho mình những cơ hội như thế.

* Cám ơn Bích Ngọc về cuộc trò chuyện này, chúc bạn luôn thành công với con đường mà mình chọn!

 

Họa sĩ Phan Hải Bằng – giảng viên trường ĐH Nghệ thuật Huế đánh giá: điều cốt lõi làm nên thành công của bộ thiết kế này chính là triết lý design: một loại hình nghệ thuật truyền thông (tuồng) được thể hiện bằng một loại hình nghệ thuật  mới, tiếp biến truyền thống (trúc chỉ) với mục đích giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới và cũng là những bước đi đầu tiên của Trúc Chỉ như một giá trị được khẳng định để hội nhập với những giá trị đã có của nhân loại.

 

Graphic Design USA là tạp chí thiết kế đồ họa dành cho cộng đồng sáng tạo chuyên nghiệp, nằm trong top tạp chí thiết kế hàng đầu Mỹ, xuất bản từ năm 1963. Cuộc thi American Graphic Design Award năm 2017 quy tụ gần 10.000 tác phẩm, sản phẩm với 23 hạng mục (catalogue, logo, ấn phẩm, bao bì, thương hiệu, lịch, web...). Đây là cuộc thi nằm trong top 15 các cuộc thi thiết kế khu vực Bắc Mỹ.

 

 

Thanh Xuân thực hiện

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng