Tạp chí Sông Hương -
Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: NƠI THƯỜNG TRÚ CỦA MÙA XUÂN
15:19 | 21/02/2018

PHẠM NGỌC TÚY

Mùa xuân nồng hương loài hoa cỏ. Núi đồi tắm đẫm trong một không khí tinh khiết lạ kì. Trong không gian thơm nức loài hoa lan, hoa huê, hoa răm trắng, hoa hồng. Tiếng con suối róc rách sau nhà. Trong khoảng sân hẹp, hai cây sapotier đang đơm nhánh, toả lộc non, xanh như ngọc...

Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm: NƠI THƯỜNG TRÚ CỦA MÙA XUÂN
Chồi xuân

Đó là một cặp vợ chồng trông rất đẹp đôi và hạnh phúc. Chàng cao lớn, mặt vuông. Nàng mảnh khảnh, xinh xắn. Khi lấy nhau, họ ở nhà tập thể của cơ quan. Sau khi cơ quan dời đi chỗ khác, người được phân đất, kẻ được chia nhà, lần lượt dọn đi. Chỉ trừ chàng. Chàng vì cô mà ở lại.

Chỗ này thuộc miền cao, xa phố, xa mọi tiếng ồn. Nó mang khung cảnh của núi đồi. Họ mua lại nửa quả đồi và ngôi nhà nhỏ, trả góp nhiều năm. Trên đường vào nhà chàng trồng thêm hai dãy bạc hà. Và tha về khoảng sân hẹp một số cây kiểng mà cô ưa thích, có những chậu cây chàng không biết là cây gì. Trồng cây cũng chìu theo ý thích của cô. Một số do cô trồng. Ngoài giờ dạy, cô tỉ mẩn chăm chút mảnh sân nhỏ. Thú vui của cô là làm vườn, đọc sách. Nhà rất nhiều sách vở. Họ ngồi trong ghế dựa bên cây thiết mộc lan ngắm cảnh mặt trời lặn. Thuận vợ, thuận chồng, cả ngày không nghe tiếng cãi vã. Không ít người bạn đến chơi ao ước cuộc sống của họ. Họ không có con. Y Sao là đứa con của núi rừng từ A Lưới dạt về đây trong một dịp tình cờ. Mẹ Y Sao được đưa về Bệnh viện Trung ương Huế để mổ. Ngày hôm đó cô sang thăm một người bạn cũng bị đau. Y Sao năm ấy lên mười. Con bé có mái tóc đen chưa cháy nắng, làn da mật ong, chiếc mũi nhỏ xinh giống mẹ, đôi mắt đúng là đôi mắt của núi rừng. Mắt ông A Sình: đen và sâu nấp dưới hàng lông mày thanh. Người mẹ, ngạc nhiên thay là người Kinh. Người phụ nữ mà có lẽ thời trẻ khá đẹp, cầm tay cô, giọng run run: “Xin cô thương nó. Tôi cũng là người Thừa Thiên”. Những gian lao vất vả khiến người đàn bà già trước tuổi. “Vâng, tôi nhận nuôi nó. Tôi không có con. Tôi là giáo viên. Tôi...”. Cô nói một hơi, chỉ sợ ông A Sình đổi ý. “Được cô thương, chúng tôi mừng lắm”. A Sình nói tiếng Kinh sõi, da ông ta trắng chứ không đen. Tối hôm ấy mẹ Y Sao mất.

Thoạt nghe cô trình bày ý định, chàng đã giãy lên. Chàng đã nhịn cô nhiều chuyện, mà không phải đây là lần đầu tiên cô mang về nhà một đứa trẻ. Ngay cái việc sang lại khu đất, sửa lại ngôi nhà, chuyên chở đồ đạc, sách vở đã khiến cả hai phờ phạc. Bây giờ lại chuyện gì nữa đây?

- Nuôi một con... một đứa trẻ dân tộc ít người? Sao em không... không lên xin cô Minh Tú?          

- Em đã xin nhiều lần, mà có đứa nào ở Cô nhi viện về đây ở lâu với chúng ta đâu.

Một tháng một lần cô ghé Cô nhi viện. Cô yêu trẻ, cô cần có một đứa cho vui cửa vui nhà. Chàng trái lại, không thích nuôi con nuôi. Họ đã cãi nhau và bây giờ, cô không muốn làm chàng phật ý thêm. Cô chỉ nói:

- Lần này em phải nuôi Y Sao, mẹ nó chết rồi và em đã mua nó.

Chàng không nói không rằng. Sau cùng, mọi thủ tục nhận con cũng hoàn tất. Có con bé, ngôi nhà sống động hẳn. Nhưng dù dỗ dành mấy nó vẫn không chịu gọi cô bằng mẹ. Cô đành vậy. Y Sao mười tuổi, vóc dáng không đến nỗi nào. Nó được cô giáo cho đi học dưới Trường An. Ngoài giờ học, về nhà nó cũng siêng. Cô dạy Y Sao học, bày cho nó cách may vá thêu thùa, trồng cây. Mái tóc Y Sao dần dần mượt mà hơn, da nó trắng ra. Cô thỉnh thoảng lại vuốt tóc nó:

- Đôi mắt và mái tóc của núi rừng sẽ quyến rũ thị thành đây.

Tuy được thương yêu, Y Sao khôn nguôi nỗi nhớ rừng. Nó nhớ cả tiếng chim kêu khi chiều xuống. Cô giáo cắt tóc, cắt móng tay, gội đầu, tắm  rửa, làm đẹp cho nó. Cô yêu nó ngay cái nhìn đầu tiên. 

- Mày ở lại đây, học cho xong bậc trung cấp rồi về.

Con bé nước mắt ngắn, nước mắt dài:

- Con nhớ nội, nhớ cha lắm.

- Ta sẽ cho con về,  có ai bắt cóc con đâu.

Thế mà điều ấy lại xảy ra trước khi cô kịp nghĩ đến. Từ lâu họ đã có với nhau một thoả thuận: chàng luôn chiều theo ý cô, còn cô không can thiệp vào chuyện chàng làm. Khi sửa lại ngôi nhà này, chàng nghĩ bụng sẽ bán lại. Chàng đâu có thích ở đây. Ý thích quái gở của vợ rồi sẽ phai. Hai cây thiết mộc lan cô trồng trước nhà là thứ cây chàng rất ghét. Chàng muốn thay vào đó hai cây tùng tán. Cô không chịu. “Thứ hoa gì mà mùi hăng quá”. Hoa thường nở lúc xế chiều, chàng đã về nhà đâu. Chàng chỉ về nhà sau mười giờ, có khi khuya hơn, người nồng mùi rượu bia. Thời sinh viên cô yêu và ngưỡng mộ  chàng. Mười năm lấy nhau, giữa họ không xảy ra điều tiếng gì, trừ một điều chàng khám phá ra ở cô: Cô khác với mẫu người chàng muốn. Những năm đầu họ đã cãi nhau. “Em là vợ anh, chứ không phải là cái điều anh muốn, phải thế không?”.

Lẽ ra điều ấy xảy ra muộn hơn. Trong vườn, hai cái lá nhiều chuyện nhất là lá sapotier và lá bạch đàn. Chúng thi nhau rụng. Con bé thường chịu khó quét tấp vào gộc cho mụ Trà đến hốt. Chiều hôm đó cô đang ngồi nhặt những bông hoa trắng rơi trên vồng cỏ thì mụ Trà đi vào:  

- Người ta thì làm cỏ không hết, cô lại đi trồng cỏ.

Cô đứng lên, chợt xiêu người lảo đảo. Mụ Trà ném cái cào xuống, kịp đỡ cô vào hai cánh tay.

Đó là một chứng bệnh y học đành bó tay. Bệnh phát ra mạnh khi lượng hồng cầu trong máu giảm đi, lượng bạch cầu tăng nhanh. Chàng đưa cô vào bệnh viện không hiểu cô mắc bệnh gì. Con Y Sao cũng đi theo. Đã nhiều lần cô ngất như vậy (thường chàng không có nhà). Nhăn nhó như khỉ ăn phải ớt, chàng nói:

- Em giấu anh, lâu nay em giấu anh. Tại sao?

Thái độ của chàng là vô lí, nhưng cô không giận. Chàng trái lại, bực tức vì vẻ thản nhiên của cô.

“Giá như anh ở nhà vào buổi tối”. Cô chỉ im lặng.

Khi các cuộc thăm viếng của bạn bè người thân lắng xuống và thưa hẳn, chàng thôi giận vợ, hiểu ra sự thật. Bác sĩ bảo tốt hơn cô không nên đến trường nữa.

Ngày mẹ chết, Y Sao ôm cái áo chàm xanh mà ngủ, đêm nào cũng dậy khóc. Bây giờ nó bắt đầu trổ mã, cao lớn hẳn ra. Ngực nó lớn hơn những đứa trẻ bình thường. Ông A Sình có về thăm nó một lần, tặng cô giáo chiếc lồng nhốt  con chim lông xanh mỏ đỏ biết nói. Một con chim biết hót, giọng trong trẻo như chim hoàng anh. Món quà ấy khiến cô tưởng chừng mình dứt hẳn cơn bịnh. Từ hồi lấy nhau, chàng cũng chưa mang lại cho cô niềm vui lớn như thế. Những món tiền cất trong tủ, gởi ngân hàng, những đồ nữ trang; tiền, công việc, cướp đi người thanh niên vui tánh cởi mở ngày nào. Niềm đam mê của chàng không phải là của cô. Và cô thầm biết ơn A Sình!

Để nguôi nỗi nhớ rừng, Y Sao nuôi một con gà trống. Con gà có cái mào đỏ tía, bộ lông màu đỏ thắm pha vàng. Chân cao, cựa lớn, ức nở. Con gà oai vệ quá. Y Sao nói, gà rừng cao hơn, oai hơn. Chim núi nhiều hơn. Ba năm qua, Y Sao lớn bộn. Người nó đã mang dáng dấp thị thành chút đỉnh. Nó học ăn, học nói, học hát. Chỉ có điều nó hơi trầm mặc. Từ ngày cô ở nhà, không thể làm việc như trước, chàng thuê mụ Trà đi chợ nấu nướng giúp. Mụ Trà là một phụ nữ da ngăm đen, khuôn mặt ưa nhìn. Mụ bán rau cải dưới chợ. Quanh đây nhà nào cũng có vườn. Người ta tận dụng đất, trồng cây ăn quả. Giống sapotier núi trái dài mà to, vàng rộm, ngọt lịm. Với vài quả mít, chục quả dưa, một quả bí đỏ bỏ trên xe đạp, hoặc cho vào đôi quang gánh là đủ đi chợ. Ở ngã ba đường rẽ lên lăng Tự Đức, Cầu Lim có một cái chợ. Đối diện với khu chợ ấy mươi người đàn bà họp thành một cái chợ nhỏ ven Đàn Nam Giao. Những vui buồn, những phụ gia của cuộc đời ấy cô không thấy nữa. Bán xong hàng (thật ra mụ Trà chỉ bán kết quả lao động của ông chồng), mụ Trà mua thức ăn cho cả hai gia đình, mang về nhà những âm thanh chợ búa.

- Bữa ni mít đắt như vàng. Một nghìn một lát mỏng như lá lúa. Con mẹ Vàng bán trứng gà so, đòi cho được một cái một ngàn. Quên nữa, hết ruốc. Con Y Sao thật vô vị, mi phải nhắc tao chứ. - Chỉ mình mụ Trà nói - chết cha ông nội, đứa mô đổ rác trên vôồng cỏ nhật của cô nè trời!

-Thầy đó, hồi hôm thầy đem bạn về nhậu. Y Sao đáp. 

Cũng có một lần, mụ Trà nổi hứng ngồi xem cảnh mặt trời lặn với cô.

- Ai cũng bận kiếm sống, cô nói với mụ Trà - chỉ trừ tôi, ngồi xem cảnh mặt trời lặn. Nào ai biết thưởng thức hương vị mật ngọt của mùa xuân, trừ người nghệ sĩ. Mày thấy mặt trời đang chuyển màu không, Y Sao?

- Tui có thấy, mụ Trà đáp thay.

- Mặt trời có nhiều màu! Con bé la to. Màu đỏ, vàng, tím, đẹp quá.

Trên nền trời thẫm dần, màu tím, màu vàng chói lọi. Mặt trời bừng lên ánh sáng cuối cùng trước khi đi vào đêm tối.

Những lúc như thế không bao giờ có chàng ở cạnh.

Con gà cất tiếng gáy dứt, tiếng con hoàng anh đã hót trước hiên nhà. Mùa xuân nồng hương loài hoa cỏ, mùa hè đầy ứ hương thơm và mật ngọt. Núi đồi tắm đẫm trong một không khí tinh khiết lạ kì. Trong không gian thơm nức loài hoa lan, hoa huê, hoa răm trắng, hoa hồng. Hai cây mộc lan nở hoa. Tiếng con suối róc rách sau nhà. Trong khoảng sân hẹp, hai cây sapotier đang đơm nhánh, toả lộc non. Mùa xuân, cây lá đẹp vô cùng. Khi ngồi nhổ cỏ dưới gộc, nhìn lên cô thấy vô số lá non, chồi biếc, xanh như ngọc. Định gọi một người nào đó đến chia sẻ thì không có ai.

Ngoài đồi sương tan dần, mặt trời từ từ nhú lên sau rừng cây, rọi xuống khe nước lấp lánh ánh bạc. Bình minh đến với tiếng chim hót ríu rít, tiếng con sơn ca trong trẻo, con hoàng anh hót một tràng dài. Con chim mỏ đỏ gật đầu: 

“Xin chào, chào bình minh, chào mùa xuân” Mỗi ngày đến với những thúc giục, xao xuyến. Tiếng gọi thao thiết ấy không biết có tự bao giờ. Có lẽ đó là những gì rực lửa xôn xao trong cô.

Cả điều ấy chàng cũng không hề biết.

Cô đặt ấm nước sôi lên bếp, găm điện nấu xôi đậu. Từ ngày cô ngã bệnh, chàng ăn sáng ở nhà. Con Y Sao đã dậy. Nó đến bên cô, lăng xăng giúp đỡ vài việc như rửa ấm chén. Bảy giờ mụ Trà sẽ đến với một gánh đầy rau cải. Từ sau cơn lũ tháng mười một, rau cải rất đắt. Mụ sẽ ra tay dọn nhà, lấy tiền đi chợ cho chủ.

Mùi xôi đậu chín, mùi muối mè thơm phức. Y Sao lau chén bới xôi.

- Em uống thuốc chưa? Chàng thay quần áo ngồi vào bàn.

- Uống rồi. Cô đặt chén xôi trước mặt chàng. Sao em thèm nghe một tiếng trống tựu trường đến thế?

Cô lấy cặp sách kiểm tra lại vở, chải đầu cho Y Sao. Nom nó vừa có duyên vừa xinh. Đôi mắt thật giống mắt người Ấn Độ, đôi mắt của núi rừng.

- Này em, chàng nói trước khi rời bàn ăn - trưa nay có chú Quân ở Đà Nẵng ra, anh sẽ về.

Không đợi nghe câu trả lời, chàng xách cặp đi ra.

Cô ăn vài miếng chiếu lệ, uống cạn li sữa hột gà rồi bước ra ngoài. Lát sau, Y Sao chào cô đi học. Mùa xuân trời ấm áp dễ chịu, tuy sáng nào cũng có sương, có bữa đến chín giờ mới nắng. Tiếng quang gánh kĩu kịt, mụ Trà le te cầm trái dưa leo đi vào:

- Trời..., vô nhà đi chứ, răng đứng đây? Giọng mụ oang oang. Bữa ni sương nhiều, e có cá biển. Tui mua cá thu nấu cháo cá cô ăn nghe. Đã bệnh, thì bớt ăn đồ chua, đồ sống.

- Trưa nay có khách, bà mua ít thịt bò khoai tây, để cho tui ít xà lách. Còn nấu cho tui món cháo chay.

-  Xì, đã đau còn ăn chay!

Làm xong một số việc, mụ Trà ra chợ. Xế trưa, có tiếng xe Dream chạy từ con đường bên ngoài, đi thẳng vào cổng. Người vừa đến là một thanh niên vạm vỡ điển trai, tóc bồng. Anh ta xuống xe, đi thẳng vào nhà với những bước mạnh bạo.

- Chị ơi.

Cô đang dọn phòng, lật đật đi ra.

- Kìa, chú. Ra khi nào?

- Em nghe chị đau, bữa ni mới rảnh ra thăm. Chị đau ra sao? Nặng lắm không?

Quân nhìn chị dâu, làn da cô trắng, trắng lạ lùng. Màu phấn hồng ở má không che được làn da trắng xanh ấy. Cô mỉm cười nhẹ nhàng:

- Tôi không sao cả.

- Không sao mà nghỉ dạy. Quân ngồi xuống ghế. Anh ta xin phép hút thuốc.

- Có lẽ chị sẽ đi dạy lại, nhớ trường nhớ lớp ghê.

Quân trầm ngâm một lúc:

- Chị có nghe anh nói về việc xây lăng ông cố không?

Cô nghe mẹ chồng nhắc chuyện này lâu rồi. Mẹ chồng cô là người hiếu thuận. Bà xây lăng cho cha chồng, nay muốn góp thêm chút ít để xây lăng cho cụ thân sinh ra cha chồng.

- Số tiền có nhiều không chú?

- Dạ, nếu làm lăng cho hai bà thì độ bảy triệu.

Quân muốn ám chỉ mộ của hai bà cố, ông cố lấy  hai chị em ruột.

Cô bâng khuâng nghĩ đến mẹ chồng. Bà ở trong Thành nội, từ ngày ngã bệnh, cô ít xuống thăm bà. Bà là người hiếu thảo. Bà vừa nuôi chú em (cha của Quân), nuôi em gái chồng, nuôi cháu gọi bằng cô. Nhưng số bà bạc phận. Chú Khang ở với bà đến lúc ra trường, chú trả lui chiếc xe đạp cha chồng cô mua cho. Trả lại là hết? Không ai hiểu ý chú Khang, từ đó chàng và Quân không mấy hợp nhau. Ba đứa cháu trai sang Mỹ, trong mấy năm đầu bận làm ăn, mấy năm sau nữa vẫn bận làm ăn. Và như vậy mười năm trôi qua, mẹ chồng cô không buồn chờ ở họ một tấm thiệp chúc mừng ngày Tết nữa.

Quân nhìn quanh. Căn nhà nhỏ mà ngăn nắp, sạch sẽ, sách vở rất nhiều. Buổi trưa, chàng về. Mụ Trà ở lại nấu nướng, giết thịt con gà gô trong chuồng. Bia lon có sẵn ở tủ lạnh. Y Sao lăng xăng gọt khoai tây, cà rốt, nhặt rau. Hai người ngồi vào bàn ăn, bàn chuyện xây lăng.

- Làm cho nguy nga ắt tốn nhiều tiền.

- Chú đừng lo thiếu tiền, tôi sẽ góp thêm vào.

- Ba em dặn chỉ nên làm chừng bảy triệu trở lui, nếu như có thiếu thì... Quân đáp cho vui lòng người anh con ông bác. Anh ta gắp một miếng thịt gà bỏ vào chén chị dâu vì thấy nãy giờ chị dâu không ăn gì cả. Cô đang ăn chén cháo chay.

- Làm cho nguy nga, tráng lệ vào, chỉ lo không có người hương khói. Chàng ngửa cổ uống cạn cốc bia. - Mà tôi có nói phải làm to, làm cho lớn không nhỉ?

Cả hai cười vang. Chú Khang đã đi Mỹ, diện HO từ lâu. Chàng chỉ biết vậy vì ông chú không hề liên lạc với chàng. Quá một giờ rưỡi, chàng vào phòng tắm rửa mặt, sau đó phóng xe đến sở. Quân nằm ngủ trong phòng kế, nguyên trước là khu nhà tập thể nên căn hộ có đến ba phòng ngủ. Cô hiểu rằng việc xây lăng đắp mộ thường chỉ dương danh cho người sống, ngoài mục đích đó là lòng hiếu thảo. Những năm tháng khó khăn mẹ chồng cô đã dành dụm tiền bạc, xây lăng cho cha chồng, mà chú Khang và cô Thi, chẳng ai góp đồng nào. 

Tiếng xe chàng chạy xa ngọn đồi. Hồi trưa Quân khen chỗ này quá đẹp. Ai sống ở đây thì chết chôn ở đây. Đôi khi mẹ chồng đến rầy la chàng không quan tâm đến vợ. Thật ra chàng còn thì giờ đâu mà để ý chăm sóc cô, chàng đi làm thêm ngày chủ nhật, làm thêm ngoài giờ ở một công ty ngoại quốc. Rồi liên tục đi Thái Lan, Sing ga po. Thậm chí hồi nãy, tưởng cô đã ngủ chàng cũng không nhìn cô. Thói quen của chàng là ngồi vào bàn để ăn chứ không phải để ý đến người khác. Đời sống của chàng là kiếm thật nhiều tiền. Chàng nói, chàng đang mua một khu đất dưới phố, nay mai sẽ làm nhà ở để tiện việc đi làm. Phần còn lại cho thuê. Họ không tranh cãi với nhau quan niệm sống nữa. Đã qua thời tuổi trẻ với những ngày ngây thơ lầm lạc, những sôi nổi ngông cuồng.

“Cũng may, mình còn kịp trở về nhà” đôi lần cô thầm nghĩ. Tâm hồn họ như hai con đường, tuy có thể cùng về một hướng, nhưng điều ấy quá mong manh.

Vô tận mùa xuân, bao la đất trời. Đứng trên đồi thông phía sau nhà, cảm nghe cái im lặng giữa bên này đồi và bên kia núi. Chàng có ở gần đâu mà nói điều đó, có nói chàng cũng cho là vớ vẩn, không muốn nghe. Tìm đâu ra chàng trai thuở mới lớn, tập vở nhét túi quần sau, đôi mắt rực lửa đam mê, nắm tay cô giẫm lên cỏ mùa xuân nữa?

Quân ngủ một giấc dài, dậy đi quanh vườn. Mâm chè đậu xanh mụ Trà nấu đậy lồng bàn để giữa bàn. 

4 giờ con Y Sao đi học về, mặt mũi nhăn nhó:

- Thưa cô con đi học về!

- Ừ, mà sao mặt mũi bí xị thế?

Hồi trưa, Quân đã để ý đến con bé. Khi nghe cô nói nó là con của Vừng A Sình, quê ở A Lưới, Quân đã tròn mắt khen nó đẹp.

Cô theo Y Sao vào phòng, vuốt tóc nó. Đôi má nó hây hây vì đoạn đường khá dài. Da nó đang trắng ra, hồng hào hơn. Một lúc nữa trôi qua. Nó là một đứa trẻ trầm mặc và nhạy cảm.

- Mấy đứa... nói con là... con hoang.

Cô kéo Y Sao vào lòng, hôn lên má nó.

- Thôi mà con. Tụi nó nói, đừng chấp. - Con là con của Vừng A Sình cũng là con của ta.

Rồi cô ôm chặt Y Sao vào lòng, nhưng nó vùng vẫy thoát ra.

Ở nhà ngoài, Quân đang ngồi xem sách. Anh ta tự hỏi, vì sao một người như thế lại có thể đọc được chừng ấy sách, và cũng không có vẻ gì đang mắc chứng bệnh trầm cảm. Cô bước ra, lấy chè mời Quân. Chú em chồng ăn một  lúc hai chén, rồi hỏi chuyện chị dâu đau như thế nào, bao giờ, chữa chạy ra sao... 5 giờ, anh ta lên xe đi, bảo tối sẽ về ăn cơm và ngủ lại. Mai về làng lo việc xây lăng.

“Đêm Nguyên Tiêu, tất cả lửa trong hoàng cung đều tắt. Mọi người từ ngự y tới thái giám, các phi tần cung nữ, đều mang đèn lồng  đến cung vua xin lửa. Người ta cho rằng việc xin lửa đêm Nguyên Tiêu, được coi như một ân huệ vua ban. Đó là nỗi ước mơ, hi vọng, là sự sống. Lửa biểu trưng cho sự sống, cho tình yêu, cho tất cả.”

- Lửa là sự sống?

- Ừ, thế trên đó, những buôn ít người, họ không đốt lửa cầu thần linh vào ngày lễ hội sao con?

- Người ta nhảy múa. - Thế còn làm vườn, trồng cây, có cần đến lửa không cô?

Cô cười to, cười ngặt nghẽo. Từ ngày mang con bé về đến giờ, đó là tràng cười sảng khoái nhất.

- Ừ có..., cô băn khoăn không biết nên giải thích như thế nào cho Y Sao hiểu việc thần dân đến cung vua xin lửa là biểu trưng cho niềm hi vọng tin tưởng vào tương lai còn trồng cây, làm vườn thì nó lại mang một ý nghĩa khác nữa. Đó là mưu sinh, và cũng cần có niềm say mê...

Đôi mắt Y Sao dường như xa xăm hơn. Nó thường nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ rừng. Ở trên núi cái gì cũng cao, cũng vĩ đại.

- Y Sao con lại nhớ núi rừng à? Cô cốc lên đầu nó - ở đây có tất cả, có thông, có suối, có rừng và có mùa xuân. Nào, bây giờ thì đi làm bài tập đi nhé.

Cô bước ra vườn. Tháng giêng, cỏ non lá mạ, những búp lá thon thon hình thuyền rung rinh trong gió nhẹ. Nơi hàng hiên, con chim hoàng anh hót một tràng dài. Cô bước đến gần, cho con chim ăn chút lòng đỏ trứng còn lại. Tiếng xe chàng chạy từ con đường vòng bên ngoài làm cô ngạc nhiên. Chàng về vào giờ này là điều ít khi xảy ra.

- Y Sao! Y Sao đâu rồi?

Chàng dừng xe lại, nhảy xuống xe vẻ cáu kỉnh.

- Chuyện chi thế? Cháu nó đang quét rác.

- Mau gọi nó ra đây. Chàng nhảy xuống xe đi vào nhà. Chàng không ghét Y Sao, nhưng tánh nó trầm mặc quá, chàng lại ít trò chuyện với nó. Thật ra ngay từ đầu, việc nuôi Y Sao là quyết định của cô. Chàng chiều cô một cách miễn cưỡng, với ý nghĩ Y Sao sẽ đỡ đần việc nhà khi cô đau ốm. Chàng chưa hề nghĩ tới chuyện cô cho nó đi học. Nó học dưới Trường An, đi khá xa.

Một lát sau Y Sao bước vào, trán nó rịn mồ hôi.

- Nè, con phải nói thật, con có lấy tờ đô la trong cặp chú không? 

- Không. Y Sao ngơ ngác.

- Thế, cái chi đây? Chàng ném cái khăn mouchoir có thêu hoa hồng, cô thêu cho nó ra trước mặt. Vì sao cái khăn này nằm trong chiếc cặp của tao hả? Chàng đưa tờ bạc màu xanh ra, dí vào mặt nó: Có lấy không thì nói? 

Có một lần nó lấy tiền của cô khi cô còn đi dạy. Cô giấu chàng. Nguyên nhân: Y Sao muốn mượn một số tiền đi xe đò về A Lưới. Nó không dám xin, sợ cô giáo không cho đi. Dỗ dành mãi nó mới nói ra sự thật. Nó nghĩ, sau này Vừng A Sình sẽ mang trả cho cô. Từ đó, không bao giờ nó tái phạm nữa.

- Con... con không lấy. Con không biết tiền. Con thấy cái hình... con đưa cô...

Anh tức tối: - Đồ... Mày đi luôn đi, tao không muốn thấy mặt mày nữa.

- Khoan  đã, - cô gạt tay chàng ra, chàng định đánh nó.

Cô đi vào phòng ngủ rồi bước ra. Cô đưa tờ bạc xanh cho chàng. Chàng có vẻ bị bất ngờ:

- Em lấy à?

- Phải.

- Rõ thật là. 

Chàng lưỡng lự một lát, không biết nên nói gì với cô, rồi bực mình vì đã nghi oan cho Y Sao. Chàng quay lưng, lên xe chạy vù mất. Cơn giận làm cô mụ mẫm, lảo đảo tựa  vào cánh cửa. Y Sao dìu cô vào phòng. Chàng không thích trẻ con. Mỗi lần cô thử nuôi một đứa nhỏ, đều không đứa nào ở quá hai năm. Chàng không ác, nhưng ích kỉ. Chàng không hẹp hòi, nhưng hay ghen. Cả với một đứa trẻ, chàng cũng cho rằng cô dồn hết tình cảm cho nó. Và cô bỏ bê chồng (!). Hôm qua, cô tìm ít tiền cho Y Sao nộp tiền học thì mới hay, ví tiền trống rỗng. Cơn bịnh quái ác lấy đi sức khoẻ và tiền bạc của cô. Thấy cái cặp của chàng để trên bàn làm việc, cô vào mở cặp coi kiếm ít tiền. Rồi sẽ nói sau. Không ngờ, chàng đi tìm cái cặp. Tánh chàng nóng nảy, kiêu ngạo. Cô vội đóng lại, tờ bạc xanh rơi ra. Lúc chàng đi rồi, Y Sao nhặt đưa cho cô. Chuyện phi lí nhất là chuyện bỏ quên cái khăn. Cô nhớ ra, Y Sao đã đưa cho cô vì cô bị chảy mũi. Từ ngày ngã bịnh, đây là lần sau cùng những cố gắng của cô trở nên quá tải. Vấn đề đâu phải lỗi ở Y Sao. Câu chuyện hôm nay làm hỏng tất cả. Cô vẫn định đề nghị chàng mua cho nó chiếc xe đạp đi học. Chàng ít về nhà buổi trưa, nếu có về, chàng cũng chưa chắc chịu đi đón nó. 

Con chim mỏ đỏ cất tiếng: “Chào bình minh, chào mùa xuân” Ở dưới bậc cửa, con Y Sao ngồi tựa lưng ngó những con chim, đôi mắt nó tối lại. Trong nhà vọng ra tiếng tụng kinh gõ mõ. Vị sư mặc áo vàng cùng hai đệ tử cầu kinh, đó là kinh cầu an, Y Sao nghe nhiều người nói thế. Nó nghĩ những người nghèo mới bịnh, chớ cô chủ mà lại đau ư? Đã hơn tuần nay Xuân Hoa không dậy. Cô nằm đó, không hẳn là mê, không hẳn là tỉnh. Chập chờn giữa hai trạng thái, cô nằm nghe và thấy được những gì đang xảy ra. Cha mẹ, anh em không còn ai. Cô còn có mẹ chồng. Bà là người hiền đức. Những ngày đó, bà ở lại với con dâu. Y Sao nhớ cô giáo có lần nói: “Có mày, tao đỡ nhớ lớp, nhớ trường. Ở đây tao có tất cả. Có suối, có rừng, có hoa, có lá. Ở đây luôn có mùa xuân”.

Bàn chân ai khẽ đá vào người nó. Đó là mụ Trà.

- Mau vô coi thầy có sai chi không, còn ngồi đó hả? - Con không vô - Y Sao bướng bỉnh. Nó nghe giọng đọc ê a trầm bổng, tiếng cốc cốc cheng cheng, những âm thanh chỉ làm nó buồn thêm. Mụ Trà nói, thầy là sư trụ trì một chùa lớn, không dễ gì mời được. Thế mà mẹ chồng cô Hoa đã mời được. Trên núi cao, người ta nhảy múa quanh cái ma trước khi đặt xuống hố.

- Mi bỏ cô nằm trong nớ à?

- Cô biểu con ra đây.

Mụ Trà bực dọc bỏ đi. Trong phòng, cô đang nằm một mình. Chàng đang bận cúng. Cúng ư? Con Y Sao đâu rồi nhỉ? Sau này về núi, nó có còn nhớ chút gì của Nguyễn Du và Bà Huyện Thanh Quan? Những vần thơ cô dạy nó, để nó quên bớt nỗi nhớ rừng. Bốn mùa xuân hạ thu đông, người ta tranh giành, ganh ghét nhau vì quyền lợi, vì miếng ăn. Nhưng để tồn tại, còn phải dựa vào cái khác. Con bé là nguyên nhân ư? Kể ra nó cũng cần được về lại núi rừng. Nó không hợp với miền xuôi. Lỗi tại ta, chiếc áo chàm xanh của mẹ, nó khư khư giữ như một vật quý. Làm như vậy là phụ lòng người đàn bà Quảng Điền. Bà ta còn có quê ngoại kia mà, sao không mang nó về quê ngoại?

Cánh cửa phòng mở, chàng bước vào. Từ ngày Xuân Hoa bịnh, chàng có vẻ ăn năn, tự cho mình đã gây ra nông nỗi.

Chỉ có Quân là ngạc nhiên trước vẻ điềm tĩnh của chị dâu. 

- Em đỡ chút nào không?

- Em không sao.

Chàng cúi xuống cầm tay vợ, tay cô lạnh ngắt - Anh đã biết, cho dù là một Phật tử em không đủ can đảm nghe kinh, dù chỉ một giờ.

- Thôi em, nghe một chút cũng chẳng sao. Đó là ý của mẹ. Ngày mai không cúng nữa, anh không mời thầy đọc kinh nữa.

Bao năm nay cô luôn nhượng bộ. Bây giờ khác. Một ngày không còn xa, trái tim không đủ sức bơm máu về nuôi chính nó, chuyện gì tất yếu sẽ đến, chàng biết rõ. Hai lần chàng nghe lời mẹ, mời thầy tụng kinh cầu an. Bà làm thế chỉ vì cô. Cô không bao giờ chống lại bà. Bà là một người mẹ. Nhưng cô không muốn chàng phải làm như thế. Đến bây giờ họ vẫn không hiểu nhau thì thật là buồn. Hai lần tụng kinh cầu an, mỗi lần cách nhau bốn tháng. Chừng ấy chưa đủ sao? Khi mời thầy đến tụng kinh, nghĩa là người nằm đó sắp ra đi. 

Nếu chết, là chấm dứt ngay hôm nay mọi đau khổ, chết là dứt luôn mọi si mê, ganh ghét, tham lam, là đoạn tuyệt hẳn với những gì xấu xa, tội lỗi của ngày hôm qua. Để sống lại một đời khác, hoàn toàn mới mẻ, trong sạch, hoà mình với cỏ cây, đất nồng hương mới xới. Thế thì ta nên chết theo kiểu ấy. Trong mấy mươi năm cô đã nhượng bộ chàng. Một sự nhịn chín sự lành. Bây giờ mọi điều đã khác. Chàng đã khác, tình yêu đã khác. Tôi có chi để anh phải lo lắng cầu an? Bao năm qua chàng không chịu nhìn nhận một sự thật, là cô đã cần chàng biết bao! Giờ đây, cô linh cảm mình sắp được an trú ở một nơi chốn yên bình và cô thật sự buồn cho chàng. Nếu biết trước, cô đã cho Y Sao về với núi rừng của nó. Ra đi quá sớm, cô đã phụ lòng người đàn bà bất hạnh.

- Em nằm nghỉ, anh sang thăm mẹ.

- Dạ. Anh nhớ bảo mụ Trà coi nấu món gì cho mẹ ăn. 

Cô luôn mang ơn bà. Bà quảng đại và đáng kính quá. Mụ Trà bưng khay cháo bước vào. Con bé theo sau. Mụ Trà đặt khay cháo xuống bàn, bóp tay chân, rờ trán cô chủ.

- Can đảm lên bé. Cô đặt tay lên mái tóc rối bù của nó. Mấy ngày có bà mệ, nó đỡ bị chàng la mắng, tuy bị mụ Trà sai vặt. Cô nói:

- Mụ đừng la con bé, nó là con tôi đấy, nó là con người tự do.

- Xì, ngon dữ - Thôi ăn cháo đi, bà ăn rồi. Sáng tui đi chợ sớm, mua cá về quết chả.

- Cám ơn. Cô đỡ tô cháo và cái muỗng.

- Khổ thân cô. Thầy thì nóng nảy, con ni thì chậm, mệ già, mà cô thì...

- Thôi đi, bà khi mô cũng ưa thêm mắm dặm muối. 

Cô ăn ngon lành hết tô cháo. Có lẽ đây là bữa ngon nhất từ hôm đó đến giờ.

Một giờ sau chàng trở về. Lúc lâm nguy người đàn ông dễ trở thành đấng anh hùng cái thế. Khi đứng trước sự mất mát của người thân, người đàn ông trở nên mềm yếu. Mụ Trà bưng khay cháo đi ra với con bé. Chàng ngồi ghé xuống giường nhìn kĩ mặt vợ. Lâu lắm rồi hôm nay họ mới có dịp gần nhau, tự hỏi điều gì đã ngăn cách, giết chết tình yêu thủa ban đầu của hai người. Giọng cô rành rọt, cân nhắc từng chữ một:

- Em đã lo cho Y Sao trong chừng mực cái mà em có. Tiếc là... em không thể lo cho nó nhiều hơn. Hãy hứa với em, chăm sóc bảo vệ cho Y Sao cho tới ngày nó vào được trung cấp. Mình nuôi, nhưng không nên chiếm hữu. Nó còn bà ngoại, ông nội, còn cha. Đưa nó lên A Lưới một lần, đừng xử tệ với nó, anh nhé.

- Anh hứa!

 Chàng hối hận. Chảy trong giòng máu của chàng, từ thủa ấu thơ niềm đam mê công việc. Một ít cẩn trọng của cha, chút tàn nhẫn của chú Khang chăng? Nhất là người ta còn trẻ khoẻ, còn năng lực cống hiến cho đời - hay đúng hơn, thu góp của đời càng nhiều càng tốt. Làm sao chàng có thể thấy cùng cô, cuộc sống vô cùng phong phú, khi tiền bạc mạnh hơn tình yêu? Chàng chưa một lần ngồi lại với cô, lắng nghe tiếng suối chảy róc rách quanh nhà, tiếng gió reo trên đỉnh ngàn thông. Sao đến bây giờ chàng mới nhận ra cô mỏng manh và nhỏ nhoi. Chàng nằm xuống bên cô, ôm cô vào lòng.

- Anh yêu em.

- Hãy dừng lại. Có đi thì cũng có lúc dừng. Anh chẳng đã quá giầu rồi sao? 

Mất một lúc chàng mới hiểu cô định nói gì.

- Đừng mang em lên núi cao làm chi, để em nằm lại nơi đây, bên con suối nhỏ. 

Mắt chàng trào lệ. Cô hôn trả lại chàng, tưởng như bây giờ chàng mới nhận ra cô là ai.

- Chúng ta sẽ làm lại. Anh sẽ gần em hơn, không làm thêm nữa. Cô mỉm cười.

Vào đêm giao thừa năm sau, chàng cúng tiễn năm cũ. Giao thừa không có pháo nổ. Trong im lặng của đêm trừ tịch, chợt toả ngát mùi hương một loài hoa chỉ nở lúc về chiều. Chàng nhìn ra, dưới ánh sáng lung linh của ngọn nến, những chùm dạ hợp nở trắng xoá trong đêm. Vào lúc ấy, chàng có cảm giác cô đang ở thật gần, đôi mắt ẩn sau vòm lá nhìn chàng tinh nghịch. Xuân Hoa! - Chàng ngẩng lên gọi nhỏ. Chỉ có những chùm hoa thiết mộc lan nở bung trắng xoá. Mùi hương trầm, mùi nến cháy, hương hoa lan, hoa hồng toả ngát không gian. Tiếng chân ai nhè nhẹ giẫm lên lá khô xào xạc.

 Ngoài xa, tiếng con suối vỗ róc rách thật thanh bình.

Đầu xuân Canh Thìn

  Huế tháng 2/2000

P.N.T

(SH số tháng 8 - 2007)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng