Tạp chí Sông Hương -
Những kiệt tác chân dung nghệ sỹ Nga
15:58 | 21/02/2018

Vào năm 2016, lần đầu tiên một triển lãm tranh chân dung các nghệ sỹ và nhà văn Nga được tổ chức tại London, Anh với sự hỗ trợ của Moscow.

Những kiệt tác chân dung nghệ sỹ Nga

Lần đầu tiên trong đời, những người yêu nghệ thuật Anh được chiêm ngưỡng chân dung những Chekhov, Tchaikovsky, Tolstoy… ngay tại đất nước mình.

Chân dung nhà soạn nhạc Modest Mussorgsky được Repin vẽ chỉ vài ngày trước khi ông qua đời

Vào mùa xuân năm 1881, nhà soạn nhạc Mussorgsky ngồi làm mẫu vẽ chân dung tại bệnh viện ở thành phố St Peterburg, nơi ông đang được điều trị vì chứng nghiện rượu. Ông đến trước mặt họa sỹ Ilya Repin  với một áo choàng kiểu nông dân và mái tóc rối bù. Hai người trò chuyện với nhau về cuộc mưu sát Sa hoàng Alexander đệ nhị mới xảy ra ngày hôm trước và cùng đọc các tờ báo viết về vụ mưu sát. Ấn tượng một cách sâu sắc về buổi gặp mặt, Repin sau đó đã miêu tả nhà soạn nhạc như “một thiên tài của tự nhiên, một chiến binh thời Trung cổ, một thủy thủ của Biển Đen”. Vài ngày sau, khi họa sỹ trở lại thì nhà soạn nhạc đã qua đời.

Bức chân dung đó đã được vẽ trong ngày cuối trong cuộc đời ngắn ngủi của Mussorgsky – ông qua đời ở tuổi 42, đã gây kinh ngạc cho người xem ở nhiều khía cạnh. Nó mô tả một con người đắm chìm trong rượu, tuy vẫn còn gượng chống đỡ nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu suy sụp, mũi đỏ mọng, cặp mắt còn rực lửa nhưng ánh nhìn đã chậm chạp trong hốc mắt. Những nét bút của Repin đủ nhanh để phác họa và điểm xuyết được thần thái của nhà soạn nhạc. Ông có được biệt tài nắm bắt cái thần như họa sỹ Hà Lan Frans Hals khi vẽ chân dung. Một lọn tóc quăn mềm mại nằm trên trán nhà soạn nhạc, nhắc nhở người ta nhớ đến sự trẻ trung của Mussorgsky, trái ngược với khuôn mặt sớm tàn tạ. Bức chân dung là một cách tỏ rõ sự tôn trọng của một họa sỹ xuất sắc với một nhà soạn nhạc xuất sắc.

Bức tranh thực sự là một kiệt tác. Người ta kể rằng, Kramskoy – một họa sỹ Nga nổi tiếng cùng thời và là bạn thân của Repin, đã kéo ghế ngồi hàng giờ để ngắm chân dung Mussorgsky với sự kinh ngạc không dấu giếm về sức biểu đạt phi thường của nó.

Chân dung nhà bảo trợ và nhà sưu tầm nghệ thuật Pavel Tretyakov của Repin

Repin đã từ chối nhận thù lao, ông coi đó là cách mình tưởng niệm Mussorgsky, và nhà bảo trợ của họa sỹ, Pavel Tretyakov, đã đồng ý với ông. Tretyakov là một thương gia, nhà sưu tập tranh từ năm 22 tuổi, ông có gần như đầy đủ toàn bộ tác phẩm của nhiều họa sỹ như V.G. Perov, I.N, Kramskoi, Ilya Repin, Vasili Surikov, I.I. Levitan, Valentin Serov… Ông thường đặt hàng các họa sỹ mà ông bảo trợ vẽ chân dung những nghệ sỹ là biểu tượng của văn hóa Nga. Nếu không có ông, thì không thể có bộ sưu tập tuyệt diệu những chân dung vào cuối thế kỷ 19 của Nga: Tolstoy bên bàn làm việc, Chekhov trầm ngâm trong suy tưởng, Turgeniev với khuôn mặt nghiêm nghị hay Tchaikovsky – một tay đặt nhẹ lên chồng tổng phổ, đôi mắt bộc lộ vẻ hoài nghi, và  cả bức chân dung duy nhất trong cuộc đời Dostoevsky. Năm 1892, Tretyakov hiến toàn bộ bảo tàng nghệ thuật của mình tại Moscow, trong đó trưng bày 2000 tác phẩm nghệ thuật (1.362 bức tranh, 526 bức phác họa, 9 tác phẩm kiến trúc) cho nước Nga và bảo tàng mang tên ông tại  State Tretyakov Gallery.

Trong số những bức chân dung trong cuộc triển lãm này, chân dung của Dostoevsky gây một cú sốc với người Anh, ngay cả những người từng ngắm những phiên bản của bức tranh. Nhà văn Nga nổi tiếng ngồi trong bóng tối, mái đầu quay nghiêng, ánh nhìn lảng tránh, vầng trán xương xẩu và nhợt nhạt. Năm 1849, ở tuổi 28, ông từng bị bắt giữ vì tham gia vào một tổ chức xã hội bí mật. Thoát khỏi án tử hình vào giờ chót, ông bị kết án bốn năm lao động khổ sai và năm năm phục vụ cưỡng bức trong quân đội, sức khỏe hoàn toàn suy sụp ngay trước khi trở về Moscow. Nếu như không biết gì về những điều ông phải hứng chịu – chân tay bị còng, làm việc trong trại lao động khổ sai ở Sibiri lạnh giá và trong lò lửa nóng bỏng, sống trong tình trạng cô độc, thiếu thốn và đói khát – bạn có thể thấy được tất cả điều đó trong chính bức chân dung tràn ngập cảm xúc câm lặng này. Họa sỹ tác giả - Vasily Perov, đã tạo ra một sự riêng tư hoàn toàn cho nhà văn, ông không nhìn chằm chằm vào họ, và cũng không có bất cứ ai có thể nhìn thẳng vào cặp mắt ông mà chỉ cảm thấy ánh mắt ông thiêu đốt trong lòng bóng tối.

Chân dung nhà văn Dostoevsky do họa sỹ Vasily Perov vẽ

Bức chân dung được vẽ năm 1872, lúc đó Dostoevsky đã viết xong cuốn “Tội ác và trừng phạt” (1866), “Thằng ngốc” (1869) và đang viết dở “Lũ người quỷ ám”. Bức tranh đã cho thấy dù cơ thể suy nhược và tổn thương nhưng sức sống của tinh thần sáng tạo và ý chí của ông vẫn rực cháy.   

Để có được đợt triển lãm hiếm có này, Phòng triển lãm tranh chân dung quốc gia Anh đã gửi đến Nga một số chân dung khác, trong đó có Shakespeare, Byron và Mary Wollstonecraft. Bằng cách này, năm 2012, người Anh cũng từng có cuộc triển lãm những bức tranh Mỹ tại London.

Cuộc triển lãm dường như không theo một khuôn khổ hay phạm vi nào, thời gian vẽ 30 bức tranh trải rộng tới 50 năm, nhưng đem lại rất nhiều thông điệp quý giá. Lần đầu tiên, người Anh được ngắm Chekhov, Dostoevsky hay Tchaikovsky không phải qua những bức ảnh (dẫu cho thời kỳ này, sự phổ biến của máy ảnh đã đem lại những bức ảnh chân dung với độ chính xác cao hơn cả những bức vẽ) mà là qua cặp mắt của các họa sỹ Nga thiên tài.    

Chân dung nhà văn Chekhov của Iosif Braz

Chekhov ngồi trên ghế tựa màu xanh, cổ áo trắng tinh và kính gọng mũi, ngón tay khép lại. Trong bức chân dung tinh tế và trang nghiêm này của Iosif Braz, phong cách của Chekhov không hoàn toàn giống một nhà văn mà gợi đến một bác sỹ y khoa – nghề nghiệp ông được đào tạo, đang lắng nghe một cách cẩn trọng lời nói của bệnh nhân và suy ngẫm các dữ liệu để chẩn đoán bệnh. Ở tuổi 38, Chekhov chỉ còn 6 năm nữa để sống. Cũng như Mussorgky, ông qua đời khi còn trẻ.

Những khuôn mặt Nga này nhiều chất Âu hơn Á. Một bức chân dung xuất sắc của nhà viết kịch Alexander Ostrovsky, cho thấy một khuôn mặt đậm chất Balkan – đôi mắt xanh lam nhạt, gò má rộng, tóc vàng và râu đỏ -  một hình mẫu Scandinavi thường thấy trong các vở kịch.

Chân dung nữ nghệ sỹ Maria Ermolova của Serov

Chân dung nữ nghệ sỹ Maria Ermolova cũng có trong triển lãm, một chân dung bộc lộ một nét kỳ lạ khó rời mắt. Chekhov đã viết vở kịch đầu tiên của mình cho bà; bà cũng là nữ nghệ sỹ yêu thích của Stanislavski và màn trình diễn của bà trong vở “Trinh nữ Orleans” của Schiller đã thành công đến mức được diễn trong vòng 18 năm tại Nga. Họa sỹ Serov đã khéo léo tạo cho Ermolova một thế đứng vững chãi khiến người xem phải ngước nhìn bà – gần như một bức tượng màu đen nổi bật trên nền họa tiết màu bạc trong căn hộ trang nhã của bà. Đôi tay nắm chặt, gương mặt có phần nghiêm nghị và lạnh lùng, bà ngạo nghễ thu hút sự chú ý. Đây thực sự là một màn biểu diễn bậc thầy của hai nghệ sỹ bậc thầy.

Chân dung nhà soạn nhạc Rimsky-Korsakov của Valentin Serov

Đây là ngụ ý đầu tiên về tương lai của một chuyển động nội tại trong hội họa từ chủ nghĩa hiện thực đầy sức mạnh trong những năm 1870 của Repin đến bình minh của chủ nghĩa hiện đại. Nhưng dẫu thời gian có trôi qua thì một vài đặc điểm vẫn còn được giữ lại trong nghệ thuật tranh chân dung Nga: không có nhiều trang trí ở phông nền, tất cả các áo khoác dường như được may cắt từ cùng một chất vải dày nặng, một sự tôn kính thực sự với nhân vật – họ thường ngồi bên ghế. Tolstoy rõ ràng nhìn vào họa sỹ đang đứng trước mình vài mét, vốn đang ngưỡng mộ ngắm nhà văn có một sự nghiệp văn chương đồ sộ. Nhà soạn nhạc Rimsky-Korsakov đang suy nghĩ về tác phẩm của mình, ông hoàn toàn không để ý đến sự xuất hiện của họa sỹ Valentin Serov trong phòng làm việc của mình.

Chân dung nhà sưu tầm tranh Ivan Morozov của Valentin Serov

Bức chân dung được treo cuối cùng trong cuộc triển lãm là thương gia Ivan Morozov do Serov vẽ, ông là nhà sưu tập tranh như Tretyakov. Ông thích sưu tầm những bức tranh của các họa sỹ Pháp và sở hữu nhiều tác phẩm của Monet, Gauguin và Cézanne. Serov đã vẽ Morozov, đang hơi ngả người về phía trước với khuôn mặt khôn ngoan và măng sét sáng bóng, bức tường đằng sau ông treo bức Fruit and Bronze của Matisse, nhịp điệu sôi nổi của bức họa này như tràn cả ra ngoài, thể hiện sức ảnh hưởng của nó với nhân vật. Vì thế, Morozov như được khắc họa bằng cả hai nghệ sỹ xuất sắc, một Matisse và một Serov.

Với những cuộc triển lãm như vậy, những kiệt tác chân dung các biểu tượng văn hóa Nga đã tiếp tục đến với thế giới.

Nguồn: Thanh Nhàn - Tia Sáng

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng