Tạp chí Sông Hương -
Phong vị Tết trên những tờ báo Xuân thời xưa và nay
09:59 | 17/02/2018

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ độ Tết đến xuân về, những tờ báo Xuân đã trở thành một nét văn hóa đặc biệt, một món ăn tinh thần không thể thiếu của Tết Việt.

Phong vị Tết trên những tờ báo Xuân thời xưa và nay
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Nếu lấy mốc Nam phong Tết Mậu Ngọ (1918) là tờ báo Xuân đầu tiên, đến nay “phong tục” hay “truyền thống” làm báo Xuân đã tròn 100 năm.

Mấy nét phác thảo về những tờ báo Xuân đầu tiên

Kể từ cột mốc quan trọng - Xuân Mậu Ngọ 1918 - tờ Nam Phong tạp chí nổi danh khắp trong Nam ngoài Bắc lúc bấy giờ đã cho ra mắt số đặc biệt mừng Xuân mới, thì báo Xuân đã bắt đầu cuộc hành trình suốt một thế kỷ của mình trong dòng chảy văn hóa Việt Nam nói chung, cũng như của nền báo chí nói riêng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.

Nam Phong tạp chí (Ngọn gió Nam) là dạng nguyệt san do L. Marty, một người Pháp rất thông thạo tiếng Việt sáng lập; chủ bút là học giả Phạm Quỳnh đã ra mắt “số Tết 1918” (và cũng là số Tết duy nhất của tạp chí này) với lối trình bày khác biệt, không đánh số thứ tự theo thường lệ.

Toàn bộ số Xuân Nam Phong tạp chí có 126 trang, bìa màu vàng cam nhạt, có vẽ hình hai ông già, một sáng và một mờ, tay cầm cành đào tượng trưng cho hai vị Hành khiển phán quan Mậu Ngọ (cầm nhánh đào tươi) và Đinh Tỵ (cầm nhánh đào không có bông) bàn giao ấn tín cho nhau. Trong số Tết này của Nam Phong tạp chí, tất cả các bài viết đều nằm trong khung hoa, có nhiều tranh minh họa và không có quảng cáo.

Cũng có ý kiến cho rằng tờ báo Xuân đầu tiên xuất hiện vào năm 1908, đó là tờ Lục Tỉnh Tân văn (số ra năm Đinh Tỵ, tức ngày 30/1/1908) với phần nội dung có bài dài khuyên ăn Tết lành mạnh, bớt ăn chơi, hủ tục. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, tờ Lục Tỉnh Tân văn số Đinh Tỵ 1908 chỉ là tờ báo ra vào dịp Tết chứ không phải là báo Xuân vì phần hình thức tờ báo này không khác gì tờ báo ra ngày thường.

Tiếp theo tờ Nam Phong tạp chí số Tết 1918, tờ Đông Pháp thời báo cũng cho ra mắt số báo Xuân với hai mầu đen, đỏ bán rất chạy vào năm 1927 hoặc tờ Thần Chung báo của Diệp Văn Kỳ cũng cho ra mắt số Xuân vào năm 1929.

Phong trào làm báo Xuân thật sự nở rộ trong thập niên 30 của thế kỷ trước với sự ra đời của hàng loạt tờ báo Xuân, như Loa (Hà Nội 1935), Chơi Xuân (Hà Nội 1935), Đuốc Nhà Nam (Sài Gòn 1936), Quà Tết (Sài Gòn 1937), Sách Xuân (Sa Đéc 1937). Nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến hai tờ báo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn là Phong Hóa tuần báo và Ngày Nay.

Trong giai đoạn này một số tờ báo ra số Xuân chỉ nhằm để kỷ niệm dấu ấn chứ chưa thật sự có mục đích làm báo Xuân như sau này. Tuy nhiên, Lục Tỉnh Tân văn số Xuân 1908 và Nam Phong tạp chí số Tết 1918 là sự mở màn, đặt nền móng cho “tục” làm báo Xuân sau này của làng báo Việt Nam. Và báo xuân đã trở thành nét văn hóa ngày Tết của người Việt ngoài thịt mỡ-dưa hành-câu đối đỏ.

Phong vị Tết trên báo Xuân xưa và nay

Lật xem những trang báo Xuân cũ đã nhuốm màu thời gian thì thấy hầu hết báo Xuân trước đây đều tập trung nhiều nhất vào chủ đề phong tục tập quán của ngày Tết, giới thiệu văn hóa, thành tựu về các lĩnh vực của nước nhà với mật độ vô cùng đậm đặc.

Bên cạnh đó, đọc báo Xuân, mới thấy ngày xưa chuyện ăn Tết, thưởng Xuân rất được coi trọng, bởi trên báo Xuân luôn có những bài vở mang tính hoài niệm, hồi tưởng những cái Tết đã qua ở mọi hoàn cảnh từ Tết trong tù đến trong vùng kháng chiến, Tết ở đảo xa cho đến Tết trên miền thượng du...

Dạng bài thứ hai thường xuất hiện trên báo Xuân khi xưa là phản ánh cái Tết của mọi tầng lớp trong xã hội, trước hết là giới làm báo, rồi giới nghệ sỹ, giới chính khách...

Đặc biệt, báo Xuân ngày xưa thường thoát ra khỏi dòng thời sự thường nhật, không có nhiều bài đề cập đến chính trị, chiến sự, mà thường đề cao yếu tố xúc cảm nhân văn, hướng đến những suy tư và đặc biệt gợi mở không khí Tết qua những chủ đề, cụm nội dung đặc biệt hướng người đọc đến sự giao cảm, tinh thần lạc quan...
 


Học sinh Trường dân tộc nội trú huyện Đình Lập đọc báo tại Hội báo xuân Xứ Lạng năm 2017. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)


Trải qua bước thăng trầm, biến đổi của thời cuộc đã tạo nên diện mạo và nét riêng biệt cho mỗi số báo Xuân. Những tờ báo Xuân, bên cạnh độ đặc sắc về nội dung bởi việc được đầu tư tâm sức hơn hẳn những số báo bình thường, sự chăm chút công phu về mặt mỹ thuật cũng là một trong những điều làm nên sự đặc biệt cho báo Xuân trong suốt 100 năm qua.

Thời xưa, khi kỹ thuật và công nghệ hình ảnh chưa phát triển vượt bậc như hiện nay, người họa sỹ chính là những người trau chuốt để tạo ra “bộ mặt” đẹp nhất, ấn tượng nhất cho mỗi ấn phẩm. Các họa sỹ nổi tiếng trong lĩnh vực vẽ bìa báo Xuân thường được nhắc đến như những người làm nên “linh hồn” cho những trang báo Xuân xưa. Và dường như cũng vì vậy, tờ báo Xuân xưa mang trong mình một hồn cốt, một phong vị đặc biệt mà có lẽ những tờ báo hiện đại không thể nào có được.

Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ làm báo, báo Xuân liên tục cải tiến về nội dung và hình thức để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của độc giả. Tuy nhiên vẫn có thể nhận thấy những nét tương đồng với tinh thần làm báo Xuân ngày xưa. Đó là phần nào phản ánh diện mạo tâm hồn của con người trước thời cuộc.

Báo Xuân thường là sự huy động tư duy sáng tạo đến từ người thiết kế nội dung, trình bày cho đến người viết được tập trung cao độ. Những tờ báo Xuân thường là nơi tập hợp những tên tuổi quan trọng làm nên giá trị hay thương hiệu của các tờ báo, những cây bút có sức ảnh hưởng với công chúng và có khả năng thực hiện những chủ đề chuyên sâu về lối sống, văn hóa xã hội, thời thế...

Đối với giới làm báo, báo Xuân là một cuộc chơi thăng hoa và lắng đọng trí tuệ trong nghề nghiệp sau một năm làm thời sự. Nhu cầu thưởng thức báo Xuân càng ngày càng đòi hỏi tính chuyên nghiệp, các đối tác quảng cáo trong thời thị trường cũng đánh giá tờ báo Xuân là nơi quảng bá hình ảnh hiệu quả.

Còn đối với bạn đọc, thói quen mua báo Xuân đọc chậm trong mấy ngày Tết cho đến thời kỳ mạng xã hội phát triển như hôm nay dù ít nhiều hãy còn được lưu giữ. Đó cũng chính là lý do những số báo Xuân ngày nay có số trang dày hơn số thường vẫn được người ta sẵn lòng mua để đọc trong những ngày đầu xuân năm mới này.

Có thể nói, trải qua 100 năm, trên những tờ báo Xuân đặc biệt, mọi thứ ồn ào, tranh cãi, lộn xộn của đời thường được tạm gác qua một bên, nhường chỗ cho những cảm xúc sâu lắng, chiêm nghiệm, nhìn lại năm đã qua và hy vọng cho năm tới tốt đẹp hơn.

Theo Lan Khanh (TTXVN/Vietnam+)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng