Đa năng, đa tài

Lộng Chương tên thật Phạm Văn Hiền sinh 1918 tại Hàng Bạc, Hà Nội, quê gốc Hải Dương. Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2002 nhờ đóng góp cho văn học nghệ thuật, đặc biệt là khối lượng đồ sộ tác phẩm. Không chỉ viết thơ, tiểu thuyết, kịch nói, chèo, múa rối, ông cũng để lại dấu ấn trong vở tuồng Tình sử Loa thành. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam -người đóng vai Trọng Thủy trong vở này - đánh giá Lộng Chương để lại bài học quý giá cho các thế hệ nghệ sĩ trong sáng tác kịch bản và việc nhận thức, kế thừa và phát triển nghệ thuật tuồng.

PGS.TS Trần Trí Trắc nhận định Lộng Chương “đa năng, đa tài”. Hơn trăm kịch bản của ông chủ yếu sáng tác trên vỏ bao chè, vỏ bao thuốc lá trong đó phải kể Cửa hé mở, Quẫn, Tình sử Loa thành, A Nàng, Hỏi vợ. Mặc dù ông chưa qua bất cứ trường lớp đào tạo nào về sân khấu nhưng niềm say mê sân khấu sẵn trong máu: 5 - 6 tuổi đã ngồi ở hố nhạc Nhà hát Lớn chứng kiến cô ruột làm công việc nhắc vở. Ông từ chối làm công chức nhà nước thời Tây, không trở thành thợ kim hoàn mà lại chọn sân khấu.

Tự nhận là một trong những học trò đầu tiên của Lộng Chương - cùng thế hệ với nhiều NSND như Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang - đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc nhớ thầy “là người ít nói, nhưng khi đã nói thì câu chữ rất chính xác, chắc nịch, tính điềm đạm”. Lộng Chương trong mắt học trò Minh Ngọc “làm kịch rất chèo và làm chèo rất kịch, cái hiện tại và truyền thống hòa quyện, hài kịch đậm chất phương Đông thể hiện gần gũi với thủ pháp của Molière”. Nhà viết kịch Ngọc Thụ nhắc kỷ niệm bị “đánh hội đồng” khi dám phê cải cách ruộng đất trong vở kịch Một người bình thường kỳ lạ, chính thầy Lộng Chương là người đứng lên bênh vực. “Nhân cách Lộng Chương không lẫn với ai. Ông không khuất phục trước mọi áp lực. Bênh vực người yếu thế, ông ghét cay ghét đắng kẻ cơ hội, nịnh hót bợ đỡ”, Ngọc Thụ nói.

Không chỉ nhìn nhận ở góc độ tài năng, sự nghiệp, PGS.TS Trần Trí Trắc nói Lộng Chương không giàu nhưng sống cởi lòng cởi dạ. Ngôi nhà 47 Hàm Long dường như trở thành nhà tập thể của nghệ sĩ bốn phương, ai đến dăm bữa nửa tháng cứ tự nhiên ăn ngủ miễn phí. “Có khi cả ba gian hai chái và sân trước nhà đầy chật bạn bè. Nếu chỉ tính đun nước uống cũng tốn bao củi lửa rồi”, PGS Trắc nói. Ngôi nhà này từng là văn phòng của đoàn chèo Cổ Phong, là nơi bao thế hệ học sinh về theo đuổi nghề sân khấu. “Mặc dù Lộng Chương không mở trường lớp đào tạo nhưng hầu hết văn nghệ sĩ sân khấu đều coi ông là người thấy lớn”, NSND, họa sĩ Lê Huy Quang nói.

Ca “Quẫn”

Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Nguyễn Văn Thành cho biết, rất cân nhắc khi dùng từ “Lộng Chương lỗi lạc”. Tuy nhiên, ông cũng là người hiếm hoi thẳng thắn đánh giá số lượng đồ sộ tác phẩm kịch bản (hơn 100 tác phẩm) nói lên khả năng, sự nhạy bén của Lộng Chương nhưng phần nào “thể hiện sự dễ tính, trải mình quá rộng”. Ông cho rằng phải xem xét đâu là tính thời sự, đâu là tính thời đại trong tác phẩm Lộng Chương bởi tính thời sự sẽ qua đi, chỉ tính thời đại còn mãi. “Trong số tinh hoa còn lại của Lộng Chương không thể không nhắc Quẫn”, Nguyễn Văn Thành khẳng định.

Quẫn xoay quanh gia đình Đại Cát tìm mọi cách giấu giếm và tẩu tán tài sản trước phong trào công tư hợp doanh thời bấy giờ. Vở do đạo diễn Trần Hoạt dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam nhanh chóng gây tiếng vang những năm 1960, trở thành vở hài kịch kinh điển với 2 nghìn đêm diễn. Bản dựng của Trần Hoạt đi theo phong cách hề chèo, gắn với thành công rực rỡ của nhiều nghệ sỹ gạo cội như Song Kim, Sĩ Tiến, Trần Tiến - NSND Trần Tiền dù tuổi cao sức yếu cũng có mặt tại cuộc nhớ về Lộng Chương.

Tuy nhiên Nguyễn Văn Thành không đồng tình với Lộng Chương khi phê phán khát vọng làm giàu của ông bà Đại Cát trong Quẫn. “Tôi rất mừng khi xem bản của Trần Lực dàn dựng cho lớp diễn viên trẻ, với nhiều bổ sung và góc nhìn mới”,ông Thành nói. Dựng lại Quẫn, Trần Lực chọn phong cách biểu hiện ước lệ, làm nổi bật tính thời đại trong tác phẩm. Sàn diễn trống trơn, duy nhất có hòm vàng ở giữa sân khấu và mọi tình huống, mảng miếng bi hài đều xoay quanh chiếc rương đó. Biến một tác phẩm mấy chục năm trước đầy nặng nề thành vở diễn mang hơi thở hiện đại, Trần Lực - theo các nhà nghiên cứu sân khấu đánh giá, đã đi theo phong cách dàn dựng mới và hấp dẫn nhất hiện nay để kéo khán giả.
 

Đạo diễn Trần Lực và đoàn kịch LucTeam trình diễn Quẫn để tri ân tác giả Lộng Chương nhân 100 năm sinh tối 7/1 tại Nhà hát Lớn. NSND Lê Khanh vào vai bà Đại Cát bên cạnh các diễn viên đáng tuổi con. Vở diễn ra mắt lần đầu năm 2016 giành nhiều giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016.