Tạp chí Sông Hương -
Một cái Tết người Mường xưa
08:43 | 13/02/2018

Trong xã hội phong kiến cổ, anh nông dân dù nghèo đến mấy cũng cố gắng duy trì hai đợt làm cỗ: cúng cha ông mình (giỗ cha mẹ) và Tết Nguyên đán... Quanh năm thiếu lương thực và ăn rau, chỉ có hai dịp này người ta được ăn thịt thỏa thuê, nhậu nhẹt say sưa, sau đó nghèo lại hoàn nghèo...

Một cái Tết người Mường xưa
Người Mường đón năm mới bằng tiếng chiêng. Ảnh: Thanh Hà

Nhà nghiên cứu văn hóa - mỹ thuật, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã viết như vậy về tập tục ăn cỗ Tết, trong cuốn sách “Tập tục đời người”.

Trong cuốn sách, với những nghiên cứu, tìm hiểu, điền dã và viết suốt 20 năm, Phan Cẩm Thượng cho rằng, hàng năm, người Việt ta có nhiều đợt gọi là Tết. Tùy theo kinh tế mỗi gia đình và tín ngưỡng, người ta sẽ làm cỗ như thế nào. 

Đáng lưu tâm là Tết của người Mường cổ.

“Người Mường có câu tục ngữ (thực ra là của người Việt nói về người Mường): Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới. Những thói quen này cho thấy, một thời người Việt Mường duy trì lối ăn bốc, đi đất. Họ không dùng mâm, mà dùng một tàu lá chuối để thức ăn, mọi thực phẩm đều để trên tàu lá, người ăn ngồi xung quanh và bốc tay, ăn cũng bằng tay không, không nhất thiết phải dùng bát, đũa. Người ta còn gọi đó là cỗ lá, nhất là ăn thịt chó hay các món nướng. (…) Riêng về mặt ẩm thực, cho thấy người Việt có nguồn gốc từ người Mường, ít nhất từ hai tập tục, dùng xôi để cúng (…) và ăn đồ luộc”- ông Thượng viết.

Những Tết thường niên, bắt đầu là Tết Lúa mới, đây là truyền thống của người Mường cổ và còn duy trì đến ngày nay, bắt đầu từ vụ gặt tháng Mười âm lịch.

Cũng là Tết của người Mường, theo ghi chép của một số người dân địa phương, thì người Mường ăn Tết cổ truyền dài 10 ngày, bắt đầu từ ngày 27 tháng Chạp (năm cũ) đến mồng 7 tháng Giêng (năm mới). Người Mường gọi là “Thết Năm mởi” - dịch sang tiếng phổ thông là: Tết Năm mới. 

Ngay từ những ngày thường nhật, người Mường đã chuẩn bị nuôi lợn, gà, sửa soạn nếp nương, đỗ xanh… dành cho việc nấu cỗ, làm bánh, đồ xôi, ủ rượu cần… chuẩn bị cho Tết.

Một cái Tết người Mường xưa

Làm bánh uôi đón Tết. Ảnh: Thanh Hà.

Nửa cuối tháng Chạp, người ta đi chặt các cây nứa hoặc cây dang, thân bánh tẻ để mang về tước chẻ làm lạt, dùng gói bánh chưng hay cặp nướng thịt. Cây nêu cũng được dựng lên ở ngõ ra vào, trong sân hoặc phía trước ngôi nhà sàn. Cây nêu với người Mường vừa có nghĩa phòng tránh ma quỷ, vừa là sự bố cáo với trời đất về sự tồn tại của gia đình. Các cây hương, thờ cúng bản mệnh của mỗi thành viên trong gia đình cũng được dựng lên để cúng ngoài trời. Cành đào đẹp nhất cũng được chọn để cắm trên bàn thờ. Hai bên bàn thờ dựng hai cây mía.Tập tục trưng đào, dựng mía hay trồng cây nêu này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Người Mường không có tục lệ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Ngày 27 tháng Chạp, người Mường có tục, toàn bộ con cháu, ưu tiên nam giới, đến khu mồ mả của gia đình tổ tiên, dọn dẹp phát quang cây bụi, sửa sang mộ, đắp thêm đất, làm lễ mời tổ tiên về ăn Tết, đồng thời những người già đứng trước mộ cũng trò chuyện về gia phả để con cháu được biết. (Riêng vùng Mường Bi thì chỉ được thăm mộ gia tiên sau Tết).

Cũng trong ngày 27 tháng Chạp, chị em phụ nữ thực hiện tục rửa lá. Nên ngày này cũng gọi là ngày “tha lả”. Toàn bộ bát, đĩa, đũa, mâm, xoong, nồi, lá dong… cùng các nông cụ như cày, bừa, cuốc xẻng… được mang ra sông suối cọ rửa. Với người Mường, đây là hình thức “tẩy trần”, đồ vật sạch sẽ thì gia chủ mới gặp nhiều may mắn, an lành trong năm mới.

Ngày này, người Mường tiến hành đan Piêu leo (hình giống như cái chong chóng) để cắm lên nơi linh thiêng trong nhà sàn là cửa Voóng.

Ngày 28 tháng Chạp, bánh chưng và bánh uôi được gói. Bánh uôi trong tiếng Mường có tên là “peẻng uôi”. Bánh mang ý nghĩa biểu trưng cho tình yêu và cả lòng đoàn kết. Do đó, loại bánh này không thể thiếu trong mâm cỗ đón Tết của người Mường. Bánh được làm từ bột gạo nếp trồng trên nương còn thơm hương lúa mới. Nếu làm nhân ngọt thì sử dụng hạt đậu nho nhe (đậu của người Mường) hoặc đậu xanh rồi trộn đường, còn nhân mặn thì ướp thịt lợn trộn với tiêu. Lá gói được sử dụng từ lá chuối rừng hoặc chuối tây đã được hơ qua lửa cho mềm và lau sạch bằng khăn. Bánh có hai phần là hai bánh giống như nhau được gói úp vào nhau, rồi được buộc lạt, cho vào chõ, hấp chín.

Ngày 29 tháng Chạp được gọi là ngày “chín lụi”. Vào ngày này, mỗi gia đình dù khó khăn đến đâu cũng phải ngả một con lợn. Lợn thịt xong thì được chia ra làm ba phần, phần chế biến các món ăn cổ truyền đặt lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên (tục thờ cúng tổ tiên của người Mường thường chỉ thờ từ một đến hai đời, và thờ đích danh từng người nên các mâm thờ cũng được chuẩn bị riêng biệt), thổ công, thổ địa, phần nấu nướng để ăn trong ngày, và phần còn lại dự trữ cho thời gian Tết.

Trong ngày 29, có bữa cơm “chín lụi”, tức là bữa cơm Tất niên như người Kinh vào ngày 30 tháng Chạp. Đây là bữa cơm quan trọng nhất trong năm và mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, cần có sự đoàn tụ của toàn thể các thành viên gia đình. Rất nhiều đồ ăn ngon được để phần, dành dụm trong cả năm là để dùng cho bữa ăn này.

Đêm, khi chuẩn bị bước sang thời khắc Giao thừa, người Mường gội đầu, tắm rửa để sang năm mới được gặp nhiều điều tốt lành đẹp đẽ. Sau đó, toàn bộ các thành viên trong gia đình tụ tập tại đền thờ để làm lễ “Khai sáng”. Lễ vật cúng có bánh chưng, bánh uôn, xôi, oản, thịt gà, thịt lợn hoa và các loại quả. Chỉ có người già, cùng ông Trùm, ông Seo mới được vào trong đền tế lễ, còn lại tất cả phải đứng bên ngoài. Lễ xong, tất cả trở về nhà của mình để đón giao thừa. 

Vào thời khắc giao thừa, năm cũ chuyển sang năm mới, nhiều âm thanh thật vui râm ran khắp nơi khi gia đình nào cũng đánh chiêng, gõ trống, đốt pháo. Người người ra mó lấy nước (gọi là nước Tiên) đặt lên bàn thờ ông bà cha mẹ. Ngoài trời, mâm cỗ cúng gồm con cá diếc và cái bánh chay cũng đã được chuẩn bị. Trên sân nhà, người Mường đã sắp sẵn các đồ nông cụ đặt trên sạp, và nong nia thì đựng đầy các loại bánh trái với ý nghĩa cho nông cụ ăn Tết. Trâu bò thì được đếm từng con theo tục lệ, rồi được mang tới vài bó lúa để trâu bò cũng được ăn Tết.

Sáng sớm mồng 1, mâm lễ gồm cá diếc và bánh  chay được mang tới cho con trâu ăn đầu tiên, vì với người Mường, con trâu cũng là đầu cơ nghiệp. Đồng thời, các mâm cỗ cúng cũng được dọn dẹp cất đi, các thầy Mo mời chư vị thần linh cùng người đã khuất về chốn cũ. Cũng vào ngày đầu năm này, các phường bùa (đội hình diễn tấu chiêng, có từ 6 đến 12 người, trong đó có ông trùm phường đứng đầu) làm lễ tấu chiêng xắc bùa phát rác đến từng nhà. Cứ đến sân nhà ai, phường bùa sẽ hát bài chúc Tết, sau đó là bài phát rác (tức mở nước), chúc gia chủ mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, mát lành như nước. Sau đó, gia chủ sẽ xuống sân mời phường bùa lên nhà ăn cỗ, uống rượu cần. 

Trong suốt những ngày Tết sau đó, người Mường chọn cho mình những bộ váy quần áo đẹp nhất, diện nhất, tươm tất nhất để đi chơi Tết và đến nhà người thân quen để chúc tụng. Đồng thời, nhiều trò chơi truyền thống như ném còn, đánh khăng, bắn nỏ, hát đối đáp, kéo co… cũng được tổ chức trong sân chơi chung của làng.

Nếu không có sự đồng ý của ông Trùm, thì không người dân Mường nào được phép ra đồng làm việc. Cho đến ngày 7 tháng Giêng, lễ Khai hạ được tổ chức. Đây là Hội xuống đồng hay còn gọi là Lễ hội “Mở mắt cồng, mắt lệnh” lớn nhất của người Mường. Vào 5 giờ sáng, người dân tập trung tại đền thờ Thành Hoàng, làm mâm lễ trình với các Thánh. Lễ Cồng Chiêng bắt đầu được mở, ông Trùm đánh ba hồi chiêng đầu, người dân lần lượt bước vào đền tế cúng. Khi tiếng chiêng kết thúc, thì phần tế ngày hôm đó cũng xong. Từ đây, Tết khép lại, người dân ra đồng làm mùa, chính thức bước vào công việc đồng áng của năm mới.

Theo Việt Quỳnh - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng